(ĐTCK) Đến thời điểm hiện tại, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng đã “chạy” được 16 tháng nhưng mới giải ngân được hơn 10%.
PV đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sảnTP. HCM (Horea) xung quanh vấn đề này.
Ông Lê Hoàng Châu
Ông đánh giá thế nào về tiến độ giải ngân của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho vay nhà ở cho đến thời điểm này?
Hiện gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng dành cho người thu nhập thấp vay mua nhà ở mới giải ngân được hơn 10%, khoảng trên 3.000 tỷ đồng trên phạm vi toàn quốc. Riêng tại TP. HCM, số tiền giải ngân là 709 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân cho 1.192 khách hàng cá nhân với 344 tỷ đồng. Tính ra bình quân mỗi khách hàng cá nhân được vay 400 - 600 triệu đồng/người.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 61/2014/NQ-CP (ngày 21/8/2014) nhằm tháo gỡ những khó khăn trong giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, như mở thêm đối tượng khách hàng được vay là cán bộ công nhân viên chức vay để xây nhà trên đất có sẵn; chủ nhà trọ vay để xây nhà trọ cho thuê; người dân vay mua căn hộ, nhà đất có giá dưới 1,05 tỷ đồng; cho phép thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai; thời gian vay kéo dài từ 10 năm lên 15 năm; lãi suất khoản vay chỉ còn 5%/năm… Tuy nhiên, tiến độ giải ngân của gói tín dụng này vẫn chưa có nhiều cải thiện.
Những thay đổi trong Nghị quyết 61 đã phần nào tháo gỡ khó khăn trong việc giải ngân gói 30.000 tỷ, nhưng để đẩy nhanh giải ngân gói tín dụng này hơn nữa, theo Horea, cần phải có những thay đổi đột phá.
Chẳng hạn, thời hạn vay nên kéo dài thêm đến 20 năm; người vay mua nhà ở xã hội cũng như vay mua nhà ở thương mại đều được ân hạn 3 năm đầu chưa trả lãi vay và vốn gốc. Như vậy, người dân vay tiền sẽ có một khoảng thời gian tích lũy tài sản, để đến năm thứ 4 họ sẽ dễ dàng trả các khoản nợ hơn.
Thứ hai, Horea kiến nghị, người mua nhà của nhà đầu tư cấp 2 và chủ đầu tư xây nhà ở thương mại (dự án căn hộ mới hoặc căn hộ dở dang) có giá dưới 1,05 tỷ đồng cũng được vay gói 30.000 tỷ đồng. Làm như vậy sẽ góp phần giải phóng được hàng tồn kho bất động sản và loại bỏ những nhà đầu tư yếu kém ra khỏi thị trường.
Thứ ba, về lâu dài, Chính phủ nên hạ lãi suất cho người vay mua nhà ở xã hội về mức 3 - 3,5%/năm, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, vấn đề về thủ tục vẫn còn vướng ở khâu xác nhận tình trạng nhà ở của người đi vay. Đối với người dân, tự chịu trách nhiệm về tình trạng nhà ở và xin xác nhận của UBND cấp phường, xã; đối với cán bộ công nhân viên chức phải xin xác nhận tình trạng nhà ở của thủ trưởng đơn vị. Điều này, vô hình trung làm khó người xác nhận vì họ phải chịu trách nhiệm. Horea kiến nghị, chỉ cần thủ trưởng đơn vị ký xác nhận là được.
Đến nay, tại TP. HCM có 11 dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi sang nhà ở xã hội, nhưng mới chỉ có 2 doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này là con số khá khiêm tốn. Nguyên nhân xuất phát từ điều kiện để các doanh nghiệp bất động sản có thể tiếp cận vay vốn của gói 30.000 tỷ đồng là không dính nợ xấu.
Khi gói 30.000 tỷ đồng được tháo gỡ các vướng mắc, giải ngân nhanh hơn sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản sôi động trở lại, tạo động lực cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Theo quy định, đến 1/6/2016 sẽ kết thúc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, trong khi lượng nhà ở cung cấp cho gói này rất thiếu. Vậy làm sao để có nguồn hàng kịp đáp ứng nhu cầu của thị trường, thưa ông?
Có 2 giải pháp để tăng nguồn cung nhà ở xã hội nhanh đó là chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội hoặc chia nhỏ căn hộ để có giá bán dưới 1,05 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc chia nhỏ căn hộ đang gặp nhiều khó khăn khi nhiều dự án muốn làm nhưng không được thực hiện vì lý do sẽ tác động đến hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và kiến trúc tổng thể của Thành phố.
Theo tôi, chúng ta phải chấp nhận thực trạng này trong giai đoạn chuyển đổi. Chính phủ cho phép chia nhỏ căn hộ nếu không làm thay đổi tổng diện tích sàn. Quy mô dân số có thể tăng, nhưng vẫn nằm trong khả năng chịu đựng được.
Như vậy đến năm 2020, chúng ta làm sao đạt được mục tiêu diện tích nhà ở bình quân 25 m2 sàn/người, thưa ông?
Như đã nói ở trên, trong giai đoạn chuyển đổi, chúng ta phải chấp nhận điều kiện nhà ở không được rộng và tiện ích chưa được đầy đủ. Ngay như Singapore, phát triển đô thị cũng trải qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu, họ chấp nhận ở chật, ở xấu, không đủ tiện ích. Sau 20 - 25 năm, Singapore cải tạo và xây dựng lại, mới có được một đất nước quy hoạch và phát triển hiện đại như hiện nay.
Các bản tin khác
- Mua nhà và nỗi ám ảnh
- "Bội thực" nguồn cung condotel
- Tiếp dân khu vực Cồn Dầu: chủ trương hoán đổi cho mỗi hộ một lô ở gần khu vực Nhà thờ Cồn Dầu
- 'Tiền mất tật mang' khi mua nhà là tài sản chung
- Tư vấn chọn hướng nhà chung cư sao cho hợp phong thủy
- Đối thoại trực tuyến "Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất"
- Xây nhà hiện đại chỉ 350 triệu đồng cho vợ chồng trẻ
- Vốn ngoại 'tìm' khách sạn 3-4 sao tại Việt Nam
- ‘Chết’ vì mua nhà đất theo… tin đồn
- Dự án Công viên văn hóa, lịch sử Ngũ Hành Sơn: Dân bức xúc vì chậm giải tỏa
- Thị trường bất động sản: Lại giở chiêu lách luật bằng hợp đồng góp vốn
- Dân tài chính, ngân hàng làm gì khi BĐS nghỉ dưỡng “lên ngôi”?
- 17 yếu tố cần biết về phong thủy văn phòng
- Bế tắc việc cấp sổ hồng cho người mua nhà đất giấy tay
- Hàng trăm khách hàng dự ra mắt Sun Premier Village Kem Beach Resort
- Xem xét bơm thêm vốn cho vay tiêu dùng, mua nhà
- Phát triển khu du lịch Sơn Trà: Thống nhất, đồng thuận mới triển khai
- Dự án Sheraton tăng tốc về đích phục vụ APEC 2017
- Phê duyệt tổng mặt bằng điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết TL1/500 Khu đô thị mới Thuận Phước – Đà Nẵng
- Nguồn thu từ bất động sản tăng cao