(Cadn.com.vn) - Âm thầm, lặng lẽ, việc mua bán diễn ra thật đơn giản, chóng vánh. Giao tiền, nhận đất không có người thứ ba chứng kiến và tất cả dựa trên một tờ giấy được ai đó ký, đóng dấu cách đây hàng chục năm... Việc mua bán giấy tờ đất có mục đích sử dụng là đất nông nghiệp đang diễn ra như vậy tại nhiều địa phương tại TP Đà Nẵng và tất cả đều có một kết cục... buồn.
Tiền trao, cháo cũng mất
Anh Nguyễn Ba, trú Đại Chánh, Đại Lộc (Quảng Nam) trình bày: Đầu năm 2011, vợ chồng anh tích cóp mãi được hơn 300 triệu đồng để mua cho đứa con vừa lập gia đình một mảnh đất tại TP Đà Nẵng. Nhưng với số tiền đấy, tìm đỏ cả mắt vẫn không có đất. Tình cờ, được một người đồng hương sống tại Đà Nẵng đã lâu mách bảo “đến Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu sẽ có đất”. May mắn, anh đã chọn được một ngôi nhà cấp 4, diện tích 100m2. Thỏa thuận xong, anh giao tiền, người bán giao nhà cùng 3 tờ giấy có chữ ký mang tên Phan Văn Vĩnh và được đóng dấu đỏ hẳn hoi. Mừng vì mua được ngôi nhà có giấy tờ, nguồn gốc rõ ràng và vợ chồng đứa con từ nay chấm dứt hẳn cảnh phải sống trong những phòng trọ chật hẹp. Thế nhưng, nụ cười chưa kịp tắt trên môi, vợ chồng anh đã méo xẹo vì đứa con báo tin: Ba vừa mua nhà xây dựng trái phép, không thể làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không được nhập hộ khẩu...
Bi đát hơn, một gia đình 5 nhân khẩu sinh sống tại P. Hải Châu 1 (Hải Châu) chồng làm nghề xe ôm, vợ bán mít trộn. Không thể chịu đựng mãi cảnh sống lay lắt chốn nội đô sau hơn 10 năm dành dụm được vài trăm triệu đồng, đã quyết định mua một lô đất 100m2 tại P. Hòa Khánh Nam để xây nhà. Song, nhà xây chưa hết mùi vôi vữa đã bị các cơ quan chức năng thông báo cưỡng chế tháo dỡ vì xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp do Nhà nước quản lý. Thế là, mồ hôi, nước mắt của hai vợ chồng đổ ra bao nhiêu năm nay đã trở thành công cốc. Tiếc của, người vợ hàng ngày sau việc bán mít trộn kiếm gạo nuôi con, nước mắt ngắn dài “gõ cửa” khắp các cơ quan chức năng nhờ giúp đỡ nhưng tất cả đều nhận được những cái... lắc đầu.
Trên đây chỉ là hai trường hợp điển hình cho việc mua bán nhà, đất có giấy tờ không hợp lệ đã và đang diễn ra tại Liên Chiểu trong thời gian qua. Và, việc mua bán đất có nguồn gốc không hợp pháp vẫn âm thầm diễn ra tại các phường thuộc Q. Liên Chiểu và địa bàn được xem là “nóng nhất” là các phường Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc... mặc cho những khuyến cáo của chính quyền địa phương là khi mua đất như vậy sẽ không được xây dựng hoặc đã xây dựng xong vẫn không nhận được tiền đền bù khi giải tỏa, bố trí đất tái định cư... Tại sao nhiều người dân vẫn phớt lờ những khuyến cáo để chấp nhận những rủi ro không đáng có như vậy?
