(Baodautu.vn) Để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trước bối cảnh nhu cầu vốn của doanh nghiệp giảm do tình hình kinh tế còn khó khăn, các ngân hàng đã mạnh tay rót vốn cho cá nhân vay mua nhà.
Mới đây, Sacombank đã tung thêm 3.000 tỷ đồng cho cá nhân vay mua, sửa chửa nhà, mua ô tô, tiêu dùng. Trong đó, có 2.000 tỷ đồng dành cho vay mục đích mua, xây, sửa chữa bất động sản. Khách hàng có thể vay đến 100% nhu cầu với thời hạn vay lên đến 20 năm. Lãi suất ưu đãi từ 6,88%/năm và khách hàng có thể lựa chọn thời gian cố định lãi suất trong 6 tháng, 1 năm hoặc 2 năm đầu tiên. Trước đó, năm 2014, Sacombank giải ngân hơn 5.000 tỷ đồng cho vay mua nhà, lãi suất với mức 6,88%/năm cố định trong 6 tháng; 8%/năm cố định 12 tháng.
Giá nhà, đất và lãi suất dần đi xuống sẽ là cơ hội tốt cho người có nhu cầu vay mua nhà |
Ông Phan Đình Tuệ, Phó tổng giám đốc Sacombank cho biết, mục tiêu và chiến lược của Sacombank đối với loại hình tín dụng an cư là sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong tương lai, tạo lợi thế cạnh tranh thông qua sự khác biệt về sản phẩm, hồ sơ quy trình nhanh gọn để khách hàng có nhu cầu vay mua nhà ở đều có thể tiếp cận được nguồn vốn vay. Hiện Sacombank đã liên kết với nhiều đối tác là chủ đầu tư dự án để hỗ trợ khách hàng vay vốn mua căn hộ, nhà ở. Theo đánh giá của ông Tuệ, nhu cầu vay vốn mua nhà của phân khúc khách hàng cá nhân luôn hiện hữu và gia tăng theo thời gian, nhất là khi lãi suất, giá bất động sản đang trên đà giảm dần.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Rahn Wood, Giám đốc khối Ngân hàng bán lẻ (VIB) cho rằng, nhu cầu tín dụng nhà ở của khách hàng gia tăng thời gian gần đây khi mặt bằng lãi suất giảm dần từ việc đẩy mạnh cho vay mua nhà của các ngân hàng. Tuy nhiên, theo ông Rahn, với khách hàng, luôn cần một chính sách lãi suất ổn định trong thời gian 2-3 năm để có thể yên tâm trong quá trình vay vốn. Vì thế, các chính sách ưu đãi lãi suất mà VIB đưa ra đối với khách hàng có nhu cầu về nhà ở cũng hướng tới mục tiêu này.
“VIB đã triển khai các gói 2.000 tỷ đồng cho vay dài hạn với lãi suất ưu đãi 0,68%/tháng cố định trong 30 tháng đầu. Từ tháng thứ 31, lãi suất áp dụng bằng lãi suất tiết kiệm VND kỳ hạn 13 tháng cộng biên độ 4%/năm”, ông Rahn cho biết.
Thị trường bất động Việt Nam được đánh giá còn nhiều tiềm năng khi cầu ngày càng gia tăng, còn nguồn cung về nhà đất đang vô cùng dồi dào, đặc biệt là giá bất động sản đang có xu hướng trở về giá trị thật. Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ ANZ Việt Nam, ông Dương Đức Hùng cho rằng, Việt Nam là quốc gia có trên 90 triệu người - nước đông dân thứ 14 trên thế giới, trong đó có đến 50% dân số dưới 35 tuổi với nhu cầu sở hữu nhà ở, cũng như tín dụng mua nhà ngày càng tăng. Đây là cơ hội không chỉ cho ANZ, mà cho bất cứ ngân hàng thương mại nào đang hoạt động tại Việt Nam phát triển tín dụng an cư.
