Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng về những định hướng xây dựng và phát triển đô thị quận Hải Châu, Bí thư Quận ủy Hải Châu Đặng Việt Dũng chia sẻ những giải pháp sáng tạo, mang tính đột phá, mũi nhọn để quận phát triển thành đô thị kiểu mẫu hiện đại, xứng đáng là quận trung tâm của thành phố Đà Nẵng.
Một góc phố chuyên doanh đường Lê Duẩn khang trang, sạch, đẹp chờ đến ngày khai trương. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
* Thưa ông, vì sao phải đề cập việc phải có những giải pháp sáng tạo, mang tính đột phá, mũi nhọn trong xây dựng và phát triển kinh tế lẫn đô thị của quận trong thời điểm hiện nay?
- Không phải quá trình xây dựng và phát triển trong những năm qua là không đúng hay bị lệch hướng. Ngay từ năm 2005, Ban Thường vụ Thành ủy đã định hướng với Kết luận 25-KL/TU ngày 15-10-2005 “Về tình hình và phương hướng xây dựng, phát triển quận Hải Châu trong những năm đến”.
Qua 10 năm thực hiện, kinh tế quận luôn tăng trưởng khá và giữ vững nhịp độ phát triển, thu hút các thành phần kinh tế tham gia thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động đúng hướng. Kết cấu hạ tầng đô thị, kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư, quy hoạch, chỉnh trang tạo diện mạo đô thị hiện đại, văn minh. Công tác quản lý Nhà nước về đô thị đi vào nền nếp. Các mục tiêu văn hóa - xã hội cơ bản đạt định hướng đề ra và đáp ứng khá tốt nhu cầu xã hội…
Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế trong thời gian qua thiếu đi một kế hoạch bài bản, còn có tính tự phát; quy mô doanh nghiệp rất nhỏ cả về vốn lẫn lao động, thiếu tính liên kết hỗ trợ lẫn nhau và không có thương hiệu, không có doanh nghiệp đầu tàu; hạ tầng kỹ thuật đô thị có khu vực chưa đáp ứng yêu cầu… Do vậy, cần phải có các giải pháp sáng tạo, phù hợp và mang tính đột phá, mũi nhọn để quận Hải Châu phát triển.
* Quận đã có những giải pháp hoặc mô hình xây dựng, phát triển nào, thưa ông?
- Trong phần lớn thời gian của năm 2014, chúng tôi nỗ lực thực hiện lập lại trật tự đô thị, cụ thể là vỉa hè và lòng đường. Quận cũng đang đầu tư, xây dựng phố chuyên doanh đường Lê Duẩn để buôn bán hàng thời trang và phố ẩm thực Huỳnh Thúc Kháng để kinh doanh điểm tâm.
Đây là công việc đa mục đích: vừa góp phần phát triển kinh tế vừa giải quyết được vấn đề trật tự đô thị. Đối với phát triển kinh tế, từng bước xây dựng thương hiệu kinh doanh cho từng tuyến phố, xây dựng văn hóa bán hàng, văn minh thương mại góp phần tạo ra nguồn thu cho địa phương và thành phố. Đối với vấn đề trật tự đô thị sẽ cải tạo lại hạ tầng, bố trí sắp xếp việc buôn bán vào nền nếp.
Cơ sở để hình thành nên hai phố chuyên doanh này là dựa trên loại hình kinh doanh đặc trưng, bước đầu có những nét có thể hình thành nên một thương hiệu. Dựa trên ngành nghề kinh doanh của dân, trên cơ sở kế hoạch của thành phố, giải pháp xây dựng phố chuyên doanh sẽ tạo nên đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế và hạ tầng, văn minh đô thị. Đây là bước đột phá, mũi nhọn phát triển với mục tiêu xa hơn là khi đã tạo được thương hiệu rồi sẽ thu hút nhiều khách nội thành, là địa chỉ tham quan, mua sắm, trải nghiệm của khách du lịch ở trong và ngoài nước.
* Ngoài xây dựng hai phố chuyên doanh này, bao giờ quận xây dựng các phố chuyên doanh tiếp theo? Để đạt được những kết quả như mong đợi thì cần những yếu tố gì, nhất là về nguồn vốn vì vốn đầu tư là không nhỏ?
- Cuối tháng 12 này sẽ khai trương và đưa vào hoạt động hai phố chuyên doanh đường Lê Duẩn và Huỳnh Thúc Kháng, kịp phục vụ khách đến tham quan, mua sắm, thưởng thức dịp Noel và Tết Dương lịch. Quận cũng đang tập trung xây dựng một phố hoa cảnh ven sông Hàn và nếu thực hiện kịp thì đưa phố này vào hoạt động phục vụ người dân và du khách dịp Tết Ất Mùi.
Quận cũng sẽ tranh thủ sự hỗ trợ của thành phố để thúc đẩy phát triển các phố chuyên doanh như: phố hàng điện tử, phố dược phẩm, phố sách, hàng lưu niệm và xây dựng đường Bạch Đằng, đường Lê Duẩn thành trục đường văn hóa - lễ hội. Ở kỳ họp HĐND thành phố vừa qua, việc xây dựng các khu phố chuyên doanh của chúng tôi được đánh giá cao và ví như “36 phố phường” ở Hà Nội.
