BizLIVE - "Tôi đã từng nghe, có vị đại biểu cũng ở cương vị cao lo rằng, cứ như thế này, nước ngoài nó mang tiền vào, mua nhà này mua nhà kia, chẳng mấy chốc mà nó mua hết Việt Nam".
GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường. Ảnh BL
Càng về cuối năm khi bất động sản sôi động trở lại, thị trường lại tiếp tục nóng lên với việc nới hay không nới cho người nước ngoài mua, sở hữu và kinh doanh nhà ở tại Việt Nam.
Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, tâm lý loay hoay mãi với nới hay không nới cho người nước ngoài mua, sở hữu nhà ở tại Việt Nam, đây là tâm lý của thời bao cấp, hội nhập quốc tế nhưng lại cứ lo, lo cái này cái kia, nhiều cái lo cũng không được hiện thực cho lắm.
“Ví dụ, tôi đã từng nghe, có vị đại biểu cũng ở cương vị cao lo rằng, cứ như thế này, nước ngoài nó mang tiền vào, mua nhà này mua nhà kia, chẳng mấy chốc mà nó mua hết Việt Nam. Đấy là cái lo mà tôi cho rằng hết sức không cần thiết. Không có ai mang tiền sang để mua hết nhà này nhà khác, tức là dùng tiền để xâm lược Việt Nam là không có”, ông Võ tiết lộ.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, có những điều chúng ta cũng phải hết sức cảnh giác, ví dụ như việc người nước ngoài tập trung nhiều ở một khu vực nhất định, đó sẽ là hiểm họa cho an ninh quốc gia. Cái đó thì phải cảnh giác!
Còn việc cứ lo rằng có một ông nước ngoài mang mấy máy bay tiền sang để mua hết nhà này nhà khác, mua hết Việt Nam là điều chẳng bao giờ có thể xảy ra được cả. Chúng ta chỉ nên cảnh giác những thứ thật sự cần thiết, còn lại hãy nên tạo cơ hội cho thị trường.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Vũ Cao, CTHĐQT Hoàng Gia Group cũng cho rằng, việc hạn chế người nước ngoài mua nhà và sở hữu nhà ở Việt Nam thực ra chỉ là quyết định ngắn hạn, không có tính chất dài hạn, giống như cách mà trong giới bất động sản chúng tôi vẫn thường nói đó là “chụp giật”.
Cá nhân tôi thấy việc cấm hay hạn chế là không nên! Thứ nhất, chúng ta vẫn đang tìm nhiều cách để kêu gọi và thu hút đầu tư từ nước ngoài để hỗ trợ cho nền kinh tế, cùng với các dự án đầu tư, chắc chắn sẽ có rất nhiều chuyên gia, công nhân người nước ngoài phải sang làm việc tại Việt Nam.
Không ít trong số đó sẽ có nhu cầu mua nhà ở tại Việt Nam, thế thì nếu chúng ta thắt chặt việc này, khác gì gây khó cho họ. Đó là cái rất mâu thuẫn.
Thứ hai, việc cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam, sẽ làm chothị trường bất động sản đa dạng hơn về nhu cầu mua, góp phần rất lớn vào việc phục hồi thị trường bất động sản.
Còn về lo ngại sẽ gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong nước hay nạn đầu cơ…, theo tôi là không có gì để chúng ta phải quá lo lắng.
Bởi vì, nếu nới cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, cũng giống như việc các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào các dự án FDI, trước mắt có thể tạo ra cạnh tranh, ảnh hưởng đến các nhà đầu tư trong nước nhưng về lâu dài, thị trường của chúng ta sẽ tốt lên, doanh nghiệp trong nước thông qua cạnh tranh sẽ tự mạnh lên.
Lấy ví dụ về thị trường bất động sản mấy năm vừa qua, khi thị trường đóng băng, hàng loạt các doanh nghiệp yếu kém đã phải tự rời cuộc chơi, thị trường do đó sau khi thoát đáy đã khởi sắc lên trông thấy.
Những nhà đầu tư có tiềm lực có thể vượt qua được khủng hoảng sẽ tiếp tục phát triển, cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư mới mạnh mẽ hơn, cách làm mới hiệu quả hơn.
