Người ta thường nói vía nặng, vía nhẹ dành cho người đi mua. Và chỉ dành cho người đi mua mà thôi, chứ không dành cho người bán hàng. Trong giao dịch bất động sản, vía nhẹ sẽ mau mắn đến mức nào?
Mua bán nhà đất rất cần sự tìm hiểu kỹ lưỡng để không bị rơi vào những tình huống éo le
1
Mới đây, chị Hằng - một nhà đầu tư đất vườn tại phía Tây Sài Gòn đã nhờ một người bạn “vía nhẹ” nhất để đặt cọc mở hàng cho lô đất mà chị đã phân chia ra. Nhà đầu tư này mua vài héc-ta đất vườn trồng cây lâu năm, sau đó hợp sổ lại và nhờ người vẽ từng mảnh chia theo quy định của Nhà nước tối thiểu là 1.000 m2. Giá tiền vừa phải, cộng với đường điện, đường nước đã được dắt vô từng miếng đất, do vậy khách của chị Hằng chủ yếu là công chức nhà nước chuẩn bị cho cuộc sống điền viên khi nghỉ hưu. Thậm chí, có vài bạn trẻ cũng mua chỉ để cuối tuần gặp nhau chơi vui cho thỏa thích.
“Dự án” đầu tiên mà chị Hằng thực hiện rất suôn sẻ. Đến “dự án” thứ hai cũng vậy. Người mua tấp nập đi tới đặt cọc. Các chủ nhân mới được nhận đất, nhận sổ đỏ rồi thì bắt đầu xây hàng rào, làm cổng. Nhìn từ xa, các khu đất của chị Hằng đã sang nhượng khá đẹp. Nếu cứ theo đà phát triển này, thì có lẽ sẽ tạo thành những “làng” resort ngay trong thành phố.
Đến “dự án” thứ ba, sở dĩ chị Hằng nhờ người vía nhẹ tới đặt cọc đầu tiên, là bởi cô khách hàng ấy rất nhanh nhẹn, lại dễ tính. Khi cô tới mua ở dự án đầu, không chỉ bản thân cô tạo thiện cảm cho người bán bằng uy tín và trách nhiệm, mà còn rủ được khá nhiều bạn bè về quanh đó mua chung. Giải thích với chủ đất, cô nói bạn bè đã quen biết nhau rồi mà về làm hàng xóm, có lẽ dễ chịu hơn là người lạ. Hơn thế nữa, mỗi khi lên thăm đất, sẽ có bạn đi cùng cho vui. Nếu muốn mua cây gì về trồng, thì cùng hùn nhau vào thuê xe cộ, thuê người trồng cho rẻ. Đất vườn có người trồng cây ngay, có người chưa trồng vội, nên cứ là người quen sống quanh đó cũng đã vui lắm rồi.
Đúng là cách nhìn người của bà chủ đất tinh tường, mà cũng do cái duyên đến, ai tới coi cũng quyết định mua nhanh, mua lẹ. Hơn 20 miếng đất mà chỉ trong thời gian ngắn đã được đặt cọc. Một tháng sau thì đi công chứng trả 70%, còn 30% chờ đưa sổ đỏ trả nốt. Phương thức giao dịch chấp nhận được, lại uy tín từ chủ đầu tư cũng khiến người “nhẹ vía” được hưởng lây. Từ đó, mọi sự xuôi chèo mát mái.
2
Người “nặng vía” là người có thể chỉ tới coi món hàng mà không mua, hỏi cho… có chuyện để hỏi. Thậm chí đi coi hàng là thú vui tiêu khiển ngày cuối tuần. Do vậy, những người bán chuyên nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản cảm thấy khá mất thời gian với tuýp người “nặng vía”. Nếu dự án đó mà nhiều người tới coi, thu hút được sự quan tâm thật sự của người mua, thì người “nặng vía” sẽ nhận được sự khó chịu (bộc lộ ra ngoài hoặc ẩn sau những lời nói lịch sự).
