13 luật sẽ có hiệu lực thi hành kể từ 1-1-2015.
Đó là các Luật Việc làm; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Xây dựng; Luật Phá sản; Luật Đầu tư công; Luật Hải quan; Luật Công chứng; Luật Bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều các luật về thuế; Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Luật Hôn nhân và gia đình.
.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Việc làm. |
Bảo đảm việc làm bền vững cho người lao động
Luật Việc làm gồm 7 chương 62 điều, điều chỉnh 5 nhóm vấn đề lớn: chính sách hỗ trợ tạo việc làm; thông tin thị trường lao động; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tổ chức, hoạt động dịch vụ việc làm và bảo hiểm thất nghiệp.
Chính sách việc làm công là chính sách mới được quy định trong Luật, với mục tiêu cung cấp việc làm tạm thời có trả công cho người lao động thông qua việc thực hiện dự án hoặc hoạt động sử dụng vốn nhà nước gắn với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn cấp xã, gồm xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng; bảo vệ môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu; các dự án, hoạt động phục vụ cộng đồng tại địa phương.
Việc thực hiện chính sách việc làm công sẽ góp phần quan trọng giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, chất lượng công trình với sự tham gia trực tiếp của người dân.
Lần đầu tiên thông tin thị trường lao động được quy định trong văn bản luật, góp phần phát triển thị trường lao động năng động, cạnh tranh, minh bạch và thống nhất. Luật Việc làm cũng quy định việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia nhằm công nhận cấp độ kỹ năng nghề nghiệp theo trình độ của người lao động và người lao động được tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia để hoàn thiện năng lực nghề nghiệp, tìm công việc phù hợp hoặc công việc yêu cầu phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Hướng đến lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế có 2 điều. Điểm mới quan trọng có tính đột phá mạnh mẽ của Luật là đã sửa đổi quy định các đối tượng “có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế” thành “bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc" nhằm khẳng định mọi đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm y tế để thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.
Luật sắp xếp lại 25 nhóm đối tượng thành 5 nhóm theo trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế và quy định lực lượng công an và quân đội cùng tham gia hệ thống bảo hiểm y tế và người đang tại ngũ trong quân đội; thân nhân của học viên công an và học viên cơ yếu; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế.
Các đối tượng được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được quy định trong Luật gồm: người có công với cách mạng; trẻ em dưới 6 tuổi; người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội; người thuộc hộ gia đình nghèo; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Luật bổ sung quyền lợi của trẻ em dưới 6 tuổi; quỹ bảo hiểm y tế thanh toán trong các trường hợp tự tử, tự gây thương tích, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; nâng mức hưởng bảo hiểm y tế đối với một số đối tượng và mở thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế từ 1/1/2016.
Tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam
So với Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2000 và các văn bản hướng dẫn hiện hành, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có nhiều điểm mới.
Luật gồm 9 chương, 55 điều, quy định rõ nguyên tắc người nước ngoài có nhiều hộ chiếu chỉ được sử dụng một hộ chiếu để nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam. Quy định này nhằm tránh phát sinh phức tạp trong quan hệ đối ngoại, hình sự, dân sự, đồng thời đảm bảo công tác thống kê nhà nước chính xác.
Theo Luật, thị thực không được chuyển đổi mục đích nhằm đảm bảo công tác quản lý, khắc phục tình trạng người nước ngoài xin vào Việt Nam du lịch sau đó làm việc tại các công trình, dự án như thời gian qua.
Thị thực cấp cho người nước ngoài vào lao động có thời hạn tối đa đến 2 năm; thị thực cấp cho người nước ngoài vào đầu tư và luật sư nước ngoài vào hành nghề tại Việt Nam có thời hạn tối đa đến 5 năm nhằm đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống luật.
Luật bỏ quy định cho phép cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực Việt Nam ở nước ngoài được cấp thị thực cho các trường hợp không có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh.
Luật mở rộng đối tượng được xét cho thường trú đối với người nước ngoài là nhà khoa học, chuyên gia và người không quốc tịch đã tạm trú liên tục tại Việt Nam từ trước năm 2000; đồng thời quy định cụ thể điều kiện xét cho thường trú.
