Đó là nhận định của PGS. TS Trần Hoàng Ngân về cơ hội phát triển trong năm 2015. Ông cho rằng, năm 2014 nền kinh tế đã thật sự ổn định và có chuyển biến lớn thông qua các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát theo kế hoạch đề ra. Sang năm 2015, nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp (DN) nói riêng sẽ phát triển hơn khi hàng loạt luật sửa đổi đi vào cuộc sống.
Doanh nghiệp Việt mong mỏi được tạo điều kiện
trong sản xuất kinh doanh
Ảnh: S. XANH
Năm 2014 - Kinh tế vĩ mô thật sự ổn định
PV: Là một đại biểu Quốc hội, một chuyên gia kinh tế, ông đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế - xã hội nước ta khi kết thúc năm 2014?
PGSTS Trần Hoàng Ngân: Kinh tế năm 2014 đạt được những mục tiêu kép. Vừa đảm bảo tốc độ tăng trưởng 5,9%, trong khi kế hoạch đề ra 5,8%. Đồng thời vừa kiểm soát được lạm phát 3%, mặc dù có những nguyên nhân khách quan là do giá xăng dầu giảm. Bên cạnh đó, đảm bảo được vấn đề an sinh xã hội. Đặc biệt, lạm phát được kéo giảm đáng kể. Năm 2011, lạm phát 18,13% tỷ giá biến động tạo ra cú sốc về giá đô và giá vàng, nhưng từ năm 2012 đến nay lạm phát được kéo giảm đáng kể. Theo đó, năm 2012 lạm phát giảm còn 6,81%, năm 2013 còn 6,04%, 2014 chỉ còn 3%.
Về tỷ giá, trước đây thường tạo ra cú sốc vàng, sốc đôla nhưng trong 3 năm qua, chúng ta đã chủ động điều hành tỷ giá một cách thích hợp. Cán cân thương mại có sự chuyển biến rõ rệt, chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu. Trong kế hoạch kinh tế, xã hội 2006 – 2010 mỗi năm nhập siêu 12,5 tỷ USD, nhưng năm 2014 xuất siêu lên đến 2 tỷ USD. Mặc dù, đóng góp phần lớn là do các nhà đầu tư nước ngoài nhưng việc xuất siêu tạo sự cân bằng trong cán cân vãng lai. Trước đây, cán cân vãng lai của Việt Nam thâm hụt rất lớn, nhưng mấy năm gần đây cán cân vãng lai chuyển từ thâm hụt sang thặng dư, tiến đến trên 5% GDP. Cán cân vãng lai giúp cán cân thanh toán quốc tế tăng trưởng mạnh, có thặng dư liên tục và tăng dự trữ ngoại hối. Nói chung, thành tựu 2014 là ổn định được kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng.
Tiếp tục tái cơ cấu và chống lãng phí
Bên cạnh những thành tựu đạt được thì nền kinh tế vẫn có tồn tại những "điểm tối” trong vấn đề tái cơ cấu. Không ít ý kiến cho rằng, tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam diễn ra quá chậm, đặc biệt là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN)?
Tái cơ cấu DNNN mang lại kết quả khả quan khi trên 120 DN được cổ phần hóa, thoái vốn. Thực hiện phê duyệt tái cơ cấu cho một số tập đoàn, công ty nhưng chưa thật sự hiệu quả khi một số lãnh đạo DN, chính quyền địa phương còn chần chừ trong tái cơ cấu. Thời gian tới, cần xác định rõ quan điểm một cách cụ thể về hiệu quả kinh doanh chứ không phải tập trung vào vấn đề có bao nhiêu DN được tái cơ cấu. Nghĩa là, cần xem xét xem DN đã sử dụng đồng vốn hiệu quả hay chưa? Riêng lĩnh vực tái cơ cấu hệ thống ngân hàng lại đạt hiệu quả nhất định khi những rủi ro về thanh khoản được giải quyết. Những ngân hàng yếu kém đang được xử lý. Riêng vấn đề xử lý nợ xấu đã kéo giảm đáng kể khi VAMC tạm thời quản lý bằng cách phát hành trái phiếu đặc biệt với 1.000 tỷ đồng. Năm 2015, mục tiêu kéo giảm nợ xấu đưa ra là 3%, tuy nhiên điều quan trọng nhất là phải trao quyền chủ động hơn cho VAMC tạo lập thị trường mua bán nợ xấu.
