ĐNĐT - Là con đường sầm uất nhất nhì thành phố, lại giữ vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông nội thành, nhưng đường Hoàng Diệu vẫn mang một vẻ bình dân, rất dung dị.
.
Điểm đầu đường Hoàng Diệu. Ảnh: Bình An |
Phố thị sầm uất
Đường Hoàng Diệu nguyên có tên gọi dân gian là đường Cây Thông. Trước năm 1955, đường mang tên Đỗ Hữu Vị - một trong 3 người Việt được thực dân Pháp đặt tên đường phố Đà Nẵng lúc bấy giờ (cùng với Gia Long và Đồng Khánh).
Đường Hoàng Diệu ngày nay có điểm đầu giáp đường Trần Bình Trọng, kết thúc là đường Duy Tân và chạy song song với đường Phan Châu Trinh. Con đường này là một mắc xích quan trọng trong hệ thống giao thông thành phố khi có hai giao lộ lớn là ngã 5 Phan Châu Trinh - Hoàng Diệu - Trần Bình Trọng - Trần Quốc Toản và ngã 6 Hoàng Diệu - Ông Ích Khiêm - Triệu Nữ Vương - Nguyễn Văn Linh – những giao lộ làm nên “kết nối vàng” cả về mặt kinh tế - xã hội lẫn hạ tầng giao thông đô thị.
Ngã 6 Hoàng Diệu-Ông Ích Khiêm-Triệu Nữ Vương-Nguyễn Văn Linh – một trong những nút giao thông cực kỳ quan trọng của thành phố (ảnh: Ngọc Phú) |
Nhắc đến đường Hoàng Diệu, người ta thường nhớ đến những đặc điểm đã trở thành định danh, như: “phố Iphone”, “phố phụ kiện điện thoại”, “phố chuyên dán xe”, “phố bánh xèo Bà Dưỡng”, “phố Hoàng Anh Gia Lai”… Đặc biệt, đoạn từ ngã 5 đến ngã 6 là tuyến phố xôm tụ nhất của đường Hoàng Diệu với gần 70 cửa hàng điện thoại, phụ kiện điện thoại lớn nhỏ cùng hàng chục cửa hàng, quán vỉa hè chuyên dịch vụ dán xe máy, dán điện thoại di động. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ để thấy hội tụ trên tuyến phố dài chưa tới 1,6 km ấy là muôn loại ngành nghề thuộc dạng “hot” của thị trường.
Hiển nhiên, con đường ấy luôn sôi động, tấp nập cảnh mua bán, xe cộ đi lại như mắc cửi. Có lẽ, trong một ngày, chưa bao giờ đường Hoàng Diệu vắng vẻ dù chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi, trừ lúc trời về sáng.
Ở đường Hoàng Diệu, ta còn bắt gặp những cửa hàng áo cưới sang trọng, siêu thị điện máy, trung tâm smartphone hiện đại cùng một số khách sạn cao cấp, trong đó, khách sạn Hoàng Anh Gia Lai 23 tầng kiêu hãnh ngự trị ngay điểm giao Hoàng Diệu - Nguyễn Văn Linh.
Tuyến phố Hoàng Diệu còn có nhiều địa điểm thú vị khác, đặc biệt nhất là khu chợ Mới sầm uất, đông đúc. Nằm cuối đường Hoàng Diệu, chợ Mới là 1 trong 5 chợ lớn do Sở Công thương quản lý. Nơi đây bao giờ cũng náo nhiệt từ tờ mờ sáng cho đến khoảng 20 giờ. Thay vì nỗi lo bán đắt, bán gian, chợ Mới lại thường được người dân kháo nhau “không đâu dễ mua bằng chợ Mới!”.
Dung dị, bình dân
Đường Hoàng Diệu không quá rộng, quá dài nhưng đã “ôm” trong lòng muôn loại ngành nghề thượng vàng hạ cám, muôn kiểu người. Cái sự dân dã nơi con đường ấy tồn tại song song, ngay sát bên cạnh sự hào nhoáng mà lại thản nhiên như không. Giàu-nghèo, sang trọng-bình dân không còn là khoảng cách mà đã trở thành nhịp sống của con đường Hoàng Diệu.
Ở vỉa hè của Trung tâm smartphone FPT, tôi bắt gặp hình ảnh người đàn ông trung niên hành nghề bơm vá xe kiêm đánh bóng lư đồng; đối diện khách sạn Hoàng Anh Gia Lai là những quán cà phê vỉa hè với đôi ba chiếc ghế đẩu nhưng bao giờ cũng chật kín người… Ngay trong lòng “phố Iphone”, có chợ cây Me nhỏ bé không biết được “sinh thành” tự bao giờ. Chợ dễ "đánh lừa" người đi đường bởi không có biển hiệu, lối đi vào chợ chỉ chừng 2,5 mét lại nằm dưới khu nhà của lực lượng dân phòng và chợ chỉ bán từ sáng sớm đến 12 giờ trưa.
