Chọn 2014 là Năm Doanh nghiệp (DN) Đà Nẵng, chính quyền địa phương đặt mình ở vị thế trọng tài trong cuộc đồng hành hợp tác giữa ngân hàng (NH), các cơ quan hỗ trợ chính sách… và DN. Ở tư thế đó, những kết quả đạt được từ sự hợp tác này đã được UBND thành phố đo đếm như thế nào?
.
Kết quả nổi bật của “Năm DN Đà Nẵng 2014” có thể kể đến chính là sự đồng thuận, quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành trong việc phối hợp triển khai đồng bộ các nội dung công việc, tạo chuyển biến tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN thành phố trong thời gian qua.
Đồng thời, các DN đã hưởng ứng chủ trương của thành phố về “Năm DN Đà Nẵng 2014”, tích cực tham gia, chủ động phát huy nội lực, lợi thế cạnh tranh, từng bước ổn định sản xuất kinh doanh, đóng góp vào nguồn thu ngân sách cho thành phố. Một số chính sách đã được triển khai để tạo điều kiện cho DN ổn định sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn chưa bước qua thời kỳ suy thoái.
Huy động mọi giải pháp gỡ khó cho DN
Cụ thể, về hỗ trợ mặt bằng phục vụ sản xuất kinh doanh, thành phố đã chỉ đạo rà soát quỹ đất trong và ngoài khu công nghiệp, cung cấp bản đồ tổng thể quy hoạch chung của TP. Đà Nẵng, thông tin các khu đất cần kêu gọi đầu tư đăng tải trên Cổng thông tin điện tử thành phố, website chuyên ngành. Từ đó, DN và các nhà đầu tư có thể tìm kiếm vị trí, diện tích và mục đích sử dụng đất theo hướng thuận lợi nhất.
Hiện nay, quỹ đất còn trống trong các khu công nghiệp đã có hạ tầng để cho thuê là 80,7 ha; đã giải quyết bố trí cho 10 DNNVV thuê lại đất trong khu công nghiệp với tổng diện tích 5,05 ha để triển khai dự án. Đối với quỹ đất ngoài khu công nghiệp, thành phố đã rà soát và giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý để đấu giá, kêu gọi đầu tư 21 dự án, tổng diện tích 210,6 ha.
Về hỗ trợ tài chính tín dụng, Quỹ Đầu tư phát triển TP. Đà Nẵng được thành phố bổ sung 120 tỷ đồng để cho vay hỗ trợ DN. Đến nay, Quỹ đã giải ngân cho 19 DN vay với tổng vốn cho vay trên 40 tỷ đồng. Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV được thành phố cấp vốn điều lệ hoạt động ban đầu 50 tỷ đồng và đến nay đã bảo lãnh tín dụng cho 10 DN với tổng số tiền trên 12 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố đã bố trí 1,058 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để hỗ trợ kinh phí cho 6 chương trình hỗ trợ DN.
Về hỗ trợ đổi mới thiết bị, công nghệ, UBND thành phố đã hỗ trợ 2 DN với tổng mức hỗ trợ 105 triệu đồng để xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và đăng ký hợp chuẩn, hợp quy; hướng dẫn cho DN lập thủ tục đề xuất hỗ trợ đổi mới công nghệ và định kỳ tổ chức các hội thảo giới thiệu công nghệ mới.
Hoạt động hỗ trợ thông tin, xúc tiến mở rộng thị trường, xúc tiến du lịch được tăng cường, đặc biệt là các hoạt động giao thương giữa các DN Đà Nẵng với các tổ chức, DN trong và ngoài nước để tìm hiểu về cơ hội hợp tác, kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm của nhau; mở rộng thị trường khách du lịch, thu hút khách du lịch đến với Đà Nẵng thông qua việc tổ chức các sự kiện, xúc tiến quảng bá, khai thác thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga...
Công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư được đẩy mạnh thông qua việc lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư trọn gói năm 2014, liên kết hợp tác với một số DN tại Singapore và khảo sát điều kiện thành lập Đại diện Xúc tiến đầu tư của thành phố tại Singapore.
UBND thành phố đã trực tiếp đối thoại và giải quyết kiến nghị cho hơn 20 DN, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn. Các sở, ngành đã chủ động tổ chức gặp gỡ, đối thoại DN theo từng lĩnh vực nhằm kịp thời nắm bắt thông tin tình hình hoạt động của DN, tháo gỡ khó khăn và đề xuất UBND thành phố xử lý hơn 50 trường hợp. Đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin kiến nghị của DN đã được thiết lập từ tháng 4/2014, đến nay đã tiếp nhận hơn 400 lượt câu hỏi của DN, chuyển các đơn vị xử lý hơn 20 trường hợp.