Vậy giải pháp hiệu quả cho việc tái cơ cấu DNNN trong thời gian tới là gì, thưa ông?
- Vẫn tiếp tục tái cơ cấu DNNN, nhưng phải xem có sử dụng đồng vốn hiệu quả chưa, chứ không cần chạy theo thành tích là đã cổ phần hóa được bao nhiêu DN. Vấn đề quan trọng ở đây chính là sự thay đổi mô hình quản trị, giám sát mới là vấn đề và đảm bảo tính minh bạch công khai tại DNNN để người dân giám sát được hoạt động kinh doanh của nhà nước. Nếu thực hiện được thì chúng ta đang "cởi trói” cho DNNN, vì DNNN luôn phải phụ thuộc các cơ quan quản lý hành chính trong khi họ là những đơn vị kinh doanh.
Không chỉ là vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra chậm, hiệu quả thấp, vấn đề nợ công đã và đang tạo ra quan ngại đáng kể. Cụ thể, theo thống kê của các Bộ, ngành thì nợ công đang ở mức an toàn( khoảng 60,2% GDP), tuy nhiên tốc độ tăng trưởng của nợ công ngày càng chóng mặt. Vậy, liệu nợ công có nguy cơ bị vượt ngưỡng an toàn với tỷ lệ chiếm 65% GDP hay không?
- Nợ công năm 2014 lên đến mức đỉnh điểm khi con số này ở ngưỡng 2.400.000 ngàn tỷ (tương đương 60,3% GDP). Nợ công tăng trung bình khoảng 20%/năm. Để giảm bớt nợ công tăng cao, Chính phủ yêu cầu siết chặt khoản vay mới, đồng thời chỉ dùng vốn vay cho đầu tư phát triển xã hội, các công trình hạ tầng thiết yếu và quan trọng. Song song đó, phải triển khai luật Đầu tư công, cơ cấu nợ công kể cả về thời gian.
Doanh nghiệp sẽ phát triển nhờ các chính sách mới
Thưa ông, tính đến thời điểm hiện nay thế giới vẫn tiếp tục có nhiều dấu hiệu bất ổn. Vậy đối với nền kinh tế mở như Việt Nam thì liệu năm 2015 sẽ là năm đối diện với không ít thách thức khó lường?
- Năm 2015, tình hình kinh tế - chính trị thế giới vẫn bất ổn, trong khi kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở nên dự báo sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế trong nước. Do kinh tế Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn FDI, trong trường hợp FDI rút vốn vì những bất ổn kinh tế, chính trị ở nước bản địa thì ngân sách mất nguồn thu. Ngoài ra, dự báo giá dầu giảm sâu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu ngân sách. Theo tính toán, năm 2014 tổng thu ngân sách đạt 911.000 tỷ, trong đó thu từ dầu thô chiếm 10%. Dự toán giá dầu thô ở mức 100 USD/thùng giảm xuống còn 60 USD/thùng thì ngân sách từ dầu thô vào năm 2015 sẽ ở mức 20 – 30 ngàn tỷ, tương đương 2 – 3% trong tổng thu ngân sách. Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn trên thì việc giá dầu giảm sẽ tạo đà phát triển mạnh. Theo đó, giá dầu giảm kéo theo lạm phát thấp, lãi suất giảm, chính sách nới lỏng tiền tệ được áp dụng lợi nhuận của DN tăng lên.
