40 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975 - 2015), trải qua các chặng đường xây dựng và phát triển, lãnh đạo và nhân dân thành phố Đà Nẵng đã chung sức, chung lòng, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, đưa thành phố phát triển đạt được nhiều thành tựu to lớn và đáng tự hào.
Sau ngày giải phóng 30/4/1975, Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, tiếp quản một nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá nặng nề, phụ thuộc vào viện trợ là chính. Trước tình hình đó, Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng đã kịp thời đề ra các chủ trương khắc phục khó khăn, bắt tay khôi phục sản xuất, khuyến khích dân nhập cư không có việc làm trở về quê sản xuất, ổn định cuộc sống, giảm tải các vấn đề bức xúc về xã hội tại đô thị để xây dựng và phát triển. Trong 10 năm sau giải phóng (1975-1985), kinh tế - xã hội thành phố có những chuyển biến tích cực, bước đầu hình thành các ngành sản xuất công nghiệp và thương mại, đời sống nhiều vùng được cải thiện, bộ mặt văn hóa - xã hội được nâng lên một bước. Tuy nhiên, nền kinh tế còn mang tính sản xuất nhỏ, chủ yếu là gia công dựa vào nguyên liệu nhập khẩu, trình độ trang thiết bị lạc hậu, năng suất lao động thấp, siêu lạm phát và khủng hoảng kinh tế xảy ra trên phạm vi cả nước, chất lượng các ngành văn hóa, y tế, giáo dục còn nhiều yếu kém v.v..
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) là mốc lịch sử đánh dấu sự chuyển hướng có ý nghĩa quyết định với đường lối đổi mới kinh tế, mở ra một thời kỳ phát triển mới cho cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng. Sau hơn 10 năm đổi mới 1986-1996, kinh tế - xã hội thành phố đạt được những thành tựu nhất định, tốc độ tăng GDP bình quân giai đoạn 1986-1996 đạt 8,15%/năm với tổng sản phẩm xã hội (GDP, giá hiện hành) năm 1996 đạt 2.298 tỷ đồng, tăng 2,4 lần so với năm 1985. Đây cũng là giai đoạn các doanh nghiệp nhà nước phát triển mạnh về số lượng và đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, cụ thể: về cơ cấu GDP, khối doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chiếm 27,5%; nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) chiếm 66,1% tổng thu thuế, phí trên địa bàn và đã có những đóng góp lớn vào quá trình phát triển nông nghiệp - nông thôn. Khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế cá thể cũng có tốc độ tăng trưởng khá, đóng góp đáng kể vào giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho nhân dân.
Ngày 1/1/1997, Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX và bắt đầu thời kỳ phát triển mới. Từ đó đến nay, lãnh đạo và nhân dân Đà Nẵng đã chung sức, chung lòng quán triệt và thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, năng động, sáng tạo, tập trung khai thác tiềm năng nội ngoại lực, khơi dậy nguồn lực trong dân, đầu tư xây dựng nhiều công trình trọng điểm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố; đồng thời chủ động tháo gỡ, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để xây dựng, phát triển Đà Nẵng thành một thành phố trung tâm trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội toàn khu vực miền Trung và cả nước.
Giai đoạn 1997-2010, kinh tế - xã hội thành phố phát triển có tính đột phá, tạo được thế và lực, cũng như xác lập được vị thế của Đà Nẵng trên cả nước, khu vực và quốc tế. Những thành tựu đáng kể đó là: tổng sản phẩm quốc nội (GDP, giá so sánh năm 1994) tăng bình quân 11,4%/năm, trong đó: dịch vụ tăng 9,3%/năm, công nghiệp - xây dựng tăng 15,3%/năm; cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư chuyển dịch đúng định hướng “Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp”, đồng thời định hướng để chuyển dịch sang hướng “Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp” từ sau năm 2010; thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước với GDP bình quân (giá hiện hành) năm 2010 đạt 33,2 triệu đồng/người, gấp 7 lần so với năm 1997 và gấp 1,7 lần so với bình quân cả nước (2010); tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng 20,5%/năm. Cũng trong giai đoạn này, Đà Nẵng được công nhận là đô thị loại I cấp quốc gia (năm 2003) và được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hóa”. Đây vừa là động lực, vừa là điều kiện thuận lợi để thành phố huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư, xây dựng và phát triển.
Giai đoạn 2011-2015, trên cơ sở phát huy những thành tựu đã đạt được của giai đoạn trước, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và huy động hiệu quả các nguồn ngoại lực, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng tiếp tục xây dựng, phát triển thành phố, thay đổi tích cực diện mạo đô thị, quan tâm giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, môi trường. GRDP (giá so sánh 2010) giai đoạn 2011-2015 ước tăng bình quân 9,7%/năm; thu thập bình quân đầu người (giá hiện hành) năm 2015 ước đạt 56,1 triệu đồng/người, gấp 1,5 lần so với năm 2011; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước tăng 9,4%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng “Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp” với tỷ trọng dịch vụ, thuế nhập khẩu năm 2015 ước đạt 61,6%, công nghiệp - xây dựng 36% và nông nghiệp 2,4% và từng bước thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trên cơ sở chú trọng nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ và tỷ trọng hàm lượng kỹ thuật, công nghệ trong các ngành sản xuất.
