(PL)- Người dân nói chủ đầu tư phải trích ra 2% trên số tiền bán căn hộ để làm phí bảo trì. Chủ đầu tư bảo giá nhà chỉ tạm tính, chưa gồm phí.
“Vừa rồi chủ đầu tư chung cư bắt chúng tôi phải đóng phí bảo trì căn hộ cao ngất, lên đến 30-35 triệu đồng. Thật là khó hiểu. Sao lại bắt chúng tôi đóng tiếp như vậy trong khi trước đây họ nói là đã thu trong giá bán nhà?”. Nhiều hộ dân ở khu nhà N08-B (khu đô thị mới Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) nêu vấn đề với Pháp Luật TP.HCM.
“Khoản thu vô lý”
Các hộ dân cho biết chung cư N08-B có 80 căn hộ. Người dân ký hợp đồng mua bán nhà với chủ đầu tư (Công ty Cổ phần Thanh Bình Hà Nội) từ năm 2009 và đã trả hết tiền. Nhưng năm 2012, cư dân ở đây bỗng nhiên nhận được biên bản thanh lý hợp đồng mua bán căn hộ do chủ đầu tư soạn sẵn yêu cầu người mua căn hộ phải trả thêm một khoản tiền gọi là phí bảo trì nhà, tương đương 2% giá bán căn hộ (khoảng 25-35 triệu đồng/căn). Theo biên bản thanh lý này, sau khi nộp đủ số tiền trên, bên mua mới được xuất hóa đơn tài chính và làm thủ tục cấp giấy đỏ.
“Chủ đầu tư phải trích 2% số tiền bán căn hộ để làm phí bảo trì nhà. Trong hợp đồng mua bán không yêu cầu người mua phải đóng phí này. Chỉ khi cư dân đã đến đây ăn ở ổn định, chủ đầu tư mới “thòng” thêm yêu cầu trên. Vì thế nhiều hộ dân ở đây không chấp nhận đóng số tiền hết sức vô lý đó” - ông Nguyễn Hồng Chương (căn hộ 307) nói.
Một người dân khác cho hay biên bản thanh lý hợp đồng mua bán nhà do chủ đầu tư tự soạn ra có thêm yêu cầu gây thiệt hại cho người mua. Nếu ký vào biên bản, có nghĩa là cư dân ở đây sẽ phải đóng thêm vài chục triệu đồng nữa. Với điều kiện vô lý như vậy thì làm sao các hộ đặt bút ký được.
Chung cư N08-B thuộc khu đô thị mới Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: HV
“Chỉ là tạm tính”
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Giám đốc Công ty Thanh Bình, cho biết số tiền trong hợp đồng mà người mua đã trả mới chỉ là tạm tính, chưa bao gồm phí bảo trì nhà. Vì vậy người mua nhà phải đóng phí bảo trì nhà để phục vụ cho chính cuộc sống của họ.
Trao đổi với chúng tôi, các cơ quan chức năng cho biết sẽ nghiên cứu cụ thể vụ việc này để có cách đánh giá và xử lý phù hợp. Do đó hiện họ chưa thể trả lời cụ thể được.
Tuy nhiên, trên tinh thần chung, ông Nguyễn Trọng Hiền, Trưởng phòng Quản lý nhà và kinh doanh bất động sản Sở Xây dựng TP Hà Nội, cho biết trường hợp hợp đồng mua bán nhà ký sau khi Luật Nhà ở năm 2005 có hiệu lực (ngày 1-7-2006), phí bảo trì nhà được tính vào giá bán căn hộ và phải ghi rõ trong hợp đồng mua bán ai phải đóng. Nếu giá hợp đồng mới chỉ là tạm tính và phí bảo trì chưa được tính vào giá bán thì khi thanh lý hợp đồng, chủ đầu tư được tính phí bảo trì vào giá bán.
Hợp đồng không ghi rõ, chủ phải chịu thiệt Theo quy định tại Nghị định 71/2010, hợp đồng mua bán căn hộ được ký sau 1-7-2006 (ngày Luật Nhà ở có hiệu lực) phải thể hiện về khoản phí bảo trì chung cư. Cụ thể, phí bảo trì là do khách hàng nộp với mức 2% trên giá bán căn hộ, khoản phí này đã được tính trong giá mua bán mà bên mua đóng cho chủ đầu tư. Với những trường hợp đã ký trước ngày Luật Nhà ở có hiệu lực mà chủ đầu tư chưa thu 2% phí bảo trì thì các chủ sở hữu căn hộ chung cư có trách nhiệm đóng góp khoản kinh phí để bảo trì phần sở hữu chung. Kinh phí đóng góp chỉ được thu khi phát sinh công tác bảo trì và được xác định đối với từng công việc bảo trì cụ thể như khi thang máy, bồn nước bị hư hỏng… Quy định này đã từng gây khiếu nại, tranh chấp tại một số chung cư vì các hộ thuộc diện nộp từng lần khi có sự cố phát sinh cho rằng họ bị thiệt hại hơn những hộ được nộp một lần. Với những trường hợp hợp đồng mua bán ký sau 1-7-2006 nhưng hợp đồng không đề cập đến phí bảo trì chung cư thì Luật Nhà ở chưa đề cập đến. Theo quan điểm của Sở Xây dựng TP.HCM (nêu tại cuộc họp với TP ngày 26-7-2013 về các vướng mắc liên quan đến phí bảo trì chung cư), nếu có tranh chấp phát sinh thì chủ đầu tư và khách hàng phải tự thỏa thuận xem ai phải đóng, không thỏa thuận được thì kiện ra tòa án. Còn theo quan điểm của UBND TP.HCM tại cuộc họp trên, chủ đầu tư là người phải chịu khoản này mà không được buộc khách hàng nộp thêm. Bởi lẽ luật đã quy định mà chủ đầu tư không ghi rõ trong hợp đồng để thực hiện cho chặt chẽ, rõ ràng thì phải chịu. CẨM TÚ |
HOÀNG VÂN
Theo Báo Pháp luật TPHCM
Các bản tin khác
- Sắp vận hành hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản
- Thị trường bất động sản: Đo sức cầu quý cuối năm
- Đầu tư bất động sản, chọn đất nền hay nhà xây sẵn?
- Hồi sinh dự án DITP để đón đầu cơ hội thu hút đầu tư từ sự kiện APEC
- Lợi thế tại các dự án nghỉ dưỡng ven biển Đà Nẵng của VinaCapital
- Nghỉ lễ 2-9, Đà Nẵng có gì?
- Nhiều hoạt động hấp dẫn dịp nghỉ lễ 2-9
- Đà Nẵng: Hấp dẫn sở hữu đất nền kèm sổ đỏ ở phía tây thành phố
- Đầu tư bất động sản, chọn đất nền hay nhà xây sẵn?
- Đau đầu chuyện định giá đất
- Khu vực tây bắc thành phố: Bất động sản sôi động
- Thách thức cho bất động sản du lịch
- Tưng bừng Giải thể thao chào mừng 72 năm ngày truyền thống Ngành Tư pháp Việt Nam
- Những điểm check in đẹp như mơ dịp 2/9
- Sắp khai trương khu spa massage đẳng cấp lớn nhất tại Đà Nẵng và miền Trung
- Đà Nẵng: Khai trương khách sạn 4 sao theo mô hình condotel ngay trong lòng Thành phố
- Thị trường bất động sản: Hết ngại tháng Ngâu
- Khách hàng “ruột” của Sun Group trải nghiệm kỳ nghỉ đặc quyền
- Hơn 750 người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam
- Bất động sản ngầm, ‘cuộc chiến’ mới của siêu đô thị