(Baodautu.vn) Bộ luật mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, sẽ loại bỏ nhiều ràng buộc trước đó áp dụng với khách hàng nước ngoài khi mua nhà tại Việt Nam.
Ông Richard Leech Giám đốc Điều hành CBRE Việt Nam. |
Bộ luật mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, sẽ loại bỏ nhiều ràng buộc trước đó áp dụng với khách hàng nước ngoài khi mua nhà tại Việt Nam với các điểm điều chỉnh chính như sau:
ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC SỞ HỮU NHÀ Ở: Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
LOẠI HÌNH NHÀ Ở: Tất cả loại hình bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ gắn liền với đất như biệt thự hay nhà liền kề (trước đây quy định này chỉ được áp dụng với căn hộ chung cư).
SỐ LƯỢNG: Không có quy định nào giới hạn về số lượng căn hộ/ nhà mà người nước ngoài có thể mua; tuy nhiên, tổng số căn hộ lưu trú mà người nước ngoài sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư; nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà ở biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua và sở hữu không quá 250 căn nhà; (trước đây, một người nước ngoài chỉ được phép mua 1 căn hộ chung cư tại Việt Nam).
MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG: Bất động sản thuộc quyền sở hữu của cá nhân người nước ngoài có thể được cho thuê lại, mua bán, thừa kế hoặc thế chấp (trước đây, người nước ngoài chỉ được mua nhà với mục đích dùng để ở).
THỜI HẠN SỞ HỮU: Thời hạn cho phép các cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở là 50 năm và có thể được gia hạn với các điều kiện tương tự được quy định trước đó. Trường hợp cá nhân nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam thì được sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài và có các quyền của chủ sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam.
Sự thay đổi này có ý nghĩa gì đối với thị trường bất động sản?
Các điều kiện nới lỏng cho người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam thoáng hơn nhiều so với những dự đoán trước đó, qua đó đánh dấu một bước đi quan trọng trong việc mở cửa thị trường bất động sản cho các nhà đầu tư nước ngoài. Hai quy định duy nhất còn hạn chế đối với người nước ngoài là thời hạn sở hữu không quá 50 năm và số lượng bất động sản được sở hữu tối đa trong một tòa nhà chung cư/ một đơn vị hành chính cấp phường (hoặc tương đương). Ngoài ra cũng không còn quy định giới hạn về diện tích căn hộ được phép sở hữu.
Biệt thự không người ở tại Dự án Sunny Garden City, huyện Quốc Oai, Hà Nội |
Luật Nhà ở sửa đổi mới thông qua sẽ giúp thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam, có mong muốn đầu tư vào thị trường này và xóa đi những rào cản ban đầu, tạo một sân chơi công bằng hơn giữa người nước ngoài và người dân Việt Nam.
Điều cần lưu ý ở đây là việc sửa đổi lần này có thể chưa có tác động ngay lập tức, nhưng chắc chắn sẽ khiến thị trường nhà ở đã được cải thiện gần đây đi theo hướng tích cực hơn. Nhìn chung, chính sách thay đổi này sẽ giúp cải thiện mạnh mẽ niềm tin vào môi trường đầu tư, điều đặc biệt cần thiết cho thị trường bất động sản Việt Nam vốn đã chững lại sau thời kỳ hoàng kim trước năm 2008.
Trước đây, thị trường bất động sản Việt Nam luôn bị chi phối bởi các chủ đầu tư, nhà thầu, khách hàng và nhà đầu tư trong nước, một phần do các quy định giới hạn quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như vắng bóng các chủ đầu tư uy tín, bong bóng đầu cơ từ năm 2006 đến năm 2008, những hệ lụy khi bong bóng đầu cơ vỡ từ năm 2009 đến năm 2013, thị trường cho thuê nhỏ lẻ, chính sách cho vay mua nhà và thị trường thế chấp giới hạn cùng với các cơ hội rõ ràng hơn ở vài quốc gia khác trong khu vực.
Việc thông qua Luật Nhà ở sửa đổi lần này sẽ tạo thế cân bằng, minh bạch và ổn định cho thị trường bất động sản nhà ở tại Việt Nam; đồng thời được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện ở một mức độ nào đó các vấn đề được đề cập bên trên. Cũng cần lưu ý là sự tham gia vào thị trường của các nhà đầu tư tư nhân cũng sẽ đóng vai trò quan trọng không kém.
Hà Quang
Theo Báo Đầu tư
Các bản tin khác
- Rộ giấy tờ giả qua công chứng - Bài 1: Trăm kiểu giả mạo
- Thị trường bất động sản Đà Nẵng: Xuất hiện những động thái tích cực
- Thí điểm “một cửa” Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất
- 24 tỷ đồng bồi thường, bố trí tái định cư dự án Đại học kỹ thuật Y dược
- Người nước ngoài “chê” nhà ở Hà Nội
- ĐÀ NẴNG: ĐỀ XUẤT NÂNG CẤP, MỞ RỘNG NHIỀU TUYẾN ĐƯỜNG
- Nhà đất đang thế chấp cũng được tặng cho
- Công chứng và an toàn pháp lý
- Thông qua 20 đồ án quy hoạch và kiến trúc
- Bình chọn VP Công chứng uy tín VN nhằm khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng về xã hội hóa hoạt động công chứng
- Mở tín dụng cho bất động sản
- ĐÀ NẴNG: ĐUA TÀI NGHIỆP VỤ CÔNG CHỨNG
- Phương án bồi thường thiệt hại và tái định cư dự án Khu dân cư tổ 12, phường Mân Thái
- Nhà đất sẽ “bùng nổ” giao dịch?
- Đà Nẵng tăng cường quản lý và sử dụng đất đai
- Không sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán
- Dùng vân tay làm… thủ tục hành chính
- Bất động sản giá 'mềm' rục rịch khởi động
- Chính phủ “gật đầu” đề xuất bỏ khung giá đất
- Quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với loại đất ở trên địa bàn thành phố