(Cadn.com.vn) - Ngày 4-5, Báo Công an TP Đà Nẵng đã đăng tải bài viết “Ngân hàng mạnh tay rót vốn vào bất động sản” của tác giả Xuân Đương, trong đó đề cập một số động thái lôi kéo khách hàng của các ngân hàng. Kỳ này, chúng tôi tiếp tục đăng tải bài viết của cộng tác viên Văn Khoa, một người có chuyên môn trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, phân tích sâu hơn những động thái tương tự, đồng thời nêu ra một số cảnh báo để khách hàng lưu ý trước khi quyết định.
Bất chấp lãi suất huy động “tụt áp”, nguồn vốn dân cư vẫn “chảy” đều đặn vào ngân hàng. Lượng vốn thừa trong nền kinh tế khiến cho các ông chủ nhà băng lo lắng, chuyển sang “dòm ngó” các khách hàng vay vốn truyền thống của đối thủ. Với kiểu mồi chài lãi suất thấp, cho vay nhiều hơn, kỳ hạn dài, thủ tục thông thoáng, một số ngân hàng đã âm thầm lôi kéo khách hàng VIP trong bối cảnh dư nợ tín dụng có dấu hiệu tăng trưởng chậm.
|
Các ngân hàng hiện được cho là thừa tiền, buộc phải đẩy mạnh cho vay. Ảnh minh họa. |
“Gạ” khách để chuyển dư nợ
“Kéo” dư nợ về là cách nói của một số cán bộ tín dụng (CBTD) khi tiếp cận và thiết lập được mối quan hệ tín dụng với khách hàng VIP của một ngân hàng khác. Ông V., giám đốc của một doanh nghiệp lớn, có dư nợ dài hạn hàng trăm tỷ đồng tại một ngân hàng ở Đà Nẵng. Đang làm ăn yên ổn, bỗng một ngày đẹp trời, ông nhận được lời mời của một ngân hàng V cho vay với lãi suất 7%/năm.
Có thể nói, đây là mức lãi suất cho vay khá hấp dẫn trong bối cảnh lãi suất huy động tiết kiệm 12 tháng (trả lãi sau) của một số ngân hàng cũng ở mức tương đương. Không ngần ngại, doanh nghiệp này lên kế hoạch chuyển toàn bộ dư nợ về ngân hàng mới để được hưởng lãi suất ưu đãi. Tất nhiên, ngân hàng có nguy cơ mất dư nợ đã có sẵn những phương án nhằm đối phó với tình trạng “chèo kéo” khách hàng của các ngân hàng khác trên cùng một địa bàn.
Không dừng lại ở lãi suất mồi chài, các ngân hàng còn “tung” ra khoản tín dụng không có bảo đảm bằng tài sản đối với các khách hàng có đủ điều kiện. Đây là điểm thiết yếu của các khách hàng làm ăn tốt nhưng không đủ tài sản để thế chấp. Biết được nhu cầu này, các ngân hàng đã không ngần ngại cho CBTD tiếp cận, thực hiện cho vay không có đảm bảo một phần để tăng trưởng dư nợ, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Một doanh nghiệp kinh doanh resort ven biển Đà Nẵng cũng đã chia tay một ngân hàng, khi nhà băng này không đáp ứng đủ nhu cầu mở rộng dự án vì những lý do về tài sản đảm bảo.
Để tranh giành, chèo kéo, các ngân hàng liên tục tiếp cận khách hàng bằng nhiều hình thức, cấp độ khác nhau. Trước những thông tin “ngọt ngào” đó, các chủ doanh nghiệp bắt đầu so sánh, lựa chọn ngân hàng bởi chi phí lãi vay ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất kinh doanh. Tất nhiên, đây có thể là cái cớ để khách hàng buộc các ngân hàng đã và đang tài trợ vốn phải hạ lãi suất xuống ngang với lãi suất chào mời từ ngân hàng khác. Nếu không, họ “dọa” bỏ đi cho dù từng là khách hàng truyền thống, có quan hệ tín dụng tốt đẹp từ hàng chục năm nay.
