TT - Hiện tượng chậm làm thủ tục cấp giấy chủ quyền nhà đất cho người dân xảy ra ở nhiều dự án.
Tuy nhiên, hiện chưa có chế tài đủ mạnh để ràng buộc các chủ đầu tư nhanh làm giấy chủ quyền cho dân.
Ảnh: CTV |
Ông PHẠM NGỌC LIÊN - giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP.HCM - đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ.
Ông Liên cho biết: Hiện tượng các chủ đầu tư không sòng phẳng trong việc làm thủ tục cấp giấy cho người dân cần phải xử lý triệt để, bởi nhà đất đối với người dân không chỉ là chỗ an cư mà còn là tài sản vì có giá trị cao.
Và để xử lý vấn đề này, theo tôi, Chính phủ nên giao cho các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội... - nơi nhà đất có giá trị lớn - có quy định riêng, đưa ra những biện pháp chế tài đủ sức răn đe nhằm đảm bảo việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng mua nhà, đất.
* Theo chúng tôi được biết, hiện có nhiều dự án đã hoàn tất hồ sơ nhưng người mua nhà vẫn chưa được cấp giấy chủ quyền, vì sao thưa ông?
- Những dự án đã bàn giao nhà cho dân nhưng chưa được cấp giấy chủ quyền đều có vướng mắc, trong đó chủ yếu là các dự án đủ điều kiện cấp giấy nhưng chủ đầu tư hoặc người dân chậm làm thủ tục; các dự án đang bị chủ đầu tư thế chấp cho ngân hàng hoặc đang bị cơ quan chức năng ngăn chặn để bảo đảm các khoản nợ của chủ đầu tư; dự án mà chủ đầu tư vi phạm xây dựng chưa được cơ quan chức năng xử lý....
* Chủ đầu tư thế chấp dự án ở ngân hàng để vay tiền, chưa giải chấp mà bán tiếp nhà cho người dân là vi phạm. Cơ quan quản lý nhà nước làm gì để bảo vệ quyền lợi người mua nhà?
Tới đây, trong nghị định xử phạt vi phạm hành chính, Chính phủ nên giao cho UBND các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM... có quy định riêng để xử lý các chủ đầu tư chậm làm giấy chủ quyền nhà cho người mua nhà |
Ông PHẠM NGỌC LIÊN |
- Trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và công trình hình thành trong tương lai cho ngân hàng để vay tiền thì phải xóa thế chấp xong mới có thể cấp giấy chủ quyền đứng tên chủ đầu tư. Sau đó, chủ đầu tư làm hợp đồng bán nhà cho khách hàng.
Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tháo gỡ bằng cách mời đại diện các chủ đầu tư và ngân hàng nhận thế chấp để phối hợp xử lý.
Hiện trong chung cư còn những phần thuộc sở hữu của chủ đầu tư như các căn hộ chưa bán, phần kinh doanh thương mại...
Chủ đầu tư và các ngân hàng phải tính toán lại, nếu phần sở hữu riêng của chủ đầu tư có giá trị đủ để bảo lãnh cho khoản nợ, ngân hàng chủ động cùng chủ đầu tư nộp hồ sơ làm giấy chủ quyền nhà. Biên nhận hồ sơ do ngân hàng giữ.
Sau khi Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp giấy chủ quyền cho chủ đầu tư, những căn hộ nào chủ đầu tư đã bán cho dân sẽ chuyển về văn phòng đăng ký các quận, huyện làm thủ tục để cấp cho dân.
Những phần tài sản nào thuộc chủ đầu tư, văn phòng đăng ký giao trực tiếp cho ngân hàng. Giải pháp này thời gian qua đã tháo gỡ được một số dự án.
Tuy nhiên, nhiều dự án có số nợ ở ngân hàng lớn hơn nhiều so với tài sản của chủ đầu tư còn lại trong dự án nên ngân hàng không đồng ý giải chấp để cấp giấy chủ quyền cho dân. Hoặc ngoài nợ ngân hàng, chủ đầu tư còn nợ rất nhiều nơi khác.
Khi nghe tin văn phòng đăng ký giải quyết nợ ngân hàng thì những chủ nợ khác “lên tiếng”, làm thủ tục ngăn chặn. Những trường hợp chủ đầu tư còn nợ tư nhân, người dân đã mua nhà trong các dự án này phải chờ một thời gian nữa mới được giải quyết.
* Đối với các dự án có vi phạm xây dựng là do lỗi của chủ đầu tư. Vì sao cơ quan chức năng lại ngưng cấp giấy chủ quyền cho người dân?
Nhiều dự án đã bàn giao nhà, đất nhưng chưa được cấp giấy Cho đến nay, theo ông Liên, ngoài 291 dự án nhà ở đã bàn giao nhà cho khách hàng và đã cấp giấy chủ quyền, trên địa bàn còn 35 dự án chưa được cấp hoặc cấp một phần giấy chủ quyền (gồm bốn dự án đã nộp hồ sơ nhưng chưa cấp giấy chủ quyền được do vướng mắc, 13 dự án đã cấp một phần, 10 dự án chủ đầu tư đang gửi văn bản yêu cầu hướng dẫn thủ tục và 8 dự án đang làm hồ sơ chuyển sang quy trình cấp giấy mới theo nghị định 43). “Nhưng theo tôi, con số các dự án chưa được cấp giấy chủ quyền không dừng lại ở đó, bởi chúng tôi vừa nhận được phản ánh về một dự án khác không có trong danh sách mà văn phòng đăng ký đang theo dõi...” - ông Liên cho biết. |
- Trước đây, UBND TP đã chỉ đạo các cơ quan liên quan giải quyết cấp giấy chủ quyền nhà đất của người dân theo nguyên tắc người mua không có lỗi, phải giải quyết cho người mua.
