Năm 2014, Ngày Pháp luật được gắn với triển khai thi hành Hiến pháp (sửa đổi), Hiến pháp của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhân sự kiện trọng đại này.
* Xin Bộ trưởng cho biết ý nghĩa của Ngày Pháp luật năm nay đối với việc triển khai Hiến pháp năm 2013?
* Như chúng ta đã biết, Ngày Pháp luật là một sự kiện chính trị - pháp lý có ý nghĩa quan trọng, trước hết là nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội, đồng thời qua đó làm cho tinh thần thượng tôn pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức, hành vi, hoạt động của mọi người dân, mọi cơ quan, tổ chức và toàn xã hội. Trong năm 2013, việc tổ chức lần đầu tiên Ngày Pháp luật trong phạm vi cả nước đã thành công tốt đẹp. Năm 2014, là năm đầu tiên tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp (sửa đổi), Hiến pháp của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước, với rất nhiều nhiệm vụ lớn đã và đang được Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương triển khai như tuyên truyền, phổ biến nội dung của Hiến pháp, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với nội dung, tinh thần của Hiến pháp, xây dựng các luật, pháp lệnh để cụ thể hóa Hiến pháp... Chính vì vậy, Ngày Pháp luật năm nay có ý nghĩa rất quan trọng, vừa là sự tiếp nối đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng nêu trên, đồng thời cũng góp phần tích cực trong việc phát huy giá trị hiệu lực, hiệu quả của Hiến pháp, đưa các quy định của Hiến pháp đi vào cuộc sống. Với ý nghĩa như vậy, trên cơ sở ý kiến thống nhất của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật trung ương, Bộ Tư pháp đã có hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương tổ chức Ngày pháp luật năm 2014 với chủ đề: “Toàn dân tích cực tìm hiểu và nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp, pháp luật vì mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Điểm nhấn: Cuộc thi viết tìm hiểu về Hiến pháp
* Được biết một trong những điểm nhấn của Ngày Pháp luật năm nay là việc Công bố và phát động Cuộc thi viết tìm hiểu Hiến pháp năm 2013 trên phạm vi toàn quốc, xin Bộ trưởng cho biết mục đích mà Cuộc thi hướng tới là gì?
* Nhằm tiếp tục tổ chức Ngày Pháp luật một cách thiết thực, hiệu quả theo đúng quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, trên cơ sở phát huy kết quả kinh nghiệm tổ chức Ngày Pháp luật đầu tiên năm 2013, việc tổ chức Ngày pháp luật năm 2014 được chuẩn bị khá chủ động, với nhiều nội dung và hình thức phong phú. Và đúng như Nhà báo nhận định, một trong những hoạt động được coi là điểm nhấn của Ngày Pháp luật năm nay là việc tổ chức cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Đây là cuộc thi với quy mô toàn quốc, được tổ chức trên cơ sở Quyết định số 251/QĐ-TTg ngày 13/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ với mục đích hướng tới là phổ biến sâu rộng tinh thần và nội dung của Hiến pháp đến các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động và người Việt Nam ở nước ngoài, nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng, chấp hành, bảo vệ Hiến pháp; góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển đấtnước vững mạnh, tăng cường khả năng tự vệ, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Cuộc thi kéo dài trong 1 năm và dự kiến sẽ tổ chức tổng kết, trao giải vào dịp Ngày pháp luật năm 2015.
Ngày Pháp luật đã dần đi vào chiều sâu
* Năm nay là năm thứ 2 Ngày Pháp luật đi vào cuộc sống, những lo ngại ban đầu về tính hình thức, sự thờ ơ của người dân đối với ngày này đã dần được xóa bỏ. Thực tế cho thấy các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân rất hào hứng đối với Ngày Pháp luật và đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền pháp luật phong phú hưởng ứng ngày này. Là Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cảm xúc của Bộ trưởng đối với Ngày Pháp luật như thế nào?
* Qua 01 năm triển khai thực hiện Ngày Pháp luật, theo đánh giá chung của Bộ Tư pháp, các cấp ủy Đảng, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, tích cực, chủ động triển khai thực hiện gắn với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý xã hội bằng pháp luật, với việc triển khai thi hành Hiến pháp và nhiều đạo luật mới được Quốc hội thông qua với nhiều mô hình, cách làm hay đã được áp dụng. Có thể khẳng định rằng, Ngày Pháp luật đã tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, hình thành ý thức tự giác tuân thủ Hiến pháp và pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân cả nước, đồng thời còn là thông điệp trực tiếp gửi đến nhân dân thế giới, các nhà đầu tư, kiều bào ta ở nước ngoài về hình ảnh của một nước Việt Nam đang đổi mới với cam kết xây dựng một đất nước thượng tôn Hiến pháp, pháp luật, suy tôn pháp quyền, bảo vệ, bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền công dân.