Chúng tôi có yêu cầu cao và vận động người dân thực hiện việc kinh doanh lấy chữ tín làm đầu, chất lượng sản phẩm phải tốt, đẹp, bán hàng đúng giá niêm yết và phục vụ, chăm sóc khách hàng chu đáo. Các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát giá cả, nguồn gốc hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm… Quận tăng cường công tác quảng bá các phố chuyên doanh, kết nối các đơn vị lữ hành và CLB Hướng dẫn viên du lịch để đưa khách du lịch đến mua sắm.
Có 3 yếu tố quan trọng bảo đảm sự thành công, đó là sự đồng tình tham gia của người dân; sự quyết liệt, cụ thể, sâu sát của chính quyền và sự hỗ trợ của các doanh nghiệp. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư xây dựng, trang bị những hạng mục về hạ tầng, vỉa hè, tiện ích công cộng sử dụng hoàn toàn hoặc một phần từ ngân sách, phần còn lại là xã hội hóa. Người dân cũng phải đầu tư kinh phí mua sắm bàn, ghế, tủ, trang trí cửa hàng, cửa hiệu… và kêu gọi các nhà tài trợ trang bị các thiết bị, vật dụng thiết yếu khác.
Cụ thể, các hộ kinh doanh trên đường Lê Duẩn tự đầu tư kinh phí thực hiện ốp aluminium trước cửa hiệu sao cho đồng bộ trên toàn tuyến và mua thêm máy tính tiền, tủ, kệ trưng bày hàng hóa. Các hộ kinh doanh trên đường Huỳnh Thúc Kháng đầu tư tủ, ghế, mặt bàn bằng inox, còn doanh nghiệp tài trợ mũ, găng tay, tạp dề, mái che, diềm quảng cáo và bảng niêm yết giá…
Bên cạnh sự đầu tư từ vốn ngân sách, người dân cũng phải bỏ tiền đầu tư nâng cấp, mở rộng việc kinh doanh, buôn bán của mình bởi tất cả những nỗ lực, sự đầu tư và xây dựng của Nhà nước đều phục vụ và giúp nhân dân được hưởng lợi, nên người dân phải có trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan.
* Bên cạnh xây dựng các phố chuyên doanh, quận còn có những mô hình, giải pháp và hướng xây dựng, phát triển nào, thưa ông ?
- Trong những năm đến, định hướng kinh tế của quận vẫn là phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ. Quận ưu tiên phát triển dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, hình thành các cụm dịch vụ thương mại - tiêu dùng có chất lượng cao.
Phối hợp với các cơ quan chức năng thành phố xúc tiến kêu gọi đầu tư cải tạo nâng cấp chợ Cồn, chợ Hàn, đẩy nhanh các dự án thương mại ở trung tâm và kiến nghị phân cấp cho quận quản lý chợ đầu mối, chợ Đống Đa; triển khai xây dựng thí điểm một số dự án cải tạo đô thị tại khu vực trung tâm của quận theo phương thức xã hội hóa hay kêu gọi đầu tư nước ngoài và thực hiện thí điểm có tính đột phá về quản lý trật tự vỉa hè, vệ sinh môi trường.
* Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
HOÀNG HIỆP thực hiện
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Thêm 14 đoạn, tuyến đường cấm đỗ xe theo ngày chẵn, ngày lẻ
- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch các dự án đang triển khai ven sông Hàn
- "Nóng" hội thảo phản biện dự án ven sông Hàn
- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch các dự án đang triển khai ven sông Hàn
- Ngày 2-9: Khởi công dự án cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý
- Người mua lại căn hộ tại chung cư An Trung 2 có thể bị mất trắng?
- Vụ án Công ty Quảng Đà lừa bán “đất ma”: “Đệ tử ruột” của siêu lừa Nguyễn Thị Bích Thuận sa lưới
- Cò tháo lui, giá đất Đà Nẵng hạ nhiệt
- Thủ tướng: Nghiên cứu cấp “sổ đỏ” cho loại hình bất động sản mới
- Cần siết chặt quản lý sàn giao dịch bất động sản
- Chuyển hướng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp
- Đề nghị hồ thủy điện báo cáo kế hoạch tích nước định kỳ 10 ngày liên tục
- Thông tuyến sông Cổ Cò kết nối Đà Nẵng- Hội An trước tháng 9-2020
- Từ 13-5 đến 17-7, tạm dừng hoạt động Cảng Sông Hàn
- Xử lý việc tung tin đồn gây sốt đất ảo
- Chi phí không chính thức đang đè nặng lên doanh nghiệp
- Cần siết chặt quản lý sàn giao dịch bất động sản
- Đề xuất giải pháp thanh toán nợ tiền chuyển quyền sử dụng đất
- Quy định mới về lệ phí trước bạ nhà đất, ô-tô
- Dự thảo hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng từ 1-7-2019