ĐNĐT - Ngày 5-6, tại cuộc họp xử lý nợ đất tái định cư, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ chỉ đạo: "Phải công khai nguồn quỹ đất ở để hộ giải tỏa tiếp cận và thực sự hưởng lợi sau giải tỏa".
.
Tổ chức cho hộ giải tỏa bốc thăm, chọn đất ở TĐC là chỉ đạo nhất quán của lãnh đạo thành phố về quy trình bố trí đất TĐC. |
Gỡ nút thắt về đất tái định cư
Năm 2014, qua chủ trương kiểm tra quỹ đất, rà soát tình hình nợ đất tái định cư (TĐC) đối với hộ giải tỏa, thành phố đã có chuyển biến tích cực về giao đất TĐC.
Theo đó, quy trình thực hiện bố trí TĐC và giao đất được xác lập khi giao Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố làm đầu mối thực hiện; bố trí TĐC có sự tham gia của chính quyền địa phương và tổ chức bốc thăm chọn vị trí đất ở.
Nút thắt về bố trí đất, giao đất ở được gỡ khi tình trạng nợ đất TĐC dây dưa, dai dẳng được xử lý. Chấm dứt tình trạng hộ giải tỏa mỏi mòn đợi đất TĐC mà quỹ đất TĐC dư thừa tràn lan.
Ông Lê Hoàng Đức, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn chia sẻ: “Chính quyền quận vui mừng và hộ giải tỏa trên địa bàn quận cũng phấn khởi, đón nhận chủ trương hợp lòng dân từ lãnh đạo thành phố”.
Tại quận Ngũ Hành Sơn, quỹ đất ở TĐC từ các dự án đã được công khai về vị trí, tuyến đường quy hoạch, số lượng và hướng đất làm nhà. Hộ giải tỏa đã nắm trong tay quyền được chọn đất TĐC theo nguyện vọng gia đình.
Thực tế, qua tổ chức bốc thăm, hộ giải tỏa khi chưa ưng ý vị trí đất do chính mình bốc thăm cũng có điều kiện thỏa thuận với hộ giải tỏa khác để tự đổi đất cho nhau. Thậm chí, hộ giải tỏa có nhiều lô đất TĐC cũng được hoán đổi, dồn thửa để liên cư; tăng giá trị sử dụng đất.
Từ đây, dần chấm dứt tình trạng hộ giải tỏa bị o ép khi muốn chọn đất làm nhà hướng đông nhưng đơn vị làm công tác đền bù giải tỏa lại ấn định về hướng tây; những vị trí đất ở hộ giải tỏa đang cần lại bị che giấu. Muốn chuyển đổi hướng đất làm nhà ở TĐC là hành trình xin - cho, là “phong bì”, phát sinh tiêu cực.
Theo ông Lê Hoàng Đức, trên 50% số hộ nợ đất TĐC trước năm 2014 đã tham gia bốc thăm chọn đất TĐC và làm nhà ở mới. Những trường hợp chưa thực hiện bốc thăm chọn đất được chỉ định vị trí đất TĐC sẵn có và đưa ra khỏi danh sách hộ giải tỏa còn nợ đất TĐC. Số trường hợp này phần lớn là hồ sơ chuyển nhượng đất ở TĐC, mua đi, bán lại phiếu bố trí đất ở.
Ở quận Cẩm Lệ, có 358/435 hộ giải tỏa đã chọn đất TĐC theo hình thức bốc thăm chọn đất, đạt tỷ lệ trên 76%. Tại quận Liên Chiểu, cùng với quy trình công khai quỹ đất, tổ chức cho người dân bốc thăm nhận đất ở, hộ giải tỏa cũng được chuyển vị trí bố trí TĐC trước đó sang địa điểm bố trí TĐC mới. Đó là trường hợp hộ giải tỏa bố trí TĐC vào khu dân cư Quan Nam - Thủy Tú được chuyển về khu vực đông dân cư, thuận lợi hơn như dự án khu dân cư Hòa Hiệp.
