Kiều hối chảy mạnh về Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo tiếp tục tăng trưởng. Đáng chú ý, nguồn kiều hối đang có sự dịch chuyển trở lại đối với bất động sản sau một thời gian dài đóng băng và giao dịch trầm lắng.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho rằng, với tình hình kinh tế thế giới, cũng như trong nước đang có chuyển biến tích cực, nhất là khi bất động sản có dấu hiệu ấm lên sẽ là điều kiện tốt để thu hút nguồn kiều hối từ các nước chảy về Việt Nam. “Dự kiến, cả năm 2015, lượng kiều hối chuyển về qua các ngân hàng trên địa bàn Thành phố đạt 5,3-5,5 tỷ USD so với năm 2014 là 5 tỷ USD. Vì theo thông lệ hàng năm, kiều hối chuyển về năm sau thường cao hơn năm trước và kiều hối tăng mạnh vào thời điểm cuối năm”, ông Minh nói.
Ông Lê Minh Tâm, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty Kiều hối Ngân hàng Sacombank (SBR) cũng cho hay, 6 tháng đầu năm nay, doanh số chi trả kiều hối qua Công ty cũng có chiều hướng tăng trưởng, với doanh số chi trả ước đạt 50% kế hoạch năm 2015. “Nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam tiếp tục tăng mạnh ở nguồn lực xuất khẩu lao động của Việt Nam làm việc ở nước ngoài gửi về cho người thân để trả nợ, chi tiêu…”, ông Tâm nhận định.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng Minh, trong cơ cấu nguồn kiều hối chuyển về TP.HCM 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ vào bất động sản chiếm 21,8% tổng số kiều hối chuyển về trên địa bàn. Theo ông Minh, nếu so năm 2014 với năm 2013, lượng kiều hối vào bất động sản chỉ tăng 0,5-0,6%. Tuy nhiên, với tình hình bất động sản đang dần ấm lên hiện nay, khả năng lượng kiều hối chuyển vào bất động sản sẽ tăng nhiều hơn. Nếu cuối năm 2014, tỷ lệ kiều hối chuyển vào bất động sản khoảng 21,2%, thì khả năng cuối năm nay, lượng kiều hối chảy vào lĩnh vực bất động sản sẽ tăng 23 - 24%.
Trong khi đó, kiều hối vào sản xuất, kinh doanh chiếm đến 71,7%, phần còn lại là hỗ trợ thân nhân. Đồng thời, nguồn kiều hối từ lực lượng xuất khẩu lao động cũng tăng mạnh. Thực tế cho thấy, bất động sản là lĩnh vực thu hút kiều hối nhiều nhất với 4,7 tỷ USD, chiếm 52% trong tổng doanh số kiều hối năm 2011. Vì vậy, có thể thấy, sự biến động của thị trường đầu tư này đã ảnh hưởng đáng kể đến dòng chảy kiều hối.
Hơn nữa, hiện các kênh đầu tư khác như chứng khoán, gửi tiết kiệm không còn hấp dẫn; lãi suất tiết kiệm ngoại tệ giảm mạnh; tỷ giá hối đoái được kiểm soát ổn định trong 2 năm qua, nên tình trạng găm ngoại tệ cũng không còn. Vì thế, nguồn kiều hối về nước không còn mặn mà gửi tiết kiệm như trước đây, mà có xu hướng tìm kênh đầu tư hiệu quả. Trong đó, bất động sản đang được xem là lĩnh vực nổi trội thu hút kiều hối dần trở lại sau thời gian dài đóng băng.
Lãnh đạo Công ty Kiều hối Đông Á cũng cho rằng, bất động sản ấm lên không chỉ tăng lượng kiều hối, mà còn cả nguồn vốn nước ngoài, tác động kép tạo sức hút đầu tư nước ngoài. Giá bất động sản thời gian qua giảm mạnh và theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường nhà, đất đã giảm về mức giá hợp lý nhất là phân khúc nhà chung cư, nhà và đất dự án. Vì thế, không loại trừ khả năng kiều hối sẽ quay mạnh trở lại bất động sản để tìm cơ hội đầu tư.
Việt Nam đang nằm trong top 10 nước nhận được kiều hối nhiều nhất trên thế giới và dự báo trong năm 2015 sẽ nhận được 14 tỷ USD kiều hối.
Nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam vẫn từ thị trường châu Âu, châu Mỹ là chính. Các thị trường khác trong khu vực ASEAN có chuyển biến, nhưng cũng chỉ chuyển biến nhẹ, chủ yếu là các thành phần lao động xuất khẩu.
Kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu tăng trưởng, kinh tế trong nước cũng có dấu hiệu đi lên, đặc biệt là đối với thị trường bất động sản, chứng khoán dần cải thiện sẽ là điều kiện tốt để thu hút nguồn kiều hối. Do đó, dự báo lượng kiều hối sẽ gia tăng 12-15% trong năm nay là hoàn toàn có cơ sở.
Các bản tin khác
- WB ủng hộ triển khai dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng
- Sớm chốt phương án triển khai di dời ga đường sắt
- Đà Nẵng định xây hầm vượt sông Hàn hơn 4000 tỷ theo hợp đồng BT
- Nhà đầu tư săn lùng đất nền Nam Hòa Xuân
- Đà Nẵng: Xuất hiện cơn sốt đất nền Khu đô thị sinh thái Nam Hòa Xuân
- Việt kiều mua nhà cần giấy tờ gì?
- Mua nhà được cam kết lợi nhuận: Hợp đồng phải chặt
- Vì sao người nước ngoài vẫn ngại mua nhà tại Việt Nam?
- Sốt dự án đô thị sinh thái tại Đà Nẵng
- Đà Nẵng sắp xây hầm 4.000 tỷ qua sông Hàn
- Nhiều đại gia ngoài ngành bất ngờ lấn sân sang bất động sản
- Nhiều kẽ hở khiến người mua nhà thua thiệt
- Ô tô nhỏ sắp tràn vào VN
- Người mua nhà chịu thiệt vì nhiều “lỗ hổng” pháp luật
- Gần 230 tỷ đồng đầu tư xây dựng Nút giao khác mức Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương
- Môi giới bất động sản chuẩn bị dồn về Đà Nẵng
- Đua nhau làm dự án đổi lấy đất
- Loạt thương vụ chuyển nhượng cao ốc đốt nóng thị trường năm 2016
- Việt kiều đổ vốn vào bất động sản nghỉ dưỡng
- Căn hộ nghỉ dưỡng F.Home chào sàn Sài Gòn