Chiều 19-1,Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Đà Nẵng - Năm văn hóa, văn minh đô thị”.
.
Người dân Đà Nẵng là nhân tố quan trọng nhất trong việc xây dựng những tuyến đường văn minh, vỉa hè thông thoáng, một trong những nhiệm vụ trong “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Tham dự hội thảo, đại diện các sở, ban, ngành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa đã thảo luận những vấn đề xoay quanh việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.
Dưới góc nhìn theo hướng vĩ mô, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An cho rằng, thực hiện văn hóa, văn minh đô thị thì cần nghiên cứu, tìm hiểu về cội rễ của tác động của quá trình đô thị hóa và chú trọng đến vấn đề nhập cư.
Bắt đầu từ việc nhỏ nhất
Ông Mai Đức Lộc, Tổng biên tập Báo Đà Nẵng, cho rằng thực hiện văn hóa, văn minh đô thị bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, gần gũi nhất xung quanh mỗi người, bắt đầu từ gia đình rồi đến tổ dân phố, đến phường/xã, rồi lan tỏa trong xã hội. Trong gia đình, nếp sống văn hóa chính là việc giữ gìn nếp nhà, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình, họ tộc. Ở trường, học sinh phải kính trọng thầy cô giáo. Ở cơ quan, đơn vị, phải tuân thủ các quy định về văn hóa công sở… Cũng theo ông Mai Đức Lộc, hai ngành giáo dục và thông tin truyền thông có vai trò quyết định trong thành công của “Năm văn hóa, văn minh đô thị”.
Đồng quan điểm, ông Phạm Phát, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, nhấn mạnh cần xác định xây dựng lớp người Đà Nẵng văn hóa, văn minh, trong đó xác định đối tượng trọng tâm của phong trào, quan trọng nhất là môi trường ở trường học (từ mẫu giáo đến đại học), kế đến là đoàn viên, thanh niên, người dân buôn bán, sau đó mới tới tầng lớp cán bộ, trí thức.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó giám đốc Sở GĐ&ĐT, cho biết trong “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, ngành tập trung hiệu quả hơn thế mạnh của môi trường giáo dục để bồi đắp các giá trị văn hóa, văn minh cho cả người dạy lẫn người học; xây dựng môi trường giáo dục trong và ngoài nhà trường; giáo dục văn hóa, lịch sử dân tộc và địa phương… Tuy nhiên, để có điều kiện thực hiện tốt, cần đầu tư thiết chế văn hóa trong nhà trường; đồng thời người lớn phải mẫu mực trong hành vi, việc làm, đạo đức để thế hệ trẻ noi theo, tin tưởng…
Đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện chế tài nghiêm
Để thực hiện tốt “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, các ý kiến được đưa ra là cần chú trọng công tác tuyên truyền, trước hết cần tuyên truyền rộng rãi và làm rõ chủ trương của thành phố. Đặc biệt, cần xác định rõ xây dựng một thành phố văn hóa, văn minh chứ không chỉ tập trung xây dựng bộ mặt văn hóa, văn minh đô thị. Năm 2015 chỉ nên xem là năm khởi đầu cho bước ngoặt xây dựng thành phố văn hóa, văn minh, từ đó tạo ra nền tảng con người văn hóa. Những năm tiếp theo, tiếp tục đầu tư theo chiều sâu, đừng để rơi vào tình trạng “làm gì cũng cơ bản hoàn thành, nhưng không có gì hoàn hảo cả”.
Theo ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố, văn nghệ sĩ là những người có uy tín trong cộng đồng và sẽ là lực lượng tuyên truyền hiệu quả. Do đó, góp phần vào “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, văn nghệ sĩ Đà Nẵng trước hết và chủ yếu là sáng tạo nghệ thuật, tạo nên thành tựu nghệ thuật, vì khi nghe bản nhạc hay, ngắm bức tranh đẹp, đọc bài thơ..., con người có thể thanh lọc tâm hồn mình.
Đối với vai trò của cán bộ, đảng viên khối các cơ quan thành phố, ông Huỳnh Văn Hoa, Bí thư Đảng ủy khối Các cơ quan thành phố, cho biết với hơn 5.100 đảng viên sinh hoạt tại 87 tổ chức cơ sở Đảng và hơn 14.000 cán bộ, công chức, viên chức, đây sẽ là lực lượng thực hiện, tuyên truyền hiệu quả chủ trương của thành phố. Trong “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, Đảng ủy khối tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan tham mưu, giúp việc Đảng ủy khối, các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc tiến hành xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa chương trình hành động.
Bên cạnh tuyên truyền, cần có chế tài nghiêm khắc. Thời gian gần đây, thành phố thực hiện chương trình “3 có” và đã đạt những kết quả khả quan bằng các biện pháp chế tài, cưỡng chế thì thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị” cũng cần có những quy định cụ thể và chế tài ở những nơi công cộng hoặc những hành vi trái pháp luật. “Tuy nhiên, cách thực hiện chế tài phải văn hóa. Nếu chúng ta thực hiện việc dẹp bỏ các hiện tượng thiếu văn hóa, văn minh bằng những hành động thiếu văn hóa, văn minh thì chẳng còn ý nghĩa gì cả”, ông Bùi Văn Tiếng nói.
Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết sẽ tiếp thu những ý kiến tại hội thảo, để hoàn thiện kế hoạch, tham mưu cho thành phố thực hiện có hiệu quả “Năm văn hóa, văn minh đô thị”.
NGỌC HÀ
Các bản tin khác
- Doanh nghiệp bất động sản trước áp lực nguồn vốn ngày càng thắt chặt
- Kỳ thú bãi Đa Sơn Trà
- Thắp lên tình yêu Sơn Trà
- Đầu tư shophouse hiệu quả đến đâu?
- Premier Village Danang Resort - “Khu nghỉ dưỡng biển sang trọng nhất thế giới dành cho gia đình”
- 6 tác phẩm đoạt giải cuộc thi "Tuyệt vời Đà Nẵng ơi" - mùa 2
- Hoàng Gia Phát ra mắt Siêu dự án Shophouse VIP nhất ngay trung tâm thành phố Đà Nẵng
- Đà Nẵng tái thiết không gian công cộng (Kỳ 2: Thu hồi, hoán đổi đất vàng để làm công viên)
- Giữ bản sắc đô thị Đà Nẵng
- Các loại hợp đồng bắt buộc phải công chứng năm 2018
- ĐƯA NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG VÀO CUỘC SỐNG Triển khai hiệu quả chương trình "Có nhà ở"
- Kinh doanh địa ốc xoay vốn thời tín dụng bị thắt nguồn
- Những khu vực nào ở Đà Nẵng chỉ được xây tối đa 9 tầng?
- Thiếu đất tái định cư
- Ba Na Hills Golf Club được vinh danh "Sân golf tốt nhất châu Á 2018"
- Mùa lau trắng tinh khôi ở Đà Nẵng
- Dòng vốn bất động sản đổ vào khu vực Tây Bắc Đà Nẵng
- Đà Nẵng sẽ có phố đi bộ, chợ đêm rộng hơn 3ha
- Đất nền nam Đà Nẵng: Mất dấu trên thị trường ?
- Cần sớm bố trí vốn để khởi công dự án cảng Liên Chiểu