Cục Thuế thành phố cũng đã tham gia giao lưu trực tuyến, qua đó giải đáp hơn 135 lượt câu hỏi của người nộp thuế. Ngoài ra, UBND các quận, huyện đã công bố số điện thoại đường dây nóng và điện thoại của lãnh đạo các quận, huyện để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị DN.
Thách thức còn ở phía trước
Nền kinh tế thế giới đang trong quá trình phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, song vẫn chứa đựng nhiều yếu tố bất ổn. Những yếu kém nội tại của nền kinh tế trong nước chưa dễ khắc phục ngay. Với một thành phố năng động, cơ sở hạ tầng khá tốt, môi trường đầu tư được cải thiện đáng kể và đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ DN trong năm 2014 đã phát huy hiệu quả, từng bước tháo gỡ khó khăn cho DN.
Tuy nhiên, xét trong tương quan so sánh trong nước và quốc tế, tiềm năng tài chính, công nghệ của các DN TP. Đà Nẵng còn chưa mạnh, khả năng quản trị và tính chuyên nghiệp chưa cao, vẫn còn một khoảng cách khá xa về năng lực cạnh tranh của DN thành phố với môi trường kinh doanh trong nước và khu vực.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tham gia các hiệp định thương mại khu vực và quốc tế, đặc biệt là việc hoàn tất đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA với EU… hàng hóa Việt Nam có thể lại tiếp tục phải đối mặt với những yêu cầu kỹ thuật hết sức khó khăn để có thể hưởng được những thuận lợi do các hiệp định mang lại. Có thể nói, những khó khăn, thử thách về kinh tế của TP. Đà Nẵng nói chung và với cộng đồng DN thành phố nói riêng vẫn còn rất lớn.
Hơn lúc nào hết, DN thành phố cần phát huy mọi tiềm năng, lợi thế và tinh thần đoàn kết, năng động và sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu hoạt động sản xuất, tập trung lĩnh vực có thế mạnh, nâng cao sức cạnh tranh, áp dụng chuẩn mực quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ và hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế trong phát triển sản phẩm, thương hiệu và giá trị DN.
Đặc biệt, tăng cường hợp tác, triển khai các chương trình sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau giữa các DN nhằm kết nối cung cầu; hợp tác nâng cao giá trị sản xuất trong nước. Ngoài ra, các DN tiếp tục thể hiện trách nhiệm xã hội của DN, tạo dựng giá trị cốt lõi và xây dựng uy tín cho DN.
Về phía chính quyền thành phố, các cấp, các ngành của thành phố cam kết có trách nhiệm đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của DN, đồng thời tiếp tục phát huy hiệu quả chương trình hoạt động “Năm DN” trong năm 2015.
Tin tưởng rằng, với nỗ lực, quyết tâm của chính quyền và cộng đồng DN, năm 2015 sẽ đạt được những kết quả thiết thực, góp phần tạo nên sức bật mạnh mẽ và bền vững cho nền kinh tế Đà Nẵng phát triển trong thời gian tới.
Võ Duy Khương - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng
Theo Thời báo ngân hàng
Các bản tin khác
- Đà Nẵng quy định diện tích tối thiểu căn hộ là 45m2
- 10 dự báo giới đầu tư địa ốc không nên bỏ qua năm Đinh Dậu
- Thành lập Hiệp hội Công chứng Việt Nam
- Nhiều thủ tục đất đai được rút ngắn trong năm mới
- Săn bất động sản cho thuê - kênh đầu tư hấp dẫn trong 5 năm tới
- Cuộc chiến sống còn của bất động sản nghỉ dưỡng
- Giấc mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ
- Đẩy nhanh tiến độ, tuyệt đối đảm bảo an toàn lao động và chất lượng thi công tại các công trình
- Dấu ấn 5 “ông lớn” trên thị trường bất động sản Việt Nam năm qua
- 2 kịch bản trái chiều cho thị trường địa ốc 2017
- M&A bất động sản Việt Nam hứa hẹn lập kỷ lục năm 2017
- Đi đâu, chơi gì dịp Tết?
- Thị trường địa ốc 2016: Một năm được mùa của condotel
- Địa ốc tạo sức hút từ hạ tầng giao thông
- Quận Ngũ Hành Sơn: Vận động bàn giao hơn 1.000 hồ sơ giải tỏa, đền bù
- Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất tăng thêm
- Ra mắt Tổng công ty MBLand và hai dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại miền Trung
- Đầu tư bất động sản thương mại sẽ hồi phục trở lại vào năm 2017
- Triển khai dự án xe buýt nhanh tại Đà Nẵng
- Đất “cơi nới” trái phép vẫn có thể được cấp sổ đỏ