Theo thống kê của Bộ Xây dựng, từ đầu năm đến nay, tại hai thị trường lớn là Hà Nội và TP. HCM, giao dịch bất động sản thành công tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 4, tại Hà Nội có khoảng 1.600 giao dịch thành công
Tăng giao dịch, giảm tồn kho
Cụ thể, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, trong tháng 4/2015, Hà Nội có khoảng 1.600 giao dịch thành công, tăng khoảng 10% so với tháng trước, gấp 2 lần lượng giao dịch so với cùng kỳ năm 2014. Trong tháng 4, các chủ đầu tư tiếp tục mở bán dự án với nhiều hình thức khuyến mãi để hút khách mua nhà như tặng sổ tiết kiệm, tặng vàng, chiết khấu đối với khách hàng đăng ký mua sớm hay tặng 1 năm phí dịch vụ…
Tại TP. HCM, trong tháng 4 có khoảng 1.500 giao dịch thành công, tăng gần 15% so với tháng trước, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2014. Lượng giao dịch chủ yếu từ các căn hộ 70 - 90 m2, đất nền và nhà riêng lẻ diện tích nhỏ. Nhiều dự án bán gần hết số lượng căn hộ từ quý IV/2014 đến nay do có nhiều căn hộ nhỏ phù hợp khả năng thanh toán của người dân.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, tính đến ngày 20/4/2015, tổng giá trị tồn kho bất động sản trên địa bàn Hà Nội còn khoảng 8.869 tỷ đồng, so với quý I/2013 giảm 8.191 tỷ đồng, tương đương giảm 48,01%, so với thời điểm tháng liền kề trước đó giảm 136 tỷ đồng. Trong đó, tồn kho căn hộ chung cư là 1.403 căn, tương đương 1.568 tỷ đồng; tồn kho nhà thấp tầng 2.485 căn, tương đương 7.301 tỷ đồng.
Tại TP. HCM, tổng giá trị tồn kho bất động sản đến ngày 20/4/2015 còn khoảng 13.528 tỷ đồng. Giá trị tồn kho bất động sản so với quý I/2013 giảm 15.214 tỷ đồng, giảm 52,93%. So với thời điểm 20/3/2015 giảm 528 tỷ đồng. Trong đó, tồn kho chung cư là 5.847 căn, tương đương 9.954 tỷ đồng; tồn kho nhà thấp tầng 691 căn tương đương 1.934 tỷ đồng; tồn kho đất nền nhà ở là 264.629 m2, tương đương 1.203 tỷ đồng; tồn kho đất nền thương mại 34.318 m2, tương đương 437 tỷ đồng.
Ông Hà cho biết, hiện dư nợ tín dụng mà các ngân hàng thương mại cho vay vào thị trường bất động sản đã đạt gần 330.000 tỷ đồng, tăng nhiều so với con số ở thời điểm thấp nhất lúc khủng hoảng chỉ 180.000 tỷ đồng.
Cảnh báo “thổi giá”
Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, lượng giao dịch bất động sản tăng mạnh trong hơn 5 tháng qua là do các DN bất động sản phối hợp với ngân hàng tiếp tục hỗ trợ về tín dụng cho người mua nhà. Tại một số dự án, chủ đầu tư đưa ra phương thức giao nhà sau khi trả 30 - 50% giá trị căn hộ, số còn lại trả góp không lãi suất hay cam kết thuê lại căn hộ 2 năm… để thu hút khách hàng.
Tuy nhiên, trên thị trường cũng bắt đầu xuất hiện hiện tượng một số chủ đầu tư “bắt tay” với các sàn giao dịch để “thổi giá” bất động sản. Theo báo cáo của Savills, trong quý I/2015, giá bán căn hộ trên thị trường sơ cấp tại Hà Nội tiếp tục tăng, trong đó phân khúc trung cấp có mức tăng mạnh nhất, tăng 2,2% so với quý IV/2014. Tuy nhiên, ở một vài dự án mới đây, giá bán đã bị thổi lên tới 8 - 10%.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư thường giao độc quyền cho một vài sàn bất động sản và một số đơn vị môi giới đã làm “thủ thuật”, tạo sự khan hiếm ảo, khiến người mua khó tiếp cận. Còn chủ đầu tư, tuy còn “hàng” nhưng nếu người dân hỏi đến sẽ trả lời là “hết”. Một mặt là để cùng tạo sự khan hiếm giả tạo, mặt khác, tiếp tay cho các sàn “đẩy” giá lên.
Ngoài ra, một số chủ dự án bất động sản còn áp dụng hình thức mở bán theo nhiều đợt với số lượng căn hộ khác nhau và tăng giá cao dần trong các đợt mở bán sau. Chẳng hạn, lần mở bán đầu tiên bao giờ cũng như lần mở bán với số lượng ít nhất mang tính chất “rắc thính” với mức giá khá hấp dẫn để “hút” khách hàng. Các lần mở bán sau sẽ có mức giá tăng dần so với những lần mở bán trước khiến khách hàng đang có ý định đầu tư sẽ thấy sốt ruột và nghĩ rằng dự án rất hấp dẫn người mua và đã bán hết những căn mở bán trước nên mới tăng giá.
Trước tình trạng "thổi" giá, xuất hiện giá chênh tại một số dự án bất động sản, Bộ Xây dựng mới đây đã yêu cầu các địa phương như Hà Nội, TP. HCM siết chặt công tác kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật tại các dự án, các sàn giao dịch bất động sản nhằm ngăn chặn kịp thời việc thông tin không chính xác, bán nhà khi chưa đủ điều kiện, nâng giá bán qua các khâu trung gian, chênh lệch giá bất hợp lý, gây thiệt hại cho người dân.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 vừa qua, Thủ tướng cũng đã lưu ý Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước cần có các giải pháp bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.
“Phải chủ động kiểm soát chặt chẽ, không để lặp lại tình trạng “bong bóng” bất động sản mà mấy năm trước đây chúng ta đã phải rất gian nan để xử lý”, Thủ tướng nói và lưu ý trước những mặt trái có thể xảy ra khi thị trường bất động sản đang “ấm” lên và nguồn vốn tín dụng vào bất động sản đã tăng đáng kể.
Các bản tin khác
- 3 cú hích cho thị trường nhà ở Việt Nam
- Sun Group động thổ dự án công viên 4.600 tỷ tại Hà Nội
- Mở rộng đô thị về phía tây
- Đất Đà Nẵng tăng gấp ba: Dân giàu Hà Nội lãi bỏng tay
- Cơn sốt condotel tại Đà Nẵng
- Mua bán "trao tay" gây khó cho việc làm sổ đỏ
- Đà Nẵng phát triển vệt sinh thái nghỉ dưỡng ven sông Cổ Cò
- Kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia: Còn nhiều bất cập
- Có nên mua nhà chưa có sổ?
- Người mua nhà tìm kiếm bất động sản vùng xa, vùng sâu
- Condotel Sun Group sở hữu chuẩn quốc tế
- Bùng nổ bất động sản nghỉ dưỡng triệu USD
- Biết sống một đời!
- Lễ hội B'estival lần đầu tiên được tổ chức tại Bà Nà Hills
- Đô thị hóa đi đôi với tăng trưởng xanh
- Căn hộ biển miền Trung giá trung bình trên 2.000 USD một m2
- Cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa nhà phố và căn hộ chung cư
- Giá bất động sản tăng nhẹ tại một số khu vực
- 20 ý tưởng tuyệt đỉnh khiến nhà chẳng còn nhàm chán
- Đầu tư office-tel “lời” hơn văn phòng cho thuê truyền thống