Rà soát các dự án ven biển chậm triển khai; trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng làm giả giấy tờ, chiếm dụng các căn hộ chung cư của thành phố; và tắc trách trong công tác quản lý rừng…là các vấn đề làm “nóng” nghị trường tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 14 HĐND thành phố Đà Nẵng khoá VIII, nhiệm kỳ 2011 – 2016, diễn ra sáng ngày 9-7.
Xử lý các khách sạn, khu nghỉ mát cấm dân tắm biển
Trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu về công tác rà soát các dự án ven biển chậm triển khai, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư cho biết, toàn thành phố hiện có 52 dự án ven biển với tổng vốn đầu tư 58.000 tỷ đồng và tổng diện tích 1.640 ha; bao gồm 14 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 22.000 tỷ đồng (605 ha) và 38 dự án trong nước với tổng vốn 36.000 tỷ đồng (1.035 ha). Trong đó, 20 dự án đã đưa vào hoạt động một phần với khoảng hơn 4.000 phòng khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao, giải quyết việc làm cho hơn 8.000 lao động của thành phố. 32 dự án còn lại là chậm triển khai hoặc chưa triển khai, gồm 10 dự án FDI (295 ha) và 22 dự án trong nước. Thành phố đã mời 10 nhà đầu tư FDI để ký cam kết tiến độ với lãnh đạo thành phố, trong đó 5 DA đã triển khai theo cam kết, 3 DA hiện TP đang phối hợp để xử lý các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và 2 dự án chưa triển khai. 15 DA trong nước đã ký cam kết với UBND TP và dự kiến sẽ triển khai trong 2 năm 2015 & 2016, còn lại 7 DA vẫn chưa ký cam kết tiến độ. Cũng theo ông Trần Văn Sơn, thực hiện kết luận của Thường vụ Thành ủy, thành phố sẽ xử phạt và thu hồi 3 dự án gồm Khu du lịch giải trí Đệ Nhất (diện tích 8.000m2), Trường dạy nghề lướt ván (800m2) và Khu thể thao giải trí Huy Khánh (4.000m2) theo đúng các quy định hiện hành; đồng thời tiếp tục kiểm tra dự án Khu du lịch Đệ Nhất (45.000m2) và rà soát các dự án ven biển chậm triển khai còn lại, trong đó có dự án Temple của Công ty CP TM&DV San Hô. Theo đó, nếu các chủ đầu tư vẫn không thực hiện và có dấu hiệu đầu cơ dự án, UBND thành phố sẽ tiếp tục tiến hành thu hồi.
“biển của Đà Nẵng thì người dân Đà Nẵng phải được thụ hưởng”
Liên quan đến các dự án ven biển, đại biểu Nguyễn Quốc Bình nêu bức xúc và phản ánh của người dân về tình trạng các khách sạn, khu nghỉ mát mọc lên rồi cấm người dân qua lại và tắm biển tại khu vực này. Ông kiến nghị thành phố cần phải xem xét lại quy định về việc giao cả mặt đất và mặt nước cho doanh nghiệp quản lý khi cấp phép đầu tư. “Chỉ giao cho doanh nghiệp quyền sử dụng, chứ không giao quyền quản lý. Doanh nghiệp không được cấm, không được cát cứ, không được ngăn cản người dân xuống tắm biển tại khu vực đó”, ông nhấn mạnh. Về vấn đề này, Giám đốc Sở KH&ĐT thừa nhận các nhà đầu tư nêu trên đã “lạm dụng” quyền quản lý khi ngăn cản người dân. “Các bãi biển phải là không gian sinh hoạt công cộng. Người dân có quyền xuống tắm và không ai được ngăn cấm. Nếu phát hiện nơi nào cấm dân xuống tắm, yêu cầu thông báo ngay cho lực lượng chức năng xử lý”, ông Sơn nêu đề xuất.
Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Trần Thọ đã yêu cầu Sở KH&ĐT khẩn trương tổ chức thực hiện đối với các dự án mà lãnh đạo TP đã có chủ trương; đồng thời phối hợp các ngành, địa phương rà soát lại các khu đất ven biển do các doanh nghiệp đang quản lý trên tinh thần “biển của Đà Nẵng thì người dân Đà Nẵng phải được thụ hưởng”, chỗ nào bất hợp lý thì phải đề xuất thành phố khẩn trương thu hồi.
