Khách hàng cần đọc kỹ hợp đồng tín dụng, các điều khoản liên quan đến lãi suất những năm tiếp theo, phí phạt trả nợ trước hạn... để tránh bị thiệt khi lãi suất thả nổi theo thị trường
Nhiều ngân hàng (NH) thương mại tung ra các gói tín dụng ưu đãi, lãi suất chỉ 6%-7%/năm trong 3-6 tháng đầu; còn những năm tiếp theo, lãi suất lại là ẩn số.
Mập mờ cách tính lãi suất
Sau khi Báo Người Lao Động đăng bài “È cổ trả lãi NH”, nhiều người đang vay tiền mua nhà cho biết thường chỉ để ý số tiền gốc và lãi phải trả mỗi tháng, ít khi quan tâm đến lãi suất mình đang phải trả là bao nhiêu và NH điều chỉnh có đúng hợp đồng tín dụng đã ký hay không.
Anh Trần Văn Độ (ngụ đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9, TP HCM) cho biết cuối năm 2013, anh vay hơn 400 triệu đồng của một NH TMCP với lãi suất cố định trong năm đầu tiên 9,9%/năm. Hai năm tiếp theo, lãi vay được tính bằng lãi suất huy động kỳ hạn 24 tháng + biên độ 3%, các năm tiếp theo lãi vay được tính bằng lãi suất huy động kỳ hạn 24 tháng + biên độ 5%.
“Do đang cần vay tiền gấp nên NH đưa bản hợp đồng là tôi ký ngay, thay vì có bản nháp để nghiên cứu trước các điều khoản. Lúc ký xong, tham khảo lãi suất ở một vài NH khác, tôi mới nhận ra mức 9,9%/năm trong năm đầu không hề thấp, những năm tiếp theo tính lãi suất huy động + biên độ 5% cũng là khá cao” - anh Độ nhận xét. Ngoài ra, đến giờ anh Độ mới để ý phí phạt trả nợ trước hạn trong hợp đồng quá cao khiến anh không dám tất toán sớm vì sợ bị phạt.
Theo anh Dương Hồng Anh (ngụ chung cư Ehome 2, quận 9), khoản tiền anh vay mua nhà từ năm 2010 của một NH cổ phần có hội sở tại Hà Nội đến nay vẫn còn dư nợ 120 triệu đồng và đang phải chịu lãi suất 14,4%/năm. Trong hợp đồng tín dụng, NH ghi rõ mỗi quý điều chỉnh lãi suất 1 lần nhưng đã 4-5 tháng nay, anh vẫn phải trả lãi ở mức 14,4%/năm.
“Thời điểm vay tiền, hợp đồng tín dụng ghi mức lãi vay được tính bằng lãi suất huy động trung dài hạn + biên độ 7% nhưng tôi không để ý. Đến năm 2013, NH kêu tôi ký lại hợp đồng (sau khi có sổ hồng) và tự động thay đổi cách tính lãi vay bằng lãi suất huy động trên 12 tháng + 4% biên độ, mới biết lúc đầu mình bị áp lãi suất quá cao” - anh Hồng Anh phản ánh.
Phải rõ ràng về lãi suất, phí phạt
Chị Nguyễn Thị Liên (ngụ quận 12, TP HCM) cho biết tháng 10-2013 chị vay 330 triệu đồng tại một NH với lãi suất 12%/năm cố định trong 2 năm đầu. Thời điểm đó rất nhiều NH chào lãi suất ưu đãi trong 6 tháng đầu nhưng chị không quan tâm vì sợ lãi suất thấp lúc đầu nhưng sau đó tăng cao. Lãnh đạo một NH lý giải với mức cho vay 6%-7%/năm trong năm đầu, NH không thể có lãi vì huy động dài hạn hiện đã cao hơn 6%/năm, chưa kể dự trữ bắt buộc, chi phí hoạt động nên NH thường chịu lỗ năm đầu để thu hút khách hàng. Do đó, việc NH đưa ra phí phạt trả nợ trước hạn nhằm bù vào mức lãi suất ưu đãi này. Tuy nhiên, phí phạt chỉ nên tượng trưng và phải ghi rõ trong hợp đồng.
