Cùng những hình thức quen thuộc như liên tục gửi mail, gọi điện thoại, một số nhân viên ngân hàng còn đến trung tâm mua sắm để tiếp thị cho vay với khách hàng cá nhân.
Vừa bước chân vào cửa của một trung tâm mua sắm điện máy tại quận I (TP HCM), anh Thành gặp ngay một nụ cười tươi cùng tờ rơi mời vay vốn từ một nhân viên ngân hàng.
Cô nhân viên xinh xắn xin anh Thành ít phút để giới thiệu về gói cho vay tiêu dùng cuối năm tại ngân hàng với lãi suất ưu đãi 8% trong 12 tháng đầu. "Tôi tới đây để tìm mua một chiếc tủ lạnh, song sau một hồi được cô nhân viên tư vấn, tôi tự nhiên nảy ra ý định vay tiền để sơn sửa lại nhà, chuẩn bị đón Tết", anh Thành tâm sự.
Trong khi đó, Hoàng Lê, nhân viên kinh doanh của một ngân hàng có trụ sở đóng trên địa bàn quận 10 cho biết, anh thường tận dụng các mối quan hệ với những người bạn chuyên tổ chức các hội thảo, hội nghị về du học, bảo hiểm... để tiếp cận khách hàng. Thông qua những đầu mối quan trọng này, anh xin phép tham gia các buổi họp để gặp gỡ và giới thiệu các chương trình cho vay. Thông thường đây là những người sẽ có nhu cầu vay tiền cho con du học hoặc sẵn sàng tiếp cận vốn của ngân hàng để mua nhà, sửa chữa nhà cửa...
Ngân hàng kích tín dụng cuối năm. |
Lê thấy cách làm này khá hiệu quả so với một số cách thức như gọi điện thoại hoặc gửi mail mời vay vốn. "Gặp mặt trực tiếp và giới thiệu sản phẩm vay thì khách hàng có sự gần gũi và tin tưởng hơn", anh nói.
Trong bối cảnh huy động vốn tại các ngân hàng có xu hướng tăng mạnh, nhưng tăng trưởng cho vay vẫn chậm, thậm chí có nơi tín dụng đến nay tăng trưởng âm dù chỉ 2 tháng nữa là hết năm, bài toán cho vay đang khiến nhiều ngân hàng đau đầu. Điển hình như PVcomBank qua 9 tháng, tăng trưởng tín dụng vẫn âm 6,84%. Tiếp đến là ABBank với mức âm 1,4%; DongABank âm 0,54%...
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần có trụ sở phía Nam thừa nhận hiện nay rất khó đẩy tín dụng ra cho vay doanh nghiệp bởi nợ xấu ngày một nhiều mà chưa có phương án giải quyết. Do đó, đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân được xem là lựa chọn tốt. "Trong tình thế khó khăn như hiện nay, ngân hàng không còn bị động ngồi chờ khách tới như trước mà nhân viên nhà băng phải linh hoạt hơn trong cách tiếp cận khách hàng", ông nói.
Hàng loạt những gói tín dụng dành cho khách hàng cá nhân cũng liên tục được các ngân hàng tung ra với hy vọng 2 tháng cuối năm là thời điểm có thể kích tín dụng. Tại HDBank, nhà băng khá mạnh tay khi dành lãi suất ưu đãi 6,8% một năm cho khách hàng mua nhà, mua xe và mở rộng sản xuất kinh doanh. Còn VPBank đang áp mức lãi suất 5% một năm cho khách hàng có nhu cầu vay mua nhà đất, vay tiêu dùng thế chấp bất động sản và hộ kinh doanh...
Các tín hiệu về những gói cho vay này bước đầu có xu hướng tích cực. Như tại ABBank, trong quý III, nhà băng này đã triển khai hai chương trình ưu đãi lãi suất (7,5% và 8,5%) với khách hàng cá nhân quy mô 1.700 tỷ đồng. Trong đó ghi nhận những khách hàng có nhu cầu vay vốn mua nhà, đất hoặc xây sửa nhà cửa chiếm tỷ lệ cao nhất với 76%; vay kinh doanh trả góp chiếm 10% và vay mua xe ôtô 9%. Trong hai tháng cuối năm, ngân hàng này dự kiến sẽ tăng thêm hạn mức cho các gói ưu đãi với hy vọng sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh của năm.