Một điểm nữa theo ông Cao, khi người nước ngoài có thể sở hữu, kinh doanh nhà ở Việt Nam, họ sẽ tạo ra một lực cầu rất mạnh đối với phân khúc cao cấp hiện đang tồn kho rất lớn. Đồng thời, do họ sinh sống tại đây, sẽ tạo ra một lực cầu mạnh đối với tiêu dùng và thị trường.
Do đó, thay vì chúng ta cứ bàn mãi việc cấm hay hạn chế, chúng ta nên có những quy định riêng đối với người nước ngoài trong việc mua, sở hữu và kinh doanh nhà ở tại Việt Nam để vừa giúp thị trường bất động sản sôi động hơn, vừa không ảnh hưởng đến các yếu tố như quốc phòng, an ninh, ông Cao nhấn mạnh.
Theo khảo sát của Công ty Tư vấn bất động sản Savills Việt Nam, có rất nhiều nhà đầu tư là cá nhân, tổ chức nước ngoài đặc biệt quan tâm đến thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt là khi thị trường đã bắt đầu định hình giá trị thật. Tuy nhiên, môi trường đầu tư chưa thật sự thông thoáng đã khiến đối tượng này còn e ngại, nhất là vấn đề thủ tục, pháp lý.
Thực tế cho thấy, những trường hợp người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam thời gian qua chủ yếu là những đối tượng đã kết hôn với công dân Việt Nam, trong khi đối tượng này không nhiều.
Cũng theo Savills, số liệu thống kê cho thấy, hiện có trên 80.000 người nước ngoài đến từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam và số lượng này đang có chiều hướng gia tăng. Đây là nguồn lực rất lớn, kéo theo đó là dòng tiền đáng kể đầu tư vào Việt Nam nếu chúng ta biết tận dụng.
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Bá Chí Nhân nhận định, việc mở nút thắt cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam không chỉ đơn thuần là hỗ trợ, tháo gỡ thị trường, giải phóng hàng tồn kho mà ý nghĩa quan trọng hơn còn nằm ở chỗ nó góp phần vun đắp niềm tin và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là ở khối ngoại.
Mở cửa cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam là phù hợp xu thế hội nhập. Tuy nhiên, một vấn đề lớn đặt ra là, làm thế nào để việc mở rộng điều kiện cho cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam không làm mất cơ hội mua và sở hữu nhà của đại đa số người Việt Nam có thu nhập trung bình và thấp trong nước.
Do vậy, Luật Nhà ở sửa đổi cần quy định, cá nhân nước ngoài chỉ nên được muachung cư cao cấp trong dự án để tránh cạnh tranh trực tiếp với người dân Việt ở phân khúc bình dân và để tránh tích tụ bất động sản.
Các bản tin khác
- DỰ ÁN CÔNG VIÊN ASIA Yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc quy hoạch đã phê duyệt
- Những điểm 'độc đáo' về tòa nhà Trung tâm Hành chính Đà Nẵng
- Khách hàng đã được vay vốn mua căn hộ Nest Home I Đà Nẵng từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng
- Khởi công xây dựng 1.558 căn hộ chung cư mới
- Từ từ tháo gỡ "tảng băng" bất động sản
- Đà Nẵng lung linh về đêm
- Bộ trưởng Tài nguyên: 'Tiến độ cấp sổ đỏ quá chậm'
- Tăng cường an toàn pháp lý cho các giao dịch về bất động sản
- Triển khai gói hỗ trợ 30 ngàn tỷ đồng ở Đà Nẵng: Hồ sơ nhiều giải ngân nhỏ giọt
- Gói 30.000 tỉ đồng: Có bị sử dụng sai mục đích?
- Huỷ bỏ một số quyết định liên quan đến vấn đề quy hoạch
- Thêm một động thái hỗ trợ thị trường bất động sản
- Giá đất tái định cư hộ chính khu dân cư Nam Tuyên Sơn và phía Tây Trường Lê Lợi
- Xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai
- Tránh rủi ro khi giao dịch nhà đất
- Đầu tư hơn 454 tỷ đồng thực hiện dự án FPT Complex Đà Nẵng
- Đến thời của đất nền giá rẻ?
- 'Trần lãi suất tiết kiệm giảm về 7%'
- Thêm hướng dẫn về gói tín dụng 30.000 tỷ
- Hàng triệu người không phải nộp thuế TNCN từ 1.7.2013