Theo ông Hùng, so với 2 năm trước, hiện lãi suất cho vay mua nhà tại ANZ đã giảm mạnh, từ mức 18-20%/năm hơn 2 năm trước xuống còn 7,5-8%/năm. Cộng với việc giá bất động sản xuống thấp sẽ là thời điểm phù hợp để người dân quyết định mua nhà, hoặc vay mua nhà. Đối với ANZ, dư nợ tín dụng vay mua nhà luôn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng dư nợ khối ngân hàng bán lẻ của ANZ.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho biết, các ngân hàng rộng cửa cho vay đối với khách hàng có nhu cầu về nhà ở sẽ tốt cho thị trường bất động sản, nhất là với phân khúc vốn mua nhà. Giá nhà, đất và lãi suất cũng dần đi xuống sẽ là cơ hội tốt cho không chỉ ngân hàng đẩy mạnh vốn cho cá nhân, mà cả người có nhu cầu vay mua nhà. Tuy nhiên, theo TS. Hiếu, trước mắt, điều này chỉ tác động đến một phân khúc nhất định của thị trường bất động sản - các dự án chung cư có mức giá phù hợp và nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp.
Theo TS. Hiếu, nếu quá mạnh tay đẩy vốn ồ ạt vào bất động sản, nhưng thiếu kiểm soát chất lượng, thì bong bóng tín dụng đối với phân khúc này vẫn có thể xảy ra trong tương lai. Điều này đã xảy ra ở Mỹ vào những năm đầu tiên thập niên 90 của thế kỷ trước và ở Việt Nam vào thời kỳ 2005-2010.
“Việc đẩy mạnh vốn tín dụng vào bất động sản luôn phải có sự kiểm soát chặt chất lượng cho vay, vì rủi ro đối với lĩnh vực này luôn tiềm ẩn lớn. Các ngân hàng dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước phải có cơ chế và chính sách quản lý rủi ro chặt chẽ, để lường trước những rủi ro trong việc cho vay ồ ạt vào bất động sản”, TS. Hiếu nhấn mạnh.
|
Người trẻ nên vay tiền mua nhà hay là mãi đi thuê?
Phải đi vay tiền để mua nhà, đương nhiên là gánh nặng và áp lực rồi. Nhưng nếu không đi vay, thì biết đến bao giờ mới có thể an cư để lạc nghiệp? |
Thùy Vinh
Theo Báo Đầu tư
Các bản tin khác
- Quỹ BĐS ngoại mới thành lập đang “nhòm ngó” thị trường Việt Nam
- Ngân hàng hạ lãi suất, tiền sẽ chảy về BĐS?
- Chính phủ: Sẽ không thu hồi đất đai để chia lại
- ĐÀ NẴNG: "SẮC MÀU THÁNG BA"
- Sẽ công khai số xêri phôi giấy chủ quyền nhà đất bị mất
- Hàng trăm phôi sổ đỏ biến mất
- QUY ĐỊNH XỬ LÝ TÀI SẢN BẢO ĐẢM LÀ NHÀ, ĐẤT
- Loạn "sổ đỏ" giả: Bỏ tiền tỷ mua đất "ảo"
- Bất động sản sẽ khởi sắc vào cuối năm
- Nỗ lực "phá băng" bất động sản
- Tăng lệ phí trước bạ ô-tô
- Đà Nẵng: Kêu gọi đầu tư 4 dự án thương mại
- Không giải quyết hồ sơ tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất thuộc dự án Khu đô thị mới Hòa Vang
- Thị trường BĐS và bài toán cơ cấu
- HÙNG “CÒ” VÀ NHỮNG TRÒ MA THUẬT
- Bắt nữ giám đốc lừa đảo hàng trăm tỷ đồng
- ĐƯA ĐÀ NẴNG TRỞ THÀNH ĐỊA PHƯƠNG ĐỨNG ĐẦU VỀ CHẤT LƯỢNG CCHC VÀ DỊCH VỤ CÔNG
- Hai xu hướng cho doanh nghiệp BĐS thời khó khăn
- Tạm trú tại Việt Nam trên 90 ngày phải có bảo lãnh
- Thị trường BĐS năm 2012: Khó khăn và cơ hội