“Bẫy” lãi suất ưu đãi
Đối với tín dụng trung, dài hạn, không có một ngân hàng nào dám áp dụng lãi suất cố định 7%/năm trong suốt thời gian vay vốn. Do vậy, lãi suất “mồi chài” kiểu như vậy chỉ là một chiêu dụ khách hàng vốn thích cái lợi trước mắt mà quên đi những tổn thất về sau. Thật ra, lãi suất ưu đãi được quảng bá trong thời gian gần đây tại Đà Nẵng hầu như chỉ áp dụng từ 6 tháng đến 1 năm.
Sau thời gian này, theo hợp đồng tín dụng đã ký kết, khách hàng buộc phải thực hiện lãi suất “thả nổi”. Nói một cách khác, sau khi hưởng lãi suất ưu đãi từ 6 -7%/năm, người vay tiền phải “bấm bụng” trả lãi suất cao “ngất ngưỡng”. Thông thường, mức lãi suất này bằng lãi suất huy động tiết kiệm 12 tháng trả lãi sau (hiện là 6%/năm) cộng với biên độ từ 3,5 – 4%/năm, tương đương 9,5 đến 10%/năm. Tất nhiên, lãi suất “thả nổi” này kéo dài từ 5 đến 10 năm, thậm chí từ 15 đến 20 năm.
Nếu không chịu nỗi với mức lãi suất “thả nổi”, khách hàng nào muốn tất toán, trả hết nợ phải chịu phí phạt trả nợ trước hạn. Khi hỏi về mức phí này, nhân viên của một Phòng giao dịch ngân hàng T trên đường Trần Phú (Đà Nẵng) cho biết, tỷ lệ phí trả nợ trước hạn là 3% (2 năm đầu tiên), 2% (cho những năm tiếp theo) trên số nợ gốc được trả trước.
Đơn cử, lịch trả nợ cam kết mỗi tháng trả đều 10 triệu đồng trong thời gian 7 năm (món vay 840 triệu đồng), nếu có một tháng bất kỳ nào đó, khách hàng trả 50 triệu đồng (vượt 40 triệu đồng so với lịch trả nợ), số tiền phạt trả nợ trước hạn sẽ là 1,2 triệu đồng (số nợ gốc trả trước 40 triệu đồng x 3%).
Với cách tính như vậy, mức phí phạt trả nợ trước hạn của một Phòng giao dịch ngân hàng V trên đường Ngô Quyền (Đà Nẵng) là 2%/số tiền trả nợ trước hạn. Một Chi nhánh của ngân hàng B trên đường Hùng Vương (Đà Nẵng) cho biết, mức phí trả nợ trước hạn của ngân hàng này là 0,03% nhân với số tiền và số kỳ trả nợ trước hạn. Tương tự, ngân hàng S trên đường Trần Phú (Đà Nẵng) cũng áp dụng mức phí trả trước 0,15% trên số tiền và thời gian trả nợ trước hạn.
Lãi suất “thả nổi” cũng như “phí trả nợ trước hạn” đều là những chi phí phát sinh trong tương lai khi vay vốn ưu đãi tại các ngân hàng. Nhiều trường hợp, khi nộp lãi hoặc tất toán khoản vay, khách hàng mới tá hỏa khi số tiền lãi, phí phạt lên đến hàng trăm triệu đồng. Một số chuyên gia cho biết, nguyên nhân khiến người vay phản ứng là do trước khi ký kết hợp đồng tín dụng, người vay không nắm bắt được cách thức tính toán lãi suất “thả nổi”, tỷ lệ phạt, mức phạt trả nợ trước hạn là bao nhiêu? Trên thực tế, rất ít ngân hàng nêu cụ thể vấn đề này trong hợp đồng vay vốn, chỉ nêu chung chung, không rõ ràng, mập mờ kiểu như “mức phí phạt trả nợ trước hạn được áp dụng theo quy định của ngân hàng”.
Cuộc đua khốc liệt
Tăng trưởng tín dụng năm 2015 có nguy cơ không đạt được do các ngân hàng đang khẩn trương bán nợ cho VAMC. Chính vì vậy, để bù đắp lại khoản tín dụng đã bán, các nhà băng đang tăng tốc cho vay nhằm cán mốc kế hoạch 6 tháng đầu năm. Thực tế hiện nay, TP Đà Nẵng là một trong những địa bàn khó khăn để tăng trưởng tín dụng do thị trường bất động sản chưa thật sự khởi sắc.
