Thời gian gần đây, nhiều dự án tại Hà Nội đua nhau tăng giá, nhưng theo giới đầu tư địa ốc, việc tăng giá này chỉ là "sốt ảo" và do giới đầu cơ "thổi giá".
Nửa cuối năm 2014, thị trường bất động sản Hà Nội bỗng trở nên sôi động với hàng loạt dự án mở bán và mỗi đợt mở bán, giá của dự án lại "nhích" lên rõ rệt.
Có thể kể đến các dự án tăng giá thời gian qua như: Dự án Golden West, chủ đầu tư đã quyết định tăng giá bán dưới 5%. Hay tại Dự án Thăng Long Number one, khi phần lớn căn hộ đã có chủ, dự án lại đang trong giai đoạn hoàn thiện nên chủ đầu tư quyết định tăng giá bán khoảng 3%. Dự án tăng giá mạnh nhất là Hòa Bình Green City, có mức tăng 10%.
Cảnh giác với chiêu 'thổi giá' của cò đất
Tại Dự án HP Landmak Tower quận Hà Đông do CTCP Đầu tư Hải Phát làm chủ đầu tư, mức giá chào bán khi căn hộ đang trong giai đoạn xây dựng phần thân khoảng 20 triệu đồng/m2. Thế nhưng, mức giá liên tục được điều chỉnh và đến khi Dự án cất nóc thì giá đã “leo” lên mức 24 triệu đồng/m2.
Tại Dự án Home City Trung Kính do Văn Phú Invest làm chủ đầu tư, trong đợt mở bán đầu tiên khi Dự án vừa xong phần móng, mức giá chào bán chỉ khoảng 26 triệu đồng/m2. Thế nhưng, khi Dự án bắt đầu được thi công phần đế, nhận thấy sự quan tâm của khách hàng, chủ đầu tư đã tăng giá lên 28 triệu đồng/m2 trong các đợt mở bán tiếp theo.
Trước đó, Công ty TNHH Hòa Bình cũng dự kiến công ty sẽ tăng giá bán căn hộ dự án Hòa Bình Green City ít nhất 10% so với giá bán hiện nay do “giá thị trường đang quá thấp”.
Theo lý giải của các chủ đầu tư, mức giá bán cũ quá thấp so với chi phí đầu tư, việc tăng giá bán là để bù đắp chi phí lãi suất, chi phí cơ hội trong giai đoạn thị trường khó khăn. Điều đáng nói là, ngay cả khi chủ đầu tư điều chỉnh giá bán thì các căn hộ dự án này vẫn được giao dịch trên thị trường thứ cấp với mức giá cao hơn nhiều, từ 1 - 3 triệu đồng/m2.
Dù được giao dịch với mức giá cao, nhưng lần mở bán nào của các dự án này cũng tấp nập khách mua. Thậm chí có dự án chưa mở bán đã "cháy hàng".
Tất nhiên, những dự án có vị trí đẹp, chủ đầu tư uy tín, tiến độ thực hiện tốt sẽ vẫn hút khách và đáp ứng được nhu cầu ở thực của người dân.
Nhưng cũng chính vì nắm bắt được xu hướng này, nên giới đầu cơ địa ốc đã nhanh chóng quay trở lại thị trường và bắt đầu góp phần đẩy giá bán lên cao như thời kỳ bất động sản sôi động trước kia.
Lãnh đạo một sàn giao dịch bất động sản ở Hà Nội cũng thừa nhận với phóng viên VTC News, sự trở lại của giới đầu cơ địa ốc là có thật. Biểu hiện ở chỗ, nếu trước đây khách hàng mua nhà chủ yếu có nhu cầu để ở, họ sẽ quan tâm nhiều đến vị trí, tiện ích, chất lượng của căn hộ, rồi sau mới đến giá bán.
Thì nay có một số người mua chỉ quan tâm đến giá thành căn hộ. Nhiều trường hợp chỉ sau một thời gian ngắn đứng tên, đóng tiền đã nhanh chuyển sang tên đổi chủ căn hộ cho người khác.
