(PL)- Đối tượng cho vay gói 50.000 tỉ đồng nên dành cho người mua nhà có thu nhập trung bình và thấp ở đô thị.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang phối hợp các bộ, ngành để xem xét tung ra gói 50.000 tỉ đồng dành cho phân khúc nhà ở thương mại với lãi suất 7%/năm kéo dài trong 10 năm. Đây là thông tin tốt lành cho thị trường bất động sản (BĐS). Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) lẫn người mua nhà đều cho rằng cái họ cần chính là các thủ tục hướng dẫn phải được chi tiết, cụ thể để họ có thể tiếp cận.
Nhiều ngân hàng lớn xem xét để tham gia
Theo TS Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT (BIDV), đây là gói sản phẩm hoàn toàn của thương mại và cho vay cũng trên cơ sở thương mại. Bộ Xây dựng, NHNN… làm nhiệm vụ định hướng, khuyến khích và kêu gọi chứ không phải bắt buộc. Sau đó việc cho vay đến đâu, thậm chí có tăng nhiều hơn số tiền 50.000 tỉ đồng hay không là câu chuyện về sau.
Nhiều ý kiến lo ngại rằng nếu là gói thương mại thì các ngân hàng lấy tiền đâu để cho vay dài hạn trong suốt 10 năm với lãi suất 7%/năm. Hiện nay các gói lãi suất ưu đãi 7%-9% /năm mà ngân hàng thương mại đưa ra cho vay mua nhà ở đa số ổn định chỉ dưới hai năm đổ lại. Kéo dài lâu nhất hiện nay chỉ là ba năm sau đó thả nổi theo thị trường. “Để có nguồn vốn dài hạn, chúng ta cần phải phát triển thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu… để tăng kênh huy động vốn trung và dài hạn cho ngân hàng cũng như cho DN” - ông Lực nói.
Ông Trần Tấn Lộc, Phó Tổng Giám đốc Eximbank, cũng xác nhận cuối tuần trước Eximbank đã làm việc để cân nhắc tính toán việc tham gia vào gói 50.000 tỉ đồng. Tương tự như vậy, ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc VietinBank, cũng cho hay sẽ cân đối để xem xét tham gia.
Khách hàng tìm hiểu thủ tục mua nhà tại một dự án nhà ở xã hội ở quận 7, TP.HCM. Ảnh: QUANG HUY
Nên ưu tiên cho người thu nhập thấp
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), cho biết rất phấn khởi khi nhận được thông tin này. Hiệp hội đang chờ đợi thông tin chính thức từ phía NHNN với gói tín dụng 50.000 tỉ đồng này. Nguồn tín dụng này nếu cung ứng ra thị trường với lãi suất ổn định 7%/năm trong 10 năm sẽ là chính sách hỗ trợ đầu tư tốt cho thị trường BĐS vì nó đảm bảo được yếu tố nguồn vốn tín dụng trung hạn.
“Đây thực sự là điều cần thiết, phù hợp cho đặc trưng hoạt động thị trường BĐS. Tín dụng cho BĐS từ trước đến giờ chủ yếu là ngắn hạn mà đâu có DN BĐS nào làm dưới một năm. Họ đều hoạt động 3-5 năm trở lên vì vậy rất cần nguồn vốn trung, dài hạn. Điều này tốt cho các nhà đầu tư phát triển BĐS, họ có thể tính toán được chi phí vốn trong quá trình đầu tư và phát triển BĐS, điều mà từ trước đến nay họ không làm được. Nguồn vốn ổn định 10 năm với lãi suất 7% là sự đột phá, lãi suất mơ ước đối với DN. Hiện nay DN BĐS đang phải vay với mức lãi suất 10%-12%/năm” - ông Châu phân tích.
Theo ông Châu, đây là hoạt động có tính chất ưu đãi cho các nhà đầu tư BĐS. Song muốn cho thị trường BĐS phát triển một cách ổn định và bền vững, điều cần thiết là phải có nguồn vốn tín dụng cho người tiêu dùng trong thị trường BĐS, trước hết là người mua nhà, ưu tiên là người có thu nhập trung bình và người thu nhập thấp đô thị. Cần có cơ chế và nguồn tín dụng hỗ trợ cho nhóm đối tượng trên chứ người giàu thì không cần.
Nhiều DN BĐS cho rằng nguồn vốn hỗ trợ giai đoạn này là cần thiết nhưng cái họ cần là cách thực hiện.
Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Thanh Yến Land, cho hay DN mong muốn có những thông tư hướng dẫn cụ thể chi tiết như dành cho DN bao nhiêu, thủ tục như thế nào, dự án các tiêu chuẩn nào thì đạt được… Đối với cá nhân người mua nhà cũng cần phải chi tiết ra. Thực sự thị trường BĐS cần nguồn vốn nhưng cần một nguồn vốn giải thông thực sự chứ không phải là liệu pháp chỉ mang tính tinh thần.
Nhiều chuyên gia cho rằng gói 50.000 tỉ đồng cho nhà ở thương mại nên kéo dài thêm thời gian cho vay mua nhà thành 20 năm, lãi suất phải giảm xuống còn khoảng 5% thì người dân mới đủ khả năng trả nợ ngân hàng. Đối với gói 30.000 tỉ đồng, tính đến ngày 15-1 đã có 10.000 tỉ đồng được ký kết cho vay. Số tiền này đổ vào phân khúc giá thấp, trong đó khoảng 6.000 tỉ đồng cho người dân vay với trên 12.000 hộ dân đã được vay gói này. Năm 2013, người mua nhà chịu lãi suất 6%/năm. Sau khi hiệp hội kiến nghị thì năm 2014, NHNN điều chỉnh lãi suất giảm còn 5%/năm. Năm 2015, NHNN giữ nguyên mức lãi suất của gói tín dụng này là 5%. Trong khi đó, chỉ số CPI năm 2015 được dự báo thấp hơn năm 2014, Nhà nước sẽ kiểm soát được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì không có cớ gì mà không giảm mức lãi suất xuống còn 4%-4,5% như đề nghị của hiệp hội. Theo Thông tư 11/2013 của NHNN về quy định cho vay hỗ trợ nhà ở thì trong mọi trường hợp, các ngân hàng thương mại tham gia gói tín dụng này được hưởng chi phí quản lý là 1,5%. Đáng lẽ phải chia sẻ lợi ích này với người tiêu dùng, ngân hàng thương mại chỉ nên hưởng 0,5% còn 1% nên tính vào giảm lãi suất mới có lợi cho người tiêu dùng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Khó chứng minh thu nhập Đối tượng được vay để mua nhà ở xã hội có thể xác định được một cách cụ thể, có chế độ, được Nhà nước, xã hội hỗ trợ… mà họ còn khó khăn trong tiếp cận gói vay. Với nhà ở thương mại, chỉ dựa trên khung lương thì việc chứng minh thu nhập càng khó khăn hơn. Có rất nhiều người có nhu cầu như những người kinh doanh buôn bán nhỏ có thu nhập khoảng 15-20 triệu đồng/tháng nhưng lại không thể chứng minh được và cũng không ai xác nhận thì làm sao được vay. Chưa kể các thủ tục hành chính, xác nhận của chính quyền địa phương rất rườm rà, phức tạp.
Chị Thúy Lài, kinh doanh vải |
QUANG HUY - YÊN TRANG
Theo Báo Pháp luật TPHCM
Các bản tin khác
- Đà Nẵng: Cất nóc khu phức hợp cao cấp DITP TOWER
- Cơ hội mới cho bất động sản công nghiệp
- Phê duyệt nhiều dự án công cộng phục vụ người dân
- Quy hoạch mở rộng Công viên APEC
- Ủn ỉn BBQ: không chỉ để thưởng thức đồ nướng
- Phát triển du lịch phía Tây Bắc: Chưa khai thác hết tiềm năng
- Thu hồi dự án khu du lịch Hòn Ngọc Á Châu làm công viên ven biển
- Cần khai thác cảnh quan đường Thăng Long
- Kinh nghiệm đầu tư nhà cho người nước ngoài thuê
- Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ bố trí hơn 3.400 tỉ đồng triển khai giai đoạn 1 cảng Liên Chiểu
- Bất động sản lại vào mùa tặng nhà, tặng xe...
- Thành lập Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà Đà Nẵng
- Nhộn nhịp ở phố chuyên doanh điện tử, kỹ thuật số
- Phố bích họa mới giữa lòng Đà Nẵng
- Dự báo mới về thị trường bất động sản
- Không phát triển dự án tái định cư và nhà ở công vụ
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Quy hoạch cảng Liên Chiểu theo hướng hiện đại
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xây dựng cảng Liên Chiểu là vấn đề cấp bách, cần thiết
- Chuỗi thương hiệu bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp Risemount vươn tầm ra thế giới
- Đề nghị bố trí vốn đầu tư dự án cảng Liên Chiểu