Các lĩnh vực dịch vụ có bước phát triển vượt bậc, trong đó du lịch đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Với lợi thế bờ biển dài, cảnh quan thiên nhiên đẹp và là trung tâm của nhiều di sản văn hóa thế giới, Đà Nẵng đã dành sự đầu tư lớn về nhiều mặt cho phát triển du lịch, ưu tiên những vị trí đẹp, những ưu đãi thỏa đáng cho các dự án du lịch quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế, góp phần nâng cao sự hấp dẫn và sức cạnh tranh của du lịch thành phố. Nhiều dự án du lịch lớn đã được đầu tư, đưa vào hoạt động như: Khách sạn Furama, Khu du lịch Khu du lịch Silversore Hoàng Đạt, Pullman Beach Resort, Sân Golf Hòa Hải (được bình chọn là sân golf tốt nhất Việt Nam), Khu nghỉ dưỡng Fusion Maia (giai đoạn 1997-2010) và Vinpearl Luxury Resort (vượt chuẩn 5 sao), Hyatt Regency, Intercontinental Sun Peninsula Resort, Pulchra Resort, Khách sạn Novotel, Khu vui chơi giải trí Fantasy Park tại Bà Nà (giai đoạn 2011-2015) v.v.. Đến nay, thành phố đã có 75 dự án du lịch đã và đang triển khai với tổng vốn đầu tư 8,7 tỷ USD, trong đó 15 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư 1,7 tỷ USD. Nhiều hoạt động lễ hội văn hoá - du lịch được tổ chức hằng năm, đặc biệt Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng qua 6 năm tổ chức (2008-2013) đã thu hút đông đảo du khách và trở thành sự kiện văn hoá, du lịch quốc tế đặc sắc, góp phần từng bước hình thành thương hiệu thành phố văn hóa - du lịch, thành phố sự kiện của cả nước và khu vực.
Hạ tầng thương mại cũng được tập trung đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, nhiều trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị lớn được đưa vào hoạt động, phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân và du khách như: Vĩnh Trung Plaza, Indochina Center, Siêu thị Coopmart, Siêu thị Metro, Siêu thị Big C (giai đoạn 1997-2010), Siêu thị Lotte mart, Khu Siêu thị điện máy Nguyễn Kim, TTTM Parkson, chợ đêm Nguyễn Kim, chợ đêm tại TTTM Dragon Vĩnh Trung (giai đoạn 2011-2015) và các khu phố chuyên doanh, các siêu thị bán lẻ các mặt hàng quần áo - thời trang, đồ điện tử, sách như: Vinatex (thời trang - may mặc), Fahasha (sách), Chợ lớn (đồ điện tử gia dụng) v.v..
Sản xuất công nghiệp xác định được một số ngành hàng và sản phẩm công nghiệp chủ lực như: thuỷ sản đông lạnh, dệt - may mặc, lốp ô tô, xi măng, da giày và tiếp tục khuyến khích đầu tư, phát triển các sản phẩm có tiềm năng trở thành các sản phẩm công nghiệp chủ lực mới như: thiết bị điện - điện tử, linh kiện điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ô tô ... Thị trường xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp được mở rộng trên 120 nước và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng bình quân 17,9%/năm trong giai đoạn 1997-2010 và ước tăng 15,4%/năm trong giai đoạn 2011-2015. Cơ cấu mặt hàng ngày càng đa dạng, tập trung vào các mặt hàng như: thủy sản, dệt may, giày, đồ chơi trẻ em, hàng thủ công mỹ nghệ v.v.., và chuyển dịch theo hướng tăng giá trị hàng công nghiệp chế biến, hàm lượng công nghệ cao (điện, điện tử).