Khắc phục thất thoát, lãng phí, nâng cao chất lượng các công trình xây dựng
Với 10 chương, 168 điều, tăng 1 chương, 45 điều so với Luật Xây dựng (2003), nguyên tắc cơ bản và cũng là nội dung cốt lõi của Luật Xây dựng 2014 là đổi mới phương thức, nội dung quản lý dự án nhằm quản lý chặt chẽ đối với dự án sử dụng vốn nhà nước; khắc phục thất thoát và lãng phí, nâng cao chất lượng các công trình xây dựng; đồng thời, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng.
Luật quy định nguyên tắc dự án sử dụng nguồn vốn khác nhau được quản lý theo các phương thức khác nhau; tăng cường sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước và của cộng đồng đối với dự án; bổ sung quy định hình thức ban quản lý dự án chuyên ngành, ban quản lý dự án khu vực.
Luật sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch xây dựng để góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng đảm bảo xây dựng theo quy hoạch, có kế hoạch nhằm khắc phục tình trạng đầu tư tự phát, đầu tư theo phong trào dẫn đến thất thoát lãng phí các nguồn lực.
Nhằm tránh tình trạng điều chỉnh quy hoạch xây dựng tùy tiện, Luật đã được bổ sung nội dung quy định cơ quan tổ chức lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong khu vực điều chỉnh quy hoạch và các khu vực xung quanh có ảnh hưởng trực tiếp.
Công khai thủ tục, trình tự giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản
Luật Phá sản gồm 14 chương, 133 điều, quy định trình tự, thủ tục nộp đơn, thụ lý và mở thủ tục phá sản; xác định nghĩa vụ về tài sản và biện pháp bảo toàn tài sản trong quá trình giải quyết phá sản; thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh; tuyên bố phá sản và thi hành quyết định phá sản.
Luật Phá sản quy định cá nhân doanh nghiệp được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trong quá trình giải quyết phá sản gồm: quản tài viên và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Quy định này nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế phối hợp, tính chất kiêm nhiệm của các thành viên trong Tổ quản lý, thanh lý tài sản theo quy định của Luật Phá sản năm 2004.
Tạo cơ sở pháp lý nâng cao hiệu quả đầu tư công
Luật Đầu tư công được kết cấu thành 6 chương, 108 điều. Việc thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư là nội dung mới quan trọng nhất của Luật. Đó là điểm khởi đầu quyết định tính đúng đắn, hiệu quả của chương trình, dự án theo đúng các mục tiêu, định hướng, kế hoạch, quy hoạch và chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước; ngăn chặn sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí và đơn giản trong việc quyết định chủ trương đầu tư, nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định chủ trương đầu tư; góp phần khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư công.
Tăng cường và đổi mới công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn, coi đó là một trong những nội dung quan trọng nhất của công tác thẩm định chương trình, dự án đầu tư công. Với việc thực hiện nghiêm các chế định về thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn, sẽ bảo đảm bố trí về thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn sẽ bảo đảm bố trí vốn một cách tập trung cho các mục tiêu, dự án ưu tiên cần thiết phải đầu tư, khắc phục tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án, dẫn đến bố trí vốn dàn trải, kéo dài thời gian thi công, mà không tính đến việc huy động và cân đối các nguồn vốn như trong thời gian vừa qua.
Luật tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công. Đây là lần đầu tiên công tác theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư và các chương trình, dự án đầu tư công, đặc biệt các quy định về giám sát cộng đồng được chế định cụ thể trong luật một cách chặt chẽ, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính về hải quan
Những nội dung mới của Luật Hải quan được chia thành 4 nhóm vấn đề: Nhóm vấn đề về cải cách thủ tục hải quan, hiện đại hóa quản lý hải quan, nội luật hóa các cam kết quốc tế đáp ứng yêu cầu hội nhập và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Nhóm vấn đề về nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý hải quan; tăng cường công tác bảo vệ an ninh quốc gia và an ninh kinh tế nhằm phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại.
Nhóm vấn đề sửa đổi, bổ sung những quy định trong Luật hiện hành để bảo đảm tính thống nhất, khả thi của pháp luật hải quan, phù hợp với văn bản pháp luật có liên quan và thực tế hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.
