Đà Nẵng sẽ tranh thủ tối đa cơ chế, chính sách của Chính phủ, sự ủng hộ của Trung ương để đẩy nhanh thực hiện quá trình xây dựng và phát triển, xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến mới nổi, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
.
Một góc đô thị Đà Nẵng. Ảnh: NGUYỄN THANH NAM |
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi đầu năm mới 2015 với Báo Đà Nẵng. Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết:
Năm 2014 đã đi qua với không ít khó khăn, thách thức, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố cùng với sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp, thành phố đã đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Bước vào năm 2015, mặc dù còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng Đà Nẵng đang đứng trước nhiều điều kiện thuận lợi và cơ hội để tăng tốc phát triển, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2015 và kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo.
Sức bật mới
* Những thuận lợi và cơ hội đó là gì, thưa Chủ tịch?
- Có lẽ với lãnh đạo thành phố và toàn thể người dân cũng như doanh nghiệp Đà Nẵng, chúng ta bước vào năm mới 2015 với thông tin hết sức phấn khởi và mang tính bước ngoặt trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố. Đó là Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt nguyên tắc các đề xuất của thành phố về những nội dung quan trọng như: Chính phủ sớm ban hành Nghị định về cơ chế ưu đãi đặc thù đối với thành phố Đà Nẵng; cơ chế huy động và điều tiết nguồn thu ngân sách, giải quyết vốn cho các công trình hạ tầng chủ yếu, tạo điều kiện phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; kiến nghị Trung ương xem xét tách huyện Hòa Vang thành hai đơn vị hành chính cấp quận; thành lập Sở Du lịch và một số vấn đề quan trọng khác.
Tôi nghĩ đây chính là tiền đề, là động lực mang đến sức bật mới cho Đà Nẵng bứt phá, vươn lên phát triển, trở thành đô thị lớn của quốc gia, trung tâm kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với vai trò là trung tâm dịch vụ, thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng, trung tâm bưu chính viễn thông - công nghệ thông tin và tài chính - ngân hàng; một trong những trung tâm y tế, văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ của miền Trung; tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Sự ủng hộ của Chính phủ, đặc biệt là về mặt chính sách và những cơ chế ưu đãi đặc thù sẽ “cởi trói” cho Đà Nẵng phát huy tất cả các thế mạnh của mình, nhất là ở cách làm đột phá, được cả nước biết đến và ủng hộ trong nhiều năm qua.
* Vậy chúng ta tập trung làm gì trong năm 2015 và những năm sắp đến để cụ thể hóa những thuận lợi và cơ hội đó?
- Trong năm 2014, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động về việc thực hiện Kết luận số 75-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), trong đó đề ra các nhiệm vụ chủ yếu và phân công cụ thể, chi tiết cho từng cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện. Về tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tới đây, lãnh đạo thành phố chủ động phối hợp các bộ, ngành của Chính phủ, đồng thời bám sát chỉ đạo của Trung ương để sớm triển khai thực hiện các cơ chế, ưu đãi như đã nói ở trên.
Trước mắt, trong năm 2015, thành phố tập trung triển khai và hoàn thành 10 công trình trọng điểm là nút giao thông ngã ba Huế; trục I Tây Bắc và hạ tầng kỹ thuật khu số 2, khu số 7 Trung tâm đô thị mới Tây Bắc; đường vành đai phía Nam (đoạn Hòa Phước - Hòa Khương) và đường vành đai phía Bắc (đường Nguyễn Tất Thành nối dài); các hạng mục quan trọng của Khu công nghệ cao Đà Nẵng; Trạm xử lý nước thải sông Phú Lộc và cải tạo, nâng cấp kênh thoát nước Phú Lộc; Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố; Cung Văn hóa Thiếu nhi thành phố; Trường THPT Phan Châu Trinh; Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đà Nẵng; Bệnh viện đa khoa quận Hải Châu và Bệnh viện đa khoa huyện Hòa Vang.
Đồng thời, tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Năm 2015, bên cạnh tập trung thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, lãnh đạo thành phố tiếp tục chỉ đạo triển khai các chương trình, hoạt động đã vạch ra trong “Năm doanh nghiệp 2014” để hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Ngay trong những ngày đầu năm 2015, UBND thành phố đã phê duyệt Đề án phát triển doanh nghiệp Đà Nẵng đến năm 2020 trên quan điểm và định hướng phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng theo hướng bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; ươm tạo doanh nghiệp mới trong các lĩnh vực có sản phẩm xuất khẩu và có giá trị gia tăng cao; phát triển các doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp vừa thành doanh nghiệp lớn, đồng thời thu hút các tập đoàn kinh tế, tổng công ty đặt trụ sở tại Đà Nẵng…
* Điểm chung của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là các địa phương đều có biển. Nơi đây cũng được xem là địa bàn trọng điểm để Chính phủ triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về kinh tế biển. Vậy, Đà Nẵng với vai trò trung tâm của vùng, sẽ phát triển kinh tế biển theo hướng nào, thưa Chủ tịch?
