TTO - Chính quyền phải can thiệp để cấp sổ hồng cho người dân mua nhà đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, đóng tiền mua đầy đủ cho chủ đầu tư.
Ngày 5-11, lãnh đạo UBND TP.HCM đã làm việc với UBND 24 quận, huyện và các sở ngành liên quan để bàn về biện pháp cấp sổ hồng cho các dự án đang bị chủ đầu tư thế chấp tại ngân hàng từ thông tin tuyến bài “Mỏi mòn chờ cấp sổ hồng” trên báo Tuổi Trẻ.
Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành, quận huyện cho rằng đây là một tình huống pháp luật chưa dự liệu trước để điều chỉnh, là một kẽ hở mà các chủ đầu tư lợi dụng để huy động vốn hai lần, làm thiệt hại đến quyền lợi của người mua nhà ngay tình.
Nếu chỉ làm theo các quy định hiện hành, các cơ quan nhà nước không thể tháo gỡ để bảo vệ quyền lợi cho người dân vì đây là quan hệ dân sự.
Các đại biểu thống nhất định hướng chính quyền phải can thiệp để cấp sổ hồng cho người dân mua nhà đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, đóng tiền mua đầy đủ cho chủ đầu tư.
Theo đó, cơ quan nhà nước sẽ ra thông báo về việc cấp sổ hồng cho cư dân đã mua nhà trong dự án. Thông báo được niêm yết công khai và gửi đến ngân hàng đang nhận thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản hình thành trong tương lai để cho chủ đầu tư vay vốn.
Sau 15 ngày, nếu như các ngân hàng “lên tiếng” thì hướng dẫn ngân hàng và chủ đầu tư xử lý phần nợ và tài sản thế chấp theo hướng chỉ thế chấp phần tài sản thuộc sở hữu của chủ đầu tư.
Nếu như ngân hàng không “lên tiếng”, cơ quan có thẩm quyền sẽ làm thủ tục cấp sổ hồng cho người dân.
Các chủ đầu tư phải cung cấp sổ sách, chứng từ, biên lai, hóa đơn về việc khách hàng đã thực hiện nghĩa vụ tài chính và ký hợp đồng mua bán nhà với khách hàng (trong trường hợp hai bên chỉ có hợp đồng góp vốn).
Cơ quan nhà nước sẽ đứng ra thu số tiền 5% còn lại của người mua nhà để cấp sổ hồng. Nếu ngân hàng hợp tác, số tiền 5% khách hàng đóng tiếp sẽ được ngân hàng giữ để trừ khoản nợ của chủ đầu tư; nếu ngân hàng không hợp tác, cơ quan chức năng sẽ gửi số tiền này vào Kho bạc nhà nước.
Đối với trường hợp các dự án bị các cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn do chủ đầu tư còn mắc nợ cũng giải quyết tương tự.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì kết hợp với các sở ngành liên quan dự thảo văn bản trình UBND TP về chủ trương và trình tự cấp giấy chủ quyền.
Để bảo đảm về pháp lý, Sở Tư pháp báo cáo với Bộ Tư pháp về cách làm của TP.HCM để gỡ những vướng mắc mà trong thực tế quy định của pháp luật chưa điều chỉnh hết.
“Trong tháng 11-2014, UBND TP sẽ ban hành văn bản này. Đến đầu tháng 12, các cơ quan chức năng bắt đầu cấp giấy hồng cho các dự án còn bị thế chấp ở ngân hàng.
Trách nhiệm của chính quyền là phải lo cho dân. Chúng ta làm hết mình thì sẽ tháo gỡ được cho dân. Trong việc này, chính quyền địa phương không thể đứng ngoài cuộc” - ông Tín nói.
D.N.HÀ
Các bản tin khác
- Bất động sản 2015: tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
- Động lực mới phát triển Đà Nẵng
- Thực hiện thủ tục hành chính kiểm soát hợp đồng theo mẫu từ thực tiễn Đà Nẵng
- Đẩy mạnh cho vay từ gói 30.000 tỷ đồng
- Thống nhất thành lập Quỹ phát triển đất
- Sunland chính thức mở bán căn hộ Sun Home Đà Nẵng với giá từ 9,2 triệu đồng/m2
- Ngân hàng mạnh tay rót vốn cho vay mua nhà
- Thứ trưởng Xây dựng: Sẽ có 50.000 tỷ rót vào BĐS trung, cao cấp
- Không sử dụng tiền mặt khi góp vốn vào doanh nghiệp
- Đà Nẵng được bán 900 căn hộ chung cư
- Đà Nẵng - tầm cao mới
- Kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng
- Vay tiền mua nhà, cần đọc kỹ điều khoản
- Người nước ngoài được sở hữu nhà tại Đà Nẵng trong 50 năm
- Bất động sản Đà Nẵng: Dự án đầu tư sôi động trở lại
- Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2015
- Hội nghị triển khai công tác bổ trợ tư pháp năm 2015
- Sẽ giảm tiếp lãi suất cho vay 1 - 1,5%/năm
- Mở rộng phạm vi kinh doanh BĐS cho người nước ngoài
- Giá đất đối với các đường chưa đặt tên tại KDC thuộc các quận, huyện: Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Hòa Vang