Các chuyên gia kinh tế đều nhấn mạnh việc kích thích người nước ngoài và cả Việt kiều mua nhà tại VN là điều tốt và nên làm nhanh mà không cần phải thí điểm hoặc “bàn tới bàn lui” nữa.
|
Từng đầu tư dự án bất động sản (BĐS) lớn gồm 168 biệt thự, mỗi biệt thự rộng 2.000 m2 tại miền Nam nước Pháp, chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành nhận định: “Tôi không rõ cách quản lý của VN mình học của nước nào, nhưng chẳng giống ai”. Cũng theo ông Thành, đa số người Đức, Mỹ, Pháp, Ý, Tây Ban Nha... hiện đang là chủ nhân của 168 biệt thự này. “Mọi giao dịch mua bán đều qua công chứng và khi đã mua được nhà, mặc nhiên bạn đã sở hữu đất đó chứ không có chuyện đất thuộc nhà nước quản lý như chúng ta”, ông Thành cho biết.
Muốn mở nhưng lại... he hé
|
Đánh giá về dự thảo luật Nhà ở sửa đổi, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, trong giai đoạn vừa qua, thông tin cho phép người nước ngoài mua nhà tại VN chủ yếu được thảo luận như một kiểu “ban ơn” với các điều kiện hạn hẹp. “Điều đó không khác gì với cơ chế xin cho đối với một lĩnh vực kinh tế bình thường. Nên điều quan trọng đầu tiên là phải thay đổi cách nhìn và nên xem xét ở góc độ thị trường, đây là một lĩnh vực cần thu hút vốn đầu tư nước ngoài mạnh hơn”, ông Hiển nói.
"BĐS là tài sản hữu hình nên càng dễ dàng quản lý hơn các thị trường khác như thị trường tài chính. Chúng ta không nên đưa ra những điều kiện như phân biệt đối tượng mua nhà để ở hay mua để đầu tư. Hiện tại, người nước ngoài đang được đầu tư nhiều lĩnh vực, thậm chí họ được giao tài nguyên biển, rừng, mỏ... và nhiều lĩnh vực khác, tại sao chúng ta còn lấn cấn trong việc cho người nước ngoài mua nhà?”, ông Hiển đặt câu hỏi.
Với quy định các cá nhân, tổ chức nước ngoài chỉ được mua, thuê mua và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư, ông Bùi Kiến Thành cho rằng, đã mở rộng cửa bàn chuyện cho người nước ngoài mua nhà, lại "móc" thêm tỷ lệ sở hữu như vậy chẳng khác nào mở cửa đón khách “lại mở he hé sợ khách vào nhà”. Ông Thành nói: “Mở cửa cho người nước ngoài mua nhà chỉ giúp tăng GDP, tăng nguồn ngoại tệ. Còn bảo sợ người nước ngoài sở hữu nhà, sở hữu đất rồi đất đai rơi vào tay nước ngoài là tư duy quá cũ của những năm 30 thế kỷ trước khi chống ngoại xâm”. Cũng như ông Hiển, ông Thành đặt vấn đề về việc VN đã cho người nước ngoài đầu tư thuê đất thời hạn dài cả nửa thế kỷ, thậm chí được giao khai thác tài nguyên thì sao. “Nếu giữ tư duy hạn chế người nước ngoài sở hữu nhà thì chúng ta cũng nên trả lời được câu hỏi việc ta đang cho nước ngoài thuê đất 50 - 70 năm ở Vũng Áng, ta cũng nên trả lời được câu hỏi cho thuê hàng trăm nghìn héc ta đất dọc biên giới để các công ty nước ngoài trồng rừng”, ông Thành dẫn chứng.
