Ngày 12-6, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Trần Thọ, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn và lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan đã cùng xem xét, thảo luận quy hoạch tổng thể khu vực ven sông Hàn do Công ty Jina Architects thực hiện. Theo bản quy hoạch này, sông Hàn sẽ trở thành một điểm nhấn tuyệt đẹp giữa lòng thành phố.
Dòng sông đẳng cấp thế giới
Đó là tham vọng của Công ty Jina Architects khi đưa ra các ý tưởng phát triển dọc hai bên bờ sông Hàn. Dự án này sẽ lập ra một bản quy hoạch tổng thể và định huớng cho sự phát triển khu vực, làm cho sông Hàn trở thành điểm mốc và là một địa điểm hấp dẫn du khách không chỉ trong nước và cả du khách quốc tế.
Theo Jina, hình ảnh một thành phố được nhận thức bởi 5 yếu tố, bao gồm đường, ranh giới, vùng, giao điểm và điểm nhấn. Các yếu tố này tương hợp sẽ tạo nên một thành phố hài hòa. Thực tế tại sông Hàn, yếu tố “đường” được đặt ngay cạnh bờ sông, không gian hẹp và dài; không tìm thấy được các công năng đặc biệt nào ở các giao điểm. Xét về điểm nhấn, sông Hàn mới chỉ có có cầu Rồng và Trung tâm hành chính. Do vậy, Jina đã quy hoạch sông Hàn thành 4 phân khu phát triển, bao gồm công viên sinh thái, khu vực phát triển năng động, công viên trung tâm và khu vực công viên cổng ngõ.
Bản quy hoạch tổng thể khu vực sông Hàn do Đơn vị tư vấn Jina thực hiện.
Khu vực công viên sinh thái (ecology park zone) được quy hoạch từ cầu Trần Thị Lý đến cầu Rồng với không gian xanh rộng lớn. Phía tây cầu Trần Thị Lý và cầu Nguyễn Văn Trỗi được bố trí một vòi nước cao hình rồng và khu vườn mùa xuân, các công trình xây dựng không quá 4 tầng với mật độ được kiểm soát để không chắn tầm nhìn ra sông; đầu cầu phía Đông sẽ bố trí bến du thuyền và một quảng trường.
Khu vực công viên năng động (dynamic park zone) từ cầu Rồng đến cầu sông Hàn, được xem là nơi bố trí nhiều công trình tiện ích như sân khấu biểu diễn ngoài trời, các bể bơi nhân tạo ven sông, các công trình thương mại cao cấp, dịch vụ ăn uống, giải trí, chợ đêm…
Khu vực công viên trung tâm (central park zone), từ cầu Sông Hàn đến hết khu vực cảng sông Hàn cũ, được Jina đề xuất với nhiều ý tưởng khá độc đáo như tạo những khu đất hình vảy rồng để tăng không gian cây xanh, đào kênh dẫn nước vào khu công viên trên bờ phía bờ Đông, bố trí công viên sóng tại bờ tây sông Hàn với không gian mở ra đường Bạch Đằng, bố trí cầu cảng du thuyền, những khu vui chơi dành cho giới trẻ, biểu diễn nghệ thuật đường phố, đi bộ… đồng thời vẫn giữ được công năng là địa điểm thực hiện trình diễn bắn pháo hoa quốc tế. Đây là khu vực được Jina đề xuất ưu tiên thực hiện đầu tiên trong kế hoạch triển khai dự án.
Khu vực công viên cổng ngõ (gate park zone), đoạn từ cảng sông Hàn cũ đến cầu Thuận Phước, được bố trí một công viên nước kéo dài, thân thiện với môi trường sông nước và là nơi trình diễn các sự kiện nổi trên mặt nước; trong đó điểm nhấn nổi bật là khu đảo nhân tạo nhằm tăng không gian cây xanh, khu vực công cộng.
Theo đại diện của Jina, tất cả các ý tưởng của dự án đều hướng đến xây dựng một không gian xanh, thư giãn cho tất cả mọi người, là nơi người dân, du khách có thể thoát khỏi thành phố đông đúc để tận hưởng thiên nhiên. Yếu tố thiên nhiên sẽ là yếu tố đặc trưng, tạo nên nét khác biệt của sông Hàn. Với bản quy hoạch này, Jina đã tăng không gian cây xanh từ 5% như hiện nay lên 10%.
Tạo dựng di sản cho tương lai
Trao đổi tại buổi làm việc, đại diện các sở, ban, ngành, các địa phương đều cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, hai bờ sông Hàn đã có sự biến đổi ngoạn mục, góp phần hình thành nên bộ mặt đô thị của thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhìn thấy sự thiếu đồng bộ, thống nhất trong quá trình quy hoạch và kiểm soát phát triển đô thị, khiến cho cảnh quan 2 bờ sông dần trở nên hỗn tạp, đe dọa sự phát triển bền vững của đô thị. Do vậy, việc tổ chức quy hoạch khu vực dọc 2 bờ sông Hàn là việc làm cần thiết và cần phải triển khai sớm trước khi khu vực này bị xé lẻ cho các dự án, các công trình dân sinh mọc lên, sẽ rất khó khăn cho việc di dời, giải tỏa sau này.
