(PL)- Khi mua nhà, người mua phải yêu cầu chủ nhà trả hết phần tiền điện, nước còn nợ. Nếu sơ sót bỏ qua việc này, người mua sẽ phải gánh nợ.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng (47/42/27/9 Bùi Đình Túy, phường 24, quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết hơn năm trước bà mua lại căn nhà này của một người và đã làm được giấy tờ chủ quyền.
Không xài nước vẫn phải trả 40 triệu đồng
Khi bà tiếp nhận nhà, nhân viên Công ty Cổ phần Cấp nước Gia Định xuống kiểm tra, xác định chủ cũ không ở từ nhiều tháng nay (nhưng vẫn đề nghị công ty không cắt nước). Phần nước hiện trên đồng hồ chưa được thanh toán trên 6.000 khối.
Sau đó phía công ty cấp nước cho biết theo quy định, khách hàng chuyển giao bất động sản cho người khác như chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho… thì phải chuyển giao cả quyền sử dụng đồng hồ nước. Khoản tiền nước còn nợ trước đó, khách hàng sau phải gánh chịu trừ khi đã có thỏa thuận với chủ cũ là để người này thanh toán. Hiện nay chủ cũ không biết nơi đâu, không thấy hai bên có thỏa thuận gì nên chủ mới đã vào tiếp nhận nhà ở phải gánh tổng cộng gần 90 triệu đồng.
Nghe tin, bà Hồng choáng váng. Bà đề nghị phía cấp nước xem xét lại chứ bà không có khả năng trả số tiền trên. Sau đó đơn vị cấp nước đã chia sẻ các khó khăn của gia đình bà, giảm xuống còn 41 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng khổ sở vì tự dưng phải gánh thêm 40 triệu đồng tiền nước mà chủ cũ còn nợ công ty cấp nước. Ảnh: MQ
Phải kỹ lưỡng khi mua nhà
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Văn Lý, Phó phòng Kinh doanh và Chăm sóc khách hàng (Công ty Cổ phần Cấp nước Gia Định), lý giải thêm theo khoản 1 Điều 28 của Quyết định 20 (năm 2007) của UBND TP.HCM, trường hợp chuyển giao bất động sản cho người khác thì đồng nghĩa phải chuyển giao luôn cả đồng hồ nước. Nếu khi tiếp nhận nhà, bà Hồng yêu cầu chủ cũ thanh toán hết số tiền nước còn nợ thì sẽ không xảy ra rắc rối. Ở đây, bà Hồng không có động thái nào. Do đó theo quy định, người chủ sau của căn nhà phải chịu hoàn toàn trách nhiệm thanh toán tiền nước của căn nhà đó với phía công ty. Còn vấn đề chia sẻ khoản tiền này như thế nào thì chủ mới phải tự liên hệ với chủ cũ để thỏa thuận chứ không liên quan gì đến đơn vị cung cấp nước.
Theo ghi nhận của chúng tôi, phía Công ty Cổ phần Cấp nước Chợ Lớn cũng gặp nhiều trường hợp tương tự như bà Hồng. Người mua nhà sau đó cũng ngậm ngùi phải bỏ tiền ra để trả nợ cho chủ cũ vì trước đó họ không để ý đến khoản tiền nước (và cả tiền điện) mà chủ cũ còn nợ khi giao dịch mua bán nhà.
Trước tình hình này, hai đơn vị cung cấp nước khuyến cáo khi mua nhà, người mua phải yêu cầu chủ nhà thanh toán hết phần tiền nước còn nợ với đơn vị cấp nước. Nếu hai bên thỏa thuận là người mua nhà phải trả thì người mua phải thực hiện việc này. Chứ không ai nói năng gì, để khi mua bán nhà xong rồi mới lòi ra việc chủ cũ còn nợ tiền nước thì rất khó để xử lý theo hướng có lợi cho người mua nhà. Việc này cũng phải làm tương tự với bên cung cấp điện, truyền hình cáp…
Cẩn thận để tránh rủi ro về tiền điện Công ty cũng gặp nhiều trường hợp người dân mua nhà mà chủ trước nợ tiền sử dụng điện. Khi mua xong chủ nhà đi nơi khác sinh sống, chủ mới phải đứng ra trả tiền thay. Nhiều người phải gánh nợ một số tiền khá lớn. Để tránh sự cố này, người dân cần yêu cầu chủ nhà cũ thanh toán hết phần nợ này trước khi giao nhà (hoặc họ có thể tự thỏa thuận với nhau để giải quyết). Nếu chủ nhà ậm ừ không minh bạch, người dân có thể liên hệ cơ quan cung cấp điện để nắm thông tin. Phía điện lực sẵn sàng cung cấp và hoàn toàn miễn phí. Đồng thời sau khi mua nhà, người dân cũng cần yêu cầu đơn vị cung cấp điện niêm yết số điện sử dụng của chủ nhà cũ và tiến hành làm lại hợp đồng cung cấp điện mới. Có như vậy người dân sẽ hạn chế được rủi ro cho mình. Đại diện Tổng Công ty Điện lực TP.HCM Trả nợ cả 100 triệu đồng Vừa qua, ông Đặng Văn Thành (quận 4, TP.HCM) cũng gặp hoàn cảnh tương tự như bà Nguyễn Thị Ánh Hồng. Khi mua lại căn nhà của một người khác, ông không kiểm tra thông tin sử dụng nước của chủ nhà. Lúc công ty cấp nước xuống chốt sổ đồng hồ thì ông mới tá hỏa vì chủ nhà trước nợ tiền nước cả 100 triệu đồng. Bên phía công ty cấp nước yêu cầu ông phải thanh toán số tiền này, nếu không sẽ ngưng cung cấp nước. Sau nhiều lần thỏa thuận, hai bên thống nhất để ông Thành trả góp số tiền này trong hai năm. |
MINH QUÝ
Theo Báo Pháp luật TPHCM
Các bản tin khác
- Khai mạc Triển lãm Bất động sản Đà Nẵng năm 2010
- Thước đo thị trường bất động sản Đà Nẵng
- Đà Nẵng: cho phép nợ tiền sử dụng đất tái định cư thêm 5 năm
- 3 dự án bất động sản đình đám nhất trong tháng 11
- Một số ý kiến về đạo đức hành nghề công chứng
- Cơ hội đầu tư bất động sản
- Hỗ trợ đồng bào khắc phục hậu quả lũ lụt
- Cú hích mạnh cho thị trường nhà đất
- Mua nhà qua hợp đồng góp vốn không được công nhận
- Thị trường môi giới, tiếp thị bất động sản lớn ở Đà Nẵng: Vắng bóng các doanh nghiệp nội địa
- TP.HCM: Thành lập thêm năm văn phòng công chứng
- Thị trường nhà đất “nóng” dần
- Đà Nẵng: Đất phía đông sông Hàn tăng giá
- Bất động sản du lịch nhiều cơ hội và thách thức
- Cần sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Công chứng
- Lần đầu tiên Đà Nẵng tổ chức triển lãm Bất động sản
- Hé lộ đường dây làm giả giấy tờ đất đai ở Q. Liên Chiểu
- THÁO GỠ NHIỀU VƯỚNG MẮC TRONG MUA BÁN NHÀ
- CÔNG CHỨNG VÀ XÃ HỘI HOÁ CÔNG CHỨNG Ở VIỆT NAM
- ĐẠI HỘI HIỆP HỘI NỮ DOANH NHÂN TP. ĐÀ NẴNG LẦN THỨ 1(2010-2015)