Hôm nay 1.7, luật Nhà ở 2014 và luật Kinh doanh bất động sản sẽ bắt đầu có hiệu lực, thế nhưng nghị định hướng dẫn thi hành luật vẫn chưa soạn thảo xong khiến nhiều người băn khoăn chưa biết luật sẽ được thực thi ra sao, đặc biệt là quy định cho Việt kiều mua nhà trong nước.
Tại hội thảo về các dự thảo Nghị định quy định chi tiết luật Nhà ở và luật Kinh doanh bất động sản do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức ngày 30.6, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (Horea) đưa ra kiến nghị về quy định giấy tờ chứng minh đối tượng được sở hữu nhà ở tại điều 6 của dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Nhà ở 2014. Cụ thể, theo quy định của dự thảo, trường hợp người gốc Việt phải có hộ chiếu nước ngoài và giấy tờ xác nhận là người gốc Việt do cơ quan có thẩm quyền của VN cấp. Ông Châu đề nghị phải nêu rõ cơ quan có thẩm quyền của VN là cơ quan nào để thuận tiện cho người làm thủ tục. Ông Châu bày tỏ trăn trở, hiện luật đã mở cửa nhưng Việt kiều vẫn gặp khó trong việc chứng minh nhân thân là người gốc Việt. “Có nhiều người Việt rời VN trước thời điểm 30.4.1975, đã bị mất hết giấy tờ tùy thân đem theo, những giấy tờ gốc ở trong nước cũng không còn lưu lại. Vậy làm sao để họ chứng minh được nguồn gốc là người Việt, đảm bảo quyền lợi được mua nhà ở trong nước?”, ông Châu đặt vấn đề.
Để giải quyết vấn đề này, đại diện Horea đề xuất, giấy thông hành (passport) của nhiều nước đều ghi rõ quốc tịch và nơi sinh. Ví dụ như ở Mỹ sẽ ghi rõ quốc tịch: Mỹ, nơi sinh: VN. “Đây là nguồn thông tin chính thống, đáng tin cậy của quốc gia sở tại... Đối với trường hợp là thế hệ thứ 2 trở đi, có thể chỉ cần thêm chứng từ xác nhận quan hệ huyết thống với người gốc Việt thế hệ thứ nhất để xác nhận nguồn gốc người Việt”, ông Châu nói.
Tại hội thảo, ông Lê Hoàng Châu, cũng đưa ra kiến nghị với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đồng ý triển khai thí điểm cho phép các công ty bảo hiểm có uy tín, thương hiệu, năng lực thực hiện bảo lãnh theo phương thức bảo hiểm rủi ro khi mua bán bất động sản hình thành trong tương lai. Danh sách công ty bảo hiểm sẽ do cơ quan có thẩm quyền lập và công bố. Đại diện một số doanh nghiệp cũng đề xuất, khi bảo lãnh chỉ nên tính phí trên 70% tổng giá trị dự án bất động sản hình thành trong tương lai, bởi chủ đầu tư cũng chỉ huy động tối đa được 70% giá trị sản phẩm từ khách hàng trước khi giao nhà. Làm như vậy sẽ giảm được khoản phí khá lớn cho các dự án cần bảo lãnh trước khi bán, qua đó cũng giảm được giá thành để giảm giá bán.
Lê Quân
Theo Báo Thanh Niên
Các bản tin khác
- Những chính sách mới về đất đai có hiệu lực trong tháng 8-2014
- Tọa đàm về một số kỹ năng cần lưu ý khi giao kết, thực hiện hợp đồng
- Tăng trưởng bất động sản du lịch và cải thiện giao dịch đất nền
- 1,13 tỷ USD vốn FDI “đổ” vào bất động sản
- Mua nhà có cần chọn năm hợp tuổi?
- Bất động sản Đà Nẵng đang khởi sắc
- Mua nhà sở hữu chung: rủi ro rình rập
- Luật Đất đai mới "mở cửa" cho nhà ĐTNN tham gia vào thị trường BĐS
- Đà Nẵng khánh thành hệ thống thông tin chính quyền điện tử
- Giao dịch BĐS tiếp tục phục hồi tích cực
- Bác tin mua chung cư phải nộp tiền sử dụng đất
- Có ngoại tệ, được sử dụng như thế nào?
- Khóc ròng vì luật thay đổi
- Đất ở lâu năm nếu đủ điều kiện sẽ được cấp giấy
- Triển khai dịch vụ chuyển phát nhanh kết quả giải quyết thủ tục hành chính công
- Khối ngoại rót vốn vào tài chính, y tế và địa ốc
- Ngân hàng đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng
- Họp triển khai Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-NHNN-BXD-BTP-BTNMT về thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai
- Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời: Vấn đề chứng thực và việc lạm dụng các bản sao có chứng thực trong thực hiện thủ tục hành chính
- VinaLiving chào bán bất động sản Đà Nẵng