Các chuyên gia kinh tế đều nhấn mạnh việc kích thích người nước ngoài và cả Việt kiều mua nhà tại VN là điều tốt và nên làm nhanh mà không cần phải thí điểm hoặc “bàn tới bàn lui” nữa.
|
Từng đầu tư dự án bất động sản (BĐS) lớn gồm 168 biệt thự, mỗi biệt thự rộng 2.000 m2 tại miền Nam nước Pháp, chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành nhận định: “Tôi không rõ cách quản lý của VN mình học của nước nào, nhưng chẳng giống ai”. Cũng theo ông Thành, đa số người Đức, Mỹ, Pháp, Ý, Tây Ban Nha... hiện đang là chủ nhân của 168 biệt thự này. “Mọi giao dịch mua bán đều qua công chứng và khi đã mua được nhà, mặc nhiên bạn đã sở hữu đất đó chứ không có chuyện đất thuộc nhà nước quản lý như chúng ta”, ông Thành cho biết.
Muốn mở nhưng lại... he hé
|
Đánh giá về dự thảo luật Nhà ở sửa đổi, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, trong giai đoạn vừa qua, thông tin cho phép người nước ngoài mua nhà tại VN chủ yếu được thảo luận như một kiểu “ban ơn” với các điều kiện hạn hẹp. “Điều đó không khác gì với cơ chế xin cho đối với một lĩnh vực kinh tế bình thường. Nên điều quan trọng đầu tiên là phải thay đổi cách nhìn và nên xem xét ở góc độ thị trường, đây là một lĩnh vực cần thu hút vốn đầu tư nước ngoài mạnh hơn”, ông Hiển nói.
"BĐS là tài sản hữu hình nên càng dễ dàng quản lý hơn các thị trường khác như thị trường tài chính. Chúng ta không nên đưa ra những điều kiện như phân biệt đối tượng mua nhà để ở hay mua để đầu tư. Hiện tại, người nước ngoài đang được đầu tư nhiều lĩnh vực, thậm chí họ được giao tài nguyên biển, rừng, mỏ... và nhiều lĩnh vực khác, tại sao chúng ta còn lấn cấn trong việc cho người nước ngoài mua nhà?”, ông Hiển đặt câu hỏi.
Với quy định các cá nhân, tổ chức nước ngoài chỉ được mua, thuê mua và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư, ông Bùi Kiến Thành cho rằng, đã mở rộng cửa bàn chuyện cho người nước ngoài mua nhà, lại "móc" thêm tỷ lệ sở hữu như vậy chẳng khác nào mở cửa đón khách “lại mở he hé sợ khách vào nhà”. Ông Thành nói: “Mở cửa cho người nước ngoài mua nhà chỉ giúp tăng GDP, tăng nguồn ngoại tệ. Còn bảo sợ người nước ngoài sở hữu nhà, sở hữu đất rồi đất đai rơi vào tay nước ngoài là tư duy quá cũ của những năm 30 thế kỷ trước khi chống ngoại xâm”. Cũng như ông Hiển, ông Thành đặt vấn đề về việc VN đã cho người nước ngoài đầu tư thuê đất thời hạn dài cả nửa thế kỷ, thậm chí được giao khai thác tài nguyên thì sao. “Nếu giữ tư duy hạn chế người nước ngoài sở hữu nhà thì chúng ta cũng nên trả lời được câu hỏi việc ta đang cho nước ngoài thuê đất 50 - 70 năm ở Vũng Áng, ta cũng nên trả lời được câu hỏi cho thuê hàng trăm nghìn héc ta đất dọc biên giới để các công ty nước ngoài trồng rừng”, ông Thành dẫn chứng.
