Nếu không giao dịch bất động sản qua sàn, quá trình mua bán trên thị trường từ sơ cấp (chủ đầu tư bán lần đầu) đến thứ cấp (mua đi bán lại) sẽ nhanh gọn hơn, khách hàng đóng vai trò chủ động đồng thời có thể giảm được chi phí.
Luật kinh doanh Bất động sản ban hành năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 sẽ chính thức bãi bỏ quy định mọi giao dịch nhà đất phải qua sàn. Thống kê của Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), đến cuối năm 2014, cả nước có hơn 1.000 sàn giao dịch và khoảng 30.000 người được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới, định giá địa ốc.
Mặc dù nguồn nhân sự sống bằng nghề này khá lớn nhưng các chuyên gia cho rằng bỏ quy định giao dịch qua sàn có thể mang lại nhiều điều tích cực hơn là tiêu cực.
Phó tổng giám đốc Công ty Thăng Long Real, Lê Vũ Tuấn Anh cho rằng điểm sáng của việc không buộc giao dịch nhà đất qua sàn là khách hàng đầu tiên và người mua cuối cùng đều tiết giảm được nhiều thủ tục. Nhờ đó quy trình mua bán, sang nhượng diễn ra nhanh chóng hơn. Chủ đầu tư sẽ đơn giản hoá thủ tục, quy trình trong bán hàng và xin cấp giấy chứng nhận chủ quyền cho khách hàng.
Ông Tuấn Anh phân tích thêm, ngoài việc giảm bớt thủ tục, bỏ giao dịch qua sàn còn rút ngắn được thời gian tìm hiểu dự án vì khách hàng không phải thông qua kênh trung gian là các sàn địa ốc mà có thể tiếp cận trực tiếp chủ đầu tư. Rút ngắn trung gian sẽ giảm thiểu được việc phát ra thông tin kém chính xác, có thể dẫn đến thiệt hại trong qua trình đầu tư do marketing sai lệch so với sự thật.
Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, Trần Khánh Quang đánh giá bỏ quy định giao dịch nhà đất qua sàn thực chất không ảnh hưởng nhiều đến các đơn vị đang hành nghề dịch vụ môi giới hiện nay. Bởi lẽ, đây là cách quản lý cởi mở, khách quan để khách hàng được quyền chọn lựa kênh giao dịch nào có lợi nhất cho họ (trực tiếp hoặc trung gian).
Theo ông Quang, hiện nay đa số các sàn địa ốc hoạt động chưa đúng các quy định của pháp luật. Nguyên nhân là do Nhà nước thiếu cơ chế quản lý, khá nhiều sàn có chất lượng dịch vụ xuống cấp. "Hiện có hơn 80% giao dịch nhà đất qua sàn chỉ là hình thức, bỏ đi là đúng. Không bắt buộc phải giao dịch nhà đất qua sàn có khi còn tạo động lực để nghề môi giới địa ốc được sàng lọc lành mạnh hơn", ông nói.
Các chuyên gia tin rằng bỏ quy định giao dịch bất động sản qua sàn sẽ giúp thị trường hưởng lợi nhiều hơn: bỏ khâu trung gian, phí môi giới giảm xuống, tránh đưa ra thông tin thiếu trung thực và đổ lỗi lẫn nhau, quá trình giao dịch trực tiếp nhanh chóng hơn... Ảnh: Vũ Lê
Chuyên gia này đưa ra các mặt thuận lợi của việc không bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn. Một là các đơn vị môi giới cạnh tranh nhau vì chất lượng dịch vụ, uy tín thương hiệu sẽ giúp họ hành nghề chuyên nghiệp hơn.
Hai là từ sự cạnh tranh giữa các đơn vị môi giới, người mua có được thông tin chính xác và trung thực hơn. Ba là chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm pháp lý của dự án của mình mà không có cớ đổ lỗi cho bên trung gian.
Bốn là chi phí môi giới có thể sẽ bị kéo xuống nhờ sự sàng lọc các hệ thống sàn giao dịch vì giá bán nhà ở bằng giá thành cộng chi phí. "Vấn đề cần đặt ra là Nhà nước phải tăng cường quản lý cũng như tuyên truyền để môi giới hiểu được quyền lợi và trách nhiệm của mình bằng cách phổ cập thường xuyên như cách làm đối với kiểm toán viên, định giá viên...", ông Quang nhận định.
Chủ tịch HĐQT Đất Xanh Group, Lương Trí Thìn đánh giá, lẽ ra theo thông lệ quốc tế, thị trường bất động sản cần phát triển hệ thống phân phối bán hàng tách biệt với nhà phát triển dự án (chủ đầu tư) để tăng tính chuyên nghiệp. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiện phần lớn các sàn địa ốc hoạt động nặng về hình thức hơn là nội dung (chất lượng). Vì vậy, bỏ quy định giao dịch bất động sản phải qua sàn có thể kích thích thị trường tự hoàn thiện nhiều hơn.