Chính kết quả này đã tạo tiền đề cho Bộ Tư pháp, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tự tin, tiếp tục hướng dẫn các Bộ, ngành, các tổ chức, đoàn thể và các địa phương về nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật năm 2014. Qua theo dõi, cho đến nay, hầu hết các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể và tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành, đã và đang thực hiện kế hoạch tổ chức Ngày Pháp luật bằng rất nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng và sáng tạo. Trọng tâm về nội dung của Ngày Pháp luật năm 2014 là tuyên truyền, phổ biến về Hiến pháp; về những đạo luật quan trọng đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và những đạo luật đang được Quốc hội xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân, như: Bộ luật dân sự, Luật hộ tịch, Luật căn cước công dân, Luật việc làm, Luật nhà ở, Luật đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật nghĩa vụ quân sự... Các thông tin pháp luật và thi hành pháp luật trong các lĩnh vực như bảo vệ biển đảo, chủ quyền quốc gia; phòng, chống tham nhũng; an toàn giao thông; an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo vệ người tiêu dùng; giải quyết các tranh chấp về đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo v.v… cũng đã được các Bộ, ngành, địa phương lựa chọn để tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong dịp này.
Nhờ vậy, Ngày Pháp luật đã dần đi vào chiều sâu những vấn đề, những câu chuyện pháp luật trong đời sống thường ngày của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng, tạo thành sự quan tâm và cũng là yêu cầu ngày càng cao hơn của Nhân dân, của xã hội đối với chất lượng xây dựng pháp luật và hiệu quả tổ chức thi hành từ phía Nhà nước.
Với cá nhân tôi và với toàn ngành Tư pháp, điều này vừa là đòi hỏi vừa là sự động viên và là động lực cho những cố gắng nhiều hơn để góp phần làm sao cũng như năm trước, trên khắp mọi miền của đất nước, Ngày Pháp luật năm nay cũng sẽ được xã hội đón nhận và tích cực hưởng ứng như một Ngày hội toàn dân.
* Bộ trưởng nhắn gửi thông điệp gì tới người dân và các cán bộ, công chức nhân Ngày Pháp luật?
* Với chủ đề: “Toàn dân tích cực tìm hiểu và nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp, pháp luật vì mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, thông qua Ngày Pháp luật năm nay, tôi mong muốn mỗi cán bộ, đảng viên đặc biệt là những cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tự soi lại mình, tự kiểm điểm trách nhiệm của mình trong thực thi công vụ và trong quan hệ với nhân dân. Từ đó, mỗi người tự mình chủ động tìm hiểu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức hiểu biết pháp luật, đặc biệt là quán triệt và nắm vững các nội dung, tinh thần của Hiến pháp để vận dụng trong quá trình thực thi công vụ của mình; nêu cao hơn nữa tinh thần gương mẫu trong tuân thủ, chấp hành Hiến pháp và pháp luật, tự điều chỉnh trong ý thức và hành xử cho xứng đáng là những “công bộc” của nhân dân như Bác Hồ đã dạy. Đối với mỗi người dân, Ngày Pháp luật là dịp để mỗi người nhận thức sâu sắc và đầy đủ hơn ý nghĩa, nội dung của Hiến pháp, của pháp luật trong đời sống xã hội, cũng như trách nhiệm và bổn phận công dân của mình trong việc tuân thủ, chấp hành pháp luật, tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật. Chính vì vậy, tôi cho rằng thông điệp quan trọng nhất thông qua Ngày Pháp luật năm nay chính là tiếp tục khơi dậy, phát huy tính tích cực công dân và cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của từng cơ quan, tổ chức và mỗi người dân trong việc tìm hiểu và tổ chức thi hành, bảo vệ Hiến pháp, pháp luật với nhận thức sâu sắc rằng Hiến pháp, pháp luật thực sự là của chính mình, do mình làm ra, do mình tổ chức thực hiện, là công cụ phát triển bền vững của đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc và cũng là công cụ bảo vệ cuộc sống an toàn, hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng.
* Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Hồng Thúy (thực hiện)
Theo Cổng TTĐT Bộ Tư Pháp
Các bản tin khác
- Phát triển Sơn Trà thành trọng điểm du lịch
- Xu hướng đầu tư biệt thự biển năm 2017
- Hầm qua sông Hàn vì mai sau
- Phê duyệt giá khởi điểm để tổ chức đấu giá 50 lô đất
- Cuối năm nên gửi tiết kiệm, đầu tư bất động sản, vàng hay chứng khoán?
- Đà Nẵng - dấu ấn 20 năm đổi mới Khởi sắc diện mạo đô thị
- Xây hầm qua sông Hàn từ tư duy giao thông đi trước
- Phương án hỗ trợ do giảm mặt cắt đường sau khi hình thành Nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương
- Tận hưởng Thiên đường giáng sinh 2016 tại Asia Park
- Hội thảo "Đà Nẵng-20 năm quy hoạch và phát triển đô thị": Khuyến nghị chưa vội xây hầm chui qua sông Hàn
- TPP sẽ xoay chuyển bất động sản Việt Nam
- Cận cảnh khu nghỉ dưỡng 5 sao+ quốc tế vừa khai trương tại Phú Quốc
- Sun Group mời khách hàng ra đảo Ngọc đón bình minh rạng rỡ
- 20 năm nhìn lại công tác quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị TP Đà Nẵng
- Sân vận động Hòa Xuân: "Ngôi nhà mới" của bóng đá Đà Nẵng
- VinaCapital đầu tư 650 tỷ đồng phát triển khu biệt thự biển
- Bất động sản nghỉ dưỡng “bình dân” dậy sóng
- Đà Nẵng sẽ xây hầm vượt sông Hàn
- Tại sao phải công chứng các hợp đồng, giao dịch bất động sản?
- Mùa cao điểm bắt đầu, Ngân hàng Nhà nước đảo chiều cho vay