Thủ tướng Chính phủ mới đây đã đồng ý về chủ trương triển khai Đề án Thiết lập Hệ thống thông tin tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, chiều 8/1, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp bàn phương án triển khai với sự chủ trì của Thứ trưởng Đinh Trung Tụng.
Theo Thông báo số 9663/VPCP-TTĐT của Văn phòng Chính phủ về ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án; thống nhất với Văn phòng Chính phủ về sử dụng hạ tầng kỹ thuật chung, bảo đảm sự đồng bộ, xuyên suốt, tránh đầu tư chồng chéo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí vốn theo quy định để thực hiện Đề án. Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương trình Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước theo hướng đơn giản, thuận tiện.
Bộ Quốc phòng khẩn trương đôn đốc, chỉ đạo Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật hệ thống Cổng thông tin điện tử cơ quan nhà nước và Mạng thông tin hành chính điện tử của Chính phủ, hoàn thành trong năm 2016. Riêng phần hạ tầng của Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền hoàn thành trước tháng 5/2015 để bảo đảm kịp tiến độ triển khai Đề án của Bộ Tư pháp. Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Nội vụ khẩn trương xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Nghị định 24/2014/NĐ-CP ngày 4/4/2014 của Chính phủ, trong đó Cổng thông tin điện tử cấp tỉnh là cơ quan do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo, đặt tại Văn phòng UBND cấp tỉnh; do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ; chịu trách nhiệm bảo đảm hệ thống thông tin hành chính điện tử phục vụ chỉ đạo điều hành, cung cấp dịch vụ công và thông tin về hoạt động bộ máy.
Tuy nhiên, tại cuộc họp chiều 8/1, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) Ngô Hải Phan chia sẻ một số khó khăn khi giao thẩm quyền phê duyệt Đề án cho Bộ Tư pháp bởi đây là Đề án liên quan đến cải cách hành chính về giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức thuộc thẩm quyền giải quyết của tất cả các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương với phạm vi điều chỉnh rộng. Hơn nữa, theo quy định của pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp không có thẩm quyền chỉ đạo Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong kết nối, cập nhật thông tin về tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc các ngành, lĩnh vực. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới tạo điều kiện về kinh phí do thời gian xây dựng và triển khai Đề án rất ngắn, trong khi nguồn vốn đầu tư dự toán tương đối lớn. Từ đó, ông Phan đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng phê duyệt Đề án nhằm thể hiện quyết tâm chính trị đối với cải cách hành chính.
Số liệu thống kê của các Bộ, ngành, địa phương về tình hình, kết quả thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính năm 2014 cho thấy, cả năm qua các Bộ, ngành, địa phương đã tiếp nhận trên 166 triệu hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính. Như vậy, trung bình mỗi ngày các cơ quan hành chính nhà nước tiếp nhận khoảng 600.000 giao dịch hành chính từ người dân và tổ chức. Trước số lượng lớn này, các ý kiến đều tán thành với đề xuất trên của Bộ Tư pháp nhằm đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện và cam kết khi Đề án được thông qua, các đơn vị sẽ sẵn sàng đáp ứng yêu cầu. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng phân tích thêm, Đề án này không đơn thuần chỉ là đề án ứng dụng công nghệ thông tin nên cần được Thủ tướng phê duyệt mới thống nhất, đồng bộ trong triển khai cũng như làm cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương bố trí kinh phí thực hiện. Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cũng đồng ý báo cáo lại với Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo để báo cáo đề xuất Thủ tướng phê duyệt thì cần phải giải trình rõ các nội dung đã trao đổi trên cơ sở hợp lý, rõ ràng./.
Cẩm Vân
Theo Cổng TTĐT Bộ Tư pháp
Các bản tin khác
- Đà Nẵng quy định diện tích tối thiểu căn hộ là 45m2
- 10 dự báo giới đầu tư địa ốc không nên bỏ qua năm Đinh Dậu
- Thành lập Hiệp hội Công chứng Việt Nam
- Nhiều thủ tục đất đai được rút ngắn trong năm mới
- Săn bất động sản cho thuê - kênh đầu tư hấp dẫn trong 5 năm tới
- Cuộc chiến sống còn của bất động sản nghỉ dưỡng
- Giấc mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ
- Đẩy nhanh tiến độ, tuyệt đối đảm bảo an toàn lao động và chất lượng thi công tại các công trình
- Dấu ấn 5 “ông lớn” trên thị trường bất động sản Việt Nam năm qua
- 2 kịch bản trái chiều cho thị trường địa ốc 2017
- M&A bất động sản Việt Nam hứa hẹn lập kỷ lục năm 2017
- Đi đâu, chơi gì dịp Tết?
- Thị trường địa ốc 2016: Một năm được mùa của condotel
- Địa ốc tạo sức hút từ hạ tầng giao thông
- Quận Ngũ Hành Sơn: Vận động bàn giao hơn 1.000 hồ sơ giải tỏa, đền bù
- Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất tăng thêm
- Ra mắt Tổng công ty MBLand và hai dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại miền Trung
- Đầu tư bất động sản thương mại sẽ hồi phục trở lại vào năm 2017
- Triển khai dự án xe buýt nhanh tại Đà Nẵng
- Đất “cơi nới” trái phép vẫn có thể được cấp sổ đỏ