Công cuộc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị được thực hiện quyết liệt với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, tạo nên những đổi thay đáng kể cả về tầm vóc, quy mô và diện mạo của thành phố. Nhiều công trình trọng điểm có kỹ thuật hiện đại và tầm cỡ đã được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới như: Hầm đường bộ Hải Vân - hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á, Cung thể thao Tuyên Sơn (giai đoạn 1997-2010), đường Nguyễn Văn Linh nối dài, đường Trần Hưng Đạo nối dài, đường Võ Chí Công, đường Võ Văn Kiệt, đường nối từ cầu Hòa Xuân và Khu đô thị sinh thái Hòa Quý, đường vành đai phía Nam (gđ1); các Khu tái định cư phục vụ giải tỏa Sân vận động Chi Lăng; quần thể du lịch sinh thái Sơn Trà, Bà Nà - Suối Mơ; Bệnh viện Ung thư (500 giường), Bệnh viện Phụ sản-Nhi (600 giường), nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng quy mô 1.100 giường, Nhà ga sân bay quốc tế Đà Nẵng (gđ1, TW đầu tư), Trung tâm hành chính thành phố (giai đoạn 2011-2015) và một số công trình lớn đang triển khai như: Nút giao thông khác mức ngã ba Huế, Khu công nghệ cao, Công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn (giai đoạn 1), Sân vận động Hòa Xuân 20.000 chỗ ngồi (khu liên hợp thể thao), đường vành đai phía Nam (giai đoạn 2), khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (Trung ương đầu tư) v.v.. Nhiều cây cầu hiện đại được xây dựng nối liền hai bờ sông Hàn như: Cầu Sông Hàn, Cầu Thuận Phước, Cầu Tiên Sơn, Cầu Cẩm Lệ (1997-2010), Cầu Rồng, Cầu Trần Thị Lý, Cầu Nguyễn Tri Phương, Cầu Hòa Xuân, Cầu Khuê Đông (2011-2015). Mỗi cây cầu không chỉ mang một nét kiến trúc độc đáo riêng mà còn là thành công của Đà Nẵng trong việc bắc những chiếc cầu từ chủ trương của thành phố đến với lòng dân. Chương trình “nông thôn mới” cũng được quan tâm đầu tư, đã đạt nhiều kết quả tích cực, tạo cơ sở xây dựng đô thị bền vững, đến cuối năm 2014, thành phố có 6/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu đến cuối năm 2015 hoàn thành mục tiêu huyện nông thôn mới.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, Đà Nẵng còn được biết đến là thành phố có tốc độ xây dựng, chỉnh trang đô thị nhanh và hiệu quả. Nổi bật từ năm 1997-2010, thành phố đã thực hiện di dời và bố trí tái định cư cho hơn 95 ngàn hộ dân. Các khu ổ chuột ven hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung, dãy nhà chồ bờ Đông sông Hàn đã không còn, nhiều tuyến đường được xây mới, mở rộng nối các điểm đầu thành phố lại gần nhau hơn như: Nguyễn Tất Thành, Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Phạm Văn Đồng, Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Thọ, đường ven biển Hoàng Sa - Trường Sa, Lê Văn Hiến, ĐT 602, ĐT 605 v.v.. Công tác giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng đạt kết quả tốt với sự ủng hộ, đồng thuận cao của nhân dân, tạo điều kiện triển khai nhanh chóng các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, hưởng ứng chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhân dân Đà Nằng đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng, hàng chục ngàn mét vuông đất để triển khai các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đây là thành công lớn của thành phố trong vận động sự đóng góp của nhân dân cho công cuộc xây dựng và phát triển thành phố quê hương.
Song song với đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở, Đà Nẵng cũng quan tâm xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách linh hoạt, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi để thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Công tác cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được thực hiện tốt, cơ chế một cửa, một cửa liên thông phát huy hiệu quả, 100% cơ quan chuyên môn, quận, huyện, phường, xã thực hiện đồng bộ cơ chế một cửa, góp phần giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí cho công dân, tổ chức. Từ năm 2005 đến năm 2013, thành phố luôn xếp hạng “tốt” hoặc “rất tốt” về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI và dẫn đầu cả nước trong 03 năm 2008 - 2010 và năm 2013; trong 06 năm liên tục (2009-2014) Đà Nẵng cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT (ICT Index). Đặc biệt năm 2014 được thành phố xác định là “Năm doanh nghiệp Đà Nẵng” và tập trung đẩy mạnh thực hiện 6 giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến cuối năm 2014, trên địa bàn thành phố có 14.270 doanh nghiệp đang hoạt động, tổng vốn đăng ký đạt 69.711 tỷ đồng, tăng 26,8% về số doanh nghiệp, 19,7% về vốn đăng ký so với cuối năm 2010 và 313 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đầu tư 3,379 tỷ USD, tăng 70% về số dự án và 21% về vốn đầu tư.