- Thiên nhiên đã ban tặng cho Đà Nẵng một vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế biển. Một trong những nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2015 được UBND thành phố xác định là phát huy tối đa các nguồn lực kinh tế biển, đặc biệt là cảng biển, tăng cường kết nối mạnh mẽ thị trường bên ngoài để tạo thêm động lực mới, phấn đấu xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước theo tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về chiến lược biển Việt Nam.
Trong những năm đến, Đà Nẵng sẽ hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ kinh tế biển như: cảng biển, khu công nghiệp dịch vụ chế biến thủy sản, trung tâm nghề cá, âu thuyền trú bão, các khu du lịch cao cấp… Đồng thời triển khai giai đoạn 2 dự án nâng cấp Cảng Tiên Sa có quy mô lớn, hiện đại; triển khai xây dựng mới Cảng Liên Chiểu.
Trong phát triển kinh tế biển, Đà Nẵng sẽ chủ động hợp tác, liên kết với các địa phương trong vùng, đồng thời đề xuất cơ chế, chính sách đồng bộ của Trung ương để từng địa phương phát huy tối đa thế mạnh của mình, tránh tình trạng chồng lấn, cát cứ lẫn nhau.
Đà Nẵng là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện văn hóa - thể thao quốc tế. Trong ảnh: Cuộc thi Cứu hộ quốc tế tại Đà Nẵng. Ảnh: VÕ VĂN ANH |
* Có một thực tế đáng lo là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Đà Nẵng trong hai năm liên tiếp sụt giảm. Lãnh đạo thành phố nhìn nhận vấn đề này như thế nào, thưa Chủ tịch?
- Đây là lẽ là một trong những nội dung cần tập trung phân tích và đánh giá nghiêm túc. Quan điểm của thành phố trong thu hút FDI là ưu tiên các dự án có hàm lượng công nghệ cao, dự án sạch, không gây tác hại đến môi trường… phù hợp với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành thành phố phát triển bền vững. Những năm qua, thành phố đã từ chối một số dự án FDI trị giá cả tỷ đô-la vì không bảo đảm các điều kiện về môi trường và đây là một trong những nguyên nhân khiến thu hút FDI của thành phố chưa đạt yêu cầu.
Không nên lấy tiêu chí có doanh nghiệp FDI tầm cỡ quốc tế vào đầu tư trong các khu công nghiệp của thành phố mới được coi là thành công trong việc thu hút đầu tư. Nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận một vấn đề, đó là công tác xúc tiến đầu tư còn hạn chế, nhất là công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ. Lãnh đạo thành phố sẽ chỉ đạo quyết liệt và sát sao công việc quan trọng này, sẽ tập trung chỉ đạo kiện toàn, nâng cao năng lực của bộ máy xúc tiến đầu tư của thành phố, tiếp tục đề ra các chính sách ưu đãi và hỗ trợ tốt hơn nữa cho các doanh nghiệp FDI.
Xây dựng một Đà Nẵng hấp dẫn
* Đầu tư, phát triển dịch vụ, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của thành phố để thực hiện Kết luận 75 của Bộ Chính trị. Đồng chí có thể cho biết cụ thể hơn nhiệm vụ này?
- Nhìn lại năm 2014, chúng ta có thể thấy nguồn thu từ dịch vụ, du lịch chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong thu ngân sách thành phố. Ở chiều ngược lại, nguồn thu từ đất giảm dần tỷ lệ trong tổng thu ngân sách. Bên cạnh đó, ngay từ những ngày đầu năm 2015, sân bay Đà Nẵng đón vị khách thứ 5 triệu, trong khi số lượng du khách đến Đà Nẵng tiếp tục tăng cao. Do vậy, phát triển mạnh ngành du lịch và dịch vụ, chú trọng việc tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố và phát triển mảng du lịch kết hợp hội nghị cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong năm 2015.
UBND thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức các sự kiện lớn trong năm 2015; trong đó, có Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng lần thứ 7, Cuộc thi marathon quốc tế lần thứ 3, Cuộc thi IronMan 70.3 (ba môn phối hợp), các hoạt động nhân dịp khai trương mùa du lịch biển 2015… và nhiều chương trình nghệ thuật quy mô lớn kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm.