Quan điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng Luật Hải quan là đổi mới toàn diện hoạt động hải quan thông qua tạo điều kiện áp dụng quản lý hải quan hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần bảo vệ lợi ích chủ quyền và an ninh quốc gia; góp phần thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao sức cạnh tranh trong nước và quốc tế của các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tăng cường trách nhiệm của công chứng viên
Luật Công chứng năm 2014 quy định chặt hơn về tiêu chuẩn công chứng viên; thời gian đào tạo nghề công chứng được tăng lên thành 12 tháng; người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 5 năm trở lên, luật sư phải hành nghề từ 5 năm trở lên mới được miễn đào tạo nghề công chứng.
Luật tiếp tục ghi nhận hai loại hình tổ chức hành nghề công chứng là Phòng công chứng và Văn phòng công chứng, song xác định rõ định hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng, ưu tiên phát triển các Văn phòng công chứng. Luật cũng quy định việc thành lập các tổ chức hành nghề công chứng phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng.
Luật quy định rõ bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc và giao Chính phủ quy định cụ thể về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với loại bảo hiểm này.
Trách nhiệm bồi thường của tổ chức hành nghề công chứng và trách nhiệm bồi hoàn của công chứng viên cũng được Luật quy định rõ nhằm ràng buộc trách nhiệm giữa công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng, tránh tình trạng đổ lỗi, trốn tránh trách nhiệm bồi thường.
Bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của nhân dân
Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 gồm 20 chương, 170 điều, tăng 5 chương, 34 điều so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2005.
Quy hoạch bảo vệ môi trường là một nội dung mới được bổ sung trong Luật Bảo vệ môi trường. Quy định này nhằm xây dựng cách nhìn tổng thể, dài hạn và chủ động triển khai công tác bảo vệ môi trường, thực sự gắn bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế, an sinh xã hội và là cơ sở để điều chỉnh hoặc xây dựng các quy hoạch phát triển khác, bảo đảm phát triển bền vững.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 có một chương quy định về ứng phó biển đổi khí hậu để đáp ứng các yêu cầu cấp thiết về ứng phó với biển đổi khí hậu hiện nay, thể chế hóa một số nghị quyết của Đảng về nội dung này. Luật có một chương quy định về bảo vệ môi trường biển và hải đảo nhằm đảm bảo tính thống nhất và toàn diện.
Phát triển giao thông đường thủy nội địa
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa bổ sung quy định về nguyên tắc phát triển giao thông đường thủy nội địa. Trong đó, Luật quy định: phát triển giao thông đường thủy nội địa phải phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải, bảo đảm quốc phòng an ninh; phát triển cơ cấu hạ tầng giao thông vận tải đường thủy nội địa theo hướng hiện đại, đồng bộ về luồng, tuyến, cảng, bến, công nghệ quản lý, xếp dỡ hàng hóa; bảo đảm an toàn giao thông, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển vận tải đường thủy nội địa phải kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác.
Hoạt động tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa là hoạt động mang tính chất nhân đạo, bắt buộc các tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện. Do đó, Luật sửa đổi, bổ sung đã bổ sung 4 điều quy định cụ thể về tìm kiếm cứu nạn giao thông đường thủy nội địa; nguyên tắc hoạt động tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa và các bảo đảm điều kiện cho hoạt động tìm kiếm, cứu hộ giao thông đường thủy nội địa.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thuế
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ hoạt động chế biến nông sản, thủy sản của hợp tác xã và của doanh nghiệp tại địa bàn đặc biệt khó khăn.
Áp dụng mức thuế suất 10% đối với thu nhập từ hoạt động chế biến nông sản, thủy sản của hợp tác xã và của doanh nghiệp tại địa bàn khó khăn. Áp dụng thuế suất 15% đối với thu nhập của doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Về thuế giá trị gia tăng, Luật bổ sung đối tượng không chịu thuế đối với tàu đánh bắt xa bờ; chuyển ba nhóm mặt hàng thuộc diện áp dụng thuế suất 5% sang đối tượng không chịu thuế là: phân bón; thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Luật cũng bổ sung thu nhập thuộc diện miễn thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam làm việc cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế; thu nhập cá nhân là chủ tàu, cá nhân có quyền sử dụng tàu từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp phục vụ hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản xa bờ và thu nhập của thuyền viên làm việc trên tàu…
Bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp
Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật gồm 5 chương, 77 điều, bổ sung một số nguyên tắc mới trong hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật, đó là nguyên tắc về phòng, chống sinh vật gây hại thực hiện theo phương châm phòng là chính; áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp sinh vật gây hại theo hướng bền vững, trong đó ưu tiên biện pháp sinh học, sử dụng giống cây trồng chống chịu sinh vật gây hại, biện pháp kỹ thuật canh tác, thực hành nông nghiệp tốt; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải thực hiện nguyên tắc bốn đúng để bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người, an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái.
Luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó nhấn mạnh các hành vi nghiêm cấm đưa đất, nhập khẩu sinh vật gây hại vào Việt Nam, nhân nuôi sinh vật gây hại; sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản, vận chuyển, thải bỏ, thu gom, xử lý thuốc và bao gói thuốc bảo vệ thực vật trái quy định. Các hành vi này sẽ được quy định chi tiết đồng thời có chế tài xử lý vi phạm tại Nghị định hướng dẫn về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Bổ sung chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Với 9 chương, 133 điều, Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi quy định về tuổi kết hôn để có sự thống nhất trong cách tính tuổi của người kết hôn và bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật dân sự, các luật khác có liên quan. Theo đó, nam phải từ đủ 20 tuổi, nữ phải từ đủ 18 tuổi mới có quyền kết hôn.
Luật bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính nhằm tránh sự phân biệt, kỳ thị đối với người đồng tính và can thiệp vào quan hệ chung sống giữa những người cùng giới tính. Tuy nhiên, thể hiện quan điểm hôn nhân phải là sự liên kết giữa hai người khác giới tính, khoản 2 Điều 8 quy định: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.
Luật sửa đổi, bổ sung quy định giải quyết quan hệ nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
Điểm mới rất quan trọng của Luật Hôn nhân và gia đình là bổ sung chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận. Việc thừa nhận chế độ tài sản này là nhằm tôn trọng quyền của vợ chồng trong việc tự thỏa thuận, định đoạt đối với tài sản của họ. Dù lựa chọn chế độ tài sản nào, vợ chồng đều phải bảo đảm lợi ích chung của gia đình, nhất là lợi ích của con.
Luật bổ sung chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Việc bổ sung quy định này nhằm đáp ứng nhu cầu của các cặp vợ chồng muốn có con nhưng người vợ không thể mang thai và sinh con.
TTXVN/Vietnam+
Các bản tin khác
- Bộ Xây dựng: Thị trường bất động sản đang được kiểm soát tốt
- Shophouse vị trí vàng vẫn là lựa chọn hàng đầu
- Phê duyệt quy hoạch cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam
- Lãi suất quay đầu giảm, thời cơ cho địa ốc đã tới?
- Hiệp hội công chứng Việt Nam chính thức được thành lập
- Kế hoạch 2019 đầy tham vọng của “ông lớn” địa ốc
- Vicoland bàn giao sổ hồng đợt cuối cho khách hàng mua nhà thu nhập thấp
- Thị trường bất động sản 2018 những con số biết nói
- Doanh nghiệp địa ốc ráo riết lên kế hoạch năm 2019
- Cơ hội cho tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành
- Báo Đầu tư chính thức phát hành ấn phẩm Toàn cảnh thị trường bất động sản Việt Nam
- Không phân lô bán nền dọc đường vành đai phía Nam
- Hình dung đô thị Đà Nẵng vào năm 2030
- Chủ đầu tư tính kế "vợt" dòng kiều hối cuối năm
- Việt Nam và những lợi thế phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ven biển
- Năm 2019 nhà đầu tư nên lựa chọn kênh đầu tư nào?
- Không gian du lịch sinh thái dưới chân Sơn Trà
- Xu hướng bất động sản năm 2019: Phân khúc condotel tiếp tục khó khăn
- Chính phủ giao thành phố Đà Nẵng đầu tư cảng Liên Chiểu
- [Infographic] Tổng quan thị trường bất động sản năm 2018