Trong thực đơn BĐS, tùy tham vọng và khả năng, nhà đầu tư có thể thoải mái lựa chọn một, thậm chí nhiều “món ăn” cùng lúc. Với những cá nhân mạnh tài lực, giỏi quan hệ kinh doanh, sản phẩm chung cư thương mại trung cấp trở lên thường được ưu tiên. Đối với những nhà đầu tư ngại rủi ro, rót tiền vào trang trại nghỉ dưỡng đang dần thành xu hướng.
Thời điểm BĐS nghỉ dưỡng đang là “mốt” (những năm 2008-2010), địa bàn ngoại vi Hà Nội và tỉnh thành tiệm cận được dân đầu tư săn đón tới tấp. Một năm qua, danh mục của người kinh doanh địa ốc mê “Vườn – ao – chuồng” được tinh giảm trông thấy.
Nhu cầu ngày càng cao
Thủ đô ngày càng chật hẹp vì sự bành trướng của những block nhà cao tầng, gia tăng mật độ giao thông xe cơ giới. Người Hà Nội vì thế cũng ít không gian vui chơi, giải trí lành mạnh gắn liền với thiên nhiên hơn. Nhu cầu chơi đùa, sinh hoạt cộng đồng của trẻ nhỏ đa phần bị “gò” trong sân chung cư.
Muốn giải trí đúng nghĩa cho con trẻ, các bậc cha mẹ chỉ có lựa chọn là số ít những tổ hợp trung tâm vui chơi (kèm theo mức chi phí không nhỏ) như tại MiPecTower, Trung tâm chiếu phim quốc gia, Lotte Center, RoyalCity, BigC The Garden...
Tuy nhiên, sự phục vụ quá tải của những cơ sở dịch vụ này vào dịp lễ Tết, cuối tuần cho thấy Hà Nội có quá ít chỗ cho trẻ nhỏ, thiếu niên vui chơi. Quan sát ở quần thể kiểu mẫu Trung Hòa – Nhân Chính, hầu hết các gia đình tại đây đều thừa nhận không gian ở KĐTM này chỉ đủ để xe máy, ô tô và bán hàng quán.
“Chuyển về gần 3 năm nay, cuối tuần nào tôi cũng cho con tới Trung tâm chiếu phim quốc gia để giải trí. Nhưng mãi rồi cũng chán, gia đình tôi đang muốn tìm một nơi không gian thiên nhiên thoáng, có thể sinh hoạt cộng đồng như câu cá, cắm trại, ngắm cảnh. Chi phí sẽ cao hơn, bù lại là cải thiện về đời sống tinh thần” – anh Nam, hiện sống tại căn hộ 120m2 cùng vợ và hai con tại Trung Hòa – Nhân Chính cho biết.
“Rổ hàng” cho người nung nấu với kế hoạch trang trại ở ngoại ô rất thoải mái
Cư dân ở những tòa nhà thương mại cao tầng, hay người sinh sống trong từng ngôi nhà thổ cư kiểu “ngõ nhỏ phố nhỏ, nhà tôi ở đó” đều giống nhau ở nhu cầu vui chơi mang tính điền viên, dã ngoại. Phần nhiều trong số họ chưa có khả năng tài chính để tự “tậu” cho mình trang viên nhỏ ở ngoại thành. Tuy vậy, với mức sống cải thiện từng ngày, hiểu biết về giá trị hưởng thụ đã nâng lên, nhiều gia đình đang xây dựng kế hoạch chung tiền để mua đất, tu tạo thành vườn tược, nhà sàn, hồ câu để thay đổi không khí mỗi dịp nghỉ ngơi.
Ba Vì, Sơn Tây, Mê Linh, Xuân Mai là những địa bàn được nhắc tới thời gian trước. Gần đây, miền đất hứa đang mở rộng về Gia Lâm, Sơn Tây, Đồng Mô, Lương Sơn, Phùng, Đại Lải…
Nói không với… Hà Nội?
Tìm mua đất nông nghiệp, thuê đất lâm nghiệp, đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở để tự xây dựng, thiết kế thành tổ hợp trang trại, là công thức chung của những cá nhân nhà đầu tư BĐS hiện hữu. Điều này không tách biệt giữa mục đích kinh doanh (kiếm lợi nhuận nhờ cho thuê lại hoặc sang nhượng) và yêu cầu hưởng thụ cá nhân.