Ngoài ra, trong năm 2015, thành phố còn phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh để vận động đăng cai đưa Cuộc đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race đến Đà Nẵng vào đầu năm 2016; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức Đại hội thể thao biển châu Á lần thứ 5 trong năm 2016.
Trong năm 2014, thành phố cũng đã mời một số đạo diễn nổi tiếng trong nước đến tham quan, nghiên cứu tại Đà Nẵng; các đạo diễn đã đề xuất một số hoạt động, màn trình diễn đặc sắc để phục vụ khách du lịch. Hiện nay, UBND thành phố đang giao cho các cơ quan chức năng lập kế hoạch cụ thể để có thể đưa vào hoạt động trong năm 2015.
Thành phố cũng đã chọn năm 2015 là “Năm văn hóa, văn minh đô thị” với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội, tạo sự chuyển biến mới, thực chất trong ý thức, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và từng người dân Đà Nẵng nhằm từng bước xây dựng thành phố Đà Nẵng xanh, sạch, đẹp, thân thiện, mến khách, văn minh… điều này cũng góp phần vào việc thu hút, giữ chân và khuyến khích du khách quay trở lại Đà Nẵng.
Hiện nhà ga hành khách của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đã đạt đến công suất thiết kế và trong thời gian đến, sẽ mở rộng nhà ga hành khách để nâng công suất phục vụ đạt 10 triệu khách/năm. Chúng ta đã khai trương phố chuyên doanh Lê Duẩn và phố điểm tâm Huỳnh Thúc Kháng... Bên cạnh các dự án du lịch đẳng cấp quốc tế đã hoạt động từ nhiều năm qua, thành phố tiếp tục triển khai các dự án du lịch trọng điểm như Công viên Châu Á, Công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn, các dự án du lịch ven biển và bán đảo Sơn Trà…
Hàng về trên Cảng Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC HỢI |
* Đầu tư hạ tầng du lịch, xây dựng điểm đến mới chỉ là điều kiện cần, chúng ta phải có những điều kiện đủ để Đà Nẵng thực sự trở thành điểm hấp dẫn, điểm đến nổi bật?
- Như chúng ta đã biết, cuối năm 2014, TripAdvisor, trang mạng về du lịch và dịch vụ chuyên đánh giá những địa điểm du lịch đáng chú ý trên thế giới, đã chọn Đà Nẵng vào vị trí dẫn đầu trong top 10 điểm đến mới nổi sáng giá nhất thế giới cho năm 2015. Không lâu sau đó, đầu tháng 1-2015, chuyên trang du lịch của The New York Times, một trong những nhật báo nổi tiếng và uy tín nhất thế giới, chọn Đà Nẵng là một trong 52 địa điểm du lịch hấp dẫn nhất thế giới mà du khách “không thể không đến” trong năm 2015. Đà Nẵng là điểm đến duy nhất ở Việt Nam và là một trong 9 điểm đến ở châu Á có tên trong danh sách này.
Không phải ngẫu nhiên mà thế giới chọn Đà Nẵng như vậy. Cũng không phải tự nhiên mà Đà Nẵng được thế giới biết đến và khen tặng như thế. Đó là cả một quá trình xây dựng và phát triển. Du khách đến Đà Nẵng trải nghiệm rồi mới đánh giá như vậy. Dĩ nhiên, không phải du khách chỉ toàn khen, họ cũng chỉ ra rất nhiều thiếu sót, điểm yếu của chúng ta về quy hoạch, vệ sinh môi trường, ứng xử, điểm đến, các hoạt động vui chơi giải trí… Vậy ta cần phải tập trung khắc phục các điểm yếu, phát huy điểm mạnh, tăng cường quảng bá, tiếp thị, truyền thông về những “danh hiệu” - chúng ta có thể tạm gọi như thế này trong cả nước và thế giới. Làm sao cho cái tên Đà Nẵng lan tỏa đến được mọi nơi. Lãnh đạo thành phố đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai thực hiện điều này.
* Nhưng dường như chúng ta vẫn thiếu những sản phẩm đặc thù của Đà Nẵng?
