(HNM) - Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Tài nguyên và Môi trường, giá đất các loại đô thị đều được điều chỉnh tăng phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường và giảm chênh lệch giữa các khu vực.
Khu vực nào có mức giá cao nhất? Đương nhiên, câu trả lời là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tại Hà Nội, giá đất ở cao nhất là 162 triệu đồng/m2 trên các phố: Hàng Ngang, Hàng Đào, Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm). Mức giá này tăng 2 lần so với giá đất năm 2014. Trong khi đó, khu vực đô thị có mức giá đất ở thấp nhất là phường Dương Nội (quận Hà Đông), 3,96 triệu đồng/m2. Tương tự Hà Nội, giá đất ở cao nhất tại TP Hồ Chí Minh cũng là 162 triệu đồng/m2, tăng 2 lần so với năm 2014, tập trung tại các tuyến đường trung tâm Quận 1 như: Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Lê Lai… Tuy nhiên, mức giá đất ở thấp nhất tại TP Hồ Chí Minh lại thấp hơn Hà Nội khá nhiều, chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/m2. Tại khu vực thị trấn các huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, giá đất áp theo đô thị loại 5, cao nhất là 15 triệu đồng/m2, thấp nhất 120 nghìn đồng/m2.
Phố Hàng Đào (Hà Nội) là tuyến phố có mức giá tăng 2 lần so với giá đất năm 2014. Ảnh: Thái Hiền |
Đối với 15 đô thị loại 1, giá đất ở được điều chỉnh tăng bình quân khoảng 17%, với mức giá bình quân khoảng 33,7 triệu đồng/m2. Đà Nẵng có mức điều chỉnh tăng cao nhất (163,4%), tuy nhiên, nơi có mức giá cao nhất lại là TP Vinh (Nghệ An) 51 triệu đồng/m2. Ở chiều ngược lại, TP Nha Trang (Khánh Hòa) có mức điều chỉnh tăng thấp nhất, khoảng 1,8%, trong khi TP Đà Lạt có mức giá đất ở đô thị tối đa thấp nhất - 18,144 triệu đồng/m2.
So với năm 2014, giá đất tại phần lớn 21 đô thị loại 2 đều giữ nguyên. Mức giá đất ở bình quân tại các đô thị này là 22,868 triệu đồng/m2, trong đó TP Hải Dương có mức giá đất ở cao nhất - 36 triệu đồng/m2, bằng 72% mức giá tối đa trong khung giá đất do Chính phủ quy định. TP Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có giá đất ở thấp nhất - 9,24 triệu đồng/m2, bằng 20,5% so với giá đất ở tối đa của loại đất tương ứng trong khung giá đất Chính phủ quy định.
Đối với các đô thị còn lại, bình quân giá đất cao nhất trong 34 đô thị loại 3 là 15,6 triệu đồng/m2, tăng 5,3%; bình quân giá đất của 36 đô thị loại 4 là 8,9 triệu đồng/m2, tăng 13,8% và bình quân cao nhất của 57 đô thị loại 5 là 6,66 triệu đồng/m2, tăng 26,8% so với năm 2014. Với đất thương mại, dịch vụ, phần lớn các địa phương quy định bằng 70-80% giá đất ở cùng vị trí. Tỉnh Hà Giang, Gia Lai có giá đất thương mại, dịch vụ bằng 100% giá đất ở cùng vị trí. Tỉnh Khánh Hòa có mức giá đất dịch vụ, thương mại thấp nhất - bằng 30% giá đất ở, tiếp đến là Hưng Yên - bằng 40%, Kiên Giang - bằng 42% giá đất ở vị trí tương đương. Với đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, mức giá bình quân bằng khoảng 60-70% ở cùng vị trí. Cá biệt, một số địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Ngãi có giá bằng 50%; Hưng Yên bằng 20%, Khánh Hòa bằng 30% giá đất ở.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, giá đất ở tại các đô thị hiện nay đã phù hợp hơn với giá đất phổ biến trên thị trường. Khu vực đường, phố có hạ tầng tốt hơn đương nhiên giá đất điều chỉnh sẽ tăng, nhưng vị trí tuyến đường, khu vực hạ tầng chưa tốt sẽ được điều chỉnh giảm. Một số điểm bất cập như giá đất khu vực giáp ranh tỉnh, thành phố được rà soát, điều chỉnh để tránh sự chênh lệch quá lớn. Cùng với đó, nhiều địa phương đã xây dựng bảng giá đất gắn với hồ sơ địa chính, thậm chí xây dựng giá đất chi tiết đến từng thửa đất để đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính về đất đai. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng làm được như vậy. Nhiều nơi, mẫu điều tra, chất lượng bảng giá đất hạn chế do không đủ kinh phí bố trí cho điều tra, khảo sát thông tin giá đất thị trường hoặc vẫn tồn tại những hạn chế của bảng giá đất ban hành những năm trước như thiếu chi tiết, chưa cập nhật được cơ sở dữ liệu về giá trong cơ sở dữ liệu đất đai…
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sắp tới Bộ nghiên cứu ban hành quy định về cập nhật thông tin giá đất, xây dựng cơ sở dữ liệu về giá trong cơ sở dữ liệu đất đai và lập bản đồ giá đất để phục vụ cho việc điều chỉnh, định giá đất cụ thể. Cùng với đó, Bộ sẽ thực hiện thanh tra việc áp dụng bảng giá đất tại các địa phương. Bộ cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương thực hiện thống nhất quy định về đất đai trong xác định giá đất, tính thu tiền sử dụng đất, thuê đất, tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp và xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất…
Khánh Khoa
Theo Hà Nội mới
Các bản tin khác
- Xôn xao thông tin nhóm nhà đầu tư Nhật Bản rót tỷ đô vào địa ốc
- Daewon rút lui, đô thị lấn biển Đà Nẵng về tay đại gia Việt
- Hồn cốt Việt trong khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất Châu Á năm 2016
- “Mốt” lưu trú và giải trí thời thượng
- Xuất khẩu bất động sản: Bất động sản nghỉ dưỡng Sun Group chưa bao giờ hết nóng
- Nhất Nam Land bán thành công 200 lô đất biển Đà Nẵng
- Thị trường bất động sản: Chưa bắt đúng "sóng" để bán nhà cho Tây
- Giao đất để thực hiện hoàn vốn dự án BT Khu tái định cư Hòa Liên 5
- Mở bán căn hộ và biệt thự biển Phú Quốc với ưu đãi hấp dẫn
- Đà Nẵng đạt giải thưởng "Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á"
- Nhà đầu tư Nhật chọn lối đi tắt vào bất động sản
- Cần chấn chỉnh thị trường bất động sản giúp doanh nghiệp, người dân
- Biệt thự 30 tỷ: Không cần quảng cáo, chưa bán đã cháy hàng
- Ngân hàng dư tiền, hạ lãi suất, đến thời địa ốc thăng hoa?
- Bất động sản du lịch, giải trí nhìn từ dự án Cocobay Đà Nẵng
- Đặt tượng danh nhân theo tên đường
- Cam kết lợi nhuận 12%, Cocobay Đà Nẵng gây xôn xao thị trường
- Bất động sản nghỉ dưỡng vào cuộc đua “bình dân”
- Sức hút từ tổ hợp du lịch, giải trí
- Quy trình bàn giao căn hộ khách hàng nào cũng nên biết (P1)