(Chinhphu.vn) - Quy định mới về chế độ tài sản của vợ chồng; tiêu chuẩn xét tặng "Nghệ nhân nhân dân", Nghệ nhân ưu tú" nghề thủ công mỹ nghệ; quy định mới về quản lý tiền thu được từ sắp xếp lại nhà, đất;...là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2015.
Ảnh minh họa |
Quy định mới về chế độ tài sản của vợ chồng
Nghị định 126/2014/NĐ-CPquy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình. Trong đó, về chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định, Nghị định quy định tài sản riêng khác của vợ, chồng theo quy định của pháp luật gồm: 1- Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ; 2- Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác; 3- Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.
Thu nhập hợp pháp khác của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân gồm: 1- Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp (trừ khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng); 2- Tài sản mà vợ, chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự đối với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước; 3- Thu nhập hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/2/2015.
Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ có hiệu lực từ 15/2/2015, trong đó quy định tiêu chuẩn xét tặng 2 danh hiệu này.
Cụ thể, danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" được xét tặng cho cá nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" và đạt các tiêu chuẩn:
1- Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương.
2- Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và quần chúng mến mộ, kính trọng.
3- Có tri thức, kỹ năng đặc biệt xuất sắc, có công lớn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị nghề thủ công mỹ nghệ của cả nước, cụ thể:
- Nắm giữ kỹ năng, bí quyết; truyền nghề, dạy nghề cho từ 150 cá nhân trở lên, trừ trường hợp nghề đặc thù hoặc đã đào tạo 1 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú".
- Sau khi đã được phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú", Nghệ nhân phải trực tiếp thiết kế, chế tác được 2 sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị kinh tế, kỹ thuật và mỹ thuật, đạt giải thưởng hoặc được tổ chức nhà nước, tổ chức kinh tế, xã hội - nghề nghiệp cấp chứng nhận đạt thành tích tại các cuộc thi, hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế được Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức.
4- Có thời gian hoạt động trong nghề từ 20 năm trở lên.
Nghị định về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp có hiệu lực từ 1/2/2015. Cụ thể, theo phương án sắp xếp, đổi mới công ty nông nghiệp, Nhà nước sẽ duy trì, củng cố, phát triển và tái cơ cấu công ty nông nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm các công ty nông nghiệp tại các địa bàn chiến lược, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Cùng với đó là chuyển công ty nông nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối đối với công ty nông nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là trồng, chế biến cao su tại các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa gắn với quốc phòng, an ninh.
Nghị định cũng nêu rõ, thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên trên cơ sở sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ nhằm thực hiện gắn kết phát triển vùng nguyên liệu và người dân trong vùng với phát triển công nghiệp chế biến và thị trường…
Xử lý kịp thời cán bộ sách nhiễu dân
Theo Nghị định 04/2015/NĐ-CP về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải kịp thời có những biện pháp xử lý thích hợp theo quy định của pháp luật đối với những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm, sách nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng trong việc giải quyết công việc của công dân, tổ chức.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 25/02/2015.
Dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường
Theo Quyết định quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học (cơ sở giáo dục), chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam có thể được dạy và học một phần hoặc hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài, ưu tiên đối với các lĩnh vực toán, khoa học tự nhiên, công nghệ và tin học.
Quyết định có hiệu lực từ 20/2/2015.
Bỏ quy định giáo viên mầm non người nước ngoài phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm
Tại Khoản 6 Điều 31 Nghị định 73/2012/NĐ-CP quy định: Giáo viên, giảng viên là người nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài ít nhất phải có 5 năm kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực giảng dạy.
Tại Nghị định 124/2014/NĐ-CP sửa đổi Khoản 6 Điều 31 Nghị định 73/2012/NĐ-CP quy định trên đã được sửa đổi: Giáo viên, giảng viên là người nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng quy định và có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực giảng dạy.
Như vậy, Nghị định sửa đổi mới được ban hành không bắt buộc phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm đối với giáo viên là người nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông.
Nghị định có hiệu lực từ 16/02/2015.
Từ ngày 15/2/2015, việc quản lý, sử dụng tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất thuộc sở hữu nhà nước sẽ được thực hiện theo Quyết định71/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước, số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước do Bộ Tài chính làm chủ tài khoản (đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước thuộc Trung ương quản lý); tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh do Sở Tài chính làm chủ tài khoản (đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, công ty nhà nước thuộc địa phương quản lý) trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả trúng đấu giá (đối với trường hợp bán đấu giá) hoặc Sở Tài chính ban hành Thông báo về giá bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất (đối với trường hợp bán chỉ định). Trường hợp quá thời hạn này mà chưa nộp đủ số tiền vào tài khoản tạm giữ thì bị phạt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế...
Cấm chuyển giao 30 công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam
Theo Nghị định số 120/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 133/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ có 30 công nghệ bị cấm chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam và trong lãnh thổ Việt Nam. Trong đó có công nghệ vô hiệu hóa thiết bị đo, đếm, tính lượng điện năng sử dụng; công nghệ sản xuất xi măng lò đứng; công nghệ sản xuất thuốc bảo quản lâm sản chứa Pentachlorophenol (PCP), DDT...
Nghị định có hiệu lực từ 1/2/2015.
36 phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất có hiệu lực từ 5/2/2015, có 36 phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất như thạch cao; xỉ hạt nhỏ (xỉ cát) từ công nghiệp luyện sắt hoặc thép; đồng, nhôm phế liệu và mảnh vụn;...
Quy định mới về bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD
Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực từ ngày 1/2/2015.
Thông tư này quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động mà các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thường xuyên duy trì, bao gồm: Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; giới hạn cấp tín dụng; tỷ lệ khả năng chi trả; tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn; giới hạn góp vốn, mua cổ phần; tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi.
Hoàng Diên
Theo Cổng TTĐT Chính Phủ
Các bản tin khác
- Người thuê nhà cần biết 5 thay đổi lớn từ 01/7/2021
- Cách tính tiền Bảo hiểm xã hội một lần năm 2021
- Nhiều quy định về nâng lương cán bộ, công chức sắp thay đổi?
- Đà Nẵng điều chỉnh giảm 10% giá đất so với hiện nay
- Từ 01/7/2021, đăng ký thường trú, tạm trú có thể bị thu hồi Sổ hộ khẩu
- Vì sao Chứng minh nhân dân không nên ép dẻo?
- Thủ tục sang tên xe máy mới nhất: Kinh nghiệm thực hiện từ A đến Z
- Cách ghi số và ký hiệu văn bản đúng chuẩn Nghị định 30
- Hướng dẫn mới nhất về cấp Giấy xác nhận số CMND từ 18/11/2019
- Từ 22/5, chính thức cấp bản sao điện tử cho người dân
- Trường hợp nào gây thiệt hại mà không phải bồi thường?
- Một năm, người lao động được nghỉ việc riêng mấy lần?
- Đất không có Sổ đỏ có được chia thừa kế không?
- Hôm nay (15/5), nhiều chính sách mới bắt đầu có hiệu lực
- Từ 20/4/2020: Giấy ủy quyền chỉ được chứng thực trong 4 trường hợp
- 6 giao dịch về nhà ở không cần đến Sổ đỏ
- Các Văn phòng Công chứng tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định về phòng chống dịch Covid 19
- Đà Nẵng: Mức giá đất ở cao nhất là 98,8 triệu đồng/m2
- Có Sổ đỏ trong tay, người dân được hưởng lợi thế nào?
- Thủ tục cấp Sổ đỏ khi mua bán nhà đất bằng giấy viết tay