Bên cạnh những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị, thành phố Đà Nẵng còn được biết đến là địa phương ban hành nhiều chính sách mang đậm tính nhân văn, nhiều giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, dần định hình nét văn hóa của thành phố, được nhân dân tin tưởng và ủng hộ. Chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có” là những chủ trương lớn được thành phố thực hiện, nhằm hướng đến các mục tiêu an sinh bền vững. Từ năm 2003, thành phố đã hoàn thành mục tiêu “không có hộ đói”, năm 2009 hoàn thành mục tiêu “không có người mù chữ” và điều chỉnh các mục tiêu này theo hướng “không còn hộ đặc biệt nghèo” và “không có học sinh bỏ học trong độ tuổi”. Ngoài ra, thành phố đã ban hành chính sách hỗ trợ, giúp đỡ các hộ đặc biệt nghèo vươn lên thoát nghèo; giáo dục, cảm hóa thiếu niên hư, vi phạm pháp luật; giúp đỡ học sinh bỏ học trở lại trường; lập quỹ cho vay việc làm đối với các đối tượng mãn hạn tù; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho các đối tượng trong diện thu hồi đất, giải quyết bạo lực gia đình; ban hành và thực hiện Đề án “7.000 căn hộ dành cho người thu nhập thấp”, Chương trình nhà ở xã hội, Dự án ký túc xá sinh viên và nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động; tổ chức các hoạt động kết nối giải quyết việc làm; phong trào đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt nam Anh hùng, Đề án hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho gia đình người có công với cách mạng, xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, cùng với các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện phát triển rộng khắp. Thành phố Đà Nẵng cũng là địa phương đầu tiên đầu tư xây dựng các bệnh viện mang tính chất nhân đạo như: Bệnh viện Phụ nữ, Bệnh viện Ung thư; chữa trị miễn phí cho trẻ em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh, phụ nữ nghèo bị ung thư v.v..
Thành phố cũng quan tâm thực hiện đến các giải pháp nâng cao chất lượng môi trường sống. Từ năm 2008, thành phố triển khai thực hiện đề án “Đà Nẵng - thành phố môi trường” nhằm hướng đến một thành phố xanh - sạch - đẹp và đáng sống. Tập trung giải quyết các điểm nóng về ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư, các nhà máy, xí nghiệp; thu gom xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường v.v.. Với những kết quả bước đầu, năm 2011 thành phố đã vinh dự được trao giải thưởng “Thành phố bền vững về môi trường của các nước ASEAN”, năm 2012 được bình chọn là 1 trong 20 thành phố trên thế giới có hàm lượng carbon thấp nhất.
Chú trọng xây dựng phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, thành phố đã quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, củng cố xây dựng các công trình quốc phòng bảo đảm chiến tranh, giữ vững trật tự an toàn xã hội, triển khai và duy trì các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, góp phần kiềm chế sự gia tăng của tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố.
Đạt được các thành tựu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng là thành phố đã vân dụng linh hoạt, sáng tạo các cơ chế, chính sách và tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, các bộ, ban, ngành; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế và các nguồn lực của địa phương, lựa chọn đúng và chỉ đạo thực hiện có kết quả những vấn đề lớn, mang tính đột phá trong công tác tổ chức thực hiện; huy động được sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tranh thủ được nguồn lực bên ngoài để đầu tư phát triển thành phố.
Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục phát huy những kinh nghiệm, thành tích đã đạt được để tập trung xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, một trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm dịch vụ, thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng, trung tâm bưu chính viễn thông - công nghệ thông tin và tài chính - ngân hàng; một trong những trung tâm y tế, văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực và cả nước; có tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; cơ bản trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020; tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên như Nghị quyết 33-NQ/TW và Kết luận 75-KL/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định.
Chủ tịch UBND thành phố
HUỲNH ĐỨC THƠ
Theo Cổng TTĐT Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Những công trình ấn tượng của Việt Nam nổi tiếng thế giới
- Đầu tư vào bất động sản năm 2018 lãi lớn
- Thị trường bất động sản 2019: Hướng tới nhu cầu mua để ở
- Người mua bất động sản hưởng lợi từ công nghệ 4.0
- Kinh nghiệm vay mua nhà cuối năm
- Đặt nền móng vững chắc cho đô thị Đà Nẵng
- Kịch bản nào cho bất động sản Việt Nam 2019?
- Thách thức của du lịch Đà Nẵng, nhìn từ “đỉnh ngập”
- Tổ tư vấn đưa ra 3 kịch bản dự báo kinh tế của năm 2019
- “Hiện tượng” nhà phố thương mại
- Phát huy nội lực, đưa Đà Nẵng phát triển nhanh, bền vững
- 6 câu hỏi nên đặt ra khi đầu tư căn hộ condotel
- Chợ bất động sản online ngày càng sôi động
- Bình yên Chùa Linh Ứng Sơn Trà
- Chờ thêm 2 đại gia Việt Nam được vinh danh tỷ phú USD toàn cầu
- Bất động sản Đà Nẵng: Vùng ven sẽ tăng giá sau đợt lụt trái mùa
- Intercontinental Danang Sun Peninsula Resort cùng lúc đón nhận 4 giải thưởng danh giá
- Đón sóng đầu tư bất động sản cuối năm cùng chuyên gia
- Xúc tiến mở tuyến đường ven biển phía đông các khu du lịch ở Ngũ Hành Sơn
- Giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư phải công khai, minh bạch