ĐNĐT - Sáng nay (29-3), lãnh đạo Trung ương và thành phố cùng người dân chào mừng 40 năm Ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng bằng sự kiện trọng đại: khánh thành nút giao thông khác mức ngã ba Huế - một công trình hoành tráng, quy mô, mang tầm chiến lược quan trọng của thành phố.
Đúng 10 giờ sáng, các đồng chí lãnh đạo Trung ương và địa phương đã cắt băng khánh thành công trình. Ngay sau đó, đoàn xe đưa các đồng chí lãnh đạo Trung ương, địa phương và các ban, ngành, đoàn thể lăn bánh qua công trình, và nối theo sau là cả đoàn xe dài của người dân thành phố cùng du khách; chính thức khép lại hình ảnh một nút giao thông nổi tiếng ùn tắc, là “điểm đen” về TNGT, mở ra một chặng đường mới đầy triển vọng cho cửa ngõ phía Bắc của thành phố.
Toàn bộ kiến trúc của công trình là hình khối lập xuyến gồm 3 tầng là tầng mặt đất, tầng 1 là vòng xuyến với 4 nhánh rẽ về các hướng và tầng 2 là tầng dây văng nối liền trục đường Điện Biên Phủ với đường Tôn Đức Thắng. Cụ thể: tầng mặt đất được thiết kế ưu tiên dành đường riêng cho đường sắt, không có giao cắt với đường bộ, với các đường gom có mặt cắt ngang là 7 mét.
Tầng 1 gồm cầu vòng xuyến có đường kính là 150 mét, mặt cắt ngang của đường vòng xuyến rộng 15 mét, bao gồm 3 làn xe (2 làn dành cho xe cơ giới và 1 làn dành cho xe thô sơ), tốc độ qua nút là 40Km/h, được tổ chức lưu thông cho các phương tiện từ 4 hướng ra - vào nút. Tầng 2 - cầu dây văng có mặt cắt ngang là 17 mét, bao gồm 4 làn xe (mỗi chiều 2 làn) tốc độ phương tiện qua nút là 60km/h, được tổ chức giao thông cho phép tất cả phương tiện lưu thông theo trục Điện Biên Phủ-Tôn Đức Thắng.
Để hoàn thành công trình, đơn vị thi công đã huy động trên 480 ngàn ngày công lao động, tương đương hơn 11,5 triệu giờ công lao động của kỹ sư, giám sát và người lao động trong liên tục 18 tháng. Đã có tổng cộng 70 ngàn mét khối bê tông, 1000 tấn thép cường độ cao và 12 ngàn tấn thép thường được huy động để hoàn thành tổng chiều dài gần 2,5 km cầu - đường của công trình. Đặc biệt, đây không những là công trình đạt kỷ lục về thời gian thi công, mà còn là công trình tích hợp rất nhiều kỹ thuật thi công hiện đại nhất hiện nay, cũng như có phương án tổ chức thi công độc đáo để đảm bảo cho tuyến đường sắt đi qua nút vẫn hoạt động bình thường.
Dự án có tổng mức đầu tư trên 2.000 tỷ đồng theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) do Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) làm nhà đầu tư. Sở GTVT được Bộ GTVT ủy quyền thẩm tra hồ sơ quản lý dự án và thay mặt UBND TP Đà Nẵng theo dõi, đôn đốc tiến độ, chất lượng dự án.
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cảm ơn Bộ GTVT đã ủng hộ đề xuất của thành phố trong việc triển khai dự án nút giao thông ngã ba Huế, cũng như kịp hỗ trợ cho nhà đầu tư, đơn vị thi công tháo gỡ những vướng mắc về kỹ thuật cũng như kinh phí để công trình kịp đưa vào sử dụng đúng vào dịp Đà Nẵng chào mừng 40 năm giải phóng thành phố. Đây là công trình không những giúp Đà Nẵng giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc và TNGT ở cửa ngõ thành phố mà còn là đòn bẩy giúp cho cửa ngõ phía Bắc thành phố phát triển. Công trình góp phần hoàn chỉnh hạ tầng giao thông thành phố, đảm bảo sự hài hòa và cân xứng, giảm tải cho khu vực trung tâm.
Chia vui với thành phố Đà Nẵng trong ngày rất có ý nghĩa này, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đánh giá cao sự hợp tác rất hiệu quả giữa chính quyền thành phố với Bộ GTVT cũng như nhà đầu tư, các đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị thi công để công trình sớm hoàn thành với chất lượng và giá trị thẩm mỹ cao. Việc đưa công trình về đích đúng thời hạn còn có ý nghĩa như là động lực cho các địa phương khác dọc trên quốc lộ 1A có triển khai các công trình nằm trong Quyết định 1856 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cấp 80 nút giao thông trên toàn tuyến đảm bảo kịp về đích trong năm 2015 này.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đề nghị thành phố Đà Nẵng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT tích cực triển khai một số dự án lớn của ngành nằm trên địa bàn thành phố một cách có hiệu quả như: dự án mở rộng Cảng Tiên Sa (giai đoạn II), mở rộng nhà ga Sân bay quốc tế Đà Nẵng, di dời nhà ga xe lửa ra khỏi trung tâm thành phố và đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi.
Tin: Thanh Sơn
Ảnh: VĂN NỞ
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Xôn xao thông tin nhóm nhà đầu tư Nhật Bản rót tỷ đô vào địa ốc
- Daewon rút lui, đô thị lấn biển Đà Nẵng về tay đại gia Việt
- Hồn cốt Việt trong khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất Châu Á năm 2016
- “Mốt” lưu trú và giải trí thời thượng
- Xuất khẩu bất động sản: Bất động sản nghỉ dưỡng Sun Group chưa bao giờ hết nóng
- Nhất Nam Land bán thành công 200 lô đất biển Đà Nẵng
- Thị trường bất động sản: Chưa bắt đúng "sóng" để bán nhà cho Tây
- Giao đất để thực hiện hoàn vốn dự án BT Khu tái định cư Hòa Liên 5
- Mở bán căn hộ và biệt thự biển Phú Quốc với ưu đãi hấp dẫn
- Đà Nẵng đạt giải thưởng "Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á"
- Nhà đầu tư Nhật chọn lối đi tắt vào bất động sản
- Cần chấn chỉnh thị trường bất động sản giúp doanh nghiệp, người dân
- Biệt thự 30 tỷ: Không cần quảng cáo, chưa bán đã cháy hàng
- Ngân hàng dư tiền, hạ lãi suất, đến thời địa ốc thăng hoa?
- Bất động sản du lịch, giải trí nhìn từ dự án Cocobay Đà Nẵng
- Đặt tượng danh nhân theo tên đường
- Cam kết lợi nhuận 12%, Cocobay Đà Nẵng gây xôn xao thị trường
- Bất động sản nghỉ dưỡng vào cuộc đua “bình dân”
- Sức hút từ tổ hợp du lịch, giải trí
- Quy trình bàn giao căn hộ khách hàng nào cũng nên biết (P1)