Tổng dư nợ trên địa bàn đến cuối tháng 3-2015 đạt 63.730 tỷ đồng, chỉ tăng được 0,37% so với đầu năm. Trong khi đó, nguồn vốn đạt 65.841 tỷ đồng, tăng 1,29%, thừa vốn khoảng 2.000 tỷ đồng. Với dân số gần 1 triệu người, hoạt động tín dụng của 57 chi nhánh TCTD tại Đà Nẵng trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt. Các ngân hàng giành giật nhau từng khách hàng, “chèo kéo” khách hàng tốt, truyền thống, thậm chí khách hàng VIP để tăng trưởng dư nợ. Điều này đã gây không ít xáo trộn trong cơ cấu đầu tư tín dụng, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của một số ngân hàng.
Về phía người đi vay, để hạn chế rủi ro, khách hàng nên cẩn trọng hơn nữa đối với mời chào lãi suất ưu đãi. Việc “nhảy” ngân hàng tìm mức lãi suất thấp ở hiện tại có thể dẫn đến những chi phí đắt đỏ trong tương lai, chưa kể đến chi phí làm hồ sơ vay vốn, đảm bảo tiền vay và các thủ tục liên quan khác. Để thiết lập lại một mối quan hệ tín dụng, gầy dựng uy tín với ngân hàng, khách hàng cần phải trải qua một thời gian dài để chứng minh, nhiều khi bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh.
Ngược lại, với tư cách là người cho vay, ngân hàng càng phải cân nhắc khi tiếp cận, lôi kéo khách hàng. Lôi kéo khách hàng vay vốn không khéo sẽ ôm nợ xấu về ngân hàng của mình, bất chấp mọi rủi ro. Trước thực trạng này, một giám đốc ngân hàng cho biết, trong giai đoạn hiện nay, tìm khách hàng cho vay đã khó, giữ chân khách lại càng khó hơn. Do vậy, để tăng trưởng tín dụng bền vững, họ phải tìm mọi cách chăm sóc khách hàng ngày càng chu đáo hơn.
Nói thế để thấy rằng, câu chuyện “chèo kéo” khách hàng của nhau trên thị trường tín dụng thời gian qua đã xuất hiện khá nhiều bất cập. Cạnh tranh lành mạnh, phù hợp với quy định sẽ giúp cho người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn giá rẻ. Ngược lại, sự thái quá trong cạnh tranh, đặc biệt trong lĩnh vực tiền tệ, sẽ gây xáo trộn các nhà băng kể cả các khách hàng sẽ đối mặt với những rủi ro không đáng có trong tương lai.
Văn Khoa
Theo Báo CAĐN
Các bản tin khác
- Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình: Đà Nẵng là hình mẫu về cải cách hành chính trong cả nước
- Hợp đồng nhà, đất đã công chứng, có được hủy?
- “Săn” khách ngoại mua nhà
- Bảo vệ cẩn mật dữ liệu công dân, doanh nghiệp
- Bà Nà Hills đón vị khách thứ 1 triệu
- Giao lưu trực tuyến về Công chứng hợp đồng nhà, đất
- Việt Kiều mua nhà: Sẽ không có đột biến
- Khẩn trương hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành tư pháp
- Kết quả cuộc thi sáng tác ca khúc về Ngành Tư pháp và về Ngày Pháp luật nước CHXHCNVN (09/11)
- Quỹ ngoại ồ ạt rót tiền vào bất động sản
- Giao lưu trực tuyến về Công chứng hợp đồng nhà, đất
- 7 lý do khiến nhà giàu Việt đổ tiền vào biệt thự biển
- Đề xuất tháo gỡ thủ tục cho Việt kiều mua nhà
- Người nước ngoài sở hữu nhà tại VN bao nhiêu là vừa?
- Nhà giàu âm thầm đổ tiền vào biệt thự hạng sang
- Hồ sơ mua nhà được vay gói 30.000 tỉ đồng
- Nhập cảnh một ngày là mua được nhà
- Công bố 13 Luật, Pháp lệnh và Nghị quyết
- Ra mắt du thuyền 5 sao đầu tiên tại Đà Nẵng
- Đề nghị hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở để triển khai đầu tư nhà ở xã hội