- Tôi đọc báo thấy du khách quốc tế khen Đà Nẵng mình có bờ biển cát trắng trải dài tuyệt đẹp và tuyệt vời hơn sau khi tắm biển được thưởng thức bánh mì kẹp thịt bán dọc bờ biển. Đọc thì thấy cũng mát lòng lắm, nhưng lo cũng không ít. Không lẽ ở Đà Nẵng chỉ có mỗi bãi biển và bánh mì thôi sao? Do vậy, chúng ta phải tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hơn nữa; trong đó, có sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo của thành phố mới mong hấp dẫn và thu hút du khách.
Công trình Thư viện Khoa học tổng hợp đang xây dựng, khánh thành trong năm nay; Bảo tàng Mỹ thuật đi vào hoạt động; Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng lịch sử, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh sẽ được nâng cấp, sửa chữa; Cung Văn hóa Thiếu nhi, Công viên Châu Á, Công viên Đại Dương sẽ ra đời… Đó sẽ là những cố gắng trước mắt của thành phố Đà Nẵng trong công tác đầu tư cơ sở hạ tầng văn hóa - du lịch. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ xúc tiến vận động, đăng cai tổ chức nhiều sự kiện quốc tế lớn trong những năm đến cũng góp phần phục vụ du khách đến với Đà Nẵng.
* Có thể thấy một hình ảnh Đà Nẵng ngày càng đẹp dần lên trong mắt bạn bè cả nước và quốc tế. Song, vẫn còn những hình ảnh không đẹp làm ảnh hưởng đến môi trường chung của Đà Nẵng. Đồng chí nghĩ sao về việc này?
- Đúng vậy, mặc dù Đà Nẵng nổi tiếng cả nước về một thành phố “5 không”, “3 có”, về một thành phố đáng sống, nhưng đó đây vẫn còn tình trạng chèo kéo, bu bám du khách. Đây là tình trạng không thể chấp nhận được! Một thành phố du lịch hấp dẫn không thể chấp nhận việc tùy tiện nâng giá dịch vụ mỗi khi diễn ra sự kiện. Một điểm đến mới nổi hấp dẫn không thể có tình trạng chủ nhà hàng đưa tiền hoa hồng cho hướng dẫn viên du lịch hay tài xế taxi để rồi nâng giá dịch vụ lên bù lại chi phí.
Tình trạng này sẽ quyết liệt chấn chỉnh trong năm 2015, năm thành phố chọn là “Năm văn hóa, văn minh đô thị”. Chúng ta đang xây dựng con người Đà Nẵng văn hóa, văn minh; xây dựng đô thị Đà Nẵng năng động, hiện đại, giàu bản sắc. Cái cần nhất là xây dựng tinh thần, nhận thức đến thực hiện trong mọi tầng lớp nhân dân. Có những việc khó hơn nhiều lần nhưng chúng ta đã làm được, nên tôi tin, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo thành phố, sự đồng thuận của người dân, sự đồng hành của doanh nghiệp, chúng ta sẽ xây dựng nên một Đà Nẵng - thành phố hấp dẫn, thân thiện, an bình và đáng sống.
* Xin cảm ơn đồng chí.
HỨA HẢI thực hiện
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Đà Nẵng đề nghị xây dựng tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây 2 từ nguồn vốn ODA
- Đột phá từ khai thác quỹ đất
- Lãi suất cho vay vẫn khó giảm, vì sao?
- Tạm dừng cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất một số trường hợp
- Phong thủy: Bài trí phòng ngủ thế này, vợ chồng trăm năm hạnh phúc
- Sở hữu đất biển trục Tây Bắc Đà Nẵng từ 230 triệu đồng
- 10 ôtô bán chạy nhất tháng 11/2016
- “Cú đấm” nhà giá thấp
- Trồng cây theo phong thủy để hút tài lộc
- Khu vườn ấn tượng với con đường đá nghệ thuật
- Bố trí hồ nước, sông đào tại dự án bất động sản ra sao cho hợp phong thuỷ?
- Thị trường căn hộ cao cấp: "Cuộc đua" chưa có điểm dừng
- Alphanam cam kết lãi tới 700 triệu/năm tại dự án Luxury Apartment
- Xây dựng chính sách phát triển quy hoạch đô thị bền vững, thân thiện môi trường
- Đà Nẵng sẽ có quảng trường trung tâm sát bờ sông Hàn
- Thi tuyển quy hoạch, kiến trúc Quảng trường trung tâm Đà Nẵng
- Ngân hàng Thế giới hỗ trợ Đà Nẵng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chia sẻ kinh nghiệm hoạch định chính sách phát triển
- Doanh nghiệp bất động sản đang làm gì cho cuộc chơi lớn?
- Đến Bà Nà Hills, đón giáng sinh diệu kỳ
- Nợ tiền sử dụng đất, có được bán đất?