Anh Tú, một môi giới cho biết, gần đây anh bán mấy miếng đất nền ở vị trí đẹp mà giá khá hời. Miếng đất ấy nằm trên con đường đang được mở rộng thông ra lộ lớn. Giờ, đường đất đang ngổn ngang thi công, nhưng chỉ khi đường vừa làm xong thì giá có thể đội lên được tới gấp rưỡi. Nhìn thấy tương lai khả quan, những người dân quanh đó cũng đăng ký mua, nhưng anh giữ lại cho người quen làm ăn lâu năm. Người khách hàng ấy chỉ mua 1 nền, nhưng đăng ký thêm 3 nền cho bạn mình nữa. Dù nhiều khách tới coi đòi đặt cọc ngay, nhưng anh Tú đã giữ lời hứa cho mối thân thiết. Ấy nhưng, khi anh bạn của người khách tới coi, thì đưa bà vợ khó tính đi cùng. Theo lời anh Tú, anh cảm thấy ngộp thở về những câu hỏi mà người vợ đưa ra. Trả giá từng đồng không được thì bà vợ ấy quay ra coi chứng minh thư của người bán. Và khi xem xét mọi chuyện, cô vợ hỏi những câu vô duyên hết mức, như khi nào thì giá sẽ lên? Điều đó khiến anh Tú bực bội. Dù vậy anh vẫn nhỏ nhẹ, nếu không mua cũng không sao, vì còn có nhiều khách hàng nữa đang chờ. Trời nắng nóng dễ nổi quạu. Nên có lẽ thôi không cần hỏi đáp nữa. Nghe vậy, người chồng mới đưa tiền đặt cọc để giữ mối.
Người mua nhẹ vía và người mua nặng vía, chỉ là trong quan niệm và cảm giác của người bán. Mua bán nhà đất rất cần sự tìm hiểu kỹ lưỡng để không bị rơi vào những tình huống éo le. Và khi không tìm được từ nào thích hợp, thì chung quy là nếu có duyên được miếng đất căn nhà ấy, chúng ta sẽ gắn bó với nó. Còn nếu không, thì có khi giá rẻ vị trí tốt mà lại ở tư thế chậm chân đến sau mà thôi.
Các bản tin khác
- Hơn 14,2 tỷ đồng đầu tư tuyến đường Vương Thừa Vũ (đoạn từ Phó Đức Chính đến Ngô Quyền)
- Vốn ngoại đổ vào địa ốc
- Trên 96% diện tích đất đã được cấp GCN quyền sử dụng đất
- Kinh doanh BĐS: Phục vụ "thượng đế" còn lắm gian nan
- Khó có 'bong bóng' nhà đất
- Bất động sản cao cấp và nhân tố không gian xanh
- Sếp lớn bất động sản nói gì về triển vọng thị trường?
- Xã hội hóa đầu tư khu Liên hợp thể thao
- Chưa vội định đoạt số phận sân Chi Lăng trong 5 năm tới
- Đà Nẵng mới chỉ bán được 24 căn hộ chung cư 12 tầng Nại Hiên Đông
- Ôtô Toyota, Honda chỉ còn 300 triệu?
- Bồi thường thu hồi đất: Khác gì so với trước?
- Giá đất tái định cư một số khu dân cư trên địa bàn 2 quận Ngũ Hành Sơn và Liên Chiểu
- Giao dịch bất động sản giảm nhẹ trong tháng 9
- Thấp thỏm chờ di dời ga Đà Nẵng (2)
- Những chính sách có hiệu lực từ tháng 10-2015
- Sở Xây dựng TP.HCM thống nhất giảm nhiều thủ tục cho Việt kiều mua nhà
- Lý do người Đà Nẵng thích mua đất nền
- Ngũ Hành Sơn - Sự chuyển mình mạnh mẽ
- Hoà Xuân, “điểm nóng” mới của bất động sản Đà Nẵng