Thảnh thơi uống cà phê, trò chuyện cùng bạn bè giữa phố xá đông đúc tại quán Cà phê 79. Ảnh: Bình An |
Nói về quán cà phê cóc, hàng quán vỉa hè ở đường Hoàng Diệu thì nhiều vô kể, không đứng nhất nhưng chắc cũng nằm trong tốp nhiều ở thành phố này. Trên tuyến phố ấy, người ta thản nhiên ngồi ăn ổ bánh mỳ, quả cóc, quả xoài, nhâm nhi ly cà phê đen đá dưới bóng mát của hàng cây cổ thụ. Hình ảnh người bán vé số thẩn thơ châm điếu thuốc, bà bán trái cây dạo ngồi bệt xuống vỉa hè bóc trái cam ăn vội lấy sức hay ông lão xích lô chăm chú đọc báo đã không còn quá xa lạ nơi đây.
Ở đường Hoàng Diệu, tại số 79, quán cà phê bình dân lâu đời mang kiến trúc Pháp là địa điểm yêu thích của mọi giới. Quán nhỏ, tông màu vàng - trắng đúng “chất” Pháp và càng thêm nhỏ nhắn hơn khi hàng cây hoa giấy “nuốt chửng” hết mặt tiền. Nhìn cảnh người ta tựa lưng vào tường, tay mân mê ly cà phê, trò chuyện rôm rả cùng bạn bè trong khi trước mặt là dòng xe đi lại không ngớt, tôi hiểu rằng, không riêng gì tôi mà còn có nhiều người yêu cái nét dung dị ở con đường này.
Cái sự giàu-nghèo, sang trọng-bình dân không còn là khoảng cách mà đã trở thành nhịp sống của con đường Hoàng Diệu. Ảnh: Bình An |
Giữa cái nắng oi bức của trưa hè miền Trung, chỉ cần rẽ vào đường Hoàng Diệu, người đi đường đã cảm thấy dễ chịu, đôi chân mày được giãn hẳn ra bởi bóng mát và tiếng gió xôn xao của hàng chục cây xanh trải dài suốt đoạn đường. Cùng với đường Đống Đa, Trần Phú, Lê Độ,…, đường Hoàng Diệu là một trong số ít con đường trung tâm thành phố còn giữ lại được bóng mát cây xanh trong vòng xoáy đô thị hóa.
Khi phố xá bắt đầu lên đèn cũng là lúc các quán ăn vỉa hè (nhất là đoạn từ ngã 6 đến nút cắt Hoàng Diệu -Duy Tân) lục đục dọn hàng. Từ ăn no, như: bánh xèo Bà Dưỡng, bún bò, bánh bột lọc, bún mắm,… đến ăn vặt, như: tàu hủ đá, ốc hút, mít trộn, bánh tiêu, sữa đậu các loại,… đều đủ cả; ngoài mặt đường cũng có, mà trong kiệt, hẻm cũng không thiếu.
Không khoác lên mình vẻ lịch lãm như đường Trần Phú, sang trọng như đường Bạch Đằng hay nét yên bình đáng yêu như đường Lê Lợi…, ẩn đằng sâu lớp áo khoác đắt tiền, đường Hoàng Diệu trong tôi là con đường của sự mộc mạc, giản đơn, bộc trực như chính tính cách của người xứ Quảng.
Bài, ảnh: BÌNH AN
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- “Chiến lược đại dương xanh” đã lấn sang thị trường bất động sản
- Cuộc đối đầu kỳ thú giữa shophouse và thương mại điện tử
- Tháo gỡ vướng mắc về tách thửa đất, cấp sổ hồng
- CEO Sun Group và những câu chuyện bây giờ mới kể
- "Bom tấn" Golden Bridge khiến du khách quốc tế khao khát check-in Đà Nẵng
- Cách thức xác định đối tượng mua nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư
- Bất động sản: Thời của trải nghiệm khách hàng lên ngôi
- "Cách mạng 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến bất động sản Việt Nam"
- Yên bình bãi Tiên Sa
- Chờ khung pháp lý, "đứa con lai" condotel dần hạ nhiệt
- Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng tại quận Liên Chiểu
- Đà Nẵng: Đấu thầu dự án khu đô thị 50ha từ việc chuyển đổi KCN Đà Nẵng
- Thị trường bất động sản: "Sẽ không biến động lớn đến 2019"
- Đề xuất phương án thu hồi dự án sân vận động Chi Lăng
- Chuyển đổi Khu công nghiệp Đà Nẵng thành đất ở đô thị: Cần đúng quy định pháp luật và phù hợp điều kiện cụ thể
- 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX) Đà Nẵng - thành phố động lực của sự phát triển
- Đấu thầu xây dựng bãi đỗ xe công cộng nhiều tầng tại 18 vị trí khu vực trung tâm thành phố
- Khai thác thị trường bất động sản công nghiệp
- Cuối năm nay sẽ có văn bản pháp lý cho condotel
- Pháp lý cho condotel chưa rõ ràng