Theo chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần, các nước châu Á như Thái Lan và Singapore có cả chính sách khuyến khích người nước ngoài mua nhà tại nước họ bởi đây là chính sách tăng dòng ngoại tệ đáng kể và tạo điều kiện để người nước ngoài làm ăn đầu tư lâu dài ở nước họ. “Những quốc gia tôi đang phụ trách trong vai trò điều hành của tập đoàn tại các thị trường Mỹ, châu Á và khu vực Thái Bình Dương, chưa thấy nước nào có chính sách hạn chế hoặc bàn thảo nhiều về vấn đề này như VN. Thái Lan và Singapore khuyến khích, Mỹ và Nhật rất cởi mở, quan trọng là người mua phải chứng minh nguồn tiền sạch, tiền của mình”, ông Robert Trần cho biết thêm
Mở để liên thông với thế giới
|
Trên thực tế, những dự án BĐS tỉ USD luôn được coi là thành tích trong thu hút vốn FDI, nhưng rất nhiều dự án “hoành tráng” này không được giải ngân trên thực tế. Trong khi, người mua sản phẩm đầu cuối mới là dòng vốn thật sự lại đang bị hạn chế bởi các điều kiện khắt khe.
Ông Đinh Thế Hiển cho rằng, VN đang thu hút nguồn vốn ngoại thì đây sẽ là động lực mạnh để phát triển thị trường BĐS nói riêng và kinh tế VN nói chung. Nước Mỹ trong giai đoạn kinh tế suy thoái vừa qua cũng mở cửa cho mọi công dân trên toàn thế giới tham gia mua BĐS nhằm góp phần vực dậy thị trường, góp phần vượt qua khủng hoảng kinh tế.
Ông Hiển nói: “Nếu chúng ta chỉ trông chờ vào nguồn lực trong nước với những người mua nhà giá thấp thì nguồn lực này không đủ để tạo nên cú hích cho thị trường. Chấp nhận cho người nước ngoài mua nhà để kinh doanh, cho thuê, đầu tư tại VN là tạo một thị trường BĐS liên thông với thế giới như mọi quốc gia khác. Điều quan trọng là tạo ra hành lang pháp lý và các quy định phù hợp. Khi đó bất kể người nước ngoài nào cũng có thể tham gia, miễn là tuân thủ các quy định của VN như đăng ký, quản lý thu thuế…”.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia Bùi Kiến Thành cũng cho rằng, kinh tế đang suy thoái, việc kích thích người nước ngoài và cả Việt kiều mua nhà là điều tốt và nên làm nhanh chứ không nên thí điểm rồi thảo luận nữa. “Đây là thị trường tính theo tỉ đô, chứ không phải triệu đô. Mở toang cửa chưa chắc chúng ta thu ngay cả tỉ đô từ thị trường này, nhưng nếu không mở, chúng ta mất điểm trong mắt nhà đầu tư nước ngoài và tạo cảm giác đến VN cứ phải chuẩn bị tinh thần đối phó những điều luật không giống ai”, ông Thành nói thêm.
Ng.Nga - M.Phương
Theo Báo Thanh niên
Các bản tin khác
- Sẽ kiến nghị Thủ tướng bỏ thông tư 16 của Bộ Xây dựng
- Ghế sếp ngân hàng lớn nào “nóng” nhất?
- Thị trường bất động sản "ấm" lên
- Đề nghị tăng thời gian cho người mua nhà ở xã hội vay vốn ưu đãi từ 10 năm lên 15 năm
- Thị trường bất động sản Đà Nẵng: Bất ngờ!
- Cấp GCN quyền sử dụng đất các dự án TĐC phục vụ giải toả Nút giao thông khác mức ngã ba Huế
- Đà Nẵng sẽ có thêm hai quận mới
- Sẽ thêm quyền cho công chứng viên
- Bí thư Thành uỷ Trần Thọ: Chúng ta phải biết nâng niu, trân trọng doanh nghiệp
- Gói 30.000 tỷ: Còn cách nào ngoài “leo cột mỡ”?
- Khác biệt giữa giấy ủy quyền và hợp đồng ủy quyền
- Văn phòng công chứng Bảo Nguyệt trao quà tết cho người nghèo
- "Bông Hồng xứ Quảng" trên Báo Công an thành phố Đà Nẵng số Xuân
- 2014, bất động sản hồi sinh?
- Thành lập Ban Chỉ đạo "Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014"
- Giới kinh doanh nhà đất buồn vui lẫn lộn
- Năm 2014, vốn ngoại sẽ chảy mạnh vào bất động sản
- Bất động sản lạc quan thận trọng
- “Nới” quy định về cấp sổ đỏ cho đất không giấy tờ
- Nâng cao vai trò trách nhiệm lãnh đạo của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp