Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ đưa thị trường bất động sản Việt Nam lên một nấc thang mới trong việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Đó là nhận định của CBRE tại buổi họp báo về thị trường bất động sản nửa đầu năm tổ chức ngày 30/6.
Lượng giao dịch căn hộ cao cấp tại Hà Nội đang tăng, chiếm 22% trong 6 tháng đầu năm. |
Tại buổi họp báo, ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam trong 6 tháng vừa qua có nhiều thông tin khích lệ, diễn biến sôi động so với nhiều thị trường khác ở Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia.
Trong quý II/2015, tại Hà Nội, tổng cộng có 5.137 căn hộ được mở bán mới từ 19dự án, tăng 93% so với quý II/2014. Đáng chú ý, lần đầu tiên căn hộ cao cấp chiếm tỷ lệ khoảng 1/3 tổng số căn hộ mở bán mới (khoảng 30%), tỷ lệ này cao hơn so với tất cả các quý từ năm 2012 đến nay. Số căn hộ cao cấp tăng ba lần so với quý I/2015, với 1.518 căn.
Bà Nguyễn Hoài An, Phó giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn thị trường CBRE Việt Nam cho hay, thị trường căn hộ có chuyển biến tích cực, nâng sức tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm đạt mức cao so với những năm trước. Ước tính, có 4.480 căn được giao dịch trong quý II/2015, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2014.
Đáng chú ý, lượng giao dịch căn hộ cao cấp đang tăng. Tính cả 6 tháng đầu năm, căn hộ cao cấp chiếm khoảng 22% tổng số giao dịch, tăng so với tỷ lệ 6% trong năm 2013 và 18% trong năm 2014. Đối với phân khúc căn hộ bình dân - phân khúc từng một thời thống lĩnh thị trường, tỷ lệ giao dịch giảm còn 26% trong 6 tháng đầu năm 2015, so với mức 49% năm 2013 và 33% năm 2014.
Về diễn biến giá, tại một số dự án, giá tăng 4 - 6% so với năm 2014, đặc biệt tại các dự án có vị trí tốt, không quá xa trung tâm thành phố, hoặc gần các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng đang được triển khai.
Trên thị trường thứ cấp, tính bình quân toàn thị trường, mức giá trong quý II/2015 tăng khoảng 0,3% (tính theo USD do có cả yếu tố giảm giá tiền đồng) theo quý và 2,4% theo năm. Trong các phân khúc, phân khúc cao cấp và trung cấp có mức giá tăng tương ứng là 5,6% và 5,3% so với cùng kỳ năm trước, hầu hết tại các dự án gần những công trình cơ sở hạ tầng quan trọng phía Tây Thành phố.
Tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng đã có tác động tích cực đến diễn biến giá các dự án lân cận. Trong thời gian tới, cơ sở hạ tầng được dự kiến sẽ tiếp tục là yếu tố xúc tác để các dự án mới cũng như các chủ đầu tư, nhà đầu tư tham gia thị trường. Hơn nữa, do thị trường đang trên đà hồi phục, dự báo sẽ có thêm các dự án hạng sang và cao cấp.
“Nhận định của chúng tôi là cả chủ đầu tư và người mua nhà đều khá lạc quan về thị trường, triển vọng của thị trường trong những tháng cuối năm 2015 cũng như sang năm 2016, sau khi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7”, bà Nguyễn Hoài Anh nói.
Đối với thị trường biệt thự, nhà liền kề, theo CBRE, xu hướng tăng giá thứ cấp được duy trì kể từ quý II/2014. Trong quý II/2015, giá trung bình tăng 0,2% so với quý trước và 3% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các quận đều ghi nhận mức tăng giá, đặc biệt là tại các quận Cầu Giấy, Hà Đông, Hoài Đức và Từ Liêm (tăng 3 - 5% so với cùng kỳ năm trước). Ngược lại, khu vực huyện Mê Linh ghi nhận mức giá giảm mạnh 7,5%. Hiện tại, các dự án tại đây đang có tiến độ xây dựng rất chậm và cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện.
Vẫn theo CBRE, phần đông người mua trong thời gian gần đây là những người mua nhà để ở, do vậy họ quan tâm, chú trọng nhiều hơn đến cảnh quan cũng như các dịch vụ tiện ích mà họ sẽ được hưởng trong suốt quá trình sinh sống. Hiểu được nhu cầu đang ngày càng tăng này, chủ đầu tư của nhiều dự án bắt đầu tăng thêm các dịch vụ tiện ích bên trong dự án, như Dự án Park City giai đoạn 2, Dự án Gamuda giai đoạn 2, Dự án Splendora giai đoạn 2.
Trái lại, các giao dịch đất nền khá ảm đạm. Phân khúc này phải cạnh tranh với phân khúc căn hộ để bán và đất thổ cư do cả ba phân khúc đều có mức đầu tư ban đầu gần bằng nhau.
CBRE dự báo, trong nửa cuối năm 2015, những dự án biệt thự, nhà liền kề sẽ tham gia thị trường bao gồm: The Manor Central Park, Evelyne Park City, FLC Garden City, Gamuda giai đoạn 2 và Starlake. Các dự án này chủ yếu đến từ khu vực phía Tây và Nam Thành phố, nơi mật độ dân số đang tăng nhanh và cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Điều này, một phần tạo thêm sự lựa chọn tốt hơn cho người mua nhà, nhưng đồng thời tạo thêm áp lực cho thị trường do các sản phẩm chủ yếu hướng đến đối tượng mua nhà ở phân khúc cao cấp.
Các bản tin khác
- Xôn xao thông tin nhóm nhà đầu tư Nhật Bản rót tỷ đô vào địa ốc
- Daewon rút lui, đô thị lấn biển Đà Nẵng về tay đại gia Việt
- Hồn cốt Việt trong khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất Châu Á năm 2016
- “Mốt” lưu trú và giải trí thời thượng
- Xuất khẩu bất động sản: Bất động sản nghỉ dưỡng Sun Group chưa bao giờ hết nóng
- Nhất Nam Land bán thành công 200 lô đất biển Đà Nẵng
- Thị trường bất động sản: Chưa bắt đúng "sóng" để bán nhà cho Tây
- Giao đất để thực hiện hoàn vốn dự án BT Khu tái định cư Hòa Liên 5
- Mở bán căn hộ và biệt thự biển Phú Quốc với ưu đãi hấp dẫn
- Đà Nẵng đạt giải thưởng "Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á"
- Nhà đầu tư Nhật chọn lối đi tắt vào bất động sản
- Cần chấn chỉnh thị trường bất động sản giúp doanh nghiệp, người dân
- Biệt thự 30 tỷ: Không cần quảng cáo, chưa bán đã cháy hàng
- Ngân hàng dư tiền, hạ lãi suất, đến thời địa ốc thăng hoa?
- Bất động sản du lịch, giải trí nhìn từ dự án Cocobay Đà Nẵng
- Đặt tượng danh nhân theo tên đường
- Cam kết lợi nhuận 12%, Cocobay Đà Nẵng gây xôn xao thị trường
- Bất động sản nghỉ dưỡng vào cuộc đua “bình dân”
- Sức hút từ tổ hợp du lịch, giải trí
- Quy trình bàn giao căn hộ khách hàng nào cũng nên biết (P1)