Thị trường căn hộ chung cư đã qua thời “tranh mua” khi khách hàng đã được trả lại đúng vị thế là “thượng đế”.
Tuy nhiên, không vì vậy mà người mua đã hết rủi ro, vì chuyện “thật giả” lẫn lộn và tình trạng “chụp giật” vẫn còn. Vậy để hạn chế rủi ro khi mua căn hộ chung cư, người mua cần lưu ý những gì?
Kiểm tra kỹ thông tin về bên bán/chủ đầu tư
Đây là việc làm đầu tiên và không nên bỏ qua của người mua nhà. Dĩ nhiên, với hơn 4.000 doanh nghiệp bất động sản đang hoạt động, thì kiểm tra không đơn giản, nhất là trong bối cảnh sự minh bạch của thị trường chưa cao như hiện nay.
Để tìm kiếm và kiểm tra thông tin của chủ đầu tư, người mua có thể thông qua các phương tiện truyền thông (nhất là báo chí chính thống), mạng Internet, mạng xã hội… Đương nhiên, khi kiểm tra, người mua cũng cần tỉnh táo giữa “rừng” thông tin, để lọc ra được các thông tin cần thiết về dự án, như giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư/kinh doanh, quy hoạch/bản đồ/bản vẽ chi tiết…; chủ đầu tư, nhất là uy tín qua việc triển khai các dự án thành công, năng lực của chủ đầu tư (với các dự án đang thi công); những tranh chấp, bất đồng của chủ đầu tư với người mua nhà/cư dân và cách xử lý/hành xử của chủ đầu tư trước các tranh chấp, bất đồng trong quá trình triển khai dự án… trước đó.
Thực tế, với những chủ đầu tư làm ăn uy tín, có thương hiệu, thì những dự án của họ khi được chào bán ra thị trường đều thu hút rất đông người mua. Trong khi đó, có những chủ đầu tư, dự án khác, cả tháng không bán nổi căn nào, cho dù đưa ra nhiều chương trình chiết khấu, giảm giá bán, khuyến mại.
Người mua nhà không nên “lóa mắt” trước các khuyến mại, chiết khấu của chủ đầu tư và đơn vị phân phối.
Nhiều dự án quảng cáo chiết khấu 6 - 7%/tổng giá bán căn hộ nếu thanh toán ngay 100%, hoặc chỉ thanh toán 30 - 40% nhận nhà ngay, phần còn lại miễn lãi suất trong 1 - 2 năm. Tuy nhiên, nếu tính toán kỹ, thì chủ đầu tư cũng không thiệt hại gì, bởi khoản chiết khấu 6 - 7% cũng tương đương với lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 - 2 năm. Nhiều dự án, chủ đầu tư/đơn vị phân phối quảng cáo mức giá bán thấp so với mặt bằng các dự án xung quanh, nhưng đấy là giá ban đầu (có thể là chưa VAT, 2% phí bảo trì…), hoặc căn hộ được đánh giá là “xấu”, hoặc còn rất ít, thậm chí là không còn để hút người mua nhà đến thăm quan dự án. Khi khách hàng đến, họ sẽ đưa các căn hộ khác ra chào mời, đưa thêm khuyến mại… và nếu khách hàng không thận trọng, rất dễ siêu lòng trước những lời nói có cánh của môi giới.
Do vậy, người mua nhà cần chuẩn bị đủ thông tin về dự án (tham khảo trên mạng Internet, mạng xã hội…) mà mình quan tâm và những dự án xung quanh đó để có đủ thông tin cần thiết, nhằm không bị lôi kéo, hoặc đơn giản là có thể thương lượng với chủ đầu tư về giá bán căn hộ.