Tuy nhiên, có một số dự án mà chủ đầu tư sai phạm quá nhiều, không bảo đảm an toàn cho công trình. Chúng tôi không lấy việc cấp giấy chủ quyền cho dân để làm sức ép lên chủ đầu tư, nhưng nếu vận dụng nguyên tắc người dân không có lỗi mà cấp giấy chủ quyền, không xử lý đến cùng sai phạm của chủ đầu tư thì không được vì người dân ở không an toàn.
Do vậy, phải yêu cầu chủ đầu tư thực hiện khắc phục một số sai phạm để bảo đảm an toàn cho công trình, tiện nghi tối thiểu cho người dân thì mới tiến hành cấp giấy.
* Có dư luận cho rằng các chuyên viên của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất làm khó các doanh nghiệp, đòi hỏi nhiều thủ tục vô lý khi họ làm thủ tục cấp giấy chủ quyền cho dự án?
- Tôi chưa nghe doanh nghiệp nào phản ảnh về điều này. Mà ngược lại, Sở Tài nguyên - môi trường còn xuống tận các quận, huyện họp với các doanh nghiệp để hỏi họ khó cái gì, vướng ở đâu để bàn cách tháo gỡ.
Doanh nghiệp nào có bằng chứng chuyên viên văn phòng đăng ký làm khó, đòi hỏi thủ tục vô lý hay nhũng nhiễu doanh nghiệp, tôi sẽ xử lý ngay.
Còn văn phòng đăng ký làm sai thủ tục gì, quy định gì, doanh nghiệp chỉ cho tôi biết, nếu đúng tôi rất cảm ơn.
* Vì sao các cơ quan chức năng không xử lý mạnh tay đối với những chủ đầu tư cố ý xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, thưa ông?
- Dù có muốn xử lý mạnh tay cũng không được vì hiện chưa có quy định chế tài chủ đầu tư chậm làm giấy chủ quyền cho dân. Theo nghị định 71, quy định phải làm thủ tục cấp giấy chủ quyền cho người mua trong vòng 50 ngày, kể từ ngày bàn giao nhà ở.
Nhưng hiện tại nhiều trường hợp vi phạm, chủ đầu tư giao nhà 2-3 năm chưa làm thủ tục cấp giấy chủ quyền nhà đất cho dân nhưng chưa có chủ đầu tư nào bị chế tài.
Nghị định 105 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai cũng không quy định điều này. Chỉ có hành vi chậm đăng ký đất sau khi bán nhà mới bị phạt tiền nhưng mức phạt rất thấp.
* Chẳng lẽ các cơ quan chức năng bó tay với những chủ đầu tư này?
- UBND TP đã chỉ đạo phải kiểm tra, thanh tra các chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp giấy chủ quyền cho dân, đem tài sản đã bán đi cầm cố, thế chấp hoặc đã thế chấp mà vẫn đem tài sản đi bán. Những công ty sai phạm trong việc cấp giấy chủ quyền sẽ không được giao đất làm dự án mới.
Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp răn đe của UBND TP chứ không phải là biện pháp chính thống để xử lý vi phạm.
Theo tôi biết, từ trước đến nay chưa có doanh nghiệp nào bị từ chối giao đất vì chậm làm thủ tục cấp giấy chủ quyền cho người mua trong các dự án cũ. Nghị định 43 mới ban hành hướng dẫn Luật đất đai cũng chỉ quy định nếu chậm đưa đất vào sử dụng thì không giao đất mới.
Dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính mới (hướng dẫn Luật đất đai 2013) cũng chưa thấy quy định xử phạt hành vi chậm làm thủ tục cấp giấy chủ quyền.
Các bản tin khác
- Bất động sản TP.HCM mắc kẹt chính sách
- Không đồng ý cho thi hành án hợp đồng công chứng
- Tạo điều kiện cho Việt kiều mua nhà ở trong nước
- Giảm thời hạn xác nhận tình trạng hôn nhân
- Nhà ngoại ô giá rẻ hút khách
- Bỏ quy định ghi tên cha mẹ trên CMND
- Tín hiệu vui…
- Các chiêu “phù phép” giấy tờ nhà đất
- Tin tức, dự án BĐS nổi bật tuần từ 9/9 đến 14/9
- TỪ THỰC TRẠNG NHÀ KHÔNG PHÉP Cần phải tạo quỹ đất giá rẻ
- Giá khởi điểm đấu giá 36 lô đất mặt tiền đường Hoàng Sa: 13,5 triệu đồng/m2
- Mạnh dạn xóa đồ án quy hoạch kém khả thi
- Thận trọng với 'chiêu' bất động sản lách luật
- Doanh nghiệp cố tình tính nhầm thuế VAT cho người mua nhà
- Cho vay mua nhà đang ấm lên
- 8.500 căn hộ bán theo chương trình nhà ở xã hội
- Sửa luật cho bất động sản
- Việt kiều được mua nhà ở tại các khu dân cư
- Địa ốc: rối vì luật!
- FDI vào BĐS tăng: Thực hay ảo?