Hôm qua, luật Nhà ở với nhiều cơ chế được cho là "thoáng hết cỡ" trong vấn đề cho phép người nước ngoài, Việt kiều mua nhà trong nước đã chính thức có hiệu lực. Nhưng chưa kịp vui thì rất nhiều Việt kiều lại đối mặt với nỗi lo có thể sẽ không bao giờ được sở hữu nhà ở VN vì Dự thảo Nghị định hướng dẫn yêu cầu họ phải có giấy tờ xác nhận là người gốc Việt do cơ quan có thẩm quyền VN cấp.
Về vấn đề này, cách đây vài tháng Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoRea) và trong cuộc hội thảo cách đây 2 ngày, đích thân ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoRea, một lần nữa lên tiếng rằng quy định này sẽ làm khó nhiều Việt kiều. Bởi chúng ta đều biết, rất nhiều Việt kiều ra đi trước thời điểm 30.4.1975 bị mất hết giấy tờ, họ cũng đã ra đi quá lâu, tới vài chục năm nên giấy tờ trong nước cũng không còn lưu giữ. Vì vậy, yêu cầu họ có giấy tờ chứng minh nhân thân là rất khó, nếu không nói là bất khả thi. Và sẽ rất vô lý khi người Việt quốc tịch Mỹ cũng như quốc tịch nhiều nước khác được chính phủ các nước này chứng nhận có nguồn gốc nơi sinh VN lại bị chính chúng ta từ chối mua nhà tại VN vì không có giấy tờ chứng minh mình là người Việt. Đó là chưa kể, quy định này sẽ thêm một tầng nấc thủ tục, có thể tạo thêm cửa cho việc nhũng nhiễu, lót tay để được việc. Điều này đi ngược với chiến lược tinh giản thủ tục hành chính mà Chính phủ đang thực hiện. Nhất là khi trong hộ chiếu của nhiều nước đã ghi rõ quốc tịch và nơi sinh của Việt kiều. Chúng ta hoàn toàn có thể dựa vào đây chứ không cần thiết bắt họ phải có giấy xác nhận người gốc Việt do cơ quan có thẩm quyền của VN cấp.
Điều quan trọng hơn là không phá vỡ niềm hy vọng, niềm tin của hàng trăm, hàng ngàn Việt kiều đã kỳ vọng, trông ngóng vào chính sách này nhiều năm qua. Sau rất nhiều tranh luận, thậm chí cãi vã rồi mở ra, đóng vào... chính sách cho Việt kiều và người nước ngoài sở hữu nhà tại VN mới được thông qua và chính thức có hiệu lực từ 1.7. Quy định này được đánh giá rất cao về độ thoáng khi cho phép Việt kiều được mua nhà như người trong nước (không hạn chế số lượng và loại nhà được sở hữu), còn người nước ngoài khi nhập cảnh vào VN cũng được phép mua nhà ở (trong các khu đô thị do nhà nước quy định). Nhưng nếu đợi đúng đến khi luật có hiệu lực, chúng ta lại đưa ra những quy định “trói” lại thì sẽ làm đổ vỡ lòng tin từ các nhà phát triển bất động sản, những Việt kiều có nhu cầu sở hữu nhà ở tại VN và cả những người nước ngoài đang chờ đợi vào chính sách này. Và không loại trừ khả năng, thị trường bất động sản, đang trông chờ nguồn lực từ các đối tượng này để bứt khỏi giấc ngủ đông kéo dài gần chục năm nay lại chìm xuống.
Chủ trương thoáng, luật thoáng, không có lý do gì để các văn bản dưới luật lại đi ngược hay bó hẹp ước nguyện mua nhà của hàng trăm ngàn Việt kiều đang muốn ổn định sinh sống và cống hiến tại quê nhà.
Nguyên Khanh
Theo Báo Thanh Niên
Các bản tin khác
- Đà Nẵng: Mức giá đất ở cao nhất là 98,8 triệu đồng/m2
- Cách ký tên, đóng dấu văn bản chuẩn theo Nghị định 30
- Nghị quyết giải quyết tranh chấp tài sản chung của dòng họ
- Toàn bộ trường hợp phải viết hoa trong văn bản theo Nghị định 30
- Năm 2020, phí công chứng nhà đất có thay đổi?
- Cho phép xây dựng căn hộ chung cư 25m2 từ 01/7/2020
- Sắp tới đây, thi công chức sẽ khó hơn hiện nay?
- Năm 2020: Có tới 15 trường hợp được cấp Sổ đỏ
- Từ 11/02/2020, áp dụng quy định mới khi đăng ký xe máy
- Chồng một mình đứng tên Sổ đỏ, vợ có bị thiệt?
- Cập nhật Bảng giá đất 63 tỉnh thành giai đoạn 2020 - 2024
- Toàn bộ trường hợp được miễn lệ phí trước bạ nhà đất
- Hướng dẫn cách để vợ chồng cùng đứng tên Sổ đỏ mới nhất
- NHỮNG LƯU Ý LIÊN QUAN ĐẾN THÔNG TIN PHÁP LÝ CHO CONDOTEL. CẨN THẬN NHỮNG LỜI TRẤN AN CỦA CÁC CHỦ ĐẦU TƯ LOẠI HÌNH NÀY
- Thủ tục sang tên Sổ đỏ: Toàn bộ những hướng dẫn mới nhất
- Mua bán nhà đất bằng giấy tờ viết tay có được sang tên Sổ đỏ?
- Từ 01/4/2020, bãi bỏ hàng loạt quy định xử phạt lĩnh vực xây dựng
- Video: 5 điều cần lưu ý khi mua căn hộ chung cư để tránh rủi ro
- Từ năm 2020, Sổ bảo hiểm xã hội không còn nữa?
- Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi có Bộ luật Lao động mới?