TT - Dù đáp ứng được điều kiện “người thu nhập thấp” để vay vốn từ gói 30.000 tỉ đồng nhưng sau khi ký hợp đồng mua nhà, nhiều khách hàng đã bị ngân hàng từ chối...
|
Không tiếp cận được gói 30.000 tỉ đồng do vướng quy định về thu nhập, nhiều khách hàng của dự án HQC Plaza phải chuyển sang vay chủ đầu tư theo hình thức trả chậm hoặc vay thương mại với lãi suất cao hơn - Ảnh: Hữu Khoa |
Lý do ngân hàng từ chối giải ngân cho các khách hàng này là vì họ... không đủ khả năng trả nợ.
Nhiều khách hàng phải chuyển qua gói vay của chủ đầu tư và gói vay thương mại với lãi suất cao hơn cùng nhiều rủi ro về tài chính.
Anh Nguyễn Đình Nga (giảng viên một trường cao đẳng tại TP.HCM) làm thủ tục vay gói 30.000 tỉ đồng suốt gần một năm nay nhưng không thể vay vì vướng chứng minh thu nhập.
Muốn vay thêm 400-500 triệu đồng từ gói 30.000 tỉ đồng để mua một căn hộ giá 722 triệu (quận 12), anh Nga mất hơn hai tuần về tận quê ở Hà Nam để chứng minh điều kiện nhà ở, điều kiện thu nhập, hộ khẩu, bảo hiểm xã hội...
Tuy nhiên, khi đem hồ sơ đến Agribank (Ngô Đức Kế, Q.1), anh Nga bị nhân viên ngân hàng này từ chối sau khi xem hồ sơ với lý do mức thu nhập (tiền lương cứng) của hai vợ chồng anh Nga không đủ nằm trong diện cho vay. Cụ thể lương giảng viên của anh Nga 5,4 triệu và lương giáo viên tiểu học của vợ anh 3,1 triệu đồng, chưa tới 9 triệu đồng nên không thể đáp ứng điều kiện vay.
“Theo quy định của Bộ Xây dựng, thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng mới được xem là người thu nhập thấp để vay vốn gói 30.000 tỉ đồng. Nhưng ngân hàng cho vay lại từ chối với lý do không đảm bảo khả năng trả nợ, chúng tôi biết căn cứ vào đâu để được vay vốn từ gói hỗ trợ này?” - anh Nga bức xúc.
Theo anh Nga, do không vay được vốn ưu đãi này, anh đã đề nghị chủ đầu tư hoàn trả khoản tiền mà anh đã thanh toán là 222 triệu đồng, nhưng nhiều tháng nay vẫn chưa được chủ đầu tư hoàn trả. “Vay không được, vỡ kế hoạch mua nhà lại không lấy tiền lại được, chúng tôi chẳng biết tính thế nào” - anh Nga lo lắng.
Tương tự, khoảng 900 khách hàng mua dự án nhà ở xã hội HQC Plaza của Công ty địa ốc Hoàng Quân cũng đang nằm trong tình cảnh đã ký hợp đồng mua nhà, đóng tiền 20% nhưng không vay được gói 30.000 tỉ đồng nên buộc phải vay từ chủ đầu tư theo hình thức trả chậm với lãi suất cao hơn lãi suất từ gói hỗ trợ.
Ông Trương Anh Tuấn, chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc Hoàng Quân, cho biết phần lớn khách hàng của dự án này bị vướng điều kiện thu nhập là công an và giáo viên, ngân hàng từ chối cho vay do thu nhập không đảm bảo khả năng trả nợ, trong khi theo quy định của Bộ Xây dựng thì đây là đối tượng đáp ứng được điều kiện “người thu nhập thấp”.
“Cả giáo viên và các chiến sĩ công an cũng vậy, trong 100 hồ sơ thì có đến 50 hồ sơ không đáp ứng đủ điều kiện về thu nhập (quá thấp) của ngân hàng, nên không thể vay được gói 30.000 tỉ đồng” - ông Tuấn nói.
Theo ông Trương Anh Tuấn, dự án HQC Plaza đã bán 1.375 căn hộ, nhưng mới chỉ có 339 hồ sơ được ngân hàng giải ngân vốn vay từ gói 30.000 tỉ đồng. “Căn hộ nào khách hàng được ngân hàng cho vay, chúng tôi mới ra công chứng để thực hiện giải chấp. Hiện nay có khoảng 1.000 căn hộ đã bán cho khách nhưng chưa thể giải chấp vì còn vướng thủ tục vay ở ngân hàng. Các hồ sơ bị ngân hàng từ chối vay đều tập trung ở khâu chứng minh điều kiện thu nhập. Do đó, chúng tôi đã đề xuất cho phép chủ đầu tư hoặc người thân của khách hàng đứng ra bảo lãnh khả năng trả nợ để người mua được ngân hàng cho giải ngân” - ông Tuấn nói.
