VOV.VN -Năm 2015 sẽ là năm phát triển ồ ạt của các tổ chức nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản ở rất nhiều phân khúc.
Năm 2014, đầu tư FDI vào bất động sản chiếm tới 40% đầu tư cả nước. Bất động sản là lĩnh vực đứng thứ 2 trong thu hút đầu tư nước ngoài chỉ sau công nghiệp chế biến, chế tạo. Với yếu tố thuận lợi hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, năm 2015, bất động sản Việt Nam vẫn tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 11 tháng năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 32 dự án bất động sản mới, tổng nguồn vốn là 17,33 tỉ đô la Mỹ. Đầu tư FDI trong lĩnh vực bất động sản đã tăng lên chiếm tới 40% đầu tư cả nước, đứng thứ 2 chỉ sau công nghiệp chế biến, chế tạo.
Lý giải về kết quả này, chuyên gia đầu tư bất động sản Sử Ngọc Khương cho rằng: “Thị trường bất động sản gần như được xem là đáy của thị trường, do vậy cơ hội đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam là rất lớn, cho nên nguồn vốn FDI tăng lên là chuyện bình thường. Thông thường trong lĩnh vực bất động sản, thì các nước trong khu vực châu Á đầu tư chính vào thị trường Việt Nam, trong đó có thể kể đến Nhật, Hàn Quốc, Singapo là những nước tiêu biểu tham gia đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam”.
Theo nhiều chuyên gia, năm 2015, bất động sản tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, bởi thị trường này có sự tăng trưởng khá tốt và đang trên đà phục hồi. Cơ hội mở ra nhiều hơn khi thời gian tới, Việt Nam sẽ tham gia vào Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương cũng như các khối thương mại tự do.
Ngoài ra, Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã nới lỏng nhiều quy định, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam.
Ông Nguyễn Hữu Cường – Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội nhận định: “Đặc biệt là Luật cho phép các nhà đầu tư, các thương nhân, các tổ chức nước ngoài, tức là mở rộng hơn các thành phần được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Đấy chính là cơ hội và năm 2015 sẽ là năm phát triển ồ ạt của các tổ chức nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản ở rất nhiều phân khúc”.
Không chỉ thu hút lượng vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài, bất động sản còn là kênh hấp thụ vốn rất tốt từ lượng kiều hối đổ về Việt Nam. Trong số 10-13 tỷ đô la Mỹ kiều hối hàng năm, thì gần 20% dành cho lĩnh vực bất động sản. Hơn nữa, thị trường bất động sản đã và đang được sự hỗ trợ lớn từ phía Nhà nước, nên dự báo kiều hối đổ vào lĩnh vực này còn tăng lên đáng kể trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng bộ phận định giá và tư vấn tài chính, Công ty Savills Hà Nội phân tích: “Chúng ta đang có 1 quá trình hội nhập kinh tế quốc tế rất mạnh mẽ, đi kèm với nó là những cam kết của Chính phủ trong việc nới lỏng các thủ tục hành chính và cam kết hội nhập một cách sâu sắc và mạnh mẽ hơn. Theo nhận định của chúng tôi, không chỉ nguồn vốn đầu tư nước ngoài mà ngay cả nguồn vốn đầu tư trong nước trong năm tới sẽ tăng đáng kể. Các nhà đầu tư và các ngân hàng đang có những dòng tiền sẵn sàng đầu tư vào bất động sản, chỉ chờ có cơ hội là sẵn sàng triển khai”.
Rõ ràng, chưa thể khẳng định bất động sản sẽ tạo nên sự bùng nổ trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhưng với đà phục hồi hiện tại cũng như nhiều cơ chế, chính sách mới được ban hành, thị trường bất động sản hứa hẹn sẽ giảm dần hàng tồn kho và có nhiều khởi sắc trong năm 2015 và những năm tiếp theo./.
Các bản tin khác
- Bất động sản tăng trưởng nhờ phát triển kinh tế và hạ tầng đô thị
- Sôi động thị trường bất động sản
- Sắp khởi công tổ hợp du lịch, giải trí đẳng cấp tại Đà Nẵng
- Triển khai quy hoạch tổng thể khu vực phía Tây thành phố
- Sửa Thông tư 36 và giải pháp với “tổ kiến lửa”
- Tăng giá trị bồi thường đất thu hồi xây dựng hầm chui đường Trần Phú
- Thu nhập thấp mua nhà thế nào khi hết gói 30.000 tỷ?
- Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng tiếp tục được giải ngân từ ngày 1-6
- Được tháo ‘vòng kim cô’, địa ốc thở phào
- Hoàn thành phần thô toà tháp thứ nhất Dự án Blooming Tower Đà Nẵng
- Cho vay gói 30.000 tỷ đồng: Tạm dừng giải ngân, chờ thông tư hướng dẫn
- Đường Phạm Cự Lượng - Con đường bằng lăng tím
- Nhà tái định cư: Mua khổ, bán cũng khổ
- Nhà phố thương mại lên cơn sốt: Xuất hiện hiện tượng ăn theo, đẩy giá
- Đà Nẵng: Cho phép chuyển nhượng dự án trong các KCN
- Xây dựng phố kinh doanh kiểu mẫu Phan Châu Trinh
- KĐT sinh thái Han River Village: Sống xanh giữa lòng Đà Nẵng
- Tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính
- Phòng làm việc: Những điều nên và không nên làm
- BĐS Đà Nẵng "sốt" với khu đô thị sinh thái đẳng cấp quốc tế