Phó Tổng giám đốc NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) Nguyễn Minh Tâm lưu ý hợp đồng tín dụng thường rất dài nhưng khách hàng chỉ cần chú ý một vài điểm quan trọng như phí phạt trả nợ trước hạn, cách tính lãi suất trong tương lai bằng cách quy về hiện tại xem có hợp lý hay không. Chẳng hạn, lãi suất trung dài hạn ở các NH hiện khoảng 7%-8%/năm, nếu cộng biên độ 3% là cho vay 10%-11%/năm là hợp lý. Trong hợp đồng, cần thể hiện cách tính lãi suất rõ ràng để khách hàng biết, không nên mập mờ theo kiểu “lãi suất thả nổi theo thị trường hoặc theo lãi suất tham chiếu của NH”.
Chuyên gia tài chính NH, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết ở Mỹ, ông dễ dàng vay được khoản tiền mua nhà trong 30 năm với lãi suất thấp và ổn định; trong khi Việt Nam, lãi suất điều chỉnh rất cao do thị trường vốn hạn chế. Việc một số NH đưa ra mức lãi suất rất thấp để chào mời khách hàng nhưng sau đó lại tăng cao khiến khách hàng trót “sa lầy” nên không rút ra được. “Khách hàng vay tiền mua nhà phải yêu cầu NH nói rõ cách tính lãi suất trong tương lai và phải đưa ra dự báo biến động lãi suất bởi khách hàng thường nắm dao đằng lưỡi” - TS Hiếu nhận xét.
Ông Trương Đình Long, Phó Tổng giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB), thừa nhận khách hàng rất do dự khi vay tiền mua nhà do một số NH áp dụng chính sách thả nổi lãi suất sau thời gian đầu khuyến mãi. Thậm chí, sau 1-2 năm, khách hàng cũng không biết lãi suất huy động lúc đó ra sao để tính toán lãi suất cho vay, có ổn định hay không. Hiện OCB đang nghiên cứu tung ra gói lãi suất cho vay cố định trong 3 năm đầu chỉ 9,9%/năm để giải quyết vấn đề này của khách hàng. Ba năm sau, lãi suất nếu biến động mạnh, NH sẽ thỏa thuận lại với khách hàng.
Cân đối thu nhập với khoản vay
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính NH, khuyến cáo người mua nhà phải tính toán thật kỹ trước khi quyết định vay vốn NH. Trên thực tế, nhiều NH công bố lãi suất cho vay mua căn hộ 0%/năm trong 6-9 tháng đầu. Đây là hình thức khuyến mãi để hút khách hàng vay tiền, còn lãi suất những năm tiếp theo sẽ theo thị trường. Nếu không cân nhắc thận trọng khả năng tài chính của mình và dự báo được lãi suất vay những năm tiếp theo, người vay sẽ gặp nhiều rủi ro.
Các bản tin khác
- Top điểm nghỉ đông "hot" nhất Việt Nam
- Những lợi ích khi mua nhà vào dịp cuối năm
- Đà Nẵng: “Sốt” Bất động sản Tây Bắc dịp cuối năm
- Thị trường bất động sản 2018 và sự dịch chuyển căn hộ giá "mềm"
- Khách mua condotel "nhấp nhổm" chờ chính danh
- Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư hơn 100 triệu USD vào Khu du lịch Xuân Thiều
- Thị trường căn hộ: Không chỉ giá "mềm", người trẻ cần nhiều hơn thế
- Nâng tầm phố phục vụ du khách xuyên đêm An Thượng
- Thanh tra các dự án trên bán đảo Sơn Trà và Khu đô thị quốc tế Đa Phước
- Dự án Elysia Complex City tung ra 10 biệt thự hướng ra sông Hàn
- Đặt cọc giữ chỗ mua nhà: Câu chuyện may rủi
- Gỡ khó cấp "sổ đỏ" cho dân
- Doanh nghiệp Hoa Kỳ hỗ trợ Đà Nẵng xây dựng thành phố thông minh
- Thị trường BĐS: Rộn ràng khuyến mãi cuối năm
- Bắt mạch thị trường BĐS Tết Mậu Tuất 2018
- World Travel Awards 2017: Hai khu nghỉ dưỡng của Tập đoàn Sun Group được xướng tên ở nhiều hạng mục danh giá nhất
- Bất động sản cuối năm: Khách hàng "chọn mặt gửi vàng"
- 5 cách hạn chế mất tiền tỷ khi góp vốn mua nhà đất
- Thị trường bất động sản thiếu…thông tin?
- Bế mac kỳ họp thứ 6 HĐND thành phố: thảo luận và thông qua 25 Nghị quyết quan trọng