Sự tái xuất của giới đầu cơ địa ốc là điều rất đáng lo. Bởi lẽ thị trường bất động sản thời gian qua đang dần phát triển theo hướng đi về với giá trị thực. Vì vậy, sự xuất hiện của giới đầu cơ sẽ làm loạn giá thị trường, người có nhu cầu thực sẽ khó tiếp cận với nguồn hàng.
Nghiêm trọng hơn, giới đầu cơ thường có tâm lý "ăn sổi", vì vậy, khi không nhanh chóng bán được dự án, sẽ cố gắng trì hoãn việc đóng tiền theo đúng tiến độ. Điều này sẽ lại làm thị trường rơi vào cảnh dự án triển khai chậm tiến độ do khách hàng không thực hiện đúng cam kết.
Ngoài lý do giới đầu cơ quay lại thị trường, những chiêu trò bán hàng của chủ đầu tư cũng như đơn vị phân phối cũng được sử dụng triệt để. Có những dự án công bố bán hết 100% số căn hộ mở bán đợt 1 ngay ngày đầu tiên mở bán, mới nghe qua thông tin này, khách hàng ai cũng nghĩ dự án này quá "hot", nhưng thực tế, chủ đầu tư và đơn vị phân phối chỉ tung ra đúng....10 căn hộ để thăm dò thị trường.
Theo các chuyên gia bất động sản, khách hàng có nhu cầu mua nhà để ở thực cần phải cảnh giác trước các thông tin "thổi giá" nhà đất. Thị trường bất động sản sau một thời gian trở về với giá trị thực, hiện đang có dấu hiệu bị đầu cơ, làm giá.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản cả nước còn tồn khoảng 15.700 căn hộ chung cư và 13.000 căn nhà thấp tầng tính đến tháng 11/2014, việc duy trì giá bán và thanh khoản ở các dự án tiếp tục là thách thức lớn với các chủ đầu tư.
Chính vì vậy, theo ông Hoàng Văn Hòa, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản HB Land, chưa nên tăng giá căn hộ vào thời điểm này.
Ông Hòa phân tích, thực tế thị trường bất động sản khu vực Hà Nội thời gian gần đây đã cho thấy dấu hiệu cải thiện thông qua các giao dịch. Tuy nhiên, nhìn chung toàn thị trường, sự cải thiện đó chưa đủ mạnh để có thể tăng giá căn hộ.
“Theo tôi, mặt bằng chung thị trường giá căn hộ không tăng và cũng chưa thể tăng lên được. Việc tăng giá thực tế vẫn chỉ xảy ra ở một số dự án, cách làm vẫn như cũ, tức dùng mọi chiêu để đẩy giá lên thôi”, ông Hòa bình luận.
Các bản tin khác
- Doanh nghiệp bất động sản rục rịch đón khách ngoại
- Ngân hàng vẫn dùng “tiểu xảo” lãi suất cho vay
- Cấp bách xây nhà ga quốc tế sân bay Đà Nẵng
- Bố trí TĐC cho các hộ giải tỏa khu vực chợ Cồn trước Tết âm lịch 2016
- Bất động sản nhen nhóm tăng giá: “Con dao hai lưỡi”
- Bất động sản “hạng thương gia” vẫn hút khách
- ĐỂ “ĐẤT VÀNG” THÀNH CƠ HỘI VÀNG Đà Nẵng quy hoạch kéo dài dòng sông
- Điều chỉnh quy hoạch Trung tâm thương mại chợ Cồn
- Hướng dẫn mới về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước
- Thị trường bất động sản có phất ảo?
- Vì sao Đà Nẵng hủy chủ trương hỗ trợ lãi suất cho người nộp tiền sử dụng đất?
- Đưa dự án giải tỏa khu dân cư khu vực chợ Cồn vào danh sách các công trình trọng điểm
- Đà Nẵng: Giá căn hộ cao nhất tới 73 triệu đồng/m2
- Hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng
- Sợ luật mới: Ồ ạt lập DN nhà đất 'hạng gà, hạng lông'
- Chính phủ chỉ đạo gỡ khó vốn cho bất động sản
- Làng xứ Quảng nói giọng... Sài Gòn
- Nhiều công trình trọng điểm chậm tiến độ
- Chờ hệ số K
- Nỗi lòng của nhà đầu tư bất động sản nước ngoài