(Chinhphu.vn) – Thực hiện chủ trương “Tư pháp vì dân”, công tác tư pháp năm qua đã được triển khai cơ bản toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và thu được kết quả trên nhiều lĩnh vực.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo các Ban, bộ, ngành Trung ương đã đến dự.
Năm 2014 được đánh giá là năm có nhiều dấu ấn đáng ghi nhận trong công tác của Bộ Tư pháp cũng như toàn ngành Tư pháp. Thực hiện chủ trương “Tư pháp vì dân”, công tác tư pháp năm qua đã bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội do Quốc hội, Chính phủ đề ra, triển khai cơ bản toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ được giao và thu được kết quả trên nhiều lĩnh vực.
Năm 2014, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát trên 100.000 văn bản quy phạm pháp luật, bước đầu kiến nghị bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới 282 văn bản. Việc xây dựng các luật, pháp lệnh trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp được các bộ, ngành quan tâm, tích cực thực hiện. Bộ Tư pháp đã tham mưu giúp Chính phủ thực hiện một số giải pháp để bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng các dự án luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp.
Bộ Tư pháp đã trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền trên 1.000 văn bản quy phạm pháp luật, pháp chế địa phương đã tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành trên 3.500 văn bản quy phạm pháp luật.
Năm qua, ngành Tư pháp đã thẩm định 9.299 văn bản quy phạm pháp luật (tăng 308 băn bản so với năm 20014), qua thẩm tra bước đầu phát hiện 1.554 văn bản có dấu hiệu vi phạm về thẩm quyền ban hành, nội dung văn bản.
Công tác kiểm soát thủ tục hành chính tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và toàn xã hội. Các bộ, ngành đã hoàn thành việc đơn giản hóa thêm 358 thủ tục hành chính được Chính phủ phê duyệt tại 25 Nghị quyết chuyên đề, đạt tỷ lệ 92,8%.
Các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức trên 1 triệu cuộc tuyên truyền pháp luật dưới nhiều hình thức (tăng 36% so với năm 2013).
Công tác thi hành án dân sự tiếp tục được hoàn thiện. Cụ thể, đã giải quyết xong 530.000 việc, đạt tỷ lệ 88,4%; giải quyết xong gần 39.000 tỷ đồng, đạt 76,7%.
Đến nay đã giải quyết vấn đề con nuôi cho gần 3.000 trường hợp và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài cho 498 trường hợp.
Về công tác năm 2015, ngành Tư pháp xác định cần tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Kế hoạch của Chính phủ về triển khai thi hành Hiến pháp; nâng cao chất lượng xây dựng văn bản pháp luật; triển khai kịp thời có hiệu quả các luật có hiệu lực năm 2015. Tập trung triển khai kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính năm 2015 đã được Chính phủ phê duyệt; tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.
Thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu nghị quyết của Quốc hội về thi hành án dân sự; đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch, chứng thực và lý lịch tư pháp; đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực tư pháp; nâng cao vai trò và hiệu quả tham gia của ngành tư pháp liên quan đến việc xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong hội nhập quốc tế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ có hiệu quả hoạt động của ngành.
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng và đóng góp của ngành Tư pháp năm 2014.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Ngành tư pháp đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp 2013 đến các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy công tác hoàn thiện thể chế, đặc biệt trong lĩnh vực được giao, giúp Chính phủ thẩm định tính hợp hiến, hợp pháp của các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội, tổ chức diễn đàn tìm hiểu về Hiến pháp nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành Hiến pháp và pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Ngành Tư pháp cần làm tiếp tục thực hiện tốt vai trò đầu mối trong việc triển khai thi hành Hiến pháp. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Năm 2015 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011-2015. Ngành Tư pháp cần làm tiếp tục thực hiện tốt vai trò đầu mối trong việc triển khai thi hành Hiến pháp, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong đời sống xã hội, tiếp tục rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới kịp thời văn bản phù hợp Hiến pháp.
Huy động trí tuệ của toàn ngành góp phần nâng cao chất lượng hoàn thiện thể chế, tham gia có hiệu quả vào hoàn thiện các dự án luật trong chương trình xây dựng pháp luật, nhất là Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Bộ Luật hình sự, tổ chức tốt việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi. Các ủy ban của Quốc hội cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ này.
Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, gắn kết công tác xây dựng, ban hành văn bản pháp luật với việc tổ chức thi hành pháp luật. Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản pháp luật, xứng đáng là “người gác cổng” trong công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ. Bên cạnh đó, cần chú trọng tính dự báo của các chính sách, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn cuộc sống, tạo môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch trong quản lý nhà nước và thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, ngành tư pháp cần tăng cường quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính, xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Trong đó lưu ý tới các lĩnh vực liên quan trực tiếp tới lợi ích của người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực hoạt động tư pháp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, cung cấp dịch vụ công nhanh gọn, thuận tiện cho người dân. Nâng cao vai trò, hiệu quả tham gia của ngành Tư pháp trong việc xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong hội nhập quốc tế, đàm phán, ký kết, thực hiện điều ước quốc tế cũng như quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế.
Bên cạnh đó, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan tư pháp, pháp chế các ngành, các cấp. Cần nhận thức sâu sắc trong toàn ngành về vai trò quyết định của đội ngũ cán bộ, tăng cường chất lượng đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cán bộ tư pháp và pháp luật, nhất là cán bộ tư pháp cho cơ sở; xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, từng bước hiện đại.
Lê Sơn
Theo Cổng TTĐT Chính phủ
Các bản tin khác
- Căn hộ tầm trung sẽ chiếm tỷ trọng cao trong nửa cuối năm
- "Khẩu vị mới" của nhà đầu tư tại bất động sản Đà Nẵng
- Tổng cục quản lý đất đai siết chặt việc quản lý phôi giấy chứng nhận QSDĐ
- Chuẩn hóa môi giới bất động sản: Nhiệm vụ cấp bách
- Những cuộc “tháo chạy” của giới đầu cơ đất nền năm 2018
- Còn nhiều yếu tố nâng đỡ, chưa thể xảy ra "bong bóng" bất động sản
- Thúc đẩy tiến độ các dự án "treo", thương thảo lấy lại SVĐ Chi Lăng
- Thị trường bất động sản có rơi vào chu kỳ khủng hoảng?
- Tỷ phú ngoại tranh phần bất động sản
- Thương thảo lấy lại sân vận động Chi Lăng
- Điều thú vị chỉ có tại chương trình ưu đãi "Đêm Bà Nà"
- Dòng đầu tư đổ dồn về Gami Eco Charm "dồn dập" ngay sau ngày ra mắt
- Điểm đến Sơn Trà Hoang sơ Bãi Rạng
- Đà Nẵng: Phúc Hoàng Ngọc công bố và bàn giao dự án Green Home
- Đà Nẵng: Mỗi năm tăng 86 cơ sở lưu trú/6.000 phòng
- Kinh nghiệm quý khi mua chung cư giá rẻ để không ‘tiền mất tật mang’
- Bất động sản nghỉ dưỡng: "Vẫn là kênh đầu tư hiệu quả"
- Biệt thự biển cho thuê mang về thu nhập bền vững cho nhà đầu tư
- Hàn Quốc hỗ trợ Đà Nẵng nghiên cứu đường sắt đô thị
- Vệt đô thị mới ven sông Hàn có tòa tháp cao 29 tầng