Phải công khai quỹ đất TĐC
Văn phòng UBND thành phố cho biết, hiện có 988 trường hợp giải tỏa còn nợ đất TĐC tính đến ngày 31-5-2015. Đây là những trường hợp đã bố trí đất nhưng còn vướng mặt bằng thi công, dự án chưa khớp nối quy hoạch, thiếu hạ tầng về cấp điện, cấp nước sinh hoạt và số hộ giải tỏa mới trong năm 2015. Trong đó, địa bàn quận Liên Chiểu còn trên 800 trường hợp chưa có đất thực tế để giao cho hộ giải tỏa làm nhà ở.
Tuy nhiên, cũng ở quận Liên Chiểu, quỹ đất TĐC đã có sẵn hạ tầng còn gần 3.000 lô đất. Theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, UBND quận Liên Chiểu, Trung tâm Phát triển quỹ đất và các đơn vị thực hiện đền bù giải tỏa thực hiện rà soát, xây dựng phương án khai thác sử dụng đất. Thời gian hoàn thành trước ngày 15-6-2015.
“Quỹ đất này phải được công khai về vị trí dự án, diện tích sử dụng; trước mắt dùng bố trí TĐC cho hộ giải tỏa hưởng lợi, được chọn đất TĐC ưng ý nhất để làm nhà ở”, Bí thư Thành ủy Trần Thọ nói.
Chỉ đạo về nội dung triển khai quy trình bố trí TĐC trong thời gian tới, Bí thư Trần Thọ nói: "Hình thức tổ chức bốc thăm chọn đất TĐC cho hộ giải tỏa là nhất quán trong chỉ đạo thực hiện, nhất quyết không được thay đổi hình thức khác. Trường hợp hộ giải tỏa tại các vị trí đất ở ngã ba - ngã tư thì bố trí TĐC lại ở các vị trí ngã ba - ngã tư ở dự án mới".
Giải quyết các vướng mắc phát sinh trong bố trí, giao đất TĐC, lãnh đạo thành phố chỉ đạo khẩn trương thực hiện việc bàn giao dự án trên thực địa từ các doanh nghiệp để đơn vị chức năng tiếp tục triển khai thi công. Những dự án TĐC đã bố trí đất cho hộ giải tỏa nhưng còn vướng thi công, giải phóng mặt bằng thì lập kế hoạch bố trí vốn để thực hiện. Riêng đối với dự án khu TĐC ở Tổng Công ty CP xây dựng miền Trung đến nay đã trễ tiến độ hoàn thiện dự án 5 tháng nên sớm đôn đốc đơn vị thi công, nếu còn chậm trễ, sẽ áp dụng biện pháp dừng thi công, chuyển khối lượng thi công còn lại cho các đơn vị khác có năng lực thực hiện.
Triệu Tùng
Theo Báo Đà Nẵng
Các bản tin khác
- “Chiến lược đại dương xanh” đã lấn sang thị trường bất động sản
- Cuộc đối đầu kỳ thú giữa shophouse và thương mại điện tử
- Tháo gỡ vướng mắc về tách thửa đất, cấp sổ hồng
- CEO Sun Group và những câu chuyện bây giờ mới kể
- "Bom tấn" Golden Bridge khiến du khách quốc tế khao khát check-in Đà Nẵng
- Cách thức xác định đối tượng mua nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư
- Bất động sản: Thời của trải nghiệm khách hàng lên ngôi
- "Cách mạng 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến bất động sản Việt Nam"
- Yên bình bãi Tiên Sa
- Chờ khung pháp lý, "đứa con lai" condotel dần hạ nhiệt
- Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng tại quận Liên Chiểu
- Đà Nẵng: Đấu thầu dự án khu đô thị 50ha từ việc chuyển đổi KCN Đà Nẵng
- Thị trường bất động sản: "Sẽ không biến động lớn đến 2019"
- Đề xuất phương án thu hồi dự án sân vận động Chi Lăng
- Chuyển đổi Khu công nghiệp Đà Nẵng thành đất ở đô thị: Cần đúng quy định pháp luật và phù hợp điều kiện cụ thể
- 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 33-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX) Đà Nẵng - thành phố động lực của sự phát triển
- Đấu thầu xây dựng bãi đỗ xe công cộng nhiều tầng tại 18 vị trí khu vực trung tâm thành phố
- Khai thác thị trường bất động sản công nghiệp
- Cuối năm nay sẽ có văn bản pháp lý cho condotel
- Pháp lý cho condotel chưa rõ ràng