Ông Vũ Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, đồ án quy hoạch của Jina được thực hiện dựa trên những thông tin cung cấp của Sở Xây dựng và Viện Quy hoạch thành phố, trong đó có các công trình xây dựng sẵn có, các dự án đã giao cho chủ đầu tư và một số đồ án quy hoạch khác, do vậy khá phù hợp với hiện trạng của sông Hàn; có sự kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, ông Vũ Quang Hùng đề nghị không nên xây dựng các hồ bơi, bãi tắm nhân tạo tại khu vực dòng sông, sẽ gây ảnh hưởng dòng chảy cũng như phát sinh các vấn đề phức tạp khác. Đối với các việc quy định mật độ, độ cao của các khối nhà dọc sông cũng cần được đưa ra con số cụ thể, thậm chí nhà tư vấn đưa ra những mẫu nhà tham khảo để phù hợp với không gian, không che khuất tầm nhìn ra sông.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cho rằng bản quy hoạch chia 4 phân khu phát triển như trên là hợp lý; trong đó nhà tư vấn cũng đã đưa ra được vấn đề quan trọng là phân kỳ đầu tư và chọn khu vực công viên trung tâm là ưu tiên số 1. Khu vực này đã được xây dựng với những ý tưởng táo bạo, tạo sự sôi động, điểm nhấn cho cả dòng sông, tạo không gian hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư. Theo Phó Chủ tịch, đơn vị tư vấn cần có những đánh giá tác động về môi trường, dòng chảy, nhất là đối với các khu vực được xây dựng vươn ra dòng sông; khuyến khích sắp xếp lại không gian cây xanh trên bờ, tăng diện tích cây xanh. Tại khu vực công viên trung tâm cũng phải chú ý đến khu vực dành riêng cho các lễ hội trình diễn pháo hoa, khu vực bắn pháo, khán đài, tổ chức giao thông…
Bí thư Trần Thọ yêu cầu tổ chức lấy ý kiến phản biện các nhà chuyên môn
và ý kiến người dân về bản quy hoạch.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Trần Thọ nhấn mạnh: “Ngoài Sơn Trà, Bà Nà thì sông Hàn là một điểm nhấn quan trọng của thành phố. Do vậy, lãnh đạo thành phố rất quan tâm đến việc xây dựng một đồ án quy hoạch kiến trúc chung cho cả khu vực này với những giải pháp căn cơ, lâu dài, trở thành bộ quy tắc chung để các thế hệ lãnh đạo thành phố sau này tiếp tục bám sát thực hiện; từng bước tạo dựng một di sản về kiến trúc, văn hóa cho tương lai”. Bí thư Trần Thọ yêu cầu Sở Xây dựng làm việc với đơn vị tư vấn sớm hoàn chỉnh quy hoạch; tổ chức phản biện trong giới chuyên môn, đồng thời lấy ý kiến rộng rãi của người dân thành phố về đồ án quy hoạch này. Sau khi nhận được ý kiến góp ý, lãnh đạo thành phố sẽ tiếp tục xem xét, bàn bạc và phê duyệt để triển khai thực hiện; lãnh đạo thành phố cũng thống nhất triển khai khu vực công viên trung tâm ngay sau khi đồ án được phê duyệt.
NGỌC THỦY
Theo Cổng TTĐT TP Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Căn hộ tầm trung sẽ chiếm tỷ trọng cao trong nửa cuối năm
- "Khẩu vị mới" của nhà đầu tư tại bất động sản Đà Nẵng
- Tổng cục quản lý đất đai siết chặt việc quản lý phôi giấy chứng nhận QSDĐ
- Chuẩn hóa môi giới bất động sản: Nhiệm vụ cấp bách
- Những cuộc “tháo chạy” của giới đầu cơ đất nền năm 2018
- Còn nhiều yếu tố nâng đỡ, chưa thể xảy ra "bong bóng" bất động sản
- Thúc đẩy tiến độ các dự án "treo", thương thảo lấy lại SVĐ Chi Lăng
- Thị trường bất động sản có rơi vào chu kỳ khủng hoảng?
- Tỷ phú ngoại tranh phần bất động sản
- Thương thảo lấy lại sân vận động Chi Lăng
- Điều thú vị chỉ có tại chương trình ưu đãi "Đêm Bà Nà"
- Dòng đầu tư đổ dồn về Gami Eco Charm "dồn dập" ngay sau ngày ra mắt
- Điểm đến Sơn Trà Hoang sơ Bãi Rạng
- Đà Nẵng: Phúc Hoàng Ngọc công bố và bàn giao dự án Green Home
- Đà Nẵng: Mỗi năm tăng 86 cơ sở lưu trú/6.000 phòng
- Kinh nghiệm quý khi mua chung cư giá rẻ để không ‘tiền mất tật mang’
- Bất động sản nghỉ dưỡng: "Vẫn là kênh đầu tư hiệu quả"
- Biệt thự biển cho thuê mang về thu nhập bền vững cho nhà đầu tư
- Hàn Quốc hỗ trợ Đà Nẵng nghiên cứu đường sắt đô thị
- Vệt đô thị mới ven sông Hàn có tòa tháp cao 29 tầng