Nguy cơ lừa đảo liên quan đến mua bán, thế chấp bất động sản tăng cao, khi hàng ngàn phôi sổ đỏ vừa bị thất lạc tại Hà Nội có thể được các đối tượng dùng làm công cụ lừa đảo.
Việc lừa đảo chỉ có thể diễn ra trên thị trường tự do, khi người mua bán thực hiện “tay bo”
Cục Quản lý đất đai (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa có văn bản gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kiểm tra, rà soát việc quản lý, sử dụng phôi sổ đỏ theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Thông tư số 23/2014.
Ngoài ra, Cục Quản lý đất đai yêu cầu các Sở chỉ đạo các văn phòng đăng ký đất đai địa phương, các đơn vị tư vấn và các cơ quan không được sử dụng, xác nhận đối với các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có seri từ BY 893001 đến BY 894000; từ BY 823001 đến BY 824000; từ BY 811001 đến BY 812000, mà phải báo với cơ quan công an và Cục Đăng ký đất đai để xử lý.
Trước đó, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có xác nhận vể việc mất 3.000 phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất ở (sổ đỏ). Đây là số phôi mà Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành cho 2 địa phương là Đà Nẵng và Phú Yên nhưng đã bị thất lạc tại Hà Nội.
Liên quan đến việc hàng nghìn phôi sổ đỏ “mất tích”, nhiều ý kiến, trong đó có cả đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội lo ngại về nguy cơ lừa đảo trong các giao dịch mua bán, thế chấp bất động sản tại Hà Nội và các tỉnh lân cận sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Ông Lê Ngọc Quỳnh, đại diện Sàn giao dịch Nhà đất 24h cho biết, năm 2007, Hà Nội thất lạc vài chục phôi sổ đỏ tại huyện Sóc Sơn, sau đó xảy ra các vụ lừa bán đất với sổ đỏ giả, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản khu vực này. Rất nhiều nhà đầu tư khi ấy đã không dám mua đất vì sợ bị lừa. Tình trạng lừa đảo sổ đỏ tại đây tiếp tục diễn ra đến năm 2011. Với 3.000 phôi sổ đỏ thất lạc vừa qua, nếu bị tuồn ra bên ngoài sẽ gây ra hệ lụy lớn tới không chỉ thị trường bất động sản mà còn cả hoạt động thế chấp, vay vốn tại các ngân hàng nếu các đơn vị này mất cảnh giác.
Luật sư Bùi Quang Hưng, đại diện Văn phòng luật sư Bùi Quang Hưng và cộng sự nhận định, việc bị thất lạc tới 3.000 phôi sổ đỏ khiến thị trường bất động sản có nguy cơ diễn ra lừa đảo nhiều hơn. Bởi theo ông Hưng, sổ đỏ giả không giống như tiền, có thể dùng tay hay bằng mắt thường mà phân biệt được thật giả, mà phải được xác nhận từ cơ quan chức năng. Trong khi đó, rất nhiều giao dịch địa ốc, nhất là giao dịch liên quan đến thế chấp, đặt cọc, người tham gia giao dịch thường giao dịch “tay bo”, nên khả năng bị lừa đảo là rất cao.
“Thực tế, hiện tượng lừa bán đất bằng sổ đỏ giả không quá hiếm. Hậu quả là rất nhiều người sau nhiều năm đến nay vẫn chưa thể đòi lại tiền”, ông Hưng nói.
Trao đổi với Báo Đầu tư Bất động sản về khả năng các phôi sổ đỏ thất lạc được phát hành cho Đà Nẵng và Phú Yên được sử dụng làm công cụ lừa đảo trong giao dịch bất động sản tại Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thừa nhận, nguy cơ này rất cao. Tuy nhiên, ông Nghĩa cho biết, việc lừa đảo chỉ có thể diễn ra trên thị trường tự do, khi người mua bán thực hiện “tay bo” mà không thông qua các cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật.
Theo ông Nghĩa, ngay sau khi có thông tin thất lạc 3.000 phôi sổ đỏ tại địa bàn Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã chặn “đầu vào” bằng việc mã hóa các sổ đỏ có số seri bị thất lạc trên hệ thống máy tính. Vì thế, nếu xuất hiện các sổ đỏ bị mã hóa, máy tính sẽ không nhận và cơ quan chuyên môn sẽ phát hiện ngay sổ giả.
Tuy nhiên, để hạn chế việc sử dụng phôi sổ đỏ thất lạc làm công cụ lừa đảo trong các giao dịch bất động sản, ông Nghĩa khuyến cáo các cá nhân, tổ chức thực hiện giao dịch mua bán, thế chấp, hay đặt cọc mua bán bất động sản không nên giao dịch “tay bo” với nhau. Thay vào đó, các bên cần thực hiện theo đúng quy định pháp luật là tiến hành thông qua các cơ quan chuyên môn.
Các bản tin khác
- Thủ tục nhân thân làm khó Việt kiều mua nhà
- Từ 1/7, Việt kiều được mua nhà như người trong nước
- Bảo lãnh ngân hàng trong bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai
- Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 7/2015
- Đà Nẵng ưu đãi cho vay hỗ trợ doanh nghiệp
- Người mua nhà sướng vì được bảo lãnh
- Từ 1/7: Bãi bỏ hàng loạt quy định cản trở kinh doanh
- Tiếp tục đề nghị sớm triển khai dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng
- Những luật mới vừa được thông qua trong kỳ họp thứ 9
- Ngân hàng Thế giới đánh giá cao tiến độ dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng
- Hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai tại quận Hải Châu
- Chậm giải tỏa nhà và đất số 201 Đống Đa
- Doanh nghiệp bất động sản hưởng lợi nhờ sân bay Long Thành
- Chung cư và những ‘cuộc chiến’: Đừng vì quá vụ lợi!
- Từ 1.7, Việt kiều được mua nhà như người trong nước
- Trong nỗi lo “bong bóng”
- Chung cư và những ‘cuộc chiến’
- Mua nhà dự án không còn sợ mất tiền
- Không gian dọc bờ sông Hàn: Tài sản vô giá
- Mua nhà thế chấp ngân hàng: Gay cấn như trên phim