Theo ông Thìn, hãy để thị trường đưa ra câu trả lời chính xác cho vấn đề này. Theo đó, khách hàng sẽ tự lựa chọn giao dịch nhà đất trực tiếp với chủ đầu tư hay là thông qua các kênh môi giới. Một kịch bản tích cực có thể diễn ra là nếu các đơn vị môi giới thượng tôn pháp luật, luôn làm mọi cách để giúp người mua hài lòng, họ vẫn có đất sống và tiếp tục lớn mạnh. Như vậy, cuộc cạnh tranh này thực tế chỉ sàng lọc những đơn vị môi giới yếu kém, thiếu chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến cho rằng bỏ giao dịch qua sàn chưa hẳn đã tốt. Chủ tịch HĐQT Công ty Khải Hoàn Land, Nguyễn Khải Hoàn lo ngại nếu bỏ giao dịch bất động sản qua sàn có thể đưa thị trường quay trở về thời kỳ mua bán nhà đất tự do, cò đất lộng hành, rất khó kiểm soát và quản lý. "Trật tự thị trường địa ốc đang dần được ổn định, số lượng sàn hoạt động bài bản, tuân thủ pháp luật dần xuất hiện nhiều hơn. Vì vậy cần có cái nhìn đa chiều về vai trò của môi giới bất động sản chuyên nghiệp", ông Hoàn nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo quan điểm của Giám đốc Công ty cổ phần phát triển địa ốc Việt Đô, Lê Hồng Thịnh, để thị trường phát triển một cách lành mạnh và chuyên nghiệp thì cần thiết phải giao dịch qua sàn.
Ở những quốc gia tiên tiến, khi một chủ đầu tư được giao dự án để phát triển, ngoài những nỗi lo về dòng tiền, tính thanh khoản, họ còn phải chịu áp lực rất lớn về thời gian hoàn thiện dự án. Chủ đầu tư ở những nước này sau một thời gian nhất định được giao dự án, nếu không phát triển được thì lập tức dự án bị thu hồi. Ngoài ra doanh nghiệp còn phải chịu phạt chi phí cơ hội trên khoảng thời gian không phát triển được dự án. Vì vậy mà sức ép bán hàng để thu dòng tiền để phát triển là vô cùng lớn.
Hiện người mua bất động sản tại Việt Nam bắt đầu hình thành thói quen tìm đến sàn phân phối để lựa chọn cho mình sản phẩm phù hợp. Tỷ lệ giao dịch thành công qua các hệ thống sàn chiếm tỷ lệ khá lớn vì sàn phân phối thường nắm thị trường bao quát hơn và tư vấn khách quan hơn nhân viên của chủ đầu tư.
"Nếu chỉ sử dụng đội ngũ bán hàng của chủ đầu tư không thôi là vô cùng mạo hiểm", chuyên gia này nhấn mạnh. Cơ sở để ông đưa ra nhận định này là chủ đầu tư phải tốn chi phí thành lập và vận hành đội ngũ cho dù đội ngũ môi giới bất chấp kết quả có bán được hàng hay là không. Thay vào đó nếu như chủ đầu tư tìm được đơn vị phân phối chuyên nghiệp, uy tín thì sức ép giảm xuống rất nhiều. Doanh nghiệp còn có cơ hội sửa sai nếu lựa chọn không đúng đơn vị phân phối hoặc đã đưa ra chính sách bán hàng không phù hợp.
Tuy nhiên, ông Thịnh thừa nhận trong thời gian gần đây có hiện tượng một số sàn giao dịch chỉ tập trung về lượng, không phát triển về chất. Tâm lý "hớt bọt" thị trường, chạy theo doanh số, tranh giành giao dịch mà đã không đào tạo nhân viên một cách bài bản. Việc thiếu cơ chế giám sát của các ban ngành liên quan, thiếu một hiệp hội môi giới độc lập cũng góp phần làm cho hoạt động của các sàn môi giới thiếu đi tính chuyên nghiệp.
"Hướng xử lý tốt nhất là các chủ đầu tư nên lựa chọn sàn giao dịch để phân phối dự án để chia sẻ các gánh nặng về chiến lược kinh doanh và doanh số bán hàng. Cân nhắc nên hay không nên giao độc quyền sản phẩm cho một nhà phân phối, thời gian hợp đồng dịch vụ là điều không bao giờ thừa", ông Thịnh khuyến cáo.
Các bản tin khác
- Hơn 14,2 tỷ đồng đầu tư tuyến đường Vương Thừa Vũ (đoạn từ Phó Đức Chính đến Ngô Quyền)
- Vốn ngoại đổ vào địa ốc
- Trên 96% diện tích đất đã được cấp GCN quyền sử dụng đất
- Kinh doanh BĐS: Phục vụ "thượng đế" còn lắm gian nan
- Khó có 'bong bóng' nhà đất
- Bất động sản cao cấp và nhân tố không gian xanh
- Sếp lớn bất động sản nói gì về triển vọng thị trường?
- Xã hội hóa đầu tư khu Liên hợp thể thao
- Chưa vội định đoạt số phận sân Chi Lăng trong 5 năm tới
- Đà Nẵng mới chỉ bán được 24 căn hộ chung cư 12 tầng Nại Hiên Đông
- Ôtô Toyota, Honda chỉ còn 300 triệu?
- Bồi thường thu hồi đất: Khác gì so với trước?
- Giá đất tái định cư một số khu dân cư trên địa bàn 2 quận Ngũ Hành Sơn và Liên Chiểu
- Giao dịch bất động sản giảm nhẹ trong tháng 9
- Thấp thỏm chờ di dời ga Đà Nẵng (2)
- Những chính sách có hiệu lực từ tháng 10-2015
- Sở Xây dựng TP.HCM thống nhất giảm nhiều thủ tục cho Việt kiều mua nhà
- Lý do người Đà Nẵng thích mua đất nền
- Ngũ Hành Sơn - Sự chuyển mình mạnh mẽ
- Hoà Xuân, “điểm nóng” mới của bất động sản Đà Nẵng