Theo chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần, các nước châu Á như Thái Lan và Singapore có cả chính sách khuyến khích người nước ngoài mua nhà tại nước họ bởi đây là chính sách tăng dòng ngoại tệ đáng kể và tạo điều kiện để người nước ngoài làm ăn đầu tư lâu dài ở nước họ. “Những quốc gia tôi đang phụ trách trong vai trò điều hành của tập đoàn tại các thị trường Mỹ, châu Á và khu vực Thái Bình Dương, chưa thấy nước nào có chính sách hạn chế hoặc bàn thảo nhiều về vấn đề này như VN. Thái Lan và Singapore khuyến khích, Mỹ và Nhật rất cởi mở, quan trọng là người mua phải chứng minh nguồn tiền sạch, tiền của mình”, ông Robert Trần cho biết thêm
Mở để liên thông với thế giới
|
Trên thực tế, những dự án BĐS tỉ USD luôn được coi là thành tích trong thu hút vốn FDI, nhưng rất nhiều dự án “hoành tráng” này không được giải ngân trên thực tế. Trong khi, người mua sản phẩm đầu cuối mới là dòng vốn thật sự lại đang bị hạn chế bởi các điều kiện khắt khe.
Ông Đinh Thế Hiển cho rằng, VN đang thu hút nguồn vốn ngoại thì đây sẽ là động lực mạnh để phát triển thị trường BĐS nói riêng và kinh tế VN nói chung. Nước Mỹ trong giai đoạn kinh tế suy thoái vừa qua cũng mở cửa cho mọi công dân trên toàn thế giới tham gia mua BĐS nhằm góp phần vực dậy thị trường, góp phần vượt qua khủng hoảng kinh tế.
Ông Hiển nói: “Nếu chúng ta chỉ trông chờ vào nguồn lực trong nước với những người mua nhà giá thấp thì nguồn lực này không đủ để tạo nên cú hích cho thị trường. Chấp nhận cho người nước ngoài mua nhà để kinh doanh, cho thuê, đầu tư tại VN là tạo một thị trường BĐS liên thông với thế giới như mọi quốc gia khác. Điều quan trọng là tạo ra hành lang pháp lý và các quy định phù hợp. Khi đó bất kể người nước ngoài nào cũng có thể tham gia, miễn là tuân thủ các quy định của VN như đăng ký, quản lý thu thuế…”.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia Bùi Kiến Thành cũng cho rằng, kinh tế đang suy thoái, việc kích thích người nước ngoài và cả Việt kiều mua nhà là điều tốt và nên làm nhanh chứ không nên thí điểm rồi thảo luận nữa. “Đây là thị trường tính theo tỉ đô, chứ không phải triệu đô. Mở toang cửa chưa chắc chúng ta thu ngay cả tỉ đô từ thị trường này, nhưng nếu không mở, chúng ta mất điểm trong mắt nhà đầu tư nước ngoài và tạo cảm giác đến VN cứ phải chuẩn bị tinh thần đối phó những điều luật không giống ai”, ông Thành nói thêm.
Ng.Nga - M.Phương
Theo Báo Thanh niên
Các bản tin khác
- Đẩy nhanh quá trình đô thị hóa
- Đổi mới mạnh mẽ việc giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức
- Đà Nẵng ngày càng xanh hơn
- Căn hộ giá tầm trung hút người mua vì khan hiếm
- Đất nền ven biển miền Trung giá tầm trung
- Bất động sản ồ ạt bung hàng, ‘vét’ tiền cuối năm
- Cần lắm tính minh bạch của thị trường bất động sản
- Căn hộ thông minh đánh trúng nhu cầu người sành điệu
- Sắp khai trương khách sạn 5 sao đầu tiên trên bãi biển Mỹ Khê - Đà Nẵng
- Cho thuê nhà, bán nhà phải nộp thuế điện tử
- Hội nghị trực tuyến triển khai công tác tư pháp năm 2016, định hướng nhiệm kỳ 2016-2020
- Ba kịch bản thị trường bất động sản 2016
- 'Nghệ thuật kinh doanh' sẽ thổi bùng bong bóng nhà đất?
- Lãi 15%/năm khi đặt bút ký hợp đồng mua căn hộ?
- Cơ hội rộng mở với thị trường bất động sản năm 2016
- Thị trường bất động sản: Khởi động chu kỳ phát triển mới
- Thúc đẩy thu hút vốn đầu tư thị trường bất động sản
- Phân khúc nhà ở 2015: Những con số gây sốc!
- Thị trường bất động sản 2016: Sừng sững bóng “đại gia”
- Quy hoạch hai bờ sông Hàn: Gắn du lịch sông nước với sông Hàn