Năm 2012, nhiều khả năng một số chính sách sẽ được ban hành nhằm bảo vệ ngân hàng (NH), phục hồi thị trường tài sản, trong đó đáng chú ý nhất là bất động sản… Dư luận đang quan tâm việc giải cứu thị trường bất động sản sẽ thực hiện ra sao?
Đưa ra các giải pháp làm sạch nợ xấu là để bảo vệ ngân hàng, đồng nghĩa với việc từng bước phục hồi thị trường bất động sản.
Theo số liệu từ các cơ quan chức năng, hệ thống NH hiện có nguy cơ “ôm” hơn 76.000 tỉ đồng nợ xấu, trong đó nợ có nguy cơ mất vốn chiếm tới 47%. Tuy nhiên, một số chuyên gia tài chính ước đoán nợ xấu của các NH cao gấp 2 - 3 lần con số mà các NH thương mại báo cáo. “Thực tế cho thấy chỉ khoảng 30% các báo cáo của NH là tương đối chính xác, còn lại đều đáng nghi ngờ. Ngay cả Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia và NH Nhà nước cũng không biết chính xác số nợ xấu là bao nhiêu vì NH báo cáo chưa trung thực” - TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nhận xét.
Một dự án bất động sản ở Tp.HCM. Vốn ngân hàng đang nằm nhiều trong các dự án bất động sản. Ảnh: Hồng Thúy |
Những năm qua, nhiều NH đã ồ ạt cho vay, nhất là cho doanh nghiệp (DN) vay để đầu tư dự án bất động sản, tài sản thế chấp chủ yếu là nhà đất được hình thành từ vốn vay, số tiền cho vay rất lớn. Thế nhưng, từ năm 2008 đến nay, Nhà nước thắt chặt chính sách tiền tệ, thị trường bất động sản liên tục đóng băng khiến DN không bán được nhà, mất khả năng trả nợ vay. Nhiều NH thương mại bị chôn hàng chục ngàn tỉ đồng vào các dự án bất động sản, dẫn đến nguồn vốn ra vào thường xuyên mất cân đối.
Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường bất động sản đóng băng kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến “sức khỏe” NH, có thể tạo rủi ro cho toàn hệ thống. Vì thế, muốn bảo vệ hệ thống NH, Nhà nước phải có các giải pháp làm sạch nợ xấu (chủ yếu là nợ bất động sản), đồng nghĩa với từng bước phục hồi thị trường bất động sản.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, năm 2012, nhiều khả năng NH Nhà nước sẽ có giải pháp tăng thêm nguồn vốn trung và dài hạn cho DN, trong đó có DN bất động sản. Có thể các NH thương mại sẽ phải sử dụng số tiền dự phòng rủi ro, thậm chí các cổ đông bỏ thêm vốn góp cổ phần để làm sạch các khoản nợ bất động sản. Nếu hai giải pháp này chưa đủ mạnh, NH Nhà nước sẽ tiến hành mua lại các khoản nợ bất động sản, rồi hạch toán thành vốn góp cổ phần. Mặt khác, NH Nhà nước cũng sẽ loại bỏ thêm “đối tượng” bất động sản ra khỏi nhóm tín dụng phi sản xuất. Khi đó, NH sẽ có thêm nguồn vốn dài hạn để tài trợ các dự án bất động sản tiềm năng; cho cá nhân vay tiền mua, xây, sửa chữa nhà… Lúc đó, thị trường nhà đất mới có cơ hội hồi phục.
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng: “NH Nhà nước có thể đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của năm 2012 ở mức 15%-17%, rồi tùy thuộc vào mức độ rủi ro, khả năng huy động vốn, dư nợ cho vay năm trước để linh hoạt hạn mức tăng trưởng tín dụng cho từng NH. Khi đó, nguồn vốn để cho vay nhà đất sẽ tăng lên, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phục hồi. Nhờ vậy, NH mới thu hồi các khoản nợ bất động sản...
Câu hỏi đặt ra là liệu các NH thương mại có tái diễn tình trạng cho vay bất động sản tràn lan, lơ là cung ứng vốn dài hạn cho các ngành nghề sản xuất kinh doanh khác. Các chuyên gia kinh tế cho rằng NH Nhà nước đã có công cụ hệ số an toàn vốn để khống chế tăng trưởng tín dụng. Nếu NH Nhà nước quy định hệ số an toàn vốn tối thiểu của mỗi NH thương mại dưới 10% thì dư nợ cho vay không có “cửa” để tăng trưởng nóng. Do đó, các NH sẽ không dám mạnh tay cho vay bất động sản vì khách hàng thường vay số tiền lớn, thời hạn vay kéo dài.
Phụ thuộc vào lạm phát Theo TS Lê Vũ Nam, Trưởng Khoa Luật - Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia Tp.HCM), năm 2012, Nhà nước có thể giảm thuế thu nhập DN xuống còn 22%-23%, trong đó có các DN bất động sản, đồng thời gia hạn sắc thuế này. Giải pháp này sẽ giúp DN giữ lại một phần lợi nhuận để tái đầu tư hoặc để trả nợ NH. Tuy nhiên, thị trường bất động sản có hồi phục hay không còn phụ thuộc vào kinh tế vĩ mô. Nếu lạm phát tiếp tục giảm, kéo lãi suất đi xuống, NH chấp nhận lợi nhuận ít hơn… thì nhiều ngành, trong đó có bất động sản, mới có cơ hội gượng dậy. |
Các bản tin khác
- Hơn 14,2 tỷ đồng đầu tư tuyến đường Vương Thừa Vũ (đoạn từ Phó Đức Chính đến Ngô Quyền)
- Vốn ngoại đổ vào địa ốc
- Trên 96% diện tích đất đã được cấp GCN quyền sử dụng đất
- Kinh doanh BĐS: Phục vụ "thượng đế" còn lắm gian nan
- Khó có 'bong bóng' nhà đất
- Bất động sản cao cấp và nhân tố không gian xanh
- Sếp lớn bất động sản nói gì về triển vọng thị trường?
- Xã hội hóa đầu tư khu Liên hợp thể thao
- Chưa vội định đoạt số phận sân Chi Lăng trong 5 năm tới
- Đà Nẵng mới chỉ bán được 24 căn hộ chung cư 12 tầng Nại Hiên Đông
- Ôtô Toyota, Honda chỉ còn 300 triệu?
- Bồi thường thu hồi đất: Khác gì so với trước?
- Giá đất tái định cư một số khu dân cư trên địa bàn 2 quận Ngũ Hành Sơn và Liên Chiểu
- Giao dịch bất động sản giảm nhẹ trong tháng 9
- Thấp thỏm chờ di dời ga Đà Nẵng (2)
- Những chính sách có hiệu lực từ tháng 10-2015
- Sở Xây dựng TP.HCM thống nhất giảm nhiều thủ tục cho Việt kiều mua nhà
- Lý do người Đà Nẵng thích mua đất nền
- Ngũ Hành Sơn - Sự chuyển mình mạnh mẽ
- Hoà Xuân, “điểm nóng” mới của bất động sản Đà Nẵng