(PL)- Các cơ quan trung ương có hai hướng chỉ đạo khác nhau khiến TP.HCM… rối.
Lâu nay hợp đồng mua bán, tặng cho, thế chấp, cho thuê, thừa kế… quyền sử dụng đất được TP.HCM quy định thực hiện thủ tục tại các tổ chức hành nghề công chứng. Đang thực hiện suôn sẻ, Luật Đất đai 2013 quy định người dân được chọn cơ quan công chứng hoặc UBND cấp xã để chứng thực các giao dịch này. Trước yêu cầu trên, các ngành có những chỉ đạo khác nhau và TP cũng bị rối theo.
Giao cơ quan công chứng: Vẹn đôi đường
Theo Luật Đất đai 2003, các văn bản hợp đồng về quyền sử dụng đất như mua bán, tặng cho, thế chấp… được thực hiện tại cơ quan công chứng hoặc UBND cấp xã. Tuy nhiên, nhằm mục đích đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng giao dịch, đồng thời để UBND cấp xã tập trung thực hiện tốt việc chứng thực bản sao, chữ ký nên TP.HCM quyết định chuyển giao thẩm quyền này. Cụ thể, theo Quyết định 31/2011 của UBND TP, việc chứng thực toàn bộ hợp đồng giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác (trừ di chúc) chuyển từ UBND xã, phường, thị trấn sang tổ chức hành nghề công chứng.
Kể từ ngày thực hiện chuyển giao, UBND cấp xã không còn thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch về nhà, đất. “Quá trình thực hiện việc chuyển giao trên địa bàn TP đã đi vào nền nếp, ổn định. Các tổ chức hành nghề công chứng đảm bảo phục vụ tốt yêu cầu của xã hội, người dân đồng thuận. UBND các cấp cũng đã bố trí lại cán bộ, cơ sở vật chất theo hướng tinh giản sau khi thực hiện chuyển giao” - Sở Tư pháp TP nhận xét tại báo cáo trình UBND TP.
Người dân đang công chứng giấy tờ nhà, đất tại Phòng Công chứng số 7 (quận 6, TP.HCM). Ảnh: C.TÚ
Đến năm 2013, Luật Đất đai được ban hành lại tiếp tục giữ quy định người sử dụng đất được lựa chọn công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp xã các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất. Nhận thấy quy định này dẫn đến độ chênh về pháp lý và thực tế đang thực hiện thuận lợi, Sở Tư pháp lập tức có văn bản báo cáo TP. Ngay sau đó, TP chỉ đạo Sở Tư pháp khẩn trương báo cáo, kiến nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn. Trong thời gian chờ hướng dẫn của Bộ Tư pháp, các cơ quan, tổ chức tạm thời tiếp tục thực hiện theo Quyết định 31 của TP.
Lại có chỉ đạo khác
Mới đây, Bộ Tư pháp có văn bản cho hay sẽ phối hợp Bộ TN&MT nghiên cứu, rà soát các quy định để đề xuất, báo cáo Thủ tướng. Trong thời gian này, Bộ Tư pháp đề nghị các tỉnh đã ban hành quyết định về chuyển giao thẩm quyền công chứng, chứng thực tiếp tục thực hiện như cũ để tránh xáo trộn.
Mọi chuyện tưởng như tạm ổn, thế nhưng tình hình vẫn tiếp tục rối bởi sau đó ngành tài nguyên lại có chỉ đạo khác. Trong văn bản gửi các tỉnh, thành, Bộ TN&MT yêu cầu phải thực hiện đúng quy định về công chứng, chứng thực tại Luật Đất đai 2013. Lý do là trước đó Thủ tướng đã chỉ đạo “nghiêm túc thực hiện quy định về công chứng, chứng thực hợp đồng văn bản về thực hiện quyền của người sử dụng đất theo Luật Đất đai 2013 để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tránh tình trạng bắt buộc phải công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng đã diễn ra tại một số địa phương”.
Nhận được văn bản này, UBND TP lại giao Sở TN&MT phối hợp các sở, ngành liên quan nghiên cứu để triển khai thực hiện đúng quy định trên. Như vậy, cùng một vấn đề nhưng do hai hướng chỉ đạo khác nhau dẫn đến TP cũng có hai hướng triển khai và đến nay vẫn chưa gút sẽ thực hiện ra sao.
Tôi cho rằng nên tiếp tục thực hiện như hiện nay vì tổ chức hành nghề công chứng mang tính chuyên nghiệp, đảm bảo an toàn pháp lý. Chỉ cần nâng chất hơn nữa với văn phòng công chứng là được. Giao về cho cấp xã thì thuận lợi ở chỗ chi phí thấp hơn, địa phương có thể nắm được nguồn gốc đất, tình trạng tranh chấp, quy hoạch… Tuy nhiên, phường khó có thể đảm nhiệm tốt công việc này vì không đủ nhân sự, lại thường kiêm nhiệm. Ông LÊ PHƯỚC TÀI, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Tạo A, quận Bình Tân Tôi đồng tình giao cho tổ chức hành nghề công chứng thực hiện công chứng các giao dịch về nhà, đất như TP đang làm. Hiện mật độ phủ sóng của các cơ quan công chứng đã đủ để người dân không phải đi xa mới có chỗ công chứng. Cơ quan công chứng có đội ngũ chuyên môn hơn cán bộ ở xã. Tôi cũng cho rằng cần giao hẳn chứ không nên quy định lấp lửng cho dân chọn thì sẽ khó cho cả xã lẫn cơ quan công chứng (vì không biết nhu cầu của người dân ra sao để bố trí nhân sự, phương tiện). Phó chủ tịch một xã ở huyện Hóc Môn |
CẨM TÚ
Theo Báo Pháp luật TPHCM
Các bản tin khác
- Người thuê nhà cần biết 5 thay đổi lớn từ 01/7/2021
- Cách tính tiền Bảo hiểm xã hội một lần năm 2021
- Nhiều quy định về nâng lương cán bộ, công chức sắp thay đổi?
- Đà Nẵng điều chỉnh giảm 10% giá đất so với hiện nay
- Từ 01/7/2021, đăng ký thường trú, tạm trú có thể bị thu hồi Sổ hộ khẩu
- Vì sao Chứng minh nhân dân không nên ép dẻo?
- Thủ tục sang tên xe máy mới nhất: Kinh nghiệm thực hiện từ A đến Z
- Cách ghi số và ký hiệu văn bản đúng chuẩn Nghị định 30
- Hướng dẫn mới nhất về cấp Giấy xác nhận số CMND từ 18/11/2019
- Từ 22/5, chính thức cấp bản sao điện tử cho người dân
- Trường hợp nào gây thiệt hại mà không phải bồi thường?
- Một năm, người lao động được nghỉ việc riêng mấy lần?
- Đất không có Sổ đỏ có được chia thừa kế không?
- Hôm nay (15/5), nhiều chính sách mới bắt đầu có hiệu lực
- Từ 20/4/2020: Giấy ủy quyền chỉ được chứng thực trong 4 trường hợp
- 6 giao dịch về nhà ở không cần đến Sổ đỏ
- Các Văn phòng Công chứng tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định về phòng chống dịch Covid 19
- Đà Nẵng: Mức giá đất ở cao nhất là 98,8 triệu đồng/m2
- Có Sổ đỏ trong tay, người dân được hưởng lợi thế nào?
- Thủ tục cấp Sổ đỏ khi mua bán nhà đất bằng giấy viết tay