Chia sẻ về định hướng kinh doanh năm 2015, lãnh đạo ABBank cho biết nhà băng chủ trương tiếp tục tập trung vào việc tăng tỷ trọng tín dụng cá nhân, đồng thời tăng cường triển khai các chương trình khuyến mại theo thời gian vay, theo số tiền và theo sản phẩm để phục vụ khách hàng một cách linh động nhất.
Anh Hà Nam, nhân viên tín dụng chi nhánh một nhà băng cổ phần có trụ sở Hà Nội cho biết từ đầu tháng 11 đã phải gấp rút tìm khách vay tiêu dùng để giải ngân nhanh trước khi bước sang năm mới.
Anh Nam lý giải, sắp hết năm mà chỉ tiêu còn nhiều nên phải đẩy mạnh cho vay. "Việc thẩm định hồ sơ cũng được tiến hành nhanh chóng hơn và cố gắng giải ngân trong tháng 12. Sang đầu năm, thủ tục sẽ không còn thuận tiện và nhanh chóng như bây giờ nữa", anh chia sẻ.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, mỗi ngân hàng có kế hoạch năm và phải phấn đấu để đạt được kế hoạch đó. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đảm bảo được sự an toàn, thẩm định hồ sơ kỹ càng để năm sau không phải đi "giải quyết hậu quả nợ xấu" của năm trước.
Thực tế, nguồn vốn của hệ thống ngân hàng dư thừa và các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất, nới lỏng điều kiện vay nhưng có rất ít doanh nghiệp thời gian qua có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Chưa kể nhiều doanh nghiệp không đáp ứng đủ các điều kiện vay do tình hình tài chính yếu, không chứng minh được tính khả thi của dự án.
"Nguyên nhân khiến dư nợ tín dụng của ngân hàng tăng thấp, là do các nhà băng phải xử lý lượng lớn nợ xấu trong thời gian qua. Chính điều này đã khiến tổng dư nợ của ngân hàng rơi vào tình trạng âm, nhưng bù lại sẽ đảm bảo được an toàn hoạt động", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM lý giải về tình trạng tăng trưởng tín dụng thấp.
Lệ Chi
Theo Vnexpress.net
Các bản tin khác
- Bất động sản du lịch xuất hiện những loại hình mới lạ
- Trung tâm Hội nghị Ariyana: Nóng từng ngày cùng APEC 2017
- Đầu tư sinh lời từ Coco Wonderland Resort
- Phát triển Vịnh Đà Nẵng thành Khu đô thị cảng biển
- Đà Nẵng, nguồn thu từ bất động sản tăng
- Mở bán khu shophouse nối tuyến du lịch Bà Nà tại New Da Nang City
- Cocobay ra mắt dòng sản phẩm condotel hướng đến trẻ em
- Cận cảnh loạt dự án phía Nam Đà Nẵng
- Công viên tượng APEC có gì đặc biệt?
- Nhà phát triển condotel mòn mỏi chờ chính danh
- Tăng tốc để bảo đảm tiến độ Hầm chui Điện Biên Phủ-Nguyễn Tri Phương
- Giá đất tái định cư một số dự án trên địa bàn thành phố
- Nhận quà đến 500 triệu đồng khi mua Sun Premier Village Kem Beach Resort
- Đà Nẵng: Điểm đến của những dự án lớn
- Thị trường bất động sản đến năm 2020 diễn tiến ra sao?
- Giảm quy mô 16 dự án tại Sơn Trà
- Đẩy mạnh xúc tiến các dự án ODA và vốn vay ưu đãi của TP Đà Nẵng
- Bigstarland phân phối sản phẩm Pan Pacific Danang Resort
- Cách nhận biết căn hộ sai phép khi mua nhà
- Sở hữu đất nền New Đa Nang City giai đoạn hai với 220 triệu