Xét xử điểm, công khai vụ giả giấy tờ chiếm dụng chung cư
Liên quan đến câu hỏi của các đại biểu về trách nhiệm QLNN trong việc để xảy ra tình trạng làm giả giấy tờ để chiếm dụng các căn hộ chung cư của thành phố, ông Nguyễn Hữu Chát, Phó Giám đốc Công ty Quản lý Nhà chung cư (NCC) thừa nhận để xảy ra trường hợp giả mạo giấy tờ để chiếm dụng 17 căn hộ tại chung cư Nam Cầu Cẩm Lệ trong nhiều tháng qua là thiếu sót của Công ty trong công tác quản lý, trong đó những người chịu trách nhiệm trực tiếp là các quản lý viên và nhà trưởng cũng đã bị Công ty kiểm điểm. Ông cũng cho hay, 4 trong số 17 hộ dân bị lừa đã trả lại căn hộ. Đối với 13 hộ còn lại, Công ty đang tiếp tục vận động bàn giao và sử dụng các biện pháp như cắt điện, cắt nước và không giữ xe. Để chấn chỉnh công tác quản lý chung cư trong thời gian tới, Công ty sẽ tập huấn, nâng cao năng lực quản lý gắn với trách nhiệm cá nhân của từng quản lý viên và Nhà trưởng, kiên quyết xử lý các trường hợp bao che để cho các đối tượng vào ở không chính chủ; tăng cường phối hợp với cơ quan công an và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát tại các khu chung cư để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý các trường hợp vi phạm; nâng cấp phần mềm quản lý, cập nhật thông tin của đối tượng được thuê chung cư để thuận lợi trong công tác quản lý và kiểm tra.
Giải trình thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nam, Phó giám đốc Sở Xây dựng cho biết Sở đã làm việc với Công ty để xử lý trách nhiệm, và Công ty qua rà soát đã cho thấy quy trình bố trí chung cư vẫn còn lỏng lẻo. Sắp đến, Sở Xây dựng sẽ rà soát lại các đối tượng ở chung cư, phân loại các đối tượng được bố trí, và xây dựng phần mềm để giám sát kiểm tra. Ông cũng cho hay, lãnh đạo thành phố đã giao cho Thanh tra thành phố tiến hành thanh tra toàn diện Công ty quản lý NCC bắt đầu từ 1-4-2015. Ông Nam cũng xin chịu trách nhiệm cá nhân về QLNN liên quan đến vụ việc đã xảy ra trước lãnh đạo thành phố.
Kết luận vụ việc này, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Trần Thọ đã đề nghị Giám đốc Công an TP, Chánh án Tòa án TP và Viện Kiểm sát nhân dân TP sớm kết thúc điều tra, đưa ra xét xử điểm, công khai, nghiêm minh vụ giả giấy tờ chiếm dụng chung cư Nam cầu Cẩm Lệ theo quy định của pháp luật. Đồng thời, UBND TP chịu trách nhiệm củng cố toàn diện, kiện toàn lại bộ máy Công ty quản lý NCC trong 6 tháng cuối năm nay, và lập lại trật tự kỷ cương trên lĩnh vực quản lý nhà chung cư.
Xử kịch khung các vụ phá rừng
Liên tiếp xảy ra 3 vụ phá rừng nghiêm trọng tại Cà Nhông, Tiểu khu 15 và Tiểu khu 10
Trả lời chất vấn của đại biểu Tạ Tự Bình về trách nhiệm của ngành NN&PTNT thành phố khi để xảy ra vụ việc phá rừng ở Hòa Bắc, Hòa Vang vừa qua, ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm cho biết, trong năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, Đà Nẵng xảy ra 10 vụ phá rừng và đốt rừng trái pháp luật, trong đó có 2 vụ khai thác rừng trái phép tại khu vực Cà Nhông và Tiểu khu 15. Cũng theo ông Lương, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP hiện đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam 11 đối tượng, trong đó có 2 cán bộ lâm nghiệp. Về nội bộ, Chi cục kiểm lâm thành phố đã đình chỉ công tác 10 cán bộ lâm nghiệp, gồm 5 thuộc BQL Rừng đặc dụng và 5 thuộc Hạt Kiểm lâm Bà Nà – Núi Chúa. Đối với vụ phá rừng ở Tiểu khu 15, xã Hòa Bắc, 8 đối tượng có hành vi chặt phá cây rừng đã bị bắt giữ.