Sau khi cú “sốc” liên quan tới quy hoạch trục Ba Vì – Hồ Tây “hạ gục” đa số nhà đầu tư non cả kinh nghiệm lẫn tài chính chủ động, thị trường ghi nhận rất nhiều mảnh đất, lô đất rộng từ trăm m2 tới nhiều hécta ở Yên Bài, Cổ Đông (Ba Vì – Sơn Tây), Đắc Sở, Cát Quế, Vân Côn (Hoài Đức), Sài Sơn, Ngọc Liệp (Quốc Oai) có giá chưa tới 1 triệu đồng/m2 mà chẳng ai ngó.
Tình cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội” của rất nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp lẫn tự phát theo tin đồn khi săn đất “ăn theo trục Ba Vì” diễn ra suốt 2-3 năm qua trong tuyệt vọng. Cá biệt, có người chào 2 ha đất trang trại ở Yên Bài (Ba Vì) với đủ giấy tờ chính chủ, đã có nhà, điện nước tốt, ô tô vào tận nơi chỉ có giá 30 triệu đồng/sào (tương đương 83.000 đồng/m2) suốt 1 năm trời nhưng vẫn ế.
Từ đây, rõ ràng “rổ hàng” cho người nung nấu với kế hoạch trang trại ở ngoại ô rất thoải mái. Đáng chú ý, bên cạnh những cá nhân đơn thuần chỉ săn đất xây trang trại để tự phục vụ hoặc sang nhượng nếu thích, ngày càng nhiều người đặt kỳ vọng mưu sinh lâu dài với mô hình này.
Ra trường với tấm bằng kỹ sư nông lâm, anh Huy đang sống “tạm” bằng cửa hàng sửa chữa đồ điện. “Đầu tư vào trang trại để chăn nuôi, trồng trọt là cách làm để chuyển hướng tốt. Kinh nghiệm nông nghiệp thì đã có, quan trọng hơn là tìm được chỗ đất thật rẻ và chính quyền sở tại không quá khắt khe” – Huy cho biết.
Theo đó, người kỹ sư trẻ này đang “để mắt” một mảnh đất 2,5 ha để cơ cấu mô hình trang trại khép kín một cách tối ưu. Tìm hiểu giao dịch thực, đất trang trại ở Sơn Tây, Hòa Lạc thường “mềm” hơn so với Sóc Sơn từ vài trăm nghìn tới cả triệu đồng mỗi mét vuông.
Người am hiểu về nông nghiệp như Huy chia sẻ, mua đất làm nông (trang trại) thì ở địa bàn tỉnh Hòa Bình là tốt hơn cả. Giá rẻ nhất thị trường, thủ tục cấp phép sở tại cũng nhanh và “thoáng” hơn ở Hà Nội. Điều này được đúc rút từ những ai đã “lao tâm khổ tứ” vì BĐS sinh thái ở Ba Vì, Sóc Sơn giai đoạn 2010-2011.
Hàng nhiều nhưng khó chọn vì mức giá mỗi chỗ một khác – yếu tố quyết định trong bài toán kinh tế xây dựng. Những nhà đầu tư tiềm năng đang rơi vào tình huống này.
Các bản tin khác
- Văn phòng dịch vụ cho thuê - xu hướng mới đón đầu TPP
- 'Mua' lại Phòng công chứng nhà nước với giá 1,8 tỉ đồng
- Thị trường BĐS tháng 11/2015 khá ổn định, giá cả ít biến động
- Chính phủ yêu cầu xây dựng hệ thống thông tin bất động sản
- Đà Nẵng hạ giá bán căn hộ chung cư nhà nước
- Cấm thông tin “ảo”, thị trường bất động sản liệu có minh bạch?
- Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2015
- Thị trường bất động sản: Thẩm thấu tốt, không lo bong bóng
- Khu đô thị FPT Đà Nẵng: 1,6 tỷ đồng sở hữu một căn nhà phố thông minh
- Sẽ lập hệ thống thông tin nhà ở thống nhất trên toàn quốc
- Thay đổi quan điểm trong sở hữu bất động sản
- Kiến nghị kéo dài thời gian “giải cứu” bất động sản
- Thi công công viên tại bãi đỗ xe ngầm đường Hùng Vương
- Quốc hội thông qua nhiều luật quan trọng
- 3 lưu ý khi chọn mua căn hộ cao cấp
- Dấu ấn cá nhân của nhà đầu tư bất động sản
- Cầu chưa xây, đất đã bị “thổi giá lên trời”
- Địa ốc đón TPP: Cơ hội mới, nhu cầu mới
- Ngân hàng ‘kết hôn’ chặt với địa ốc
- Giá đất Đà Nẵng tăng mạnh