VOV.VN-Từ 1/7 tới, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực, đồng nghĩa với việc người nước ngoài sẽ được phép mua nhà tại Việt Nam.
Mặc dù còn gần 2 tháng nữa mới tới thời điểm luật chính thức đi vào cuộc sống, nhưng hiện các doanh nghiệp bất động sản đã rục rịch chuẩn bị nguồn cung, phương án cũng như thủ tục cần thiết để chào đón đối tượng khách hàng tiềm năng này.
Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/7/2015 được dự báo sẽ có nhiều người nước ngoài mua nhà tại VN (Ảnh minh họa: Internet )
Ngay từ khi Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã lên kế hoạch kinh doanh hướng đến các sản phẩm phục vụ đối tượng khách hàng là người nước ngoài và Việt kiều.
Theo đó, các nhà đầu tư chủ yếu chuẩn bị nguồn cung sản phẩm nhà ở cao cấp, nhất là khu nghỉ dưỡng ở những vị trí thuận lợi. Công ty Cổ phần đầu tư Dầu khí Toàn cầu đang giới thiệu, chào bán các căn hộ cao cấp tại dự án Tràng An Complex (Cầu Giấy, Hà Nội), trong đó công bố đã dành riêng một khu thuộc dự án để phục vụ khách hàng là người nước ngoài và Việt kiều.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Dầu khí Toàn cầu chia sẻ, người nước ngoài và Việt kiều sẽ là đối tượng khách hàng vô cùng tiềm năng, góp phần kích thích thị trường bất động sản trong bối cảnh vừa mới phục hồi. Dự án Tràng An có 2 khu, 1 khu bán hẳn, 1 khu căn hộ cho người nước ngoài thuê.
Tại 2 thị trường địa ốc lớn nhất cả nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, không ít doanh nghiệp đã đón đầu chính sách mới bằng cách vừa bán nhà cho người Việt Nam, vừa chủ động để lại một quỹ nhà tương đối lớn để phục vụ người nước ngoài và Việt kiều mua hoặc thuê lại. Ngay từ bây giờ, người nước ngoài và Việt Kiều đã có thể đăng ký giữ chỗ.
Ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh miền Bắc cho biết, trên thực tế nhiều người nước ngoài đã biết đến các chính sách mới và không ít người đặt chỗ trước, đợi đến ngày Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực. Hiện tại họ vẫn đang phải dùng tên vợ, tên chồng hoặc nhờ người nào đó đứng tên, điều này cũng gây rủi ro cho người nước ngoài.
Mặc dù từ ngày 1/7 tới đây, “cánh cửa” cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam sẽ được mở rộng, nhưng vẫn cần độ trễ để các quy định pháp luật đi vào cuộc sống. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, chính sách mới sẽ tạo động lực phát triển cho thị trường bất động sản, nhưng chưa thể ngay lập tức tạo ra sự đột biến.
Chuyên gia bất động sản Đỗ Thu Hằng nhận định: “Chúng tôi kỳ vọng vào những năm sắp tới, còn hiện tại sẽ chưa tạo được đột biến mà chỉ làm cho thị trường sôi động hơn. Bởi 1/7 tới, Luật mới có hiệu lực, nhưng không có nghĩa là tất cả nhà đầu tư nước ngoài hay người nước ngoài có thể vào ngay được mà cần có thời gian. Và rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho rằng đó là một dấu hiệu tích cực. Môi trường đầu tư của Việt Nam có lợi hơn so với các nước trong khu vực”.
Các chuyên gia kỳ vọng, chính sách cho phép người nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam sẽ tạo ra luồng gió mới cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, muốn thành công trong việc thu hút khách nước ngoài mua nhà, chủ đầu tư cần cho họ biết rõ về sức hấp dẫn của dự án, tỷ suất lợi nhuận ở Việt Nam và đặc biệt là vấn đề pháp lý./.
Các bản tin khác
- Khẩn trương thực hiện tái định cư tại quận Ngũ Hành Sơn
- Phiên họp lần thứ XV của Hội đồng thẩm định Đề xuất quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Bán rẻ căn hộ cũng khó
- Bắt giam một cò đất lừa đảo, chiếm đoạt tài sản
- Cảnh báo rủi ro trong giao dịch bảo đảm
- BẤT ĐỘNG SẢN ĐÃ CHẠM “ĐÁY”?
- Triển khai bảo đảm tiến độ các dự án tại các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn
- Đà Nẵng-Quảng Nam khơi thông sông Cổ Cò
- 1.723 tỷ đồng đầu tư đường Nguyễn Tất Thành nối dài và đường vành dai phía Nam
- Giá đất tái định cư các dự án trên địa bàn thành phố
- 420 tỷ đồng xây dựng hai cây cầu bắc qua sông Cổ Cò
- Thị trường bất động sản khó “tan băng”
- Thành lập Hội Công chứng TP.HCM
- Nhà đang thế chấp vẫn chứng tặng cho!
- Hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng từ ngày 7/5/2012
- Giấy tờ giả ám ảnh công chứng viên
- Lãnh đạo thành phố tiếp đoàn công tác Hội đồng công chứng Tòa thượng thẩm Douai (Cộng hòa Pháp)
- Ngân hàng Nhà nước nới lỏng tín dụng: Dòng vốn đã chảy vào BĐS, VLXD?
- Rộ giấy tờ giả qua công chứng - Bài 3: Công an lơ là, bọn làm giả nhơn nhơn
- Rộ giấy tờ giả qua công chứng - Bài 2: Thiệt hại nặng, xử lý nhẹ