Kiến nghị xem xét lại khái niệm “người thu nhập thấp” Nhiều ngân hàng (NH) cho biết vướng mắc lớn nhất hiện nay khi xét duyệt cho vay gói 30.000 tỉ đồng là ở khái niệm “đối tượng thu nhập thấp”, phát sinh từ tháng 3-2015 khiến việc xét duyệt và giải ngân cho vay gói ưu đãi bị ách tắc. Một lãnh đạo BIDV chi nhánh TP.HCM cho biết trong công văn trả lời một NH quốc doanh mới đây, Bộ Xây dựng cho rằng “người thu nhập thấp” là người không bị nộp thuế thu nhập cá nhân khiến NH rất bối rối. “Mức thu nhập như vậy, trừ chi phí ăn uống sinh hoạt thì khoản dư ra để trả gốc và lãi còn rất ít, cao nhất chỉ còn 4-5 triệu đồng/tháng. Với thời gian vay khoảng 15 năm, như vậy NH chỉ có thể xét cho vay tối đa khoảng 400 triệu đồng, bằng một nửa so với mức cho vay tối đa theo quy định hiện nay” - vị lãnh đạo này nói. Theo vị này, quy định như vậy đã làm cho những người có thu nhập trên 9 triệu đồng muốn vay không được. Rất nhiều hồ sơ NH đã tiếp nhận đang trong quá trình thẩm định xử lý bị vướng quy định này, NH phải trả lời không xét duyệt cho vay được, đồng thời báo cáo vướng mắc này cho hội sở. “Về nguyên tắc, NH rất muốn cho vay những khách hàng có thu nhập tốt mới đảm bảo khả năng trả nợ nhưng Bộ Xây dựng lại khống chế như vậy khiến NH rất khó xử” - ông này nói. Giám đốc một NH nằm trong danh sách cho vay gói 30.000 tỉ đồng cho rằng khi cho chủ đầu tư vay đầu tư dự án, NH cũng muốn cho người mua nhà vay chứ không làm khó. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều trường hợp NH không thể xét duyệt cho vay được do thu nhập không đảm bảo khả năng trả nợ. “Nhiều người đi vay cứ nghĩ vốn vay gói 30.000 tỉ đồng là của Nhà nước, nhưng thật sự đó là tiền gửi của dân. Nếu xét duyệt không kỹ, để xảy ra nợ xấu, NH phải chịu. Do vậy, chỉ những trường hợp đủ điều kiện về thu nhập mới được xét” - vị đại diện này nói. Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cũng cho rằng nếu chiếu theo đúng như định nghĩa của Bộ Xây dựng về đối tượng thu nhập thấp, những đối tượng này khó có khả năng trả gốc và lãi vay trong vòng 10-15 năm theo quy định. Do vậy, các NH không cho vay được. “Chúng tôi đã gửi văn bản này cho 15 NH thương mại tham gia cho vay gói 30.000 tỉ đồng để lấy ý kiến, trên cơ sở đó sẽ có văn bản kiến nghị NH Nhà nước để có giải pháp phù hợp” - ông Minh cho biết. |
Theo Báo Tuổi trẻ
Các bản tin khác
- Bất động sản nghỉ dưỡng: Tương lai rộng mở
- Những mảnh ghép trên thị trường bất động sản năm 2018
- Bứt phá trong năm mới
- Chuyên gia phong thủy dự báo về bất động sản năm 2019
- Premier Village Danang Resort đứng đầu trong top Khu nghỉ dưỡng tốt nhất Châu Á dành cho gia đình
- Đà Nẵng: Khởi công tòa tháp thứ 2 trong cụm tháp đôi 1.800 tỷ đồng
- Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
- Nhà phố thương mại, phân khúc bất động sản đáng chú ý 2019
- Năm xu hướng định hình thị trường bất động sản năm 2019
- Những điểm đến Việt Nam khiến thế giới nể phục
- Pháp lý condotel không còn là trở ngại với nhà đầu tư
- Giao dịch bất động sản sẽ ra sao trong thế giới "không tiền mặt"?
- Giá đất một số khu khu tái định cư ở quận Ngũ Hành Sơn
- Phát triển du lịch thông minh: Cần sự đột biến
- Danh thắng Ngũ Hành Sơn đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt
- Đưa 324 căn hộ nhà ở xã hội vào sử dụng
- Khu đô thị phức hợp: Xu thế thời thượng nhưng phức tạp
- New York Times chọn Đà Nẵng là điểm đáng đến nhất thế giới năm 2019
- Căn hộ diện tích nhỏ sẽ dẫn dắt bất động sản 2019
- Báo Mỹ bình chọn Đà Nẵng đứng thứ 15 trong top 52 điểm đến 2019