Theo Bí thư Thành ủy Trần Thọ, Đà Nẵng là rừng đầu nguồn nên có vai trò hết sức quan trọng. “Sinh ra kiểm lâm để làm nhiệm vụ bảo vệ rừng. Thế nhưng chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng đã để xảy ra liên tục 3 vụ phá rừng nghiêm trọng tại Cà Nhông, Tiểu khu 15 và Tiểu khu 10. Vụ Cà Nhông, lãnh đạo thành phố phải chỉ đạo truy tố mới điều tra ra nhiều sai phạm như vậy. Sau khi phát hiện vụ việc, kiện toàn bộ máy thì một thời gian ngắn sau đó lại xảy ra vụ ở Tiểu khu 15, rồi đến Tiểu khu 10”. “Lâm tặc vào khai thác công khai, cả tháng trời với quy mô lớn, đưa cả xe cơ giới vào chạy rầm rầm, lập lán trại, đào ao thả cá. Để xảy ra vụ việc như vậy thì Kiểm lâm ở đâu?”, ông Thọ bức xúc. Ông đặt câu hỏi “các giải pháp xử lý chỉ dừng lại ở mức khiển trách như vậy là đã nghiêm minh chưa, có cấu kết không hay lại tiếp tay cho lâm tặc?”. Ông Thọ yêu cầu các ngành nội chính phải xử lý 3 vụ phá rừng mạnh tay hơn, riêng 2 vụ ở Tiểu khu 15 và Tiểu khu 10 phải áp dụng mức kịch khung để mang tính răn đe để giữ lá phổi của thành phố. Ông cũng yêu cầu chính quyền địa phương phải xử lý thật nghiêm các cán bộ quản lý ở khu vực đó, chứ để xảy ra phá rừng như thế mà khiển trách là không ăn thua" ông Thọ chỉ đạo.
QUỲNH ĐAN
Theo Cổng TTĐT Đà Nẵng
Các bản tin khác
- Đà Nẵng: Mức giá đất ở cao nhất là 98,8 triệu đồng/m2
- Cách ký tên, đóng dấu văn bản chuẩn theo Nghị định 30
- Nghị quyết giải quyết tranh chấp tài sản chung của dòng họ
- Toàn bộ trường hợp phải viết hoa trong văn bản theo Nghị định 30
- Năm 2020, phí công chứng nhà đất có thay đổi?
- Cho phép xây dựng căn hộ chung cư 25m2 từ 01/7/2020
- Sắp tới đây, thi công chức sẽ khó hơn hiện nay?
- Năm 2020: Có tới 15 trường hợp được cấp Sổ đỏ
- Từ 11/02/2020, áp dụng quy định mới khi đăng ký xe máy
- Chồng một mình đứng tên Sổ đỏ, vợ có bị thiệt?
- Cập nhật Bảng giá đất 63 tỉnh thành giai đoạn 2020 - 2024
- Toàn bộ trường hợp được miễn lệ phí trước bạ nhà đất
- Hướng dẫn cách để vợ chồng cùng đứng tên Sổ đỏ mới nhất
- NHỮNG LƯU Ý LIÊN QUAN ĐẾN THÔNG TIN PHÁP LÝ CHO CONDOTEL. CẨN THẬN NHỮNG LỜI TRẤN AN CỦA CÁC CHỦ ĐẦU TƯ LOẠI HÌNH NÀY
- Thủ tục sang tên Sổ đỏ: Toàn bộ những hướng dẫn mới nhất
- Mua bán nhà đất bằng giấy tờ viết tay có được sang tên Sổ đỏ?
- Từ 01/4/2020, bãi bỏ hàng loạt quy định xử phạt lĩnh vực xây dựng
- Video: 5 điều cần lưu ý khi mua căn hộ chung cư để tránh rủi ro
- Từ năm 2020, Sổ bảo hiểm xã hội không còn nữa?
- Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi có Bộ luật Lao động mới?