Xem xét kỹ hợp đồng mua bán
Hợp đồng mua bán (HĐMB) căn hộ là căn cứ pháp lý quan trọng nhất, ràng buộc trách nhiệm các bên khi tiến hành mua bán căn hộ chung cư. Xét về mặt bản chất, HĐMB nhà ở là một loại HĐMB tài sản và nằm trong sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự 2005. Tuy nhiên, do đối tượng của hợp đồng là bất động sản, nên nó còn chịu sự điều chỉnh của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản liên quan. Bản chất của HĐMB tài sản là một hợp đồng mà ở đó, ý chí của các bên phải được thể hiện rõ thông qua quá trình thương lượng, trao đổi, giao kết, ký kết và thực hiện hợp đồng trên cơ sở lợi ích của các bên tham gia.
Điều đó có nghĩa, không thể có một hợp đồng mẫu do một bên soạn thảo để “ép” bên kia phải giao kết. Tuy nhiên, với nhiều HĐMB nhà ở, quy định về thương lượng, trao đổi, sửa đổi… dường như không được tuân thủ, mà dựa trên ý chí đơn phương của chủ đầu tư - bên bán, thông qua việc soạn thảo một hợp đồng mẫu.
Để bảo vệ quyền lợi của người mua nhà, các cơ quan quản lý nhà nước đã có sự điều chỉnh chặt chẽ hơn về vấn đề HĐMB căn hộ chung cư, với những yêu cầu bắt buộc bên bán phải tuân thủ. Cụ thể, chủ đầu tư khi soạn thảo HĐMB phải tuân thủ theo Hợp đồng mẫu tại Thông tư 03/2014/TT-BXD ngày 20/2/2014 (thay thế cho Thông tư 16/2010/TT-BXD).
Kể từ ngày Thông tư 03 có hiệu lực thi hành (8/4/2014), các trường hợp mua bán căn hộ chung cư thương mại giữa chủ đầu tư và khách hàng không tuân thủ các nội dung và theo Hợp đồng mẫu, sẽ không được pháp luật công nhận và không được sử dụng làm căn cứ để cấp giấy chứng nhận. Chủ đầu tư có trách nhiệm đăng ký Hợp đồng mẫu với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó, chủ đầu tư dự án phải thực hiện đăng ký HĐMB bất động sản với Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương. Khi được Cục Quản lý cạnh tranh phê duyệt, HĐMB nhà ở này mới được tiến hành giao kết với khách hàng. Quy định này là một bước nâng cao hơn nữa vai trò quản lý nhà nước, hạn chế tình trạng các chủ đầu tư áp đặt ý chí đơn phương của họ lên HĐMB bất động sản.
Cẩn trọng khi nhận bàn giao
Nhận bàn giao là một việc quan trọng, nhưng nhiều khi người mua nhà không để ý. Thực tế, lợi dụng tâm trạng “phấn khởi” của người mua nhà nhận nhà mới, nhiều chủ đầu tư đã khéo léo bổ sung một số hồ sơ, giấy tờ để yêu cầu người mua nhà ký nhận như một phần của công đoạn bàn giao căn hộ. Chính vì vậy, nhiều vi phạm đã nảy sinh, như không tiến hành đo đạc lại căn hộ khi bàn giao (chủ đầu tư có thể đưa ra biên bản đo đạc do một đơn vị đo đạc được chủ đầu tư thuê); bàn giao thiếu đồ đạc (nói là bổ sung sau/sớm, nhưng thực tế là không bổ sung); chất lượng thi công hoàn thiện kém; bắt người mua nhà phải đặt cọc tiền hoàn thiện căn hộ, hoặc phải chọn nhà thầu do chủ đầu tư chỉ định nếu muốn tự hoàn thiện căn hộ; tính phí dịch vụ quản lý ngay khi nhận bàn giao, trong khi căn hộ chưa thể vào ở được (do phải sửa chữa; đợi bổ sung đồ đạc…); bắt người mua nhà phải nộp thêm các khoản phí để được cấp sổ đỏ/sổ hồng; thu phí dịch vụ quản lý cao, nhưng chất lượng dịch vụ không tương xứng; tự ý tăng giá phí quản lý dịch vụ; tự ý thu thêm các khoản phí khác mà không có sự thỏa thuận với cư dân.
