(Chinhphu.vn) - Không chỉ các doanh nghiệp mà các hộ gia đình cũng là một nguồn lực không thể bỏ qua trong việc phát triển nhà ở xã hội phục vụ cho công nhân, học sinh, sinh viên.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thăm khu ký túc xá của công nhân công ty Samsung Vina Thái Nguyên. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, hiện nay Bộ Xây dựng đang nghiên cứu để xây dựng chính sách hỗ trợ các hộ gia đình tham gia vào hoạt động này.
Sau 1 năm đi vào hoạt động, nhà máy Samsung Thái Nguyên đã thu hút 26.000 lao động trong đó phần lớn là lao động nữ ở các tỉnh miền Bắc và một số tỉnh miền Trung tới làm việc. Vào cuối năm sau, số lao động làm việc tại đây sẽ tăng hơn gấp 2 lần, đạt 58.000 lao động.
Bản thân doanh nghiệp này đã xây dựng được 9 tòa nhà ký túc xá là chỗ ở cho 7.880 lao động. Tổng số người lao động mà Samsung Thái Nguyên có thể “lo” được chỗ ở là 13.000 lao động.
Trong khi đó, Giám đốc Sở xây dựng Thái Nguyên Trần Dương Hợp cho biết chỉ tới năm 2015, khu vực huyện Phổ Yên và các huyện, thị lân cận sẽ sớm quá tải, không thể đáp ứng được yêu cầu chỗ ở của công nhân của Samsung cũng như các doanh nghiệp hỗ trợ khác trong các khu, cụm công nghiệp.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phổ Yên Bùi Văn Lương, rất nhiều lần công ty này kiến nghị với địa phương có chính sách kêu gọi doanh nghiệp xây dựng và cả các hộ gia đình ở các khu vực lân cận khu công nghiệp Yên Bình đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân thuê, hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội.
Trên thực tế, chỉ cách hàng rào của Samsung Thái Nguyên khoảng hơn 200 mét - tại xóm An Bình, xã Đồng Tiến đã có một số hộ dân đầu tư hàng trăm mét đất làm nhà cho công nhân thuê. Gia đình chị Nguyễn Thị Thúy sau khi được nhận hơn 3 tỷ đồng tiền đền bù đất đồi đã đầu tư xây 42 căn phòng cho thuê khép kín với giá là 1 triệu đồng/phòng/tháng.
Một góc khu nhà trọ cho công nhân thuê của chị Nguyễn Thị Thúy. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Để xây dựng khu nhà trọ này, người phụ nữ đã không còn là nông dân này đã phải vay thêm vốn ngân hàng với lãi suất thông thường. “Trước đây nhà tôi cũng là hộ chăn nuôi tiêu biểu của xã nên cũng có ít vốn đầu tư thêm để làm nhà cho thuê. Nhưng không phải ai trong làng cũng làm được bởi khó bù lại lãi suất ngân hàng khi vay mượn trong thời gian dài”, chị Thúy nói.
Bên cạnh đó, do đầu tư hạn chế nên nhà cho thuê thường “nhếch nhác, tạm bợ”, Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Đình Phách cho biết.
Tuy nhiên, vấn đề nhà ở cho công nhân ở những khu công nghiệp lớn như Yên Bình không chỉ dừng lại ở cái “xác nhà”. Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường bất động sản Nguyễn Mạnh Hà cho biết: “Ở mỗi khu công nghiệp, trung bình một công nhân đến làm việc thì có 2 người “ăn theo”. Ngày xưa ở đâu xuất hiện 1 nhà máy thì sẽ hình thành 1 thị trấn. Huống hồ là 1 khu công nghiệp có nhà máy quy mô lớn như Yên Bình. Theo ước tính, quy mô dân số cũng phải tới 200.000 người với việc hình thành một đô thị ở khu vực này.
Vẫn theo ông Hà, do đặc thù lao động ở các khu công nghiệp lớn đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau nên các loại hình nhà ở phải đa dạng. Không chỉ có nhà tập thể mà cần phải có cả căn hộ, căn phòng riêng. Các loại hình hợp đồng cũng phải đa dạng như thuê, mua để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người lao động.
Ghi nhận thực tiễn việc hỗ trợ nhà ở cho công nhân của Samsung Thái Nguyên và các hộ dân trong vùng, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “Doanh nghiệp làm không nổi, thì phải tính toán để các hộ gia đình tham gia làm nhà ở cho công nhân, học sinh, sinh viên nhằm đa dạng loại hình, phù hợp với nhu cầu sử dụng của mỗi người”.
Theo ông Dũng, việc hỗ trợ dân tham gia làm nhà ở xã hội đã được Bộ Xây dựng đề xuất trong dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) và Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Ông Dũng nêu ra một số chính sách giúp người dân vay lãi suất thấp để làm nhà cho thuê, không thu tiền sử dụng đất, giảm các loại thuế theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành đã mở rộng đối tượng cho người dân có thể vay tiền ưu đãi xây dựng, sửa chữa nhà ở (trong đó có cả nhà cho thuê). Do vậy, chính quyền địa phương cần tăng cường truyền thông chính sách, lựa chọn thí điểm để thực hiện nhân rộng.
Theo Bộ Xây dựng, tính đến nay cả nước có 295 Khu công nghiệp (KCN) với trên 2,2 triệu công nhân lao động trực tiếp đang làm việc. Theo quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam, thì đến năm 2020 tổng số công nhân, lao động tại các KCN đạt khoảng khoảng 7,2 triệu, trong đó sẽ có 4,2 triệu người có nhu cầu nhà ở tương đương khoảng 33,6 triệu m2 nhà ở. Hiện cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 64 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 20.277 căn hộ với tổng mức đầu tư khoảng 4.440 tỷ đồng; đang tiếp tục triển khai 59 dự án nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng khoảng 66.753 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 18.100 tỷ đồng.
Thực tế, hiện nay tại các KCN mới chỉ có khoảng 20% công nhân lao động có chỗ ở ổn định, số còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm.
|
Các bản tin khác
- Tiềm năng đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng
- 4 cách đầu tư bất động sản lãi cao
- Giấc mơ về một ngôi nhà ven song
- Đánh thức không gian đô thị chung Quảng Nam - Đà Nẵng
- Đà Nẵng - Điểm du lịch ưa thích hàng đầu của các gia đình Hàn Quốc
- Chính phủ yêu cầu thẩm định dự án đầu tư xây bến cảng Liên Chiểu
- 03/06/2018 3:19 PM Đại gia bất động sản ồ ạt xin dự án
- Ngon như "miếng bánh" căn hộ đa năng Officetel - Condotel
- Công viên nước mini đầu tiên tại Đà Nẵng đi vào hoạt động
- Phân khúc lưu trú - dịch vụ cao cấp phát triển mạnh
- Sun River City - đô thị ánh sáng bên sông Cổ Cò
- Thị trường bất động sản Đà Nẵng giảm "sốt": Tín hiệu mừng hay lo?
- Ra mắt cụm tổ hợp ẩm thực, giải trí trên du thuyền
- Hoán đổi 6.000m2 đất để mở rộng Công viên APEC
- Vicoland Group tiếp tục bàn giao sổ hồng nhà ở xã hội
- Đà Nẵng hướng về Tây Bắc thành phố
- BĐS ‘siêu’ sang chảnh hấp dẫn nhà đầu tư
- Khai trương Vinpearl Condotel Riverfront Đà Nẵng
- Lãnh đạo Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản: Luật Du lịch đã quy định pháp lý của condotel
- Chuyên gia: Chưa cần lo về bong bóng bất động sản