Kế hoạch năm 2015 nợ công ở mức 64%, tăng trưởng 6,2%, kiểm soát lạm phát 5%, bội chi ngân sách ở mức 5%. Với đà phát triển như hiện nay nếu phấn đấu quyết liệt với chính sách và luật thì chúng ta hoàn thành kế hoạch đề ra.
Như ông nhận định năm 2015 là năm của DN, vậy chắc chắn rằng trong năm tới thành phần kinh tế tư nhân sẽ có điều kiện thuận lợi để sản xuất kinh doanh, nguy cơ DN phá sản sẽ được hạn chế vì những chính sách mới từ Chính phủ?
- Năm 2014, nhiều thể chế được ban hành góp phần hoàn thiện môi trường pháp lý. Cụ thể, kỳ họp vừa qua Quốc hội thông qua 18 luật như: Luật Doanh nghiệp sửa đổi, luật Đầu tư sửa đổi, Luật Quản lý vốn nhà nước tại DN… đi vào cuộc sống sẽ hỗ trợ DN phát triển bằng những hành động cụ thể. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách con người hành chính. Tức là, đòi hỏi sự thay đổi thái độ, tác phong cán bộ công chức nhà nước. Chính quyền địa phương không chỉ hô hào, năm 2015 là năm của DN cần hình thành những tổ xúc tiến tư nhân. Theo đó, các tổ xúc tiến tư nhân mà có thể chủ động giúp DN thủ tục pháp lý. Theo tôi, Việt Nam nên học mô hình của Singapore. Bộ máy hành chính Singapore được nuôi từ nguồn thuế do DN đóng, cho nên họ sợ DN đóng cửa và chủ động giúp DN. Việt Nam cũng nên có ý thức như thế, chứ không chỉ dừng lại ở cải cách thủ tục hành chính.
Trân trọng cảm ơn ông!
THANH GIANG (thực hiện)
Theo Báo Đại đoàn kết
|
Các bản tin khác
- Đà Nẵng: Mức giá đất ở cao nhất là 98,8 triệu đồng/m2
- Cách ký tên, đóng dấu văn bản chuẩn theo Nghị định 30
- Nghị quyết giải quyết tranh chấp tài sản chung của dòng họ
- Toàn bộ trường hợp phải viết hoa trong văn bản theo Nghị định 30
- Năm 2020, phí công chứng nhà đất có thay đổi?
- Cho phép xây dựng căn hộ chung cư 25m2 từ 01/7/2020
- Sắp tới đây, thi công chức sẽ khó hơn hiện nay?
- Năm 2020: Có tới 15 trường hợp được cấp Sổ đỏ
- Từ 11/02/2020, áp dụng quy định mới khi đăng ký xe máy
- Chồng một mình đứng tên Sổ đỏ, vợ có bị thiệt?
- Cập nhật Bảng giá đất 63 tỉnh thành giai đoạn 2020 - 2024
- Toàn bộ trường hợp được miễn lệ phí trước bạ nhà đất
- Hướng dẫn cách để vợ chồng cùng đứng tên Sổ đỏ mới nhất
- NHỮNG LƯU Ý LIÊN QUAN ĐẾN THÔNG TIN PHÁP LÝ CHO CONDOTEL. CẨN THẬN NHỮNG LỜI TRẤN AN CỦA CÁC CHỦ ĐẦU TƯ LOẠI HÌNH NÀY
- Thủ tục sang tên Sổ đỏ: Toàn bộ những hướng dẫn mới nhất
- Mua bán nhà đất bằng giấy tờ viết tay có được sang tên Sổ đỏ?
- Từ 01/4/2020, bãi bỏ hàng loạt quy định xử phạt lĩnh vực xây dựng
- Video: 5 điều cần lưu ý khi mua căn hộ chung cư để tránh rủi ro
- Từ năm 2020, Sổ bảo hiểm xã hội không còn nữa?
- Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi có Bộ luật Lao động mới?