Cá biệt, tại Dự án Hyundai Hillstate, theo phản ánh của cư dân, khi bị yêu cầu phải tính phí dịch vụ theo diện tích thông thủy (áp dụng từ ngày 25/6/2014), thì chủ đầu tư dự án này là Công ty TNHH Hyundai RNC Hà Tây yêu cầu cư dân ký phụ lục hợp đồng bổ sung theo hướng tiếp tục tăng phí dịch vụ để bù phần chênh lệch diện tích. Thậm chí, khi bị cư dân phản đối không đóng tiền do chủ đầu tư thu phí dịch vụ có 10% VAT, nhưng không xuất hóa đơn cho cư dân, chủ đầu tư đã chỉ đạo công ty quản lý cắt nước sinh hoạt của các hộ dân.
Cư dân phải biết liên kết chặt chẽ và sức mạnh của truyền thông
Thực tế, các tranh chấp thời gian qua cho thấy, khi cư dân mạnh dạn trao đổi, liên kết chặt chẽ với nhau và sự hỗ trợ của báo chí chính thống, thì nhiều tranh chấp, xung đột, bất đồng với chủ đầu tư đã được giải quyết, buộc chủ đầu tư phải tuân thủ đúng pháp luật, đảm bảo lợi ích hợp pháp của khách hàng, cư dân. Điều này cho thấy vai trò vô cùng quan trọng của sự liên kết giữa các cư dân và sự vào cuộc tích cực, chủ động của truyền thông, với mục tiêu vì một thị trường bất động sản minh bạch. Sức mạnh mềm này đôi khi hiệu quả hơn cả việc khiếu nại, kiện cáo tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc Tòa án.
Đương nhiên, cũng cần sự vào cuộc tích cực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước những sai phạm của chủ đầu tư, cũng như cần một thủ tục giải quyết tranh chấp nhanh gọn, minh bạch, có trách nhiệm của Tòa án trước các tranh chấp của cư dân với chủ đầu tư. Cư dân cũng cần tham vấn, tham khảo cẩn thận về mặt pháp lý trước khi giao kết HĐMB căn hộ và các tranh chấp, bất đồng nảy sinh.
Các bản tin khác
- Toàn văn Hiến pháp sửa đổi
- Quốc hội thông qua Luật đất đai (sửa đổi)
- Đẩy nhanh tiến độ giao đất tái định cư ở Liên Chiểu, Hòa Vang
- Đề nghị bỏ thuế suất 25% khi bán nhà đất
- Đà Nẵng vinh dự nhận giải thưởng “Phong cảnh thành phố châu Á năm 2013”
- Bất động sản sẽ “hồi” nhờ chia nhỏ căn hộ?
- Nhà ở xã hội được bán lại sau 5 năm
- Hủy quy hoạch Khu Công nghiệp Hòa Khương
- Bất động sản ven biển "đẻ trứng vàng"
- Đề nghị cho phân lô bán nền tại các dự án đầu tư kinh doanh nhà ở
- Xây dựng và phát triển Đà Nẵng hiện đại và có bản sắc riêng
- Động thổ gói thầu 4A dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
- Sơ kết một năm thực hiện thí điểm Văn phòng đăng ký QSD đất một cấp: Giải quyết hơn 92.300 hồ sơ
- Chỉ bàn giao mặt bằng Dự án SVĐ Chi Lăng theo tiến độ thi công
- Thị trường địa ốc trước “thời cơ” cuối năm
- Dự án khu phức hợp Chi Lăng - Chủ đầu tư đề xuất phân kỳ đầu tư
- Thi đua ngành tư pháp phát hiện nhiều cách làm hay
- Đà Nẵng cấp trên 90% giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
- Ngân hàng “đổ bộ” vào thị phần bán lẻ
- Đua hạ lãi suất cuối năm