Những ngôi nhà xây dựng trái phép bị cưỡng chế tháo dỡ. Ảnh: M.T |
Đất 3 lá: không may toàn rủi
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những đối tượng mua đất không hợp pháp tại Liên Chiểu tất cả đều là cư dân nghèo tại Đà Nẵng hoặc người ở các địa phương khác. Vì thu nhập có hạn, không hiểu biết những chính sách về đất đai và chủ trương của TP Đà Nẵng nên nghe những người bán đất hứa hẹn nhiều thứ, cụ thể: Lo giấy phép xây dựng, lo nhập hộ khẩu, sẽ được bố trí đất tái định cư khi bị giải tỏa... nên họ vô tình biến mình trở thành miếng mồi ngon cho những cò đất. Khi biết sự thật, tìm kẻ bán đất lấy lại tiền thì lại khó hơn việc “bắc thang lên hỏi ông trời”. Trao đổi cùng chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Hoài-Đội trưởng Đội Kiểm tra Quy tắc Q. Liên Chiểu cho biết: Năm 2011, Đội đã tổ chức cưỡng chế tháo dỡ 282 trường hợp xây dựng nhà trái phép. Cụ thể: P. Hòa Khánh Nam: 86 trường hợp; P. Hòa Minh: 65 trường hợp... Tất cả các trường hợp trên đều có chung một sai phạm là mua bán theo hình thức 3 lá, đấy là đất nông nghiệp không được Nhà nước cho phép xây dựng. Cá biệt, nhiều trường hợp mua bán đất có xác nhận của ông Phan Văn Vĩnh- nguyên Chủ tịch UBND P. Hòa Khánh (cũ) đã thôi giữ chức Chủ tịch từ năm 2000 và từ trần năm 2007. Làm rõ nguồn gốc, cơ quan CA xác định toàn bộ giấy tờ trên là giả mạo. Theo lời một cán bộ UBND Q. Liên Chiểu: Từ đầu năm 2011, lãnh đạo quận đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các phường công khai số điện thoại đường dây nóng để người dân phản ánh kịp thời các trường hợp xây dựng nhà trái phép. Ngoài ra, còn tổ chức tuyên truyền rộng rãi cho người dân hiểu về những quy định của Chỉ thị số 10 của Thành ủy Đà Nẵng về việc xử lý các trường hợp mua bán đất có nguồn gốc nông nghiệp. Cụ thể, hồ sơ phải được chính quyền sở tại chứng thực nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp sử dụng giấy tờ giả; công khai các tiêu chí về đền bù nhà đất, bố trí tái định cư. Cụ thể, các trường hợp xây dựng từ ngày 1-7-2004 trở về trước và có một số giấy tờ chứng minh nguồn gốc sử dụng đất hợp pháp, như: biên lai thuế nhà đất, xác nhận của chính quyền là đang ở thực tế mới được xem xét bố trí nhà chung cư khi có giải tỏa. Riêng các trường hợp khác sẽ không được đền bù vật kiến trúc và không được xem xét để bố trí lại nhà ở.
Với những quy định như vậy, cho thấy việc mua đất có giấy tờ 3 lá sẽ không có trường hợp nào được bố trí đất tái định cư hoặc nhà chung cư khi bị giải tỏa nếu xây dựng sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ. Và, điều đó cho thấy việc mua bán đất mục đích sử dụng không phải là đất ở và không có giấy tờ hợp lệ thì nguy cơ mất trắng tài sản là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Mong rằng, những người có nhu cầu về nhà ở cần tỉnh táo hơn trong việc mua bán đất để tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”.
M.T
Các bản tin khác
- Đà Nẵng có "Thung lũng Silicon" lớn nhất cả nước: Tổng vốn đầu tư 121 triệu USD, xác định mức doanh thu 3 tỷ USD/năm
- Sự thật sốc giao dịch đất nền Vân Đồn, Đà Nẵng
- Đà Nẵng: Đề nghị hoàn trả 1.200 tỷ đồng để lấy lại sân vận động Chi Lăng
- Đà Nẵng sắp có lễ hội Ẩm thực quốc tế
- Nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm bất động sản nghỉ dưỡng
- Nhiều cơ hội cho nhà đầu tư Canada tại Đà Nẵng
- Giá đất nền tại Đà Nẵng bớt nóng
- Sở Xây dựng cảnh báo người dân trong giao dịch bất động sản
- Chuyện về những Nữ Doanh nhân
- Lưỡng thổ thành sơn, bất động sản có sóng trong năm Kỷ Hợi 2019
- Đẩy nhanh tiến độ các dự án ở Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà
- Đầu tư 1.800 tỷ đồng vào dự án Khu đô thị Thủy Tú
- Ba thị trường địa ốc tâm điểm trong 2019
- Người nước ngoài được mua nhà tại 17 dự án ở Đà Nẵng
- Công bố danh sách các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cho phép và không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở - Đợt 01.
- Đà Nẵng công bố giá đất năm 2019
- Cảnh báo trong mua bán nhà đất, chuyển nhượng chung cư
- Sôi nổi thi công xây dựng đầu năm mới
- Năm 2019, giá đất ở cao nhất 98,8 triệu đồng/m2
- Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng