(Baodautu.vn) Chưa bao giờ, mối quan hệ giữa chủ đầu tư dự án bất động sản với chủ các ngân hàng lại khăng khít như hiện nay.
Tuần trước, Maritime Bank đã cử một loạt chuyên viên tư vấn tài chính túc trực tại lễ giới thiệu Dự án Goldmark City (số 136 - Hồ Tùng Mậu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu khách hàng vay mua căn hộ tại đây. Hạn mức vay tối đa lên đến 95% giá trị căn hộ với thời gian kéo dài 20 năm. Lãi suất có nhiều lựa chọn khác nhau, tùy theo nhu cầu, khả năng của người vay. Tiền vay sẽ được giải ngân theo tiến độ thanh toán cho chủ đầu tư…
Maritime Bank "đứng chân" cùng Dự án Goldmark City |
Sự hiện diện của Maritime Bank đáng nói ở chỗ, nếu như trước đây, khách hàng dự án muốn vay phải có hợp đồng mua bán căn hộ, tức là ít nhất dự án phải làm xong móng, thì nay, chủ đầu tư và chủ nhà băng chấp nhận yêu cầu vay vốn của khách hàng ngay khi dự án được "vẽ" xong.
Lý lịch dự án, năng lực chủ đầu tư cũng được ngân hàng xếp sang một bên khi Maritime Bank có thừa thông tin về Goldmark City, dự án vừa được đổi tên từ Dự án Castle Plaza của Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân trước đây.
Trường hợp Maritime Bank với Dự án Goldmark City không phải là cá biệt, khi hầu hết các dự án bất động sản hiện nay đều có ít nhất một ngân hàng đứng ra hỗ trợ tài chính. Trong khi các chủ đầu tư tăng cường mở bán dự án, thì các ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay mua nhà mới, sửa nhà…
Đơn cử, Techcombank ưu đãi tín dụng cho hệ thống dự án của Tập đoàn Vingroup; MB Bank với chuỗi dự án của doanh nghiệp quân đội; VietinBank với hệ thống dự án của tập đoàn, tổng công ty nhà nước… Các ngân hàng thương mại cổ phần cũng có chế độ cho vay linh hoạt với các dự án bất động sản tư nhân. Hầu như bất cứ dự án bất động sản nào mở bán hiện nay đều ghi kèm địa chỉ liên hệ của ngân hàng cung cấp tài chính cho dự án.
Việc các ngân hàng mở rộng cửa tín dụng cho các dự án bất động sản cũng cho thấy, áp lực tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng hiện nay là vô cùng lớn. Sau thời gian dài bị Ngân hàng Nhà nước hạn chế cho vay (Chỉ thị 01/CT-NHNN và Công văn 2956/NHNN-CSTT ngày 14/4/2011 về các biện pháp kiểm soát hoạt động cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất), không chỉ các dự án bất động sản khát vốn, mà các ngân hàng cũng khát địa hạt giải ngân, khát lợi nhuận.
Tín dụng bất động sản đang được khuyến khích trở lại với Thông tư 32/2014/TT-NHNN (ngày 18/11/2014) quy định ngân hàng thương mại nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải dành lượng vốn tối thiểu 3% tổng dư nợ cho vay tại thời điểm cuối năm trước cho các đối tượng đủ điều kiện vay vốn (bao gồm: cán bộ viên chức, công chức, lực lượng vũ trang, đối tượng thu nhập thấp có nhu cầu vay vốn) để mua, thuê mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, hoặc nhà ở tại các dự án, khu đô thị có tổng giá trị cả nhà và đất không vượt quá 1,05 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước sẽ giải ngân khoản cho vay tái cấp vốn trong gói 30.000 tỷ đồng cho các ngân hàng trên cơ sở dư nợ cho vay của ngân hàng với khách hàng trong thời gian tối đa không quá 36 tháng với lãi suất thấp hơn 1,5% so với mức cho vay của ngân hàng tại cùng thời điểm.
Hà Quang
Theo Báo Đầu tư
Các bản tin khác
- Bất động sản TP.HCM mắc kẹt chính sách
- Không đồng ý cho thi hành án hợp đồng công chứng
- Tạo điều kiện cho Việt kiều mua nhà ở trong nước
- Giảm thời hạn xác nhận tình trạng hôn nhân
- Nhà ngoại ô giá rẻ hút khách
- Bỏ quy định ghi tên cha mẹ trên CMND
- Tín hiệu vui…
- Các chiêu “phù phép” giấy tờ nhà đất
- Tin tức, dự án BĐS nổi bật tuần từ 9/9 đến 14/9
- TỪ THỰC TRẠNG NHÀ KHÔNG PHÉP Cần phải tạo quỹ đất giá rẻ
- Giá khởi điểm đấu giá 36 lô đất mặt tiền đường Hoàng Sa: 13,5 triệu đồng/m2
- Mạnh dạn xóa đồ án quy hoạch kém khả thi
- Thận trọng với 'chiêu' bất động sản lách luật
- Doanh nghiệp cố tình tính nhầm thuế VAT cho người mua nhà
- Cho vay mua nhà đang ấm lên
- 8.500 căn hộ bán theo chương trình nhà ở xã hội
- Sửa luật cho bất động sản
- Việt kiều được mua nhà ở tại các khu dân cư
- Địa ốc: rối vì luật